Wednesday, 30 April 2014

THÁNG TƯ ĐEN SẮP VỀ, BA LẠI VIẾT CHO CON (Chu Thụy Nguyên)




Chu Thụy Nguyên


Tháng tư lại đến với ba, hay dù đã đi qua rồi, tháng tư với cha con mình vẫn mãi là đầu câu chuyện.Một câu chuyện nghiệt ngã đau lòng. Cũng chính vì cái tháng tư quái ác đó, mà ba và biết bao nhiêu chiến hữu của ba đã phải nghẹn ngào bước vào những trại tù tập trung dọc dài đất nước. Cũng chính cái tháng tư đen tối đó mà triệu triệu người Việt Nam phải lên ghềnh xuống biển, vượt biên giới, phải chết phơi lưng giữa bờ giữa bụi như những kẻ vô danh, chỉ vì hai chữ TỰ DO.
Tháng tư là cái tháng mà ba đã non dạ thưa với bà nội con, là ba chỉ đi “học tập” có 10 ngày thôi, rồi về, nội đừng khóc.Lúc đó thật sự ba nửa mừng lại nửa lo. Mừng là vì nếu thật sự 10 ngày như họ nói, chỉ cái loáng qua thôi ba sẽ về với nội, với mẹ, và với các con. Còn lo là vì thế hệ ba đã được đào tạo khá kỹ lưởng và nhân bản. Hơn nữa, lúc trên chiến tuyến ba cũng biết rõ kẻ thù của ba là ai, dã tâm của họ đã gieo rắc cho dân tộc cùng máu đỏ da vàng với họ những tội ác như thế nào. Hơn nữa những gì ba đã được xem qua cuốn phim nói về những ngày cải cách ruộng đất ở miền bắc ” Chúng Tôi Muốn Sống ” hay những gì ba từng đọc trong ” The Gulag Archipelago ” ( Quần Đảo Ngục Tù ) của Alexandr Isayevich Solzhenitsyn những ngày gần mất nước, đã làm ba phải ít nhiều ngờ vực, ít nhiều suy nghĩ về những chuổi ngày sẽ bị tù rạc, đày ải trước mắt.
Nội con khóc khi thấy ba rút vội tấm cao su trải bàn ngày tết, in hình ngủ quả để mang theo ngủ đở 10 ngày rồi về. Ba xin mẹ cái khăn lông, bàn chải, cây kem đánh răng nhỏ, cái ca nhựa và vỏn vẹn 2 bộ quần áo. Tất cả như hành trang vừa đủ cho 10 ngày ” học tập “! Còn nhớ những ngày trước đó, sau cái ngày gọi là ” giải phóng “, toàn dân miền nam bỗng biến thành cùng đinh, du mục. Tất cả túa ra đường chạy ăn, chạy mặc,trong khi mới trước đó chẳng bao nhiêu ngày, một đất nước từng tự hào mang danh Hòn Ngọc Viễn Đông, một đất nước chỉ xem mình ngang tầm với Nhật, với Đại Hàn, còn các quốc gia vùng Đông Nam Á phải ngước cao đầu nhìn mình, dù chưa bao giờ chúng ta thật sự ngơi nghỉ trong hòa bình. Vậy mà, chưa bao giờ và chưa có xã hội nào, phút chốc thầy giáo bỗng trở thành phu xích lô, học trò thành phu ba gác, ông tiến sĩ canh nông ra vỉa hè bơm vá xe. Chưa có đất nước nào trên hành tinh nầy có xích lô, ba gác, thợ vá xe đạp hay ông bán thuốc lá, bán cà phê lề đường lại là cử nhân, tiến sĩ, lại nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật,tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha như gió?!
Rồi những ngày ngắn ngủi sau đó cái gì đến cũng đã đến. Lần lượt quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa được lệnh gọi tập trung, để từ đó bao lớp người đã phải lầm lũi đi vào các trại tập trung khổng lồ từ bắc chí nam, để trở thành những người tù không bao giờ được kêu án, chẳng bao giờ có được một phiên tòa, và cũng chẳng ai được kêu oan, có khi cho đến chết một cách rất oan khuất.
Thuở ấy con vẫn chưa chào đời, một buổi sáng trong nỗi chao dao bất ổn của mọi người. Ba tên Việt Cộng trẻ nít, với mũ tai bèo và những khẩu A.K dài thậm thượt đã vào gỏ cửa nhà mình. Một trong 3 tên lính  thiếu niên hỉ mũi chưa sạch đó gọi ba là thầy:
- Chào thầy! Thầy chắc vẫn còn nhớ em, học sinh  9 B lớp đêm của thầy đây. Thôi! bây giờ thầy với em ở 2 chiến tuyến rõ rang rồi. Em là phía chiến thắng, đã từ lâu, em biết thầy là một cựusĩ quan ” ngụy “, hôm nay em đến đây vì nghĩ đến thầy, em mời thầy theo em đi trình diện ” học tập cải tạo “.Rồi đây, nếu thầy học tốt, mai nầy trở về em sẽ giúp thầy đi dạy trở lại…
Thế là ba trao anh con lại cho mẹ bế và gom hành trang gọn nhẹ ra đi. Tạm thời ba đến trình diện tại một trường học lớn  của Sài Gòn trong 2 ngày một đêm. Thói đểu của kẻ thù là mỗi bữa ăn chúng đều gọi các nhà hàng lớn như Ngọc Lan Đình, Đồng Khánh, Soái Kình Lâm… chở cơm nước vào tận nơi cho cựu Sĩ Quan VNCH ăn. Chúng biết rõ phần lớn các nhà hàng ở Sài Gòn do chủ nhân người Hoa làm chủ. Người Hoa sống bằng kinh doanh, rất sợ bất ổn, rất sợ binh biến. Tổ tiên họ từng bỏ của ở Hoa Lục để chạy lấy người xuôi về nam, do đó họ ngầm hiểu là tương lai họ sắp bị đe dọa. Vì vậy khi nghe “ cách mạng “ gọi phục vụ cơm nước là họ mừng hết lớn, cho xe chở thức ăn tới tận nơi ngày hai buổi, và tận lực lợi dụng cơ hội bằng vàng để lấy điểm với “ cách mạng “. Mặt khác, đó là động tác giả của kẻ thù nhầm làm cho những người bại trận lầm tưởng mình được đối xử tử tế bởi cái gọi là “ Hòa hợp Hòa giải “ gì đó.
Cho đến một đêm, khi mọi người còn đang ngủ bỗng nghe đánh thức dậy, tập họp bảo là:” Tất cả thức dậy,chuẩn bị hành quân “. Giữa bóng đêm mờ ảo, dân chúng Sài Gòn giờ này chắc vẫn còn đang trằn trọc trong màn đêm u ám của nỗi âu lo đổi đời. Ba cùng các bác xếp hàng lần lượt ra khỏi trường học. Bên ngoài, những tên bộ đội miền bắc làm hàng rào 2 hàng lăm lăm A K với những lưỡi lê đe dọa đâm thẳng vào những ai có cử chỉ bất tuân. Lần lượt từng tốp 20 người được gọi lên những chiếc Molotova nhổng đít cao hôi rình mùi xăng Liên Xô. Lên xe,ngồi 2 hàng ghế 2 bên thùng xe và hàng ghế giữa, nghe bộ đội lên đạn và quát tất cả phải ngồi yên, nếu mất trật tự sẽ bắn không thương tiếc. Đoàn Molotova rời Sài gòn,Chợ Lớn ra đường Cộng Hòa hướng trực chỉ về Ngả Tư Bảy Hiền, có lẻ nhắm hướng lên Tây Ninh. Thực ra trước khi xe lăn bánh, các tấm bạt mui bố đều được phủ kín. May mắn, có một chú ngồi ở đầu ghế tìm đâu ra mảnh dao lam. Xe chạy nhào, lắc, chú ấy lợi dụng cứa mạnh mảnh lam vào bố, và chả mấy chốc khoét được một lỗ lớn hơn đầu ngón tay cái để theo dõi xem chúng đưa mọi người đi đâu. Đoàn xe dài rồng rắn nối nhau về hướng Tây Ninh. Lúc sắp đến Trảng Lớn, một tai nạn bất ngờ xảy ra. Một chiếc xe tải chở tre ngược chiều đã đâm vào một chiếc Molotova, một cây tre già và nhọn đã đâm xuyên lớp vải bố của chiếc Molotova, và dâm xuyên thủng lưng một chú tù trẻ ra trước bụng khiến chú chết tại chỗ, trước khi mang thân phận người tù. Đoàn xe cho người xuống Trảng Lớn, đó là một căn cứ quân sự lớn trước đó của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có Phi trường Trảng Lớn, và xác một chiếc AC 47 còn bỏ lại. Rất may là người dân vẫn ghét Việt Cộng, vẫn thương những người lính Việt Nam Cộng Hòa, nên những tài xế xe đò và xe hàng  từ Tây Ninh chạy ngược về Sài Gòn đã báo cho dân Sài Gòn biết là Việt Cộng chở mấy ông Sĩ quan lên Trảng Lớn, Tây Ninh. Vì vậy ngay sáng hôm đó nhiều bà vợ có chồng đi tù tập trung đã biết rõ những ông chồng mình đang bị giam ở Tây Ninh.
Những tháng ngày tù ngục với cơm hẩm,từ những bao chỉ xanh gạo mục của Trung Cộng chở về từ các hố hầm mật khu. Gạo đã ẩm mục lâu, đầy những chùm sâu gạo mốc meo, hạt gạo đã mục ruổng không cỏn gì để ăn. Mỗi ngày4 người tù lảnh 1 lọn rau muống, nhỏ như cườm tay người con gái xanh xao, một đĩa trẹt muối cục còn lẫn đầy đất đỏ, cùng một lượng cơm mục chỉ đủ chia cho mỗi người một chén lưng. Tất cả là một bữa ăn cho 4 người tù tập trung, chưa bao giờ được kêu án. Ở Trảng Lớn chỉ một thời gian ngắn thì bị đẩy đi ra rừng Ka tum, rồi Đồng Pan, hay nửa đêm được đưa về New Port ( Tân Cảng ) xuống tàu há mồm đưa ra Phú Quốc, hoặc được phân loại để đày ra miền Bắc rừng thiêng nước độc. Đói khát quá nên  vì bản năng sinh tồn, chẳng ai bảo ai cứ thấy con gì nhúc nhích là bắt để ăn. Đầu tiên còn là những thú rừng nhỏ như thỏ, như gà rừng, rồi sóc, rồi ếch nhái ở hố bom. Sau lương thực phải hết dần, phải bắt đến bù tọt, nhái xanh, giun đen, rồi tới dòng họ nhà dế. Tạm gọi là lúc còn trưởng giả, mùa mưa ăn dế cơm, hết dế cơm ăn dế than, dế lửa, hết thì bắt dế chó cào cào châu chấu… Toàn trại tù, ai cũng thiếu protein trầm trọng nên đa số bị ghẻ đầy người và bị phù thủng. Những chú bác lớn tuổi xưa kia chỉ quen việc văn phòng, chưa từng trèo đèo, lội suối thảy đều lần lượt từ giả cõi đời. Lúc ở Trảng lớn ba ăn cùng ô ngủ cùng chiếu với Bác Thinh là một dược sĩ, bác tự chế bẩy sập bắt chuột cống. Mỗi tối trước khi đi ngủ bác gài bẩy. Mỗi khi nghe tiếng thùng sập rầm một cái, bác khều ba trong mùng kề tai nói nhỏ -“ Ê, ngủ đi mai có protein rồi!”. Ba nằm trong mùng không dỗ nổi giấc ngủ,cứ thèm thuồng nuốt nước bọt, nghĩ đến ngày mai đi “lao động” về sẽ được bác Thinh dùng kẹp bằng kẻm gai nướng những con chuột ghẻ thơm vàng rực. Mỗi lần được ăn như vậy, bác Thinh vẫn hay đùa: – “ Ê, tại sao mình không nghĩ rằng mình đang ăn cơm trưa ở Thanh Thế ?”. Tù nhân sống ở đâu thì nơi đó động vật dần hồi tuyệt chủng, bởi phương châm chẳng ai dạy ai, nhưng lại vô tình có cùng ý nghĩ: – “ Con gì nhúc nhích là ăn “. Hết động vật thì đến cây lá, trái rừng. Lá nào nhai thử không đắng, không tê lưỡi, cứ tranh nhau hái về nhét vào lon Guigoz  bắt lên tro than ở bếp ăn, làm canh húp qua ngày. Lá nào cũng luộc rồi dồn nhét cho đầy cái bao tử đang gào than rên xiết vì đói. Cũng có hôm, mọi người ham dồn nhét một loại lá chưa biết tên, nhưng lại ngon như rau mồng tơi,để rồi sau khi ăn phải cáng nhau lên trạm xá, mữa ói thấu mật xanh. Nhớ một hôm cùng đi lên lợp lại cái kho cho bộ đội, đang giở mái nhà cũ bỗng rớt xuống đất những con chuột còn đỏ hỏn, khi nghe mọi người cùng chỉ và la lên, một chú tù người Hoa tuột cái rột xuống tới đất, lượm từng con chuột đỏ hỏn còn đang ngo ngoe, lấy nước trong bình toong ra rửa rửa rồi hả miệng,bấm đuôi cho từng con chạy vào bụng. Nghe mọi người kinh ngạc ồn ào, chú nói:
- Hày! bổ lắm á! cái ” ló ” là chuột “hà làm”  “ló “. Con gì nhúc nhích là ăn ” chế “!
Giữa tù ngục trần gian đó, con người càng lâm bệnh ngặt nghèo. Một phần vì ăn gạo mục kéo về từ các mật khu, trong khi bộ đội Việt Cộng ăn mỗi bữa 4 người một thau đầy gạo Mỹ hạt dài, hoặc gạo Mỹ hạt tròn. Do thời bình nên họ chỉ thay nhau trực gác, còn lại họ đi ra dân, ăn uống đủ thứ nên tới giờ cơm chỉ ăn qua loa, có hôm đổ hơn nửa thau cơm trắng, thơm vào máng heo. Mấy bác trong tổ của ba đa phần đã lớn tuổi, chịu đói không quen. Ba do lúc nhỏ đi học, có lẻ vốn được ông nội rèn chữ, khẻ tay dữ quá nên lớn đi đâu cũng được khen chữ đẹp. Đi tù cũng bị bộ đội bắt cóc lên kẻ khẩu hiệu. Từ đó bộ đội trên khung ( tức bộ chỉ huy ) cũng quen mặt. Hôm nọ, do bộ đội mới đóng cái máng heo mới, sau giờ cơm trưa, họ lại thi nhau đổ cơm thừa trắng phau, thơm phức. Các bác chịu không nổi, xúi ba lên phía sau nhà ăn bộ đội hốt một mớ để về phơi, tối tối cho từng nắm vào lon Guigoz nấu thành cháo chia nhau cho ấm bụng. Chờ giờ nghỉ trưa, thấy bộ đội đã đi ngủ hết, ba tiến lên phía nhà ăn bộ đội, lẻn thật nhanh ra phía sau. Trời ơi! cơm thơm quá! Ngon quá!. Nhìn quanh quất, ba xắn 2 lai quần treilli lên, hốt cơm nhét đầy quanh lai ống quần bên trái. Đang xăn lai ống bên phải thì một tiếng thét kinh hồn vang lên bên tai:
- Tên kia! Đứng ngay lên!
Ba run rẩy đứng phắt lên, run một phần vì quá đói, một phần vì tiếng thét làm mất hồn. Hắn nhìn ba quát nạt cho rằng “ cách mạng” đã cho ăn uống đầy đủ, ba làm thế là bêu xấu “ cách mạng “. Hắn gọi quản giáo ba lên và đề nghị “xữ lý hình phạt “. Rốt cuộc, cơm mới lấy phải bỏ lại hết, ba còn phải nhận hình phạt cuốc gò mối 3 ngày, và không được ăn cháo 3 buổi sáng.
Những đày ải gian khổ cho những tháng năm tù kinh khiếp rồi cũng qua. Một ngày nọ ba cũng được thả về, sau một trận bệnh thập tử nhất sinh, đi không còn nổi, tưởng đã bỏ xác ở chốn hoang vu. Về đến nhà ông nội bệnh nặng, qua đời vì đói khát, bệnh không thuốc chữa. Nhớ lại thời ấy trong tù, bệnh gì cũng chỉ được chữa bằng một thứ cao đơn hoàn tán của thằng Tàu Cộng viện trợ, gọi là ” Xuyên Tâm Liên “. Mỗi ngày đến giờ khai bệnh, tù nhân xếp hàng rồng rắn để vào gặp tên bộ đội ngành y. Trên bàn của hắn chỉ có một hộp Xuyên Tâm Liên, một hộp viên sinh tố B1 của Trung Cộng, và một lọ thuốc đỏ, cùng một ít bông gòn. Hắn gọi từng người vào, không cần nhìn mặt, hất hàm hỏi: – “ Bệnh gì?”, Tiếng yếu ớt đáp lại có khi là: phù thủng, khi là ghẻ, khi là tiêu chảy, hoặc sưng, tê. Hắn luôn bắt xòe tay ra, trút cho vài viên, miệng quát:- “ Hai ngày Xuyên Tâm Liên, chia ra mà uống “. Nếu hết thứ thuốc mắc dịch đắng nghét đó thì: -“ Hai ngày “ bê mọt “ chia ra mà uống. Ghẻ thì chấm cho tí thuốc đỏ rồi về. Bệnh lục phủ ngũ tạng chi cũng chữa chừng ấy, không hết thì chết. Âu đó cũng là cái được gọi mỹ miều là ưu việt của xã hội chủ nghĩa, một thứ chủ nghĩa ngoại lai giết người, khốn nạn thay, lại được bọn phi nhân bưng bê về nước, điên rồ cai trị dân ta.
Được thả về nhà, chưa vui đoàn tụ với bà nội, với mẹ con bao lâu thì ba được lệnh lại phải lên rừng, trong một chương trình được đặt tên mỹ miều là ” đi xây dựng vùng kinh tế mới “!.Thời gian đó ba chắc con chỉ vừa tượng hình một hạt bụi của một người tù nằm trong lòng mẹ. Nếu ba khước từ không đi, nhà nước sẽ tịch thu nhà bà nội, và mọi người trong gia đình đều phải tập trung đi. Do vậy, ba lại phải từ giả bà nội và mẹ con để lại lên đường. Vùng kinh tế mới là khu đất rừng, trước kia là mật khu, nay họ dồn dân Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định lên cho khai phá. Xe vừa dừng lại đầu thôn thì mọi người tù, và dân phải xuống xe,lội nước bì bõm vào thôn sát bìa rừng. Vào đến nơi, một gia đình được chỉ vào ở một chòi tranh. Người nào đi một mình thì 3 người vào một chòi để lúc nào cũng dòm ngó, theo sát nhau. Mỗi sáng 6 giờ, những cựu tù phải lên xả trình diện,ký tên, mỗi chiều 5 giờ phải lên trình diện công an xả để biết là mình vẫn có mặt. Miền đất gì mà mùa mưa ngập lụt, ê hề ếch nhái ểnh ương kêu ồm oàm, chẳng trồng trọt được gì ngoài việc sạ một ít lúa nước, xong rồi mỗi ngày leo lên phảng ngồi chờ thời. Đến mùa nắng đất khô nẻ ra cứng còng, cuốc nghe công cốc, cũng chẳng trồng tỉa được gì, chỉ ghim mấy hom mì mà cũng chẳng có ăn. Đi cuốc công cho người ta kiếm mấy đồng mà cũng chẳng có cái để mua ăn. Mỗi sáng sớm 3 giờ bụng đói lép kẹp, kêu rột rẹt ngủ chẳng được, mò lên chợ xả kiếm thử có cái gì về nấu. Chợ xả họp sớm tù mù ánh đèn dầu, có chỗ sang hơn là ánh măng xông, nhanh tay thì kiếm mua được vài cân củ mì, chậm thì vài nhúm hạt bắp, hạt đậu phọng, còn nếu mê ngủ thì khi đến chợ xả chỉ còn vài thúng cám, mua về khuấy mà dỗ dành cái bao tử ọt ẹt qua ngày. Nằm trên cái chỏng tre, nhìn lên mái tranh lưa thưa ánh sáng xuyên cắt xuống mà thấy phi lý cho thân phận lưu đày, trên chính quê hương mình. Đã vậy mà được yên thân đâu, cứ cách một ngày phải mang cuốc lên trình diện xả, đi làm cỏ vê công chùa cho xả cả ngày, nhưng phải tự mang theo cái để ăn.
Ngày tháng trôi qua, rồi cũng đến ngày nghe mẹ báo tin con chào đời. Chẳng biết lúc con ra đời, con có cảm nhận gì không mà con lại khóc rất nhiều và rất dai.Con không chỉ khóc ngày mà mẹ nói, đêm con khóc suốt, chẳng ngủ bao nhiêu. Có người hàng xóm nói con khóc Dạ Đề gì đó, nhưng riêng mẹ lại tin rằng, con khóc vì con linh cảm được, con sinh ra trong thân phận của cả một dân tộc đang bị tù đày. Nằm trên chiếc sạp tre ngập nước ấy hằng đêm, dù ba đã nhiều lần cố nén lòng, chưa hề khóc nhưng ba đã thao thức nhớ con, nhớ mẹ, nhớ nội, nhớ chính thân phận mình chả lẽ nằm đây bó tay, trong khi con đang đói khát chờ ba, chờ sữa để sống còn. Cuối cùng, một buổi chiều ba gom trong mình một ít tiền, lên trình diện thằng công an xả mồm miệng xoen xét luận điệu đảng một chiều. Nó là một tên choắt hỉ mũi chưa sạch, đầu đít  ngắn ngủn như vốn liếng hiểu biết trong óc nó. Nó hất mặt nhìn ba lên giọng:
- Trình diện đấy à! Nhớ “nuôn” nhất trí “nà “ bác và đảng đã khoan hồng rồi, thì phải “nuôn” học tập tốt và “ lao động “ cho tốt nhé.
Ba nhìn thằng trẻ dại, chẳng buồn trả lời nó, chỉ đặt bút ký tên vào sổ trình diện, rồi quay lưng bỏ đi. Ba  quay về cái chòi tranh lấy chiếc xe đạp thồ, nói với những người tù cùng chòi là ba vào xóm trong nhậu với trưởng thôn khuya mới về. Nói xong ba đạp về phía bìa rừng, phóng nhanh theo con đường mòn vào rừng, đi cắt vòng qua xả rồi bọc ra quốc lộ, từ đó ba nhắm thẳng hướng Sài gòn. Đường mịt mờ xa, trời tối dần, đèo dốc mỏi mòn bước đạp rời rã đói. Sài Gòn còn cách ba 81 cây số, áo ướt vắt ra nước, nghĩ đến con đang nằm chờ, ba còng lưng đạp. Cuối cùng ba đã trốn về được với con, lẫn lút như một bóng ma tại chính ngôi nhà mình từng sinh sống trước đây. Thật tai họa cho dân tộc khi cả đất nước này bỗng chốc bị cai trị bởi công an, bởi nhà tù, bằng tra tấn, bằng trù dập, bằng đày ải, bằng gian trá, bằng thủ tiêu mờ ám, và bằng cái gọi là hộ khẩu.Chính vì cái hộ khẩu quái ác đó mà ba chỉ được gặp con ban ngày và đến ban đêm lại phải tự mình cách biệt vợ, con. Ba nhìn con rồi thở dài, dường như lúc ba ôm con vào lòng, vác con lên vai là lúc con ngủ được yên bình nhất, không một tiếng khóc.Ba từng muốn ở thật lâu bên con, nhưng ngoài kia bóng đêm đã chìm xuống, đã đến lúc ba phải trao con lại cho mẹ để đi tìm một chỗ ngủ tạm qua đêm.Không hộ khẩu, chẳng có cái mà họ gọi “ là chứng minh nhân dân “, ba không làm sao xin được việc. Cho dù có muốn tìm lấy một việc lao động cực nhọc ở những xưởng tư doanh, ba cũng không thể nào nộp cho họ một thứ giấy gọi là ” sơ yếu lý lịch ” do công an chứng. Họ nói ba đã mất quyền công dân! Nghĩa là, một người dân sống hoàn toàn bất hợp pháp ngay trên chính đất nước mình đã sinh ra. Túng quá, để có thể sống được qua ngày và tạm lo cho con, ba phải thuê một chiếc xích lô để đạp.Những ngày đầu gò lưng không quen trên chiếc xích lô, thấy lòng nặng trĩu, chân đạp sao cứ nghe ngường ngượng, nặng nề. Nước mắt từ đâu cứ tuôn hòa cùng những dòng mồ hôi mặn đắng phận người. Một thoáng chốc trôi qua, nhưng mỗi khi nghĩ về con ba lại cố đạp. Dần dà về sau, mỗi ngày ba lại có thêm nhiều niềm an ủi.Ba đã gặp lại bè bạn trên khắp nẽo đường, ngày xưa đứa kỷ sư, đứa dược sĩ, đứa giáo sư… nay cũng đang gò lưng trên ba gác, xích lô, đứa nào sang lắm thì xe ôm, trên những chiếc Suzuki hay Bridgestone xịt khói. Gặp lạicô giáo bạn, hỏi ra mới biết đang đi bán máu kiếm chút đỉnh để đi thăm chồng ở trại tù tận miền bắc.. Một ngày nọ, ba đang trên đường rong ruỗi phất phơ tìm khách bỗng tình cờ gặp lại vị Thầy từng dạy ba năm xưa. Thầy đang gò lưng đẩy chiếc ba gác chở tủ giường lên dốc cầu Trương Minh Giảng, ba vội bỏ chiếc xích lô nhảy đến phụ thầy. Thầy trò gặp lại nhau trong ràn rụa mồ hôi và nước mắt. Thầy cho biết thầy đi tù, nhà bị tịch thu, cả nhà phải đi kinh tế mới, sống không nổi, thầy phải trốn về thuê lấy chiếc xe mấy cha con lo kiếm cơm. Thầy lau mồ hôi ướt đầm đìa trên trán, nhìn ba lắc đầu: – “ Hết rồi! Đã hết thật rồi anh ạ! “. Rồi thầy trò chia tay, trở về thực tế, mỗi người lại phải lo gồng gánh lấy thân phận nghiệt ngã của chính mình. Lại một lần nữa, chỉ có trên mảnh đất miền nam Việt Nam trong thời gian đen tối ấy, ai có ngờ đâu xích lô, ba gác, cu li, băng bù, bốc vác, móc bọc, lượm lon, hành khất lại là những tú tài, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Rồi chỉ sau đó một thời gian, những viên ngọc trí thức ấy đã không thể chịu nổi, phải tìm đường vượt thoát trên biển, trên bộ để rồi phơi thây, bỏ xác đến nay vẫn chưa thể tổng kết hết. Trên thế giới nầy có nơi nào lại có chuyện chảy máu chất xám  ra khắp tinh cầu, hay chỉ ngoại trừ các quốc gia theo chế độ cộng sản phi nhân?.
Rồi con cũng tiếp tục lớn lên trong cái thoắt hiện thoắt biến của ba. Cho đến một ngày con bỗng sốt bại liệt vì dinh dưỡng quá kém cỏi, dù trước đó mẹ đã bồng con ra y tế phường chích ngừa bại liệt. Gánh gia đình mình bỗng trĩu nặng, bước đạp xe của ba mỗi ngày lại như leo dốc nhiều hơn. Con bại liệt, co giật từng cơn mỗi khi động kinh, ba cũng chỉ giúp mẹ con chút ít ban ngày còn về đêm vẫn phải tiếp tục sống lẫn khuất. Có lần chẳng biết ai đó đã báo cáo, công an phường gọi ba lên trình diện, họ nói ba chống lại chương trình kinh tế mới, suốt đời ba sẽ không bao giờ được cấp hộ khẩu. Mẹ thao thức suốt đêm ròng rã với con, giấc ngủ mẹ chập chờn qua mỗi cơn con co giật oằn người. Một ai đó lại nói với ba:- cứ đến nhà riêng thằng công an khu vực đút lót chút đỉnh cho nó rồi đêm về lo cho con.Ba cũng thử, nhưng lúc đầu trên đường đến nhà riêng nó lòng cứ bồi hồi, chẳng biết nó chịu nuốt không, không ngờ khi bước vào nhà nó, lúc đầu nghe nó hù hè giở đủ thứ luật của đảng dành cho ba, coi ba như một tên tội phạm đào thoát chỉ còn chờ xữ bắn nữa thôi. Nói hươu nói vượn xong, nó bắt đầu giở giọng ra điều nhân nghĩa để nó cố giúp xem ra sao, lần đầu tiên nó ngậm mấy chục vì thông cảm cho ba đạp xích lô. Con đừng vội lầm tưởng nó nhân đạo, tuần sau nó nhắn gọi đến nhà xin đôi giày để đi làm, lần sau nữa xin cái cặp, mỗi khi nó được nghỉ phép, nó nhắn ba tới xin tiền cho gia đình nó đi chơi. Ba uất hận sôi máu nhưng vì con đang còn nằm đó chờ ba nên… đành thôi.
Cho đến một ngày nọ, tình cờ đi khám bệnh  người ta đã báo cho biết mẹ con đã bị ung thư ngực, phải nhập viện để mỗ sớm.Trời đất như vừa sụp đổ dưới chân ba. Tiếng sét đánh bên tai ba nghiệt ngã quá, có lúc ba tự bấm vào da thịt mình để tự hỏi thực hay hư. Lúc ở văn phòng bác sĩ, khi nghe kết quả sinh thiết tế bào là ung thư, và cần phải nhập viện sớm để mỗ, mẹ con đã nhìn thẳng vào mắt người bác sĩ mà rơm rớm nước mắt van xin:
- Bác sĩ ơi! tôi còn đứa con bại liệt đang ở nhà trông chờ tôi, tôi không thể nào nhập viện được đâu.
Mẹ khóc, ba khóc, rồi người bác sĩ trẻ rớm lệ, nhưng ông ta kịp lấy lại bình tĩnh lớn tiếng như muốn thức tỉnh mẹ con:
-Nhưng chị không mỗ, chị chết ai chăm sóc con chị?
Cuối cùng rồi mẹ cũng phải mỗ. Ba chẳng có tiền, phải van xin các chú và cậu dì ở bên Mỹ xót thương gửi về giúp. Mỗ xong mẹ về nằm trên một giường bệnh sát bên giường con bên nhà ngoại. Nhìn thấy con mẹ mừng, nước mắt rơi đầm đìa. Cho đến một ngày không xa sau đó, mẹ đã vĩnh viễn ra đi bỏ lại cha con mình với những tháng ngày đen tối triền miên. Rồi đến một ngày nọ, ba được Lãnh Sự Quán Mỹ gọi đi phỏng vấn. Giữa lúc đang chờ được vào tòa Lãnh Sự, ba nghe anh con gọi điện cho biết vì các cậu áp lực với bà ngoại để lấy lại căn phòng nơi mẹ và em đã nằm cho cậu sơn phết lại và ở. Ba rất giận nhưng ba rất hiểu ngoại, ngoại rất hiền, rất thương mẹ và các cháu, đối với ba, ngoại con luôn là vị Bồ Tát. Nhưng ba hiểu, giờ đây ngoại già rồi, trước những áp lực của các cậu con, ngoại dẫu có buồn nhưng muốn gia đình êm ấm ngoại đành chìu theo ý mọi người. Ba đã nhờ anh con nhắn với cô và cậu con giúp ba qua xin ngoại đem con ra, chờ ba về sẽ lo cho con. Ngày đi Mỹ cũng đến, ba phải nhờ con của người dì ba lo chăm sóc con, ba qua Mỹ sẽ cố đi làm để gửi tiền về lo cho con. Cậu của con có người  còn trách ba sao không chịu ở lại Việt Nam để lo cho con mà lại ham đi Mỹ, bỏ con lại một mình? Chả trách gì lời của kẻ bàng quan, họ làm sao hiểu được, nếu ba ở lại thì lấy gì để ba có thể lo cho con đầy đủ, con ơi. Hảy thông cảm cho ba, người ta thắc mắc mà không ai chịu hiểu rằng, đến một ngày, ba không đạp xích lô nổi nữa, liệu ba sẽ làm gì để nuôi ba và nuôi con, khi trong thân ba không ai cấp cho một thứ căn cước nào để sống cả. Kẻ thù luôn nói ngoài miệng những câu chữ mỹ miều như:” xóa bỏ hận thù, khoan hồng nhân đạo, hòa hợp hòa giải…”, nhưng thật ra họ chỉ muốn giết dần, giết mòn, giết càng nhiều càng tốt những thành phần cựu tù như ba thôi. Thử hỏi, trong hoàn cảnh như vậy, ở lại Việt Nam ba sẽ lấy gì để nuôi bản thân ba, và nuôi con? Hay  cuối cùng ba phải ôm con lê lết khắp đầu đường xó chợ để ăn mày? Thôi thì ai muốn nói sao cũng mặc, dù có muộn màng ba vẫn phải ra đi vì con, và vì chính ba những ngày còn lại.
Một chiều cuối năm nọ, cuối cùng ba cũng đã đặt chân xuống đất tạm dung thật trễ tràng, theo diện anh em bảo lãnh, chờ đợi suốt 13 năm. Vài hôm sau ba đã khấp khởi đi ” cày ” ngay,dù đồng lương rất thấp, để con kịp có những miếng sữa, những viên thuốc an thần tạm ru con vào giấc ngủ an bình.Nghe tin bên nhà con khỏe lòng ba vui đến rơi nước mắt.Trên xứ người ba hăng hái bưng bê từng đĩa bánh cuốn cho thiên hạ, hay chặt thịt không biết mỏi tay ở chợ, phụ rửa xe hơi cho khách ngày nghỉ cuối tuần để nhận thêm từng đồng tiền tip cho con. Định mệnh cuối cùng đã khiến xui, ơn trên cho ba gặp lại người bạn gái năm xưa lúc còn đi học, giữa lúc trên xứ người ba thật sự cô đơn trong những lo toan. Chẳng ai ngờ 34 năm sau trên xứ người mông mênh, kẻ ở nam người ở bắc, rốt cuộc lại trùng phùng kỳ diệu, khiến những người bạn ba khi nghe vẫn nghĩ đến một chuyện tình ly kỳ do chính ba sáng tác. Sau những ngày mừng mừng tủi tủi, người bạn gái năm xưa của ba đã ràn rụa nước mắt khi nghe ba kể về con, về những ngày tháng con đang nằm ở quê nhà trông chờ ba. Sau đó không lâu, dì đã lén ba gửi tiền về Việt Nam để nhờ cô, chú mua cho con một chiếc giường quay như trong bệnh viện. Và cũng chính dì, cuối năm đó, đã xúi ba cùng về một chuyến để tận mắt nhìn thấy con. Về đến Việt Nam, dì đã chạy thẳng vào nhà người chị họ của ba, người đang giúp ba chăm sóc con. Bên chiếc giường dì đã lén ba gửi tiền về mua cho con, dì đã khóc hết nước mắt, ôm con vào lòng nức nở:
- Con ơi! sao con khổ sở thế nầy?
Mọi người đứng chung quanh con ai cũng đã khóc ràn rụa.Những ngày ở đó, dì đã nhờ người sửa lại căn phòng con đang ở, gắn quạt hút gió cho con được mát mẻ hơn. Biết con thích nghe chú Tuấn Vũ hát, dì đã mua cho con một cái cassette mới và nhiều đĩa do chú Tuấn Vũ hát. Ngày trước con còn nói được từng tiếng, cứ mỗi khi nghe tiếng xe gắn máy của ai ngoài ngõ con đều gọi từng tiếng:
- Ba! Ba…dìa…chở…con…đi…chơi.
Hay mỗi khi muốn nghe nhạc con gào lên từng tiếng  :
- Ba! Tuấn…Vũ…đi!
Bây giờ, con nằm đó nhìn ba một hồi lâu, rất lâu rồi mới gật đầu thật mạnh như con đã nhận ra ba. Con cười, nụ cười thật rạng rỡ, nhưng hai khóe mắt con bỗng ràn rụa làm tim ba đau nhói. Con ơi! ba đã về bên con nè! nhưng rồi vài bữa sau ba lại phải đi rồi, làm sao ba có thể mang con theo khi những người Việt làm trong lãnh sự quán nói rằng ba phải đóng tiền thuê bác sĩ và y tá đi theo phi cơ thì người ta mới cho con đi.Rồi đây, cha con mình lại xa đến nửa vòng trái đất. Biết đến bao giờ cha con mình lại được gần nhau? Con đã quay sang nhìn dì, một người đàn bà xa lạ mà con chẳng hề có chút hình ảnh nào trước đó.Bất chợt con gật đầu và cười một cách dễ thương,dù nụ cười không còn được tròn trịa sau những năm tháng động kinh. Dì đã khóc ngon lành như chưa từng rơi vào cảnh ngộ nầy. Cho đến một ngày ba và dì cũng phải ra đi, ba hôn con như ngấu nghiến một điều gì sợ vuột mất.Ba và dì vào thăm con, ôm chặt con vào lòng, nước mắt không thể nào ngăn nổi,nghẹn ngào quay lưng bước đi thật tàn nhẩn, không dám quay nhìn lại.

* * *
Tám tháng sau trên đất Mỹ, ba mới tan ca về nhà lúc 2 giờ sáng, đã bàng hoàng nghe giọng chú con nức nở từ Việt Nam,báo qua điện thoại là con đã ra đi. Một sự ra đi thanh thản ở cái tuổi 26. Cả một quảng đời con chỉ biết nằm yên một chỗ, sống như đã chết. Ba và dì đã khóc hết nước mắt cho con, nhưng sau đó dì đã an ủi ba nên bình tâm cầu nguyện cho con. Dì tin rằng, từ ngày con được sinh ra đời đến lúc con ra đi con chỉ nằm bệnh một chỗ, con chưa hề làm gì nên tội cả. Do vậy, từ giây phút này, con đã rủ bỏ được một kiếp nhân sinh đau khổ. Lúc hay tin con qua đời dì đã ngồi xuống đọc kinh cầu nguyện cho con. Cuối tuần đó bạn bè ba và dì đã xin lễ cho con ở nhà thờ, dì nói dì tin rằng giờ nầy con đã bằng an bên nhan thánh Chúa, bởi con vô tội. Ba cũng tin như vậy. Thôi! Hãy yên nghỉ con nhé!
Tháng tư bây giờ lại sắp về, ba viết những dòng nầy cho con như một hoài niệm buồn Hãy yên ngủ, con yêu của ba.Cũng đừng bao giờ gợn lên ý hận thù những kẻ đã hành hạ ba những đòn thù vô nhân con nhé, bởi Chúa đã dạy chúng ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù, bởi chúng chẳng biết những điều chúng làm. Hãy đặt chúng hoàn toàn vào quyền phán xử của Chúa ở Ngày Phán Xét Sau Cùng con nhé!…

Chu Thụy Nguyên





No comments:

Post a Comment

View My Stats