Monday 29 July 2013

PHỎNG VẤN ÔNG LÝ THÁI HÙNG về KẾT QUẢ CHUYẾN ĐI MỸ CỦA ÔNG TRƯƠNG TẤN SANG (Radio CTM)




Cập nhật: 30/07/2013

Do Thanh Thảo - RadioCTM thực hiện ngày 28/7/2013

Kính thưa quý thính giả,

Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước từ ngày 23 đến 27 tháng 7 đã kết thúc với hai luồng suy nghĩ khác nhau.

Một bên thì cho là Hoa Kỳ không đánh giá cao chuyến đi của ông Sang nên sự tiếp đón tẻ nhạt và các trao đổi giữa hai phía không đi ngoài khuôn khổ ngoại giao. Tức là không mang lại những điểm gì mới lạ.

Một phía khác thì đánh giá rằng tuy chuyến đi được sắp xếp vào giờ cuối, nhưng nội dung của các trao đổi mang tính chiến lược như đã nâng từ đối tác chiến lược lên thành đối tác toàn diện, và nhất là mở rộng các mối quan hệ về hợp tác kinh tế, giáo dục và ký kết hiệp định TPP. Tức chuyến đi Mỹ của ông Sang là để thảo luận làm việc chứ không nhằm thăm viếng chung chung.
Để tìm hiểu về những trao đổi thật sự giữa Hoa Kỳ và CSVN qua chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang lần này, chúng tôi xin mời quý vị theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình phát thanh hôm nay.

1/ Xin kính chào ông Lý Thái Hùng, trước hết xin mời ông lên tiếng chào quý thính giả.

2/ Trước hết nhìn lại chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang và phái đoàn, ông có nhận định tổng quát ra sao về chuyến công du Mỹ của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này?

Ông Lý Thái Hùng : Trước khi ông Trương Tấn Sang đến Mỹ, Tòa Bạch Ốc cho biết có khoảng 4 vấn đề chính sau đây sẽ được Tổng thống Obama trao đổi với ông Trương Tấn Sang gồm: 1/ Đối tác an ninh chiến lược; 2/ Nhân quyền; 3/ Thay đổi khí hậu toàn cầu; 4/ Hiệp định TPP và thương mại. Tuy nhiên sau cuộc gỡ trưa ngày 25 tháng 7, hai phía đã phổ biến bản Tuyên Bố Chung dài khoảng 3.200 chữ đã nêu 9 vấn đề gồm: 1/ Hợp tác chính trị và ngoại giao; 2/ Quan hệ kinh tế và thương mại; 3/Hợp tác khoa học và công nghệ; 4/ Hợp tác giáo dục; 5/ Môi trường y tế; 6/ Các vấn đề hậu quả chiến tranh; 7/ Quốc phòng và an ninh; 8/ Bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền; 9/ Văn hóa, du lịch và thể thao.
Trong 9 vấn đề trao đổi này theo tôi có hai vấn đề làm cho dư luận quan tâm tạo ra hai luồng suy nghĩ và đánh giá như chị đề cập bên trên.
Vấn đề thứ nhất là ông Obama và ông Trương Tấn Sang đồng ý hai phía sẽ nâng tầm mức quan hệ đối tác chiến lược lên thành đối tác toàn diện. Đây là sự kiện khá mới vì hiện nay CSVN và Hoa Kỳ chưa đạt tới đối tác chiến lược mà lại nhảy lên đối tác toàn diện, rõ là hình ảnh “đặt cái cày trước con trâu”. Tuy vậy, đây là điều mà dư luận đã đánh giá rằng chuyến đi của ông Sang đạt kết quả khi CSVN bày tỏ ý định rõ ràng muốn “xích” gần lại với Hoa Kỳ. Một dấu hiệu tích cực của chuyến công du.
Vấn đề thứ hai là bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, Tuyên Bố Chung đã không nói lên điều gì đặc biệt từ phía ông Obama và ông Sang vẫn tiếp tục giọng lưỡi gỗ: “VN tiếp tục đề cao quyền con người”. Trước khi gặp ông Sang vào sáng 25 tháng 7, TT Obama đã đón tiếp 4 Dân biểu Hạ Viện đề nghị TT Obama phải thẳng thắng đặt vấn đề vi phạm nhân quyền với CSVN và TT đã hứa, nhưng trong buổi hội kiến, ông Obama chỉ phát biểu chung chung và yêu cầu CSVN tôn trọng hiến chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Đây là điều khiến cho dư luận thất vọng vì đáng lý ra TT Obama phải nói mạnh hơn khi mà cường độ gia tăng đàn áp của CSVN càng ngày càng lên cao đối với các nhà dân chủ, các Blogger và nhất là trong lúc đang xảy ra vụ anh Điếu Cày tuyệt thực lên đến ngày thứ 31.
Tuy nhiên, nhìn chung về chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang, tôi có 2 nhận xét:
Thứ nhất là cách đón tiếp của Hoa Kỳ dành cho ông Sang phải nói là rất tẻ nhạt. Khi ông Sang đến phi trường Quân sự Andrew chỉ có đại sứ Mỹ tại Việt Nam và một cán bộ phụ trách Lễ Tân của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ra đón. Ngay cả buổi sáng khi ông Sang đến gặp TT Obama ở Tòa bạch Ốc cũng không có phần nghi lễ đón tiếp cũng như không được mời ăn trưa hay ăn tối.
Tuy dùng danh từ là chuyến viếng thăm làm việc để che đậy sự tẻ nhạt trong cách đón tiếp nhưng đã không thể nào che giấu đươc sự kiện là cho đến thời điểm hiện nay, Hoa Kỳ vẫn chưa đánh giá cao mối quan hệ với CSVN. Cách đón tiếp của TT Obama dành cho bà Aung san Suu Kyi, Tổng thống Thein Sein của Miến Điện cho thấy là Hoa Kỳ chưa sẵn sàng đối với CSVN. Với những thực tế như vây, CSVN và Hoa Kỳ khó đẩy mạnh đối tác toàn diện mà rồi cũng sẽ loay hoay với các cuộc đàm phán như những năm qua mà thôi.
Thứ hai là so với kỳ ông Nguyễn Minh Triết viếng thăm Hoa Kỳ vào nĂm 2007, lần này ông Trương Tấn Sang đến thăm Hoa Kỳ là lúc mà quan hệ mậu dịch giữa hai nước đã có những phát triển đáng kể, nâng kim ngạch trao đổi lên 29 tỷ Mỹ kim, đặc biệt xuất siêu của VN đối với Hoa Kỳ lên đến 15,6 tỷ Mỹ kim. Rõ ràng Hoa Kỳ là thị trường quan trọng bậc nhất cho CSVN nên vì thế mà ông Sang nói Hoa Kỳ là quốc gia quan trọng nhất của VN. Hoa Kỳ chính là con bò sữa để cho CSVN vắt sữa đem nuôi Trung Quốc. Do đó theo tôi thì CSVN đã dùng đòn nâng cấp đối tác toàn diện chỉ để câu giờ hầu qua đó khai thác thị trường Mỹ nhằm thu hút lợi nhuận kinh tế để mang sang phục vụ cho thị trường Trung Quốc vì số hàng hóa nhập siêu của VN đối với TQ cũng khoảng 13 hay 14 tỷ Mỹ Kim.
Nói tóm lại, qua chuyến đi Mỹ của ông Sang, tuy hai phía có đạt một số thỏa thuận về mậu dịch, trao đổi giáo dục, y tế và nâng quan hệ chiến lược lên tầng đối tác toàn diện, nhưng qua cách đón tiếp tẻ nhạt không kèn không trống so với Bắc Kinh đón tiếp ông Sang hồi tháng 6 ta thấy là Hoa Kỳ vẫn còn đánh giá rất thấp mối quan hệ với CSVN trong tình hình hiện nay.

3/ Trong Tuyên Bố Chung, hai phía đã dùng từ ngữ đối tác toàn diện thay vì đối tác chiến lược mà hai chính phủ hay dùng trong thời gian qua. Tại sao có sự thay đổi như vậy và nó mang ý nghĩa gì thưa ông.

Ông Lý Thái Hùng : Trong Tuyên Bố Chung phổ biến sau cuộc gặp, Tổng Thống Obama và ông Trương Tấn Sang đã đồng ý hai nước sẽ trở thành Đối tác Toàn diện trong thời gian tới.
Tuyên Bố Chung ghi rằng với quan hệ Đối tác Toàn diện mới sẽ tạo ra cơ chế hợp tác trong khu vực bao gồm cả quan hệ chính trị và ngoại giao, thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, các vấn đề di sản chiến tranh, quốc phòng, an ninh, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, và văn hóa, thể thao và du lịch.
Theo tôi biết thì những định nghĩa về Đối tác Toàn diện nói trên chẳng khác gì những nội dung mà cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton đề cập về việc xây dựng “đối tác chiến lược” giữa Mỹ và CSVN, trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào mùa Hè năm 2010.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lần này quan hệ Việt Mỹ lại thay đổi từ “đối tác chiến lược” sang “đối tác toàn diện”?
Từ năm 2001 cho đến nay, CSVN chỉ tạo quan hệ "đối tác chiến lược" với Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Hàn, Nga, Tây Ban Nha, Anh và Đức mà thôi. Và trong những nước có quan hệ chiến lược này chỉ có hai quốc gia được nâng lên "đối tác toàn diện" là Trung Quốc vào năm 2009 và Nga vào năm 2012. Trong khi đó quan hệ giữa CSVN và Hoa Kỳ chưa là "đối tác chiến lược" mà lại bàn chuyện nâng lên hàng "đối tác toàn diện" như qua Tuyên Bố Chung thì rõ ràng là CSVN và Hoa Kỳ đang muốn có bước nhảy vọt trong quan hệ hiện nay.
Sự nhảy vọt này theo tôi là CSVN muốn tránh hình ảnh lệ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh nên cần phải nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và đương nhiên Hoa Kỳ rất muốn điều này vì hy vọng là có thể thay đổi mối quan hệ để kéo Hà Nội đi gần hơn với Hoa Thịnh Đón trong thời gian tới.
Tuy nhiên đây chỉ mới là mục tiêu nhắm đến giữa hai nước, chứ chưa phải là đối tác toàn diện thực sự vì CSVN có thể làm được điều này trong hệ thống độc đảng đối với Trung Quốc hay đối với Nga dưới chính quyền độc tài Putin, nhưng không thành công đối với Hoa Kỳ, khi mà Quốc hội Hoa Kỳ chưa được thuyết phục là Hà Nội thật sự có những tiến bộ trong việc tôn trọng các quyền con người.

4/ Vấn đề nhân quyền VN phải nói là điểm nóng trong chuyến đi lần này của ông Trương Tấn Sang với sự lên tiếng của phía chính giới và các NGOs quốc tế. Theo ông thì tổng thống Obama đã phản ảnh vấn đề nhân quyền ra sao lúc gặp ông Truong tấn Sang.

Ông Lý Thái Hùng : Trước khi Tổng thống Obama gặp ông Trương Tấn Sang, đã có một số cuộc vận động nhằm yêu cầu TT Obama đặt nặng vấn đề nhân quyền đối với ông Sang và phái đoàn CSVN.
Trước hết về phía Hoa Kỳ, phải nói là các vận động phía lập pháp lần này rất đa diện. Đầu tiên là 4 dân biểu Hạ Viện gồm Dân biểu Zoe Lofgren (D-CA), Susan Davis (D-CA), Alan Lowenthal (D-CA), và Scott Peters (D-CA) đã gặp TT Obama tại Tòa Bạch Ốc và 4 dân biểu này cho biết là họ đã có nhận được cam kết của Tổng thống Obama để giải quyết các mối quan tâm về nhân quyền với ông Trương Tấn Sang.
Kế đến có 35 dân biểu và 5 Thượng Nghị Sĩ đã ký tên vào hai lá thư khác nhau yêu cầu Tổng Thống Obama phải đặt vấn đề nhân quyền với ông Trương Tấn Sang. Những diễn biến này cho thấy là các áp lực từ phía lập pháp không phải là nhỏ. Ngoài ra có 15 tổ chức NGO quốc tế cũng đã viết thư yêu cầu TT Obama áp lực CSVN phãi trả tự do các các tù nhân lương tâm như Lê Quốc Quân, Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Phương Uyên, Nguyên Kha vân vân...
Về phía Cộng đồng VN qua sự vận dộng của đài truyền hình SBTN và chiến dịch Triệu Con Tim Một Tiếng Nói đã kêu gọi đồng hương toàn thế giới gửi hơn 10 ngàn lá thư đến Tòa Bạch Ốc, cũng như 12 đoàn thể đảng phái, các tổ chức xã hội gửi thư yêu cầu TT Obama đặt vấn đề VN như một điều kiện tiên quyết trong các thương thảo. Đặc biệt là trong ngày ông Obama gặp ông Sang, đã có hơn 1000 đồng hương từ các Cộng đồng các nơi về Hoa Thịnh Đốn biểu tình truớc Tỏa Bạch Ốc do Cộng đồng nguời Việt Tự Do tại Virginia và vùng phụ cận tổ chức.
Phải nói là đã có rất nhiều vận động để yêu cầu TT Obama quan tâm và đặt vấn đề nhân quyền lên phái đoàn CSVN do ông Sang hướng dẫn và TT Obama đã hứa là sẽ trình bày. Tuy nhiên như tôi có trình bày bên trên là khi dư luận đọc qua phần đề cập nhân quyền trong Tuyên Bố Chung phải nói là thất vọng. Tuy Tuyên bố Chung phản ảnh ngôn ngữ ngoại giao không thể viết những điều sổ sàng mang tính áp lực; nhưng rõ ràng là Obama đã đặt vấn đề nhân quyền một cách chung chung, không nêu rõ một số vi phạm cụ thể để áp lực CSVN như:
- Chấm dứt đàn áp, bắt bớ những Blogger và ngăn chận mạng Internet như hiện nay. Tự do Internet là chương trình mà Hoa Kỳ cổ vũ dưới thời bà Hillary làm Ngoại trưởng. TT Obama đã không có một lời nào đề cập về vấn đề mà chính Hoa Kỳ đang cổ suý.
- Phải trả tự do cho một số tù nhân lương tâm mà Hoa Kỳ đang quan tâm như LS Lê Quốc Quân, Blogger Điếu Cày, TS Cù Huy Hà Vũ… đã không thấy TT Obama nêu ra.
Trong khi đó Tuyên bố chung lại ghi rằng ông Sang khẳng định rằng VN sẽ ký công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc cuối năm nay và CSVN tuyên bố mời báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưõng vào năm 2014. Ông Obama đã bị cộng sản VN lợi dụng diễn đàn nhằm tuyên truyền về những điều họ hứa, họ ký nhưng không bao giờ tôn trọng.
Nói tóm lại, TT Obama đã không làm tròn lời hứa đối với 4 dân biểu Hạ Viện. Ít ra là dựa trên bản Tuyên Bố Chung, TT Obama đã không có một phát biểu hay áp lực nào mạnh mẽ đối với với ông Sang, trước tình trạng đàn áp thô bạo của CSVN hiện nay.

5/ Tổng kết lại, sau chuyến đi của ông Sang thì theo ông mối quan hệ giữa CSVN và Hoa Kỳ có những thay đổi gì đáng cho chúng ta quan tâm hay không thưa ông?


Ông Lý Thái Hùng : Trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và CSVN, theo tôi có 2 vấn đề mấu chốt chi phối những hợp tác về kinh tế, mậu dịch, chính trị và ngoại giao bây giờ và tương lai. Đó là “vấn đề đối tác toàn diện’ và “tôn trọng nhân quyền”.
Phía TT Obama và CSVN có thể thúc đẩy để tiến đến “đối tác toàn diện” nhưng những nỗ lực này chỉ tiến hành suông sẻ khi mà CSVN thật sự có những cải thiện về tình hình đàn áp nhân quyền vì nếu không chính quyền Obama và CSVN sẽ bị áp lực rất mạnh từ phía Quốc Hội Hoa Kỳ. Đó là các nhà lập pháp Hoa Kỳ sẽ dùng quyền biểu quyết để thông qua một số đạo luật hay các Nghị Quyết không cho phép chính quyền làm những điều này hay điều nọ để giúp CSVN.
Hơn thế nữa lãnh đạo CSVN hiện nay tuy họ lo ngại bản chất bá quyền của Trung Quốc, nhưng họ vẫn thấy là đi theo Bắc Kinh thì an toàn cho cái ghế lãnh đạo của họ hơn là gần với Hoa Kỳ khá nguy hiểm. Chính bản chất nô lệ, sợ sệt Trung Quốc của lãnh đạo hiện nay tôi thiết nghĩ là quan hệ giữa Hoa Kỳ và CSVN không có gì tiến triển mà trái lại có thể tạo thêm sóng gió cho chính CSVN khi mà TQ tìm cách ngáng cẳng những nỗ lực tiến đến đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và CSVN trong thời gian tới. Nói cách khác là Bắc Kinh không dễ gì để cho CSVN lặng lẽ đi mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ dù là chiến lược hay toàn diện.
6/ Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng và xin cảm ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình phát thanh hôm nay.


No comments:

Post a Comment

View My Stats