Wednesday 30 April 2014

BÁO CÁO NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM NĂM 2013 (Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam)




Defend The Defenders  -  April 30, 2014

TÓM LƯỢC

Tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2013 được đánh dấu với một số sự kiện đáng chú ý.

Trước hết là việc Việt Nam được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền Liện Hiệp Quốc ngày 12 tháng 11. Mặc dù việc trúng cử không phải là điều đáng ngạc nhiên bởi vì chỉ có 4 nước ứng viên trong khu vực Châu Á tranh 4 ghế trống, nhưng đây cũng là một cơ hội để Việt Nam, qua lời của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, cam kết “sẽ cho thế giới biết thực tế tôn trọng và bảo đảm quyền con người trong những lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự tại Việt Nam.”1 Biến cố thứ hai là trước đó một tuần, vào ngày 7 tháng 11, Việt Nam đã ký tham gia Công ước Chống Tra Tấn. Nhưng biến cố được quảng bá rầm rộ hơn hết là việc đưa khái niệm quyền con người vào bản Hiến pháp được sửa đổi cũng vào tháng mười một.

Nhà nước Việt Nam đã tận dụng mọi cơ hội quảng bá các biến cố đó để chứng tỏ Việt Nam luôn tôn trọng nhân quyền như đã cam kết khi được kết nạp vào Liên Hiệp Quốc cũng như gia nhập các công ước quốc tế về nhân quyền. Tuy nhiên, thực tế tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2013 đã chuyển biến ngược lại: số người bị bắt giam vì không cùng chính kiến với đảng cầm quyền gia tăng, số người chết và bị thương vì bạo hành của công an không suy giảm, số nông dân mất ruộng vườn mà không được đền bù thỏa đáng càng nhiều hơn…

Bản báo cáo này được hoàn thành với sự cộng tác của nhiều người ở Việt Nam và hải ngoại có mục đích trình bày tổng quát những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2013 qua các sắc thái sau:

- Quyền sống, quyền tự do, và an ninh thân thể của người dân không được tôn trọng,
- Tòa án chỉ là công cụ của đảng cầm quyền, – Quyền chính trị của người dân bị triệt tiêu,
- Quyền tự do phát biểu và tự do ngôn luận bị chà đạp,
- Việc hạn chế sinh hoạt tôn giáo của người dân và đàn áp tín hữu vẫn phổ biến,
- Nhà nước tiếp tục dung dưỡng và một xã hội bất bình đẳng và kỳ thị,
- Người công nhân bị cướp mất những quyền lao động cơ bản,
- Tình trạng an sinh của người dân và công bằng xã hội vẫn chỉ là chiếc bánh vẽ.

Với bản báo cáo nầy, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam không những nhằm báo động dư luận thế giới về tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam hiện nay, mà còn yêu cầu nhà cầm quyền CSVN chấm dứt những vi phạm đã tồn tại trong nhiều năm qua đồng thời phải bồi thường xứng đáng những thiệt hại gây ra cho nhân dân và các tập thể quần chúng. MLNQVN cũng ước mong các chính phủ yêu chuộng tự do – dân chủ và các tổ chức nhân quyền quốc tế có thái độ thích đáng đối với Việt Nam vì những thành tích tệ hại về nhân quyền của họ; đặc biệt cần ngăn cản việc chính quyền Việt Nam làm hoen ố uy tín của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc khi họ lạm dụng tư cách thành viên của Hội đồng.
____________________________________________________


TỔNG QUAN VỀ VIỆT NAM

 A. Địa lý: Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam
Á, phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào và Campuchia, phía tây nam giáp vịnh Thái Lan, phía đông và phía nam giáp Biển Đông và có hơn 4.000 hòn đảo, với diện tích đất liền là 331.689 km2, và dân số 89,71 triệu người (tính đến tháng 12/2013).
B. Lịch sử: Theo Hiệp định Genève 1954 chấm dứt chế độ thực dân Pháp, Việt Nam bị chia làm hai: Phía nam vĩ tuyến 17 thuộc Quốc Gia Việt Nam, phía bắc vĩ tuyến 17 thuộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngay sau Hiệp định Genève 1954, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa dưới sự thống trị của Đảng Cộng Sản VN đã phát động chiến tranh xâm chiếm Miến Nam. Tháng 4 năm 1975, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã chiến thắng cuộc chiến xâm lược Miền Nam và thiết lập Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
C. Chính trị: Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một chế độ độc đảng. Theo Hiến pháp
được tu chính năm 2013, “Đảng Cộng sản Việt Nam [¼] là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Điều 4.1). Chính quyền được chia thành ba ngành: Quốc hội, Chính Phủ, và Tòa án Nhân dân; tuy nhiên, trên thực tế cả ba ngành đều chịu sự thống trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đều được bầu qua phổ thông đầu phiếu; tuy nhiên các ứng viên đều được sàn lọc bởi Đảng Cộng sản. Các tổ chức chính trị ngoài Đảng Cộng sản đều bị cấm.
 D. Kinh tế: Sau Chính sách Đổi Mới vào thập niên 80, với số vốn viện trợ và đầu tư từ nước ngoài, hoạt động kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Nhiều cơ sở sản xuất và thương mãi nhà nước cũng như tư được thiết lập. Tổng sản lượng quốc gia gia tăng đáng kể, thu nhập bình quân của người dân lên đến 1,960 Mỹ kim vào năm 2013, theo báo cáo của chính phủ. Tuy nhiên sự cách biệt giàu – nghèo càng ngày càng lớn. Việt Nam là nước đứng thứ 2 trong số các nước khu vực Đông Nam Á có số người siêu giàu tăng mạnh trong năm 2013 trong lúc 70% dân số vật lộn với miếng cơm hàng ngày và trên 42% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.1
E. Xã hội: Việt Nam có 54 sắc dân, trong đó người Kinh chiếm 87%. Ngôn ngữ chính là tiếng Việt. Tuyệt đại đa số người dân có niềm tin tôn giáo,2 nhiều nhất là thờ cúng tổ tiên, đạo Phật, đạo Thiên Chúa, Đạo Hồi, Đạo Bà Hai, và một số tôn giáo mang màu sắc địa phương như Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài Giáo¼ Một số nhỏ mà hầu hết là đảng viên Đảng Cộng sản tự cho mình là vô thần. Mặc dù tỷ lệ dân số đô thị tăng trưởng trong thập niên vừa qua, xã hội Việt Nam vẫn mang tính chất nông nghiệp với gần 70% dân cư ở nông thôn. Dân chúng sống ở thôn quê, đặc biệt là những vùng hẻo lánh chịu thiệt thòi nhiều mặt như thu nhập, giáo dục, và y tế…
____________________________________________________



I. QUYỀN SỐNG, QUYỀN TỰ DO,
VÀ AN NINH THÂN THỂ BỊ GIỚI HẠN

1. Án Tử Hình
Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, tuy được sửa đổi lần sau cùng vào năm 2010 nhưng vẫn duy trì án tử hình. Có đến 22 điều luật quy định tội danh có thể dẫn đến án tử hình. Các tội danh nầy không những bao gồm các tội đại hình như sát nhân hoặc phản quốc, mà còn bao gồm những tội thuộc lãnh vực kinh tế như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu, tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, tham ô tài sản; và đặc biệt là những tội danh chính trị mơ hồ như “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79). Tính cách mơ hồ của điều luật 79 nầy cho phép chính quyền giải thích những phát biểu hoặc những hành vi chính trị bất bạo động là những “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và có thể bị xử án tử hình.

Thi hài người bị tử hình đầu tiên bằng thuốc độc được chuyển giao cho thân nhân sau khi bị xử tại Hà Nội ngày 6-8-2013. Hình VTC News

Trong năm 2013 không có một ai bị kết án tử hình về tội danh của điều 79; tuy nhiên điều luật nầy được Nhà nước thường xuyên khai thác như là một biện pháp răn đe những ai dám thách thức quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng Sản VN. Phần lớn các án tử hình trong năm 2013 nhằm vào các tội buôn bán ma túy và sát nhân. Có 4 án tử hình được dư luận chú ý thuộc lãnh vực kinh tế nhằm vào 4 viên chức nhà nước bị thất sủng. 1
 Trong những năm trước, thống kê về án tử hình tại Việt Nam luôn được coi là “bí mật quốc gia”; tuy nhiên trong năm 2013, qua tiết lộ của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thì tính đến hết ngày 30-9-2013, còn 684 người bị kết án tử hình chưa bị thi hành án, tăng 174 người so với tháng 9-2012.2
Ngày 20 tháng 1 năm 2014, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tuyên án tử hình 30 người vì tội buôn ma túy. Đây là số án tử hình nhiều nhất trong một phiên tòa trong lịch sử tư pháp Việt Nam. Vào tháng hai năm 2014, ba tổ chức nhân quyền quốc tế là Harm Reduction International, Reprieve và Liên minh Thế giới chống Án tử đã yêu cầu LHQ ngưng trợ giúp VN trong công tác bài trừ ma túy vì VN đã lạm dụng án tử hình.
Kể từ tháng 9-2011, chính phủ đã quy định ngưng thi hành án tử hình bằng cách xử bắn trong lúc chờ đợi thiết lập những cơ sở thi hành án tử hình bằng cách chích thuốc độc. Các quốc gia Tây phương đã không đồng ý bán thuốc độc cho Việt Nam, vì thế mãi cho đến tháng 8 năm 2013 VN mới thi hành án tử hình đầu tiên bằng thuốc độc do VN sản xuất. Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2013 đã có 9 tử tội bị xử tử bằng cách chích thuốc độc. Số tử tội đã bị bác đơn ân xá và đang chờ bị thi hành án tiếp theo là 167 người.3
 Vấn đề đáng quan ngại không những hệ tại ở việc duy trì và gia tăng số lượng án tử hình, nhưng còn hệ tại ở những khiếm khuyết của quá trình thủ tục tố tụng hình sự đưa đến việc kết án tử hình mà Bản Báo Cáo nầy sẽ đề cập đến trong phần Tư Pháp.

Ông Hoàng Văn Ngài tử vong trong lúc bị công an giam giữ trên Cao Nguyên Việt Nam ngày 17-3-2013.  Hình Morning Star News


 2. Giam Giữ Tùy Tiện
Trong năm 2013 Ủy Ban Điều Tra của Liên Hiệp Quốc về Giam Giữ Tùy Tiện (UNWGAD) đã ba lần đưa quyết định quy trách chính quyền VN vi phạm các điều khoản trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị khi giam giữ tùy tiện những công dân của họ.
Quyết định thứ nhất ngày 12-2-2013 liên hệ đến việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ 3 người hoạt động cho Công đoàn là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương.
Quyết định thứ hai ngày 28-11-2013 liên hệ đến 16 nhà hoạt động xã hội và chính trị trẻ tuổi bị bắt giam và tuyên án tù trong năm 2012 và 2013; đó là các ông Đặng Xuân Diệu, ông Hồ Đức Hòa, ông Nguyễn Văn Oai, ông Chu Mạnh Sơn, ông Đậu Văn Dương, ông Trần Hữu Đức, ông Lê Văn Sơn, ông Nông Hùng Anh, ông Nguyễn Văn Duyệt, ông Nguyễn Xuân Ánh, ông Hồ Văn Oanh, ông Thái Văn Dung, ông Trần Minh Nhật, bà Tạ Phong Tần, ông Trần Vũ Anh Bình, và ông Nguyễn Đình Cương.
Quyết định thứ ba ngày 2-12-2013 liên hệ đến việc giam giữ LS Lê Quốc Quân, một người hoạt động nhân quyền bị vu oan tội trốn thuế. Đây chỉ là một số trong nhiều trường hợp liên hệ đến những người hoạt động nhân quyền và chính trị bị bắt giữ một cách tùy tiện tại Việt Nam trong năm 2013 [Xem phần phụ lục về danh sách tù nhân lương tâm]. Việc giam giữ tùy tiện còn nhằm vào nhiều thành phần dân chúng khác, và được áp dụng qua nhiều hình thức khác nhau như lệnh tạm giam, các trung tâm “phục hồi nhân phẩm”, “trung tâm cai nghiện” v.v…
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành thì thời gian tạm giam đối với nghi can có thể kéo dài 4 tháng; tuy nhiên cơ quan điều tra, Viện Kiểm Sát, và Tòa án đều có quyền gia hạn tạm giam đến 3 lần. Trên thực tế có rất nhiều vụ nghi can bị giam giữ vô thời hạn mà không hề có phán quyết của tòa án.4
Các trung tâm cai nghiện và các trại phục hồi nhân phẩm là những hình thức giam cầm không xét xử và không có sự kiểm soát của tòa án. Các nạn nhân bị buộc làm những công việc nặng nhọc, bị hành hạ, và nhiều trường hợp bị cưỡng bức phục vụ tình dục cho các quản giáo.5

 3. Bạo Hành của Công An
Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn ngày 7-11-2013; tuy nhiên việc dùng bạo lực để ép cung trong thời gian điều tra tội phạm, trấn áp những cá nhân hay tổ chức không cùng chính kiến với ĐCSVN, và ngay cả để kiếm tiền hối lộ vẫn không giảm bớt so với những năm trước.
Tình trạng sỉ nhục và đả thương người dân nơi công cộng hay bắt người vào đồn công an, dùng nhục hình tra tấn đôi khi đến chết mà người có trách nhiệm không bị một chế tài thực sự của luật pháp vẫn tiếp tục gia tăng. Điều đáng chú ý là hầu hết các trường hợp tử vong khi bị công an giam giữ thường chỉ liên hệ đến các lỗi phạm không đáng kể, như xích mích giữa hàng xóm, trộm cắp vặt, v.v. Hầu hết các trường hợp tử vong khi bị tạm giữ tại đồn công an đều được cho là do tự tử, trong lúc gia đình các nạn nhân đều ghi nhận nhiều dấu vết bị hành hạ và tra tấn còn lại trên thi thể nạn nhân. Trong Năm 2013, ít nhất có đến 13 trường hợp chết do bạo hành của công an và các lực lượng an ninh khác được tiết lộ qua mạng truyền thông như sau:

- Ông Trần Văn Tân, 53 tuổi, trú ở xã Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương bị công an bắt giam vì nghi ăn trộm một tấm tôn của công ty xi măng Thành Công vào ngày 2-1- 2013. Ngày hôm sau gia đình được tin ông Tân thắt cổ tự tử trong đồn công an. Gia đình cho biết không hề có dấu hiệu nào trên cơ thể chứng tỏ ông Tân tự tử.6

- Ông Nguyễn Văn Ái, 42 tuổi, trú tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An bị một nhóm công an hành hung ngày 16-1-2013. Ông qua đời 2 ngày sau đó ở bệnh viện vì vết thương quá nặng.7

- Ông Hoàng Văn Ngài, 39 tuổi, một chức sắc Hội Thánh Tin Lành người H’Mong cư ngụ tại xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa tỉnh Dak Nong bị bắt giam cùng với một số người khác vì bị cáo buộc phá rừng vào ngày 14-3-2013. Ngày 17-3-2013, trong lúc điều tra công an đã đánh đập ông Ngài đến chết.8

- Ông Nguyễn Văn Quệ, 47 tuổi, ở tại đội 10, xã Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng bị công an bắt trong một cuộc bố ráp đánh bạc ngày 7-4-2013. Ông Quệ bị chết khi tay còn bị còng. Công an nói ông Quệ chết vì trụy tim; tuy nhiên gia đình cho rằng bạo hành công an đã dẫn đến tử vong.9

- Ông Trần Văn Hiền, 42 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, bị cảnh sát giao thông chận phạt ngày 9-4-2013. Sau đó vì có lời qua tiếng lại với cảnh sát giao thông, ông bị hai người cộng sự với cảnh sát đánh đến tử vong.10

- Ông Nguyễn Huy Đức, 20 tuổi, trú ở Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh cùng một số người tham gia đánh bạc bị công an phát giác ngày 11-4-2013. Theo lời công an, ông Đức tử vong vì té khi chạy trốn, nhưng gia đình nạn nhân cho rằng công an đã đánh chết nạn nhân.11

- Ông Nguyễn Văn Đức, 32 tuổi, ngụ khóm 3, P.5, TP Vĩnh Long, bị công an TP Vĩnh Long bắt tạm giam ngày 28-5-2013 vì bị nghi có liên quan đến một vụ cướp giật tài sản. Ngày hôm sau công an báo tin Ông Đức đã chết vì bị té trong quá trình làm việc. Khám nghiệm cho thấy Ông Đức tử vong do chấn thương sọ não.12

- Ông Cao Văn Tuyên, 19 tuổi, trú ở thôn Suối Lách, xã Khánh Trung- Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, bị Công an xã Khánh Trung mời làm việc ngày 5-7-2013 vì đang nuôi một con heo con bị lạc mà ông bắt được trước đó chừng một tháng. Anh đến trình diện trễ và bị công an dùng gậy đánh đến tử vong.13

- Ông Vũ Đức Hiếu, 29 tuổi, trú tại thôn Hậu Bổng, xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, bị 3 nhân viên cán bộ Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tỉnh Hải Dương dùng gậy đánh chết vào ngày ngày 16-9-2013 trong lúc theo chương trình cai nghiện tại trại. Ông Hiếu bị cho là lười lao động, phạm nội quy của trại. Kết quả khám nghiệm cho thấy nạn nhân chết do bị giết, ngoài những vết bầm tím trên người, nạn nhân còn bị gãy năm xương sườn và một số chấn thương khác.14

- Cô Trần Thị Hải Yến, 31 tuổi, ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bị TAND huyện Tuy An phạt 30 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”. Vì bị oan nên cô Yến đã kháng án. Tòa phúc thẩm tỉnh Phú Yên ngày 1-7 tuyên hủy án sơ thẩm, giao cho VKSND huyện Tuy An điều tra lại. Trong quá trình tiếp tục bị tạm giam tại trại tạm giam Công an huyện Tuy An, ngày 7-10-2013, cô Yến tử vong và bị kết luận là “thắt cổ tự tử”, trong lúc biên bản khám nghiệm tử thi ghi nhận có nhiều vết thương, đặc biệt là máu ở cửa mình.15

- Ông Y Két Bdap, 36 tuổi, ở buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk bị công an xã Ea Bhốk đánh chết ngày 27-11- 2013 trong quá trình điều tra về việc nghi trộm bò mà đương sự cho là nghi oan. Ngày 9-12-2013, công an Tỉnh Đắk Lăk đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với công an Trương Trung Hiếu và Y Phiên Adrơng về tội giết người.16

- Ông Đỗ Duy Việt, 47 tuổi, cư ngụ tại xã Luận Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa bị công an bắt ngày 21-12-2013 để điều tra về lời tố cáo xâm phạm tình dục. Ngày 24- 12-2013, công an thông báo ông Việt treo cổ tự vận. Gia đình không đồng ý với lý do tử vong do công an đưa ra vì trên cổ nạn nhân không có vết tích của việc thắt cổ.17

- Em Tu Ngọc Thạch, 14 tuổi, học sinh lớp 9 trường THPT Lương Thế Vinh, Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bị công an xã Vạn Lương bắt ngày 28-12-2013 vì tham gia đánh lộn với một nhóm trẻ. Ngày hôm sau em Thạch được gia đình bảo lãnh về, nhưng qua đến ngày 30 em bị ngất, gia đình đem vào bệnh viện cấp cứu nhưng em đã tử vong ngày sau đó. Giấy báo tử của bệnh viện ghi rõ nạn nhân chết do nứt sọ.18

Xem toàn bộ bản Báo cáo nhân quyền tại Việt Nam năm 2013 của Mạng lưới nhân quyền Việt Nam tại đây: Báo cáo nhân quyền Việt Nam 2013




No comments:

Post a Comment

View My Stats