Wednesday, 30 April 2014

LÀM SAO MÀ QUÊN ĐƯỢC ! (Người Sài Gòn)






Nơi tôi không quên được đây chính là miền đất bazan đỏ quạch nơi một nửa gia đình tôi đã chuyển đến ở, được gọi với mỹ danh “Vùng kinh tế mới” ở Long Giao, Xuân lộc vào năm 1975. Thường thì vùng đất này đã nhạt nhòa trong ký ức của tôi vì khi ở đó, tôi còn bé lắm, nhưng mỗi năm, vào ngày giỗ Chị Oanh tôi hoặc khi truyền thông ăn mừng ngày 30/4 thì cái màu đỏ của vùng đất ấy và những câu chuyện liên quan lại cựa quậy trỗi dậy, như chưa hề ngủ quên trong ký ức tôi.

Tôi còn nhớ, những ngày tháng Tư năm 1975 đó trong căn nhà nhỏ ở Quận 3, Sài gòn, Má may cho Anh Giang, Anh Tám và tôi ba cái túi, bảo nhét quần áo vào và đeo bên mình, khi nào có chuyện gì thì chui xuống dưới gầm đi văng mà nằm. Chúng tôi cũng thử chui xuống gầm đi văng bụi bặm cùng chiếc túi với niềm thích thú vì các anh chị lớn và thằng Út không có túi như chúng tôi. Có hôm, tự nhiên tôi thấy cay mắt, cổ họng rát bỏng, chị Năm tôi cũng ho sặc sụa, nước mắt ràn rụa, nhúng nước vội vào tấm khăn rồi úp lên mặt tôi. Đó là lần đầu tiên tôi “nếm” mùi lựu đạn cay do các bên đánh nhau chạy lạc vào xóm nhỏ của tôi.

Thỉnh thoảng tôi nghe đâu đó một tiếng súng nổ đơn lẻ, chỉ vậy thôi. Rồi một trưa nắng, tôi thấy Chú Nguyên, chồng Dì Út tôi chạy xe đạp đến nhà. Chú vừa từ Bộ Tổng Tham mưu chạy thẳng đến nhà tôi, mình chỉ mặc áo may ô và chiếc quần lính rằn ri. Quăng xe đạp ở cửa, Chú lao vào ôm mặt khóc với Ba Má tôi, miệng lập đi lập lại: “Mất rồi, mất tất cả rồi anh chị ơi!” Rồi chú mượn một bồ đồ của Ba tôi mặc vào để về nhà Chú Dì bên khu Nghĩa Hòa, Ông Tạ.

Hôm sau, khu Bùi Phát trên đường Trương Minh Giảng chỗ gia đình tôi ở có đám ma. Người chết là Cậu Ngãi, nhà cậu ở ngay cổng sau Nhà Thờ Bùi Phát. Nghe nói Cộng sản đã chiếm Tòa Khâm sứ  (đối diện Tòa Tổng Giám Mục, trên đường Trương Minh Giảng, nay là Trần Quốc Thảo) và đuổi Đức Khâm đi, Cậu liền lấy xe honda, chở Cha Andre Vũ Bình Định lên xem hư thực thế nào. Chẳng biết chuyện gì đã xảy ra, chỉ biết Cậu bị bắn chết ngay tại chỗ, còn Cha Định thì bị bắn gãy chân và bị bắt đi Cải tạo ngay.

Mới 5 tuổi, nhưng tôi đã cảm nhận được có điều gì đó đang biến đổi xung quanh mình. Mọi người trong nhà tôi nói chuyện nhỏ giọng hơn. Ông Bà Mười ở ngay con dốc dẫn vào chợ hóa ra là cán bộ nằm vùng. Ông Bà Mô người Nghệ an mới dọn về ở trong nhà Cậu Ngân cũng là cán bộ, họ hay đứng ngó xem các gia đình trong xóm ăn gì, có ai ra vào. Cậu Ngân là Phi công VNCH, Cậu đã may mắn thoát được cùng gia đình và căn nhà đẹp nhất xóm của Cậu đã được Nhà nước “cấp” như thế đó.

Vài tháng sau thì Nhà nước đổi tiền. Việc này gắn liền với cái chết của cả gia đình Ông Bà Na cách nhà Cậu Ngân mấy căn. Tôi cùng các anh chị leo lên lầu nhà Bác Trị, ngó người ta khiêng 11 xác chết nhà Ông Na ra. Mấy anh tôi bảo cẩn thận chứ tử khí bay ra từ xác chết độc lắm. Tôi la lên bài hãi khi thấy cùi chỏ tay dính mấy vệt vôi mà tôi tưởng là tử khi đã bám vào mình. Ông Na là công chức, mình ông đi làm nuôi cả nhà gồm vợ và chín người con. Giải phóng, Ông thất nghiệp thế là cả nhà đói khát. Nghe nói Ông đã phải muối mặt ăn trộm cám heo của Bà cụ cạnh nhà, nhưng làm sao đủ cho cả nhà ăn.

Khi đổi tiền, Nhà nước cũng gom cả mục tiêu đánh tư sản vào đó, vì thế chỉ cho phép mỗi gia đình được đổi một số tiền nhất định, tương ứng với số nhân khẩu trong nhà. Những nhà giàu phải nhờ nhà nghèo như nhà Ông Na đổi tiền giúp. Không may, lúc Ông và anh con trai lớn vừa rời khỏi chỗ đổi tiền thì bị cướp giật sạch số tiền. Ông không làm sao giải thích được cho người đã nhờ Ông hiểu và cũng chẳng còn cách nào để lo cho gia đình. Thế là Ông và anh con trai lớn nấu cháo rồi bỏ thuốc độc vào cho cả nhà ăn, còn Ông và người con này treo cổ, còn đứa bé đang bú mẹ thì bị lấy búa đập vào đầu vì nó chưa biết ăn cháo!

Căn nhà nhỏ xíu của gia đình chín đứa con của Ba Má tôi trở thành chỗ tá túc cho không biết bao nhiêu gia đình người thân bỏ chạy từ các Tỉnh khác vào. Họ không thể ở lại được vì sự hà khắc của chính quyền mới ở các tỉnh lẻ áp đặt lên các gia đình Ngụy còn kinh khủng hơn ở Sài gòn. Gia đình tôi cũng kiệt quệ vì phải lo ăn uống cho họ nữa. Có khi Chị Hai tôi phải lo cho mấy đứa em ăn ở ngoài còn để khách tự lo vì gia đình tôi không còn đủ lực nữa.

Giờ thì quay trở lại với Vùng Kinh tế mới (“KTM”). Bà con tôi là người gốc làng quê vùng Nam Định, di cư vào Nam từ năm 1954, sống quây quần quanh Khu hẻm 491 trên đường Trương Minh Giảng. Sau 30/4, dần dần, hết nhà này đến nhà khác bắt đầu đi KTM. Chẳng biết Nhà nước đã làm cách gì mà những người quen sống ở thành thị hai chục năm trời lại chịu bỏ nhà cửa ra đi tới những vùng quê hoang sơ như Tân Uyên, Phương Lâm, Suối Nghệ và Long Giao, v.v… Có nhà may mắn, chỉ đi một nửa như nhà tôi thì còn có ngày để quay về, có những gia đình đứt rễ khỏi Sài gòn thì coi như xong! Dù có về được lại Sài gòn hay không thì ký ức về KTM cũng thật sự cay đắng với người đã nếm trải.

Khi đi KTM, bà con họ hàng tôi lại rủ nhau cùng đến chung một vùng đất nào đó. Phần lớn chúng tôi là gia đình những người có thân nhân đi lính Ngụy. Gia đình tôi đến Long Giao, nơi gần căn cứ Xuân Lộc, nhà tôi là nhà Số 1. Cách một rẫy lớn của một gia đình người Hoa là đến Căn cứ Xuân Lộc cũng là nơi tạm giam tù binh Học tập Cải tạo trước chuyển họ đến nơi giam giữ cuối cùng.

Công bằng mà nói thì đây là vùng đất đẹp, màu mỡ vì là đất núi lửa bazan thích hợp trồng cây công nghiệp. Ba tôi và một số Chú Bác lại khéo tay, họ vần công, dựng lên những ngôi nhà tranh vách nứa rất đẹp và thoáng đãng. Mỗi nhà có một giếng nước có trục quay gàu, có nhà vệ sinh trên hầm tự hoại. Chúng tôi đã mang văn minh Sài gòn về KTM. Vốn liếng bán đồ đạc ở Sài gòn, họ dồn vào căn nhà và mảnh đất nằm đâu đó trên những ngọn đồi phía trước nhà, phần còn lại, mua hạt giống để trồng. Khí hậu nơi đây mát mẻ, sáng sáng thức dậy, ra trước nhà, nhìn lên những ngọn đồi trước mặt xanh ngắt, nhưng lại bị mất ngọn vì sương mù che khuất. Cảnh tượngg y như bức tranh vẽ núi Phú sỹ.
Rất nhanh tâm trạng háo hức làm quen với cuộc sống mới chuyển sang thất vọng. Người thành thị chưa quen với vùng đất mới, chỉ biết trồng đậu và bắp trên thứ đất đúng ra phải trồng tiêu, điều và cafe như những người Hoa đang làm. Thế là đói, người nhà phải tiếp tế gạo và mắm muối lên KTM. Có những hôm người nhà lên tới nơi với khuôn mặt thất thần vì bị du kích tịch thu hết số gạo mang lên tiếp tế vì họ cho đó là buôn lậu! Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ của cái ăn, có những chuyện khác lớn hơn, đó là chuyện tinh thần. Đi KTM đồng nghĩa với con cái thất học. Chị Năm tôi học rất giỏi, sau một năm ở KTM, chị nằng nặc đòi về để được đi học tiếp. Chỉ còn lại Ba tôi, Bà Nội và Chị Sáu ở lại. Sau này, Ba và Bà tôi có quay về Sài gòn, còn Chị Sáu tôi thì vĩnh viễn ở lại vùng đất ấy.

Ở vùng đất này, vào thời buổi hỗn quân, hỗn quan, mạng người mỏng manh như ngọn cỏ. Hôm đó, Má tôi mang gạo lên tiếp tế, Chị đi bán cà chua chưa về. Trời miền quê, mới 6h của một đêm không trăng, trời đã tối đen như mực. Những người tan lễ chiều ra đi ở phía sau Chị, họ chỉ thấy Chị ngã vật ra nên tưởng Chị trúng gió. Lúc Má chạy ra tới nơi thì Chị nấc lên rồi đi.

Thực ra, lúc ấy có một nhóm mấy chú bộ đội nghênh ngang đi dàn hàng ngang trên đường theo hướng ngược chiều với Chị, chiếc xe chặt cây, đi ngang qua, phải lách mấy chú vừa từ rừng ra, chưa biết gì về Luật giao thông, con dao trên thùng xe được buộc không chặt, đã rớt trúng đầu Chị tôi.  Chị tôi đi lúc mới 14 tuổi. Khi lên Thiên đàng, nếu có ai hỏi sao lại lên đây,  chắc Chị sẽ ngắc ngứ không biết trả lời thế nào, nhất địnhkhông phải là vì tai nạn giao thông rồi vì chiếc xe nào có tông trúng chị!

Cái chết của Chị tôi thuộc vào loại lãng xẹt, nhưng cái chết của Cô họ tôi thì dứt khoát phải gọi là oan khuất. Cô Oanh đẹp lắm. Sống ở KTM nhưng Cô không đi làm rẫy mà đi buôn mủ cao su. Ngày ấy, ngoài trừ Nhà nước ra, còn lại ai buôn bán bất cứ thứ gì cũng đều là buôn lậu tất. Bình thường thì Công an cùng Du kích Ấp và Xã đều là chỗ quen biết với Cô. Ấy thế mà hôm đó, Cô bị bắt lúc gần trưa, rồi chiều tối họ kêu Ông lên nhận xác Cô về vì Cô đã tự tử chết ở trong đồn Công an. Thế ra, cái mốt vào đồn tự tử không phải bây giờ mới có. Có điều viên thuốc Cô uống (hay bị uống) vẫn còn nằm ở cuống họng, còn khi tắm rửa, khâm liệm thì dấu hiệu Cô bị cưỡng hiếp là không thể chối cãi.

Tôi rất sợ vùng đất này mỗi lúc chiều buông vì khi đó không khí sặc mùi ảm đạm, chết chóc. Trời sụp tối cũng là lúc hàng đoàn xe quân sự GMC phủ bạt kín mít chở tù cải tạo chạy rầm rập qua nhà tôi. Giai đoạn đó, xe chở tù chạy suốt đêm, chúng tôi gọi đó là xe bịt bùng và lúc nào cũng nghĩ rằng có một người thân, không bạn bè thì cũng là bà con của mình trong những chiếc xe đó. Ban ngày, có một số người được đưa ra ngoài lao động, có khi Ba tôi gặp được người quen, mừng lắm. Mừng nhưng chỉ dám đưa mắt nhìn rồi khẽ gật đầu chứ không dám chào. Sau đó mới báo về Sài gòn cho vợ con người đó biết họ đang ở Trại Long Giao. Đó cũng chính là điều mà ánh mắt người tù đã ngầm muốn Ba tôi báo lại vì không phải gia đình ai cũng biết chồng mình bị nhốt ở đâu.

Ở đây, khi di làm rẫy trên đồi, gia đình tôi quen với Chú Tuân, một phi công VNCH, người Huế trốn cải tạo. Tôi chẳng biết hoàn cảnh Chú ra sao, chỉ thấy Chú sống với Mẹ già và ba cậu con trai ngay tại căn lều lớn trên đồi. Quần áo bốn cha con lúc nào cũng đỏ quạch vì bụi đất bazan. Lâu lâu, Chú cho lũ con xuống đồi, vào chợ cách đó 20km. Đứng trên đồi, nhìn hình ảnh bốn cha con xếp hàng, cao trước thấp sau, đi trên lối mòn lẫn trong đám cỏ tranh cao gần lút đầu thằng Út, thấy cuộc sống của họ không có lối thoát.

Chú là người cực giỏi, nhưng đám con thì hoàn toàn thất học, tôi chẳng hiểu sao Chú lại không dạy bọn nó học. Tôi vẫn nhớ câu chuyện tiếu lâm Chú kể cho Ba tôi nghe lúc đụt mưa trong căn lều. Chú dạy Anh văn cho một nhóm các nhà Sư, tới động từ “to sleep” nghĩa là đi ngủ, chẳng hiểu sao, không ai học đựơc cả. Tức quá, Chú quát ầm lên: “Tất cả đọc theo tôi: tuột xì líp là ngủ”, ấy thế mà tới đây thì mọi người học được. Chú chỉ có Ba tôi là bạn, nên rất quý “Anh Hoan”. Từ ngày Ba tôi về Sài gòn thì mất liên lạc với Chú. Tôi mong lắm Chú ở đâu đó, đọc được những dòng này thì nhớ đến ngày xưa ấy. Điều đó cũng có nghĩa là các con Chú đã được đi học lại và Chú không còn phải sống cách ly với xã hội nữa.

Chuyện Long Giao còn dài lắm, nhưng rồi cũng tới lúc Ba và Bà tôi cũng quay về lại Sài gòn để gia đình không còn phải sống cảnh “một chốn đôi quê” nữa. Về lại Sài gòn, Ba tôi còng lưng trên chiếc xích lô mướn cho tới ngày Ông bị tai nạn, phải bỏ nghề. Thế đó nên trong lý lịch của tôi, phần nghề nghiệp của Cha được ghi: – trước 1975: lính Ngụy, – sau 1975: làm rẫy, đạp xích lô và mất sức lao động.

Thế là vẫn còn may so với những gia đình khác không còn lối về lại Sài gòn. Tôi có người Dì họ, tên Loan, Chú Long chồng Dì đi KTM ở Tân Uyên, giẫm phải mìn, Chú chết không toàn thây. Dì được chồng cưng chiều, khi Chú mất, nỗi bất hạnh của Dì dường như lớn hơn những người vợ khác gấp bội phần. Dì như ngây dại, gặp ai cũng đấm ngực than: “Chồng em chết đi, để lại cho em một nách mười đứa con! Hột xoàn, vàng bạc để trong nhà băng mất hết rồi” Ừ thì mười đứa ấy, đứa thì bán vé số, đứa làm thầy bói, đứa làm thợ hồ, có vài đứa làm công nhân may. Ừ, thì bao nhiêu người cũng như gia đình Chú Dì cũng mất sạch tiền trong nhà băng dù chủ nhà băng không hề giựt tiền của họ. Tôi chẳng biết Chú làm sao nhắm mắt được. Nhưng dẫu vậy, gia đình Chú vẫn còn hơn gia đình Ông bà Na.

Tôi viết ra những dòng này khi trên mạng ảo đang sôi sục kêu gọi hòa giải. Và đương nhiên lời kêu gọi phần lớn là từ “Bên Thắng cuộc”, thế nên lời kêu gọi này có chút gì đó có vẻ kẻ cả, ban ơn. Với tôi, tôi chẳng để tâm lắm tới lời kêu gọi này vì tôi chẳng có gì bất hòa với những người thuộc bên thắng cuộc dù xuất phát điểm vào đời, các bạn đó có nhiều lợi thế hơn tôi.

Tôi chỉ lấy làm phiền khi có một số lời kêu gọi có hàm ý nhắn nhủ “hãy quên đi, cái gì qua rồi thì cho nó qua”. Tôi đã mượn lời của ai đó để trả lời: “Forgive but not forget”. Không quên những bất công trong quá khứ đó chính là quyền mà không ai có thể tước được của tôi và những người đồng cảnh ngộ. Hãy bắt đầu hòa giải bằng cách nhìn nhận những sai lầm đã phạm trong quá khứ. Khi nhận thấy thành ý từ bạn, tự khắc phía đối diện sẽ bày tỏ thiện ý để đáp lại.

Xin gửi lại đây bài thơ của một cựu tù tại Trại Cải tạo Long giao để đánh dấu một vùng đất, nơi một số người và gia đìnhtôi đã đặt chân đến ngoài ý muốn của mình.

Tác giả: Hà Thượng Nhân
kỷ niệm những ngày ở trại tù Long Giao 1975

Trời có điều chi buồn
Mà trời mưa mãi thế
Cây cỏ có chi buồn
Mà cỏ cây đẫm lệ
Mà cỏ cây lệ tuôn?

Anh nhớ em từng phút
Anh thương con từng giây
Chim nào không có cánh
Cánh nào không thèm bay
Người nào không có lòng
Lòng nào không ngất ngây

Gủi làm sao nỗi nhớ
Trao làm sao niềm thương
Nhớ thương như trời đất
Trời đất cũng vô thường

Ngày xưa chim hồng hộc
Vượt chín tầng mây cao
Ngày xưa khắp năm châu
Bước chân coi nhỏ hẹp
Bây giờ giữa Long Giao
Ngồi nghe mưa sùi sụt
Cuộc đời như chiêm bao
Có hay không nẻo cụt?

Anh châm điếu thuốc lào
Mình say, mình say sao?



No comments:

Post a Comment

View My Stats