Tuesday, 29 April 2014

NHỮNG Ý KIẾN TRONG NGÀY TRI ÂN THƯƠNG PHẾ BINH VNCH (Mana Khanh - VRNs)




Mana Khanh, VRNs
Đăng ngày: 29.04.2014

VRNs (29.04.2014) – Sài Gòn – Sau biến cố năm 1975, những người Thương Phế Binh tưởng chừng như đã bị lãng quên, nhưng hôm 28.04.2014, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã trả lại giá trị đích thực cho họ. Họ là những con người vì bảo vệ tổ quốc và dân tộc đã để lại một phần thân thể ở chiến trường. Họ phải được tri ân. Và hôm qua là lần thứ 2 những ông Thương Phế Binh được Tri Ân.

Linh Mục Đinh Hữu Thoại, thành viên ban tổ chức cho biết: “Tôi là người trong ban tổ chức Ngày Tri Ân những TPB VNCH. Chúng tôi được gợi hứng từ lần tổ chức năm ngoái do Chùa Liên Trì của Hòa Thượng Thích Không Tánh kết hợp với chúng tôi để tổ chức tại khuôn viên của Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Năm nay chúng tôi muốn tiếp tục duy trì việc này và sẽ cố gắng để một năm tổ chức một lần.

Khi được hỏi về ý nghĩa của việc tổ chức ngày tri ân, Linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết: “Các TPB VNCH là những người đã hy sinh một phần thân thể cho đất nước. Chúng ta không bàn đến chiến tranh phi nghĩa hay chính nghĩa nhưng đó là một biến cố lịch sử mà các vị TPB đã hy sinh một phần thân thể của mình vì đất nước. Bởi vậy họ đáng phải được quan tâm, nhưng suốt gần 40 năm nay họ bị loại ra bên lề xã hội. Nhà cầm quyền không quan tâm đến họ, không những không quan tâm mà còn có cái nhìn phân biệt đối xử với họ. Vì vậy chúng tôi muốn vực dậy vai trò và giá trị của họ. Họ là những người đáng được tri ân đó là ý nghĩa chúng tôi tổ chức Ngày tri ân. Những món quà trao không lớn, nhưng tinh thần thì cao quý để cho các anh em TPB có dịp ngồi lại với nhau, có dịp gặp gỡ chia sẻ để cho họ thấy được phẩm giá của họ trong xã hội ngày hôm nay.”

Khi được hỏi về khó khăn trong việc tổ chức Linh Mục Đinh Hữu Thoại cho biết: “Lúc đầu chúng tôi dự trù khoảng 200 thôi và thời hạn ghi danh là 1 tuần lễ, mà không ngờ con số ghi danh đã vượt quá dự trù của chúng tôi là trên 400. Do vậy khó khăn đầu tiên là chúng tôi lo lắng về khâu tổ chức làm sao cho nó trọn vẹn. Nhưng sau khi kêu gọi, chúng tôi đã nhận được sự đóng góp quảng đại của nhiều người trong nước cũng như ngoài nước và cuối cùng thì chúng tôi yên lòng về vật chất. Cái khó khăn nữa là một số TPB đã bị công an đến nhà ngăn cản, hăm dọa không cho họ đi tham dự buổi gặp mặt này, nhưng theo tôi biết thì họ vẫn đến đây tham dự buổi hôm nay. Đó là những khó khăn chúng tôi gặp trong khâu tổ chức. Còn riêng nhà cầm quyền không đến đây để làm khó chúng tôi gì cả”.

Khi được hỏi ban tổ chức có muốn nhắn gửi gì với nhà cầm quyền không? Linh Mục Đinh Hữu Thoại cho biết như sau: “Tôi kêu gọi lương tâm của nhà cầm quyền phải công minh, nhà cầm quyền luôn luôn hô khẩu hiệu “hòa giải, hòa hợp” nhưng trên thực tế không hề có hòa giải, những người này là những người bị bỏ rơi. Ngay cả những người thương phế binh của chế độ này vẫn còn bị đối xử không xứng đáng huống gì tới những TPB của VNCH. Tất cả đều là người Việt Nam nhưng mà sự chăm sóc của xã hội dành cho những người hy sinh một phần thân thể cho chiến tranh để bảo lệ lãnh thổ, lãnh hải của VN không có xứng đáng với sự hy sinh của họ. Trong khi đó nhà cầm quyền phung phí tiền bạc vào những sự không cần thiết một cách rất lãng phí để mị dân, chẳng hạn như trong bài giảng của Cha Thanh ngày hôm Chúa nhật, ngài nói “họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra để tổ chức một cuộc thể thao hay mời một ca sỹ nước ngoài về đây hát hò trong khi đó những nhu cầu căn bản của những người đóng góp hy sinh một phần thân thể cho đất nước thì không được quan tâm, không được chú ý”.

Nhà báo tự do Trương Minh Đức có mặt trong Ngày tri ân hôm 28.04 cho biết: “Tôi nghĩ tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tổ chức Ngày tri ân của các chiến sỹ quân lực VNCH mà cũng là những thương phế binh trước đây bị tàn tật thì hầu như sau gần 40 năm họ bị lãng quên đây là việc làm hết sức thiết thực của Dòng Chúa Cứu Thế và đúng với nghĩa của nó”.

Khi được hỏi về sơ lược cuộc chiến tranh Bắc Nam nhà báo Trương Minh Đức cho biết: “Cuộc chiến Nam Bắc là một cuộc chiến phi nghĩa. Những đất nước khác người ta giành độc lập tự do người ta không phải đổ xương máu nhiều như vậy mà mình thấy trong cuộc chiến vừa qua đúng ra là nó không đáng có.
Nếu trường hợp muốn hòa giải dân tộc thì là hòa giải trong hòa bình không đổ máu thì vẫn là hay hơn, nhưng những lãnh đạo cộng sản vẫn xua quân qua vĩ tuyến 17 đã đưa hàng triệu thanh niên miền Bắc cũng như hàng triệu đồng bào miền Nam phải chết thảm thương. Tôi nghĩ đây là một điều rất tiếc và theo tôi đúng ra là không đáng có”.

Một người phục vụ trong Ngày tri ân, ông Nguyễn Bắc Truyển nói: “Dạ thưa hôm nay là ngày rất đặc biệt. Có thể nói sau 39 năm tôi mới tham dự một buổi lễ Tri ân TPB Cộng Hòa. Các Cha ở đây đã tổ chức một cách rất chu đáo cho buổi lễ Tri ân này. Năm nay thì có khoảng gần 500 vị khách nhưng có thể đoán được sang năm thì con số đó có thể là 1000. Gia đình tôi, Cha tôi là một người lính Cộng Hòa sau 1975 thì cũng như nhiều gia đình Việt Nam Cộng Hòa khác chúng tôi bị sự kỳ thị của nhà nước cộng sản Việt Nam về chuyện học hành, sinh hoạt nhà ở đều bị kỳ thị hết. Chúng tôi cũng đã vượt qua được cái đó. Và giá trị thực của VNCH thì ngày hôm nay đã được trả lại đúng giá trị thực của nó”.

Có mặt trong Ngày Tri Ân thầy Chánh Trị Sự Nguyễn Kim Lân, thuộc đạo Cao Đài Chơn Truyền Tòa thánh Tây Ninh cũng là thành viên Hội đồng liên tôn Việt Nam, chia sẻ cảm tưởng về Ngày Tri Ân TPB: “Chúng tôi là tuy khác tôn giáo, bản thân gia đình tôi là quân nhân của quân lực VNCH. Cho đến ngày hôm nay chúng tôi rất xúc động thấy được hình ảnh của chư quý ông Thương Phế Binh VNCH họ vui vẻ quây quần hàn huyên họ cùng nhau chia sẻ những nỗi vui buồn khó khăn trong cuộc sống trong những năm tháng vừa qua, một niềm vui mà tưởng chìm vào quá khứ, nhưng ngày hôm nay quý ông đã được an ủi trong phần đời còn lại của những ông TPB.

Khi được hỏi thầy mong muốn điều gì cho các ông TPB? Thầy chia sẻ: “Tôi mong muốn các ông TPB được niềm tin phấn chấn vào cuộc sống, và cuộc sống của các ông được đầy đủ hơn để phần nào an ủi những các ông TPB trong thời gian còn lại”.

Mục sư Tin Lành Mennonite, Nguyễn Mạnh Hùng cũng là thành viên Hội đồng Liên Tôn hiện đang ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương có mặt trong Ngày tri ân chia sẻ: “hôm nay Mục sư thấy rất là vui, vui vì những người anh em TPB VNCH trong suốt ba mươi mấy năm đã bị xã hội bỏ quên, nhưng ngày hôm nay anh em được về đây trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Hôm nay thấy anh em rất là vui và mọi người cũng rất vui.” Mục sư nói tiếp “Hy vọng qua buổi giao lưu này anh em sẽ có được sự an ủi, an ủi sự hi sinh xương máu của anh em trong chiến tranh vẫn được nhân dân VN ghi nhớ chứ không phải bị lãng quên công ơn của anh em”.

Khi được hỏi nếu được mong muốn, Mục sư mong muốn điều gì? Mục sư Hùng trả lời: “Mong muốn của Mục sư đối với nhà nước VN cũng lên xóa bỏ hết không nên phân biệt đối xử thương phế binh VNCH hay thương binh CS mà mình nên coi tất cả những người có đóng góp xương máu cho dân tộc đều được nhà nước và nhân dân quan tâm và trân trọng”.

Ông Bùi Văn Dĩ sinh năm 1951, số quân 534587, thuộc đơn vị đại đội địa phương quân 111 tiểu khu Tây Ninh, bị thương năm 1971, tại quận Hiếu Thiện nay là huyện Gò Dầu Tỉnh Tây Ninh. Ông Dĩ cho biết: “Tôi Thấy bữa nay Cha cho các anh em TPB cộng hòa gặp nhau như vậy tôi thấy rất ấm áp và xúc động…” Ông đã khóc khi nói như vậy. Khi được hỏi về kỷ niệm người lính VNCH ông nói: “Rất nhiều kỷ niệm nhưng giờ nói gì được…” Ông lại khóc nhiều….

Ông Vũ Văn Việt số quân 69/001879 thuộc chiến khu Bình Dài, tiểu khu Kiến Hòa bị thương ngày 19.6.1969. Ông chia sẻ như sau: “Cho tôi gửi lời tới quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế, quý anh em ban tổ chức đã tạo điều kiện cho anh em chúng tôi gặp nhau. Anh em đã một thời gọi là cùng nhau chiến đấu để bảo về hòa bình và đất nước. Hôm nay tôi rất vui tại vì có những người bạn mấy chục năm không gặp được, không ngờ ngày hôm nay mình lại gặp được cũng nhờ tổ chức của Dòng Chúa Cứu Thế mà anh em mình lại được gặp nhau”.

Ông Vĩ Văn Đặng số quân 62/600236, thuộc đơn vị không quân, không đoàn yểm cứ Pleiku bị phục kích ở đèo An Khê ngày 25.12.1971: “Mình cảm ơn những người đã nghĩ tới những người chế độ cũ, thấy an ủi đỡ phần nào, tinh thần thoải mái”. Khi được hỏi từ sau 1975 tới giờ đã có cuộc gặp mặt nào như vậy chưa, Ông nói: “Chưa bao giờ có ngày nào được gặp nhau như vầy, tôi ao ước có được ngày gặp mặt bao năm rồi mà giờ mới được có ngày này”.

Một người phụ nữ tới phục vụ trong Ngày Tri Ân chia sẻ: “Tôi là người Sài Gòn chính cống, và tôi đã trải qua cuộc chiến cũng như đã trải qua 39 năm từ ngày chiến tranh chấm dứt và hôm nay nhân ngày tri ân thương phế binh VNCH tôi rất lấy làm xúc động. Xúc động vì thấy rằng ý thức hòa giải và hòa hợp dân tộc đã được thực hiện tại nơi Dòng Chúa Cứu Thế. Những anh em chiến sỹ của cả hai bên dù chiến đấu cho bất cứ lý tưởng nào khi đã hy sinh một phần thân thể cho đại cuộc đều xứng đáng được vinh danh và kính trọng. Hôm nay DCCT đã làm được điều đó, chính tôi cũng là một thương binh của chế độ hiện hữu và tôi xin ngưỡng mộ và kính cẩn cảm tạ những gì Dòng Chúa Cứu Thế đã làm cho những anh em thương phế binh cộng hòa”.

Bà nói tiếp: “Quả thật những gì DCCT đã làm từ hai năm qua là điều phi thường, điều thuận với đạo lý với tình tự dân tộc, thuận với lòng người, thuận với ý thức hòa hợp hòa giải dân tộc thì cái điều phi thường này làm sao có thể tiếp tục được làm. Đó là điều trăn trở của những người như chúng tôi. Tại vì dòng Chúa Cứu Thế có một tư duy, có một não trạng dân tộc rất là to lớn ngay từ thời cuộc chiến tranh đang xẩy ra ác liệt tại miền Nam Việt Nam. Bây giờ xoa dịu vết thương lòng này của dân tộc, tôi mong rằng DCCT có thể làm ít nhất 1 năm một lần hay 2 lần vào những ngày nào có ý nghĩa trong năm đó”.

Linh Mục Phạm Trung Thành, Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế nói về ý nghĩa của Ngày Tri Ân các TPB: “Chúng tôi cảm thấy đây là những con người đã bị mất mát quá nhiều. Qua cuộc chiến 40 năm, hầu như họ bị bỏ quên. Tất nhiên không phải mọi người đều bỏ quên họ, nhưng họ đã bị lãng quên. Tôi thấy thứ nhất là chúng ta phải mang lại cho họ niềm vui, niềm vui của Chúa Phục sinh. Một Đấng Phục sinh còn đó những đau thương của những ký ức, là niềm vui của bình an và sự sống mới. Thứ hai là chúng ta là những người may mắn hơn họ rất nhiều, chúng ta phải công bằng với họ, chia sẻ với họ những mất mát. Cái chia sẻ lớn nhất đó là sự trân trọng quý mến và yêu thương họ. Món quà ngày hôm nay tuy nhỏ nhưng chúng tôi muốn gửi tình yêu thương và trân trọng tới họ”.

Mana Khanh, VRNs

---------------------------------

VRNs
Đăng ngày: 29.04.2014

VRNs (29.4.2014) – Sài Gòn – Hơn 400 thương phế binh của VNCH đã đến họp mặt trong ngày “Tri ân quý ông thương phế binh” vào ngày hôm qua 28.4 tại sân Hiệp nhất Gx. Đức Mẹ HCG Sài Gòn. Mặc dù thời tiết Sài Gòn hôm qua nắng nóng, nhưng tình yêu thương mọi người dành cho nhau dường như xua đi tất cả.  Anh Đức Hiệp. cộng tác viên của VRNs đã tranh thủ ghi lại những hình ảnh đẹp trong ngày họp mặt này.


--------------------------------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats