Được đăng ngày Thứ tư, 30 Tháng 4 2014 18:41
Định viết là: Kỷ niệm 30/4, bao giờ người Việt hết
“cực đoan”? Nhưng rồi lại thôi. Lý do là vì từ “cực đoan” không đủ để diễn
nghĩa, hơn nữa, viết thế có người lại cho rằng tôi nhằm vào người Việt hải
ngoại. Điều này không đúng vì không chỉ người Việt hải ngoại “cực đoan” mà người
Việt trong nước cũng vậy. Càng không nên vì đây là một ngày đau buồn, một ký ức
không thể nào quên của tập thể người Việt “bên thua cuộc”. Ký ức tập thể đau
buồn của người Việt hải ngoại là hiện hữu và vẫn chưa phai mờ dù rằng chiến
tranh đã lùi xa gần 40 năm. Chúng tôi đồng tình và chia sẻ với ông Nguyễn Hưng
Quốc trong bài viết “Tháng Tư và ký ức tập thể”.
Tôi cũng định thay từ “cực đoan” bằng từ “hội chứng”
nhưng vì đã có một bài viết rất hay của một tác giả nổi tiếng, bài “Việt Nam: Cả nước trong cơn “hội chứng”
của Hạ Đình Nguyên. Đây là một bài nghiên cứu trung thực và khá đầy đủ về tâm
lý và tâm thức mà người Việt đang mắc phải, đó chính là nguyên nhân gây ra bao
nhiêu cảnh đời ngang trái mà chúng ta vẫn đang chứng kiến hàng ngày và nguy
hiểm hơn là chúng ta đã thấy quen với nó đến mức xem đó là bình thường.
Tôi đồng ý với ông Hạ Đình Nguyên rằng người Việt
chúng ta cũng như bao giống người khác trên thế giới chứ không phải là siêu
nhân “mình đồng, da sắt” hay “trăm tay, nghìn mắt” như Tố Hữu viết trong thơ.
Nếu lấy cột mốc là tiếng súng của thực dân Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng năm
1885 thì từ đó đến giờ Việt Nam chúng ta đã trải qua ít nhất năm cuộc chiến với
Pháp, Nhật, Mỹ, Campuchia và Trung Quốc chỉ trong hơn một thế kỷ. Người Việt đã
vắt kiệt sức lực lẫn tinh thần cho những cuộc chiến đó. Vì vậy, cho đến tận
ngày hôm nay, đất nước đã “thống nhất”, chiến tranh đã lùi xa nhưng “hội chứng”
nặng nề từ các cuộc chiến đó vẫn còn là sự ám ảnh khôn nguôi trong tâm thức của
người Việt dù là người lãnh đạo hay thường dân, nó làm cho “sự suy nhược
thần kinh và tâm sinh lý bộc phát, vỡ vụn, không còn biết đâu là phương hướng
để bước đi, quờ quạng như một người trong cơn say xỉn với bản năng bạo động và
nỗi hoang mang đến tận cùng tâm thức, hồn chưa hoàn lại xác”.
Đất nước Việt Nam của chúng ta ngày hôm nay rõ ràng
là đang trong tình trạng “không bình thường”, sự không bình thường đó không chỉ
tồn tại trong nội bộ đảng cộng sản, nhà nước và chính phủ Việt Nam mà nó
còn hiện hữu trong toàn bộ đời sống của người dân. Mọi giá trị đều bị đảo lộn,
cái tốt, cái thiện thì co lại và ẩn mình còn cái ác, cái xấu thì lên ngôi và
ngày càng ngạo ngược. Bây giờ là thế kỷ 21 nhưng lãnh đạo Việt Nam vẫn như
đang sống ở thế kỷ 19, họ vẫn ca ngợi chủ nghĩa Mác-Lênin, vẫn hô hào xây dựng
chủ nghĩa xã hội và vẫn mang nặng tâm thức thời chiến, cái gì họ cũng nhìn
nhận như một “trận đánh”, ví dụ vụ cưỡng chế đất của anh Đoàn Văn Vươn thì họ
gọi là “trận đánh đẹp”, hay việc cải cách giáo dục, xây dựng hạ tầng giao
thông… đều được gọi là “trận đánh lớn”! Vì mang tâm niệm là một trận đánh nên
trên bảo sao dưới làm vậy, đánh hỏng thì đánh lại trận khác. Không được bàn
luận hay phản biện gì tất. Lãnh đạo Việt Nam không hiểu nổi một điều đơn giản
là chiến tranh khác với xây dựng, phá khác với xây, không thể áp dụng nguyên lý
chiến tranh cho việc kiến thiết đất nước. Một ông lãnh đạo đảng từng phát biểu
một câu rất sốc rằng “Mỹ còn đánh thắng được thì chuyện làm kinh tế có gì là
khó?”. Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một phút nói thật đã thốt lên là
không biết đến cuối thế kỷ 21 Việt Nam có thể xây dựng xong xã hội chủ nghĩa
hay không? Nhưng mặc kệ nó, cả “đảng ta” lẫn “chính phủ ta” đều cùng nhau
lên đồng. Họ không ngớt lời chê bai chửi bới nước Mỹ, trong khi con cái đều cho
sang Mỹ học và tất cả đều thích đồng đôla Mỹ.
Cái không bình thường nay của “đảng ta” đã lây lan
sang một số bộ phận người Việt chúng ta. Vì không có đầu óc và tư duy độc lập
nên những người dân này luôn hùa theo chính quyền, cùng “lên đồng” với “đảng
ta”. Rất lo ngại khi một số người được xem là trí thức hay doanh nhân thành đạt
cũng mắc phải căn bệnh này, họ say sưa chửi bới Mỹ và sẵn sàng chụp mũ cho bất
cứ người nào có ý kiến trái với họ là “thế lực thù địch” và “phản động”. Họ
chửi Mỹ trong lúc khát khao kiếm tiền Mỹ và dùng hàng Mỹ. Theo dõi trên mạng và
thấy ngay cả tại Ukraina, không ít người Việt vẫn hùa với chính quyền chửi Mỹ
và khen Nga hết lời. Nhiều người vì bị “hội chứng” quá nặng nên họ trở nên cực
đoan và cuồng tín. Việc mỗi người nhìn nhận một sự việc theo những khía cạnh
khác nhau là chuyện đương nhiên, không có gì phải bàn vì đó là tính đa nguyên
của cuộc sống. Điều đáng nói ở đây là sự “cực đoan”, không chấp nhận mọi ý kiến
khác với mình. Nếu thua lý thì sẵn sàng chơi bài cùn! Và trước một đám đông cực
đoan như vậy thì những tiếng nói sự thật đành phải ẩn mình. Bi kịch là ở chỗ đó
vì cái sai, cái vô lý luôn tưởng mình là đúng.
Việt Nam là một dân tộc đang bị mất phương hướng,
người Việt không biết tin vào đâu, vào cái gì? Họ tìm đến với thần thánh và an
ủi mình là mọi sự đều tại cái số? Họ không hiểu rằng số phận của họ bị đảng
cộng sản Việt Nam định đoạt vì chính sự thiếu hiểu biết và thờ ơ của họ.
Cũng có người biết được điều đó nhưng họ bất lực vì họ nghĩ rằng mình sẽ chẳng
làm được điều gì. Những người khác thì sống theo nguyên tắc “mặc kệ nó”, luồn
lách và dẫm đạp lên người khác để sống, để tiến thân và tồn tại. Đến khi lâm sự
họ mới thấy cô đơn và đau khổ vì sự ghẻ lạnh của mọi người xung quanh. Vụ tiệm
vàng Hoàng Mai bị chính quyền thu giữ trái phép tài sản, nếu không nhờ báo chí
và cộng đồng mạng thì còn khuya mới đòi được tài sản của mình và có lẽ hơn ai
hết bà chủ tiệm vàng Hoàng Mai đã cảm nhận được sự bất công và vô lý của một
nhà nước độc tài toàn trị.
Vì
sao dân tộc Việt Nam lại bất hạnh đến thế? Vì sao dân tộc ta cứ u mê mãi như
vậy? Lý do chỉ có một, chính sự thiếu hiểu biết của
người dân vì sống không có tự do trong môi trường chính trị độc tài đã tạo ra
một xã hội biến dạng đến như vậy. Chỉ có sự hiểu biết và tự do sẽ giải thoát
chúng ta. Chính internet đã và đang dần dần làm cho người Việt tỉnh cơn mê. Một
bộ phận lớn người Việt đã phân biệt được phải trái, biết được đâu là đúng, đâu
là sai? Đâu là tuyên truyền dối trá và đâu là sự thật của cuộc sống. Càng đáng
mừng hơn khi một số lượng không ít người Việt Nam đặc biệt là lớp trẻ đã mạnh
mẽ lên tiếng cho sự thật, mạnh mẽ lên tiếng cho tự do, lên tiếng cho các quyền
của con người. Dù bị chính quyền đàn áp nhưng những tiếng nói dũng cảm đó ngày
càng nhiều hơn, mạnh mẽ hơn và nhất là khi nó được phát đi từ giới trí thức văn
nghệ sĩ, là những người rất nhạy cảm với cuộc sống và rất được người dân lắng
nghe.
Trong một xã hội đang mê man như Việt Nam hiện nay
thì sự lên tiếng của những người có hiểu biết và có uy tín trong xã hội như là
một liều thuốc cực tốt và cực mạnh để thức tỉnh cả dân tộc. Những việc làm dù
nhỏ bé của họ rồi đây sẽ được hậu thế tri ân và ghi nhớ. Những người dấn thân
cho dân chủ và tự do cho Việt Nam xứng đáng được tôn trọng và ngưỡng mộ. Hãy biết
ơn họ và đồng hành cũng họ, ít nhất họ cũng đã làm được những điều mà những
người khác không làm được.
Là những người hoạt động chính trị từ nhiều năm nay,
anh chị em chúng tôi trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn xiển dương ba
giá trị tư tưởng nền tảng đó là đấu tranh để thiết lập một nhà nước Việt Nam
Dân Chủ Đa Nguyên (tôn trọng mọi sự khác biệt về chính kiến và tư tưởng của mọi
thành phần dân chúng) với phương pháp Bất Bạo Động trên tinh thần Hòa Giải và
Hòa Hợp Dân Tộc. Nhân kỷ niệm ngày 30 tháng Tư lần thứ 39, chúng ta cùng nhau
tìm cách bồi đắp những mất mát và đau thương mà cộng đồng người Việt tị nạn đã
phải gánh chịu, chúng ta sẽ tìm cách làm tất cả những gì có thể để trả lại công
bằng cho mọi người bằng sự chân thành và lương thiện. Chúng ta cũng sẽ tìm cách
trả lại tự do và công bằng cho người Việt Nam trong nước bằng một đạo luật chế
tài nghiêm khắc mọi hành vi và lời nói xúc phạm đến quan điểm và tư tưởng của
người khác. Sẽ không có ý kiến nào là cấm nêu ra và không có chủ đề nào là cấm
bàn đến.
Chúng tôi cũng muốn đề nghị với người dân Việt Nam
rằng: Hãy dành sự quan tâm của mình cho các tổ chức chính trị thay vì các cá
nhân. Một cá nhân dù giỏi giang và nổi tiếng đến đâu đi nữa thì cũng không
thể làm gì để thay đổi chế độ toàn trị được mà chỉ có các tổ chức chính trị mới
thực sự làm được điều đó. Hãy đóng góp và tham gia vào các tổ chức chính
trị và rồi từ đó hãy đòi hỏi và yêu cầu ở các tổ chức chính trị thực hiện những
gì mình thấy cần thiết và mong muốn.
Việt
Hoàng
No comments:
Post a Comment