Phạm Thị Hoài
Tháng
7 10, 2013
Năm
ngoái, mấy cây dầu cổ thụ trong một bài thơ ít người biết đến bỗng khuấy động chút ít thi đàn Việt Nam.
Tác giả, ông Đàm Chu Văn, chuyên viên cao cấp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng
Nai kiêm Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, Tổng Biên tập tạp chí Văn
nghệ Đồng Nai, bị một đồng nghiệp thấm nhuần lập trường chuyên chính soi
quan điểm chính trị. Cuối cùng mọi chuyện cũng ổn. Ông chỉ mất bốn tiếng đồng
hồ giải trình sự trong sáng của mình với cơ quan tuyên giáo. Báo chí đưa tin.
Đồng nghiệp Hồng Vệ binh im. Quan văn nghệ trung ương bật đèn xanh. Như trong
vụ “Cánh đồng bất tận” sáu năm trước,
những robot tuyên giáo ở một số tỉnh lẻ có lẽ vẫn tiếp tục chạy theo lập trình
đấu tranh tư tưởng mấy thập niên quên cập nhật, nhưng thời của nền phê bình
chỉnh huấn trên diện rộng ở toàn quốc đã qua rồi. Không ai đọc ai điếu cho nó.
Nó đơn giản đã đóng xong vai trò kinh dị của mình trong một chương kinh hoàng
của văn học sử đất nước này.
Tôi
phải nhận rằng mình chưa bao giờ hâm mộ trường phái thơ mượn lời cỏ cây hoa lá
để tâm tình. Khi tôi đến với văn chương thì những tâm tình đặc sắc nhất đặt vào
miệng thiên nhiên đã được thốt ra rồi, từ đó trở đi cứ thấy cánh hoa nào trầm
ngâm, nhành cây nào đau đáu, áng mây nào nặng trĩu nhân văn là tôi bỏ chạy. Tôi
phải bảo vệ tình yêu văn chương của mình. Cũng như mọi tình yêu, chết vì buồn
tẻ là nguyên nhân hàng đầu.
Với
một thái độ thiếu khách quan không buồn giấu diếm như thế, tôi không thể bình
luận về bài thơ vừa nhắc, nhan đề “Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân
dân”. Thực ra cuộc chỉnh huấn mini nói trên không liên quan gì đến
thông điệp nghệ thuật của bài thơ. Vấn đề không phải là chỗ đứng của những cây
dầu hoàn toàn vô can ấy trước trụ sở ủy ban nhân dân. Vài chục năm trước, có
đứng trong rừng mà tâm sự mông lung như vậy thì chúng cũng bị đốn. Vấn đề là
chỗ đứng của tác giả. Ở vị trí cán bộ tư tưởng và quan văn nghệ hạng đầu tỉnh,
ông Đàm Chu Văn chỉ nên cho những phát ngôn viên của ông đứng trước một tiệm
McDonald’s. Như thế sẽ vẹn cả mọi bề, vừa không ngán đồng nghiệp nào chỉ điểm,
vừa thêm được tinh thần đi trước thời đại (ít nhất là hai năm, vì tập đoàn
McDonald’s vẫn chưa hạ cố đến thị trường Việt Nam), và tất nhiên không mất mát
gì về thông điệp nghệ thuật. Để có mấy lời tâm sự “mưa nắng ở đời” như thế thì
đứng trước trụ sở ủy ban nhân dân hay trụ sở McDonald’s không có gì khác nhau.
Nói cách khác, nếu là một nhà thơ tự do, tác giả của mấy cây dầu đó có thể
khuân chúng ra tận Lăng Hồ Chủ tịch mà đứng, tâm sự mông lung hơn nữa cũng
không phải giải trình trong sáng với ai. Đã từ lâu không kiểm soát nổi những
nhà thơ tự do, nền phê bình chỉnh huấn chỉ còn ngắc ngoải bằng dăm ba nỗ lực
uốn nắn nền thi ca chính thống, nơi điều duy nhất có thể mất và vì thế cần bảo
vệ không phải là tự do, mà là sự lệ thuộc. Thấm thía điều này hơn ai hết có lẽ
là người đã rời – chắc chắn không phải vì tự nguyện – cương vị đứng đầu ngành
tuyên giáo quốc gia để trở về “chường cái mặt ra trong thơ”: ông
Nguyễn Khoa Điềm.
Nhưng
trước khi yên vị trong nhà quàn, nền phê bình chỉnh huấn ấy còn muốn cống hiến
cho chúng ta một cú giãy, tuy quá thiểu não để có thể giải trí nhưng đáng để
bình luận, vì rất có thể là cú giãy cuối cùng. Lần này, nó dồn hết những mảnh
vụn kí ức sót lại về một thời sinh sát oanh liệt vào ngọn roi tàn, giáng xuống
một bản luận văn thạc sĩ ba năm trước về nhóm thơ tự do đáng kể nhất từ thời
Đổi mới ở Việt Nam, nhóm Mở Miệng.
Trong
cuộc truy sát Nhân văn-Giai phẩm, ít ra chúng ta biết: Người “vạch trần bộ
mặt thật” “trụy lạc phản động” của Trần Dần là nhạc sĩ Đỗ Nhuận; người hô hào
cả nước “phải chặn lại không cho Trương Tửu được tự do truyền bá những tư
tưởng phản động, những tác phong đồi bại” là nhà phê bình Hoài Thanh, cũng chính là người xác định tính chất
“xuyên tạc”, “vu khống”, “phản động” của bài thơ “Nhất
định thắng” của Trần Dần; người tố giác cả một “hệ thống những sai lầm xấu
xa”, những “dụng ý rất đen tối” của Tử Phác là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác; người
lột “cái mặt gian xảo” của Lê Đạt như “một kẻ ẩn núp, tàng hình, đã
từng quay quắt được một thời gian, nhưng rốt cục cái bản chất phản lại giai cấp
vô sản lòi ra mồn một” là nhà thơ Xuân Diệu, cũng chính là người phát hiện Văn Cao “gài
mìn chống phá Đảng và nhân dân”; người quyết “vạch rõ tội lỗi của Phan
Khôi đã bao nhiêu năm làm tay sai cho đế quốc, nịnh hót phong kiến, huyễn hoặc,
lừa bịp, đầu độc nhân dân để kiếm bát cơm, manh áo”, “chống Đảng, chống
cách mạng, phản nhân dân, phản Tổ quốc”, “từ bé đến già bóc lột của nông
dân, ăn cướp của nhân dân” là nhà văn Nguyễn Công Hoan; người
gọi tác phẩm của Trần Duy là cái thứ “văn nghệ vô nhân đạo của thần chết”,
là “những thứ cỏ độc, mà chúng ta phải nhổ sạch, quét sạch, để vứt vào rác,
hoặc làm một thứ phân bón cho những bông hoa chân chính trong vườn văn nghệ của
ta” là nhà phê bình Vũ Đức Phúc…; chưa kể hàng trăm văn nghệ sĩ không kém
danh tiếng khác – từ Thế Lữ, Bửu Tiến, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Đoàn Giỏi, Tú
Mỡ, Đoàn Văn Cừ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tuân…, đến Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đình Thi, Võ Huy Tâm, Đào Vũ, Bùi Huy Phồn… – hăng hái góp đinh
cho những chiếc búa tạ nêu trên chốt quan tài những đồng nghiệp “nổi loạn” của
họ.
Còn
bây giờ, vung roi dọa nhà nghiên cứu Nhã Thuyên và nhóm
Mở Miệng là lèo tèo một nhúm vô danh hay ẩn danh: một Cẩm Khê nào đó trên Nhân dân, một Tuyên Hóa nào đó
trên Quân đội Nhân dân, một Minh
Văn nào đó trên Thanh tra, những tờ báo lẽ ra
không có phận sự thì miễn vào địa hạt văn học và cho đến lúc này không có đồng
minh tự nguyện từ giới văn nghệ, trừ một người: nhà phê bình Chu Giang.
Quan
hệ của chúng ta với các nhà phê bình văn học thực ra không khác lắm quan hệ với
những người bán cá ở chợ, nó dựa trên sự tin cậy [i]. Sự tin cậy ấy
đương nhiên tùy thuộc vào mỗi người và phải có cơ sở. Song chẳng cần nhiều lắm;
đôi khi chỉ cần nếm vị, ngửi hơi là ta chấm xong điểm tín nhiệm. Ai muốn biết
tầm vóc của nhà phê bình Chu Giang, tức ông cựu giám đốc NXB Văn học Nguyễn Văn
Lưu, tác giả cuốn Luận chiến văn chương từng
đoạt Giải thưởng Hội Nhà Văn năm 1996, có lẽ chỉ cần thưởng thức vài dòng trong
loạt bài luận chiến đăng trên Tuần
báo Văn nghệ TP HCM năm ngoái, phê phán tác phẩm và con người Nguyễn Huy
Thiệp, đối tượng được ông chiếu cố từ thuở Văn học Đổi mới đến giờ chưa buông.
Cá nhân tôi tưởng mình đang lạc vào vườn trẻ, nơi ông Lưu giậm chân mách cô
giáo rằng văn chương thằng Thiệp không ra gì vì nó vừa đái bậy xong lại tranh
đồ chơi của thằng khác. Nhưng ông cũng có thể rất nghiêm túc. Khi nghiêm túc, ông tuyên bố rằng: “Nếu chúng
ta đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thống nhất cùng bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh,
thực hiện theo những lời dạy của Hồ Chí Minh, thì đoàn kết được cả dân tộc,
đoàn kết được cả giới văn nghệ”. Mọi bình luận ở đây là thừa.
Có
những nhà phê bình mà khi được họ khen thì ta nên giật mình, còn lời chê của họ
là bảo đảm đáng tin cậy nhất cho giá trị của tác phẩm bị họ phê phán. Tôi coi
ông Nguyễn Văn Lưu thuộc loại này. Năng khiếu phê bình văn học (!) của ông nằm
ở sự dị ứng không nhầm lẫn trước tất cả những gì vượt khỏi thước đo hạnh kiểm
bỏ túi và cẩm nang thuật ngữ chính trị xuất bản năm 70. Ở thời hoàng kim của
nền phê bình chỉnh huấn, phẩm chất ấy đáng giá vài cái Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Song sinh bất phùng thời, bây giờ nó được huy động cho cú giãy cuối cùng của
nền phê bình ấy. Tôi tin rằng cả những người bị coi là phải chịu trách nhiệm về
phương diện nhà nước cho công trình nghiên cứu mà ông hùng hồn gọi là “một luận văn kích động sự phản kháng và chống
đối” lẫn tác giả Nhã Thuyên đều đủ rộng lượng để ghi nhận hành vi
mang tính lịch sử này. Không phải ngày nào cũng có một nền phê bình giãy chết.
Còn
nhóm Mở Miệng? Họ thà bị đem ra tra tấn bằng thơ, chứ nhất định không chịu mở
miệng giải trình cái gì mà trong sáng. Nhưng tất nhiên họ sẽ mở miệng thật rộng
để cười, dù biết rằng có những thứ giãy mãi không chết.
©
2013 pro&contra
[i] Nếu George
Steiner hay Borges, những người thông tuệ và sành đọc, có lời khen ai, tôi sẽ
tìm đọc. Những người khắt khe bậc nhất như Kafka, khó tính bậc nhất như Nabokov
hay Thomas Bernhard khen ai, tôi sẽ tìm đọc bằng được. Ai ca ngợi Paul Coelho,
không bao giờ tôi để ý nữa, nhưng lại chú ý những người hâm mộ thơ Hoàng Quang
Thuận: tôi muốn biết người ta nghĩ gì hay không nghĩ gì khi pha cái gọi là nước
mắm, hiệu Chinsu, với rượu nhạt đặt lên bàn thờ.
Xem thêm :
No comments:
Post a Comment