Thứ hai 29 Tháng Bẩy 2013
Yếu tố nổi bật nhất nhân chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ
tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang – mà đỉnh cao là cuộc họp thượng đỉnh với
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25/07/2013 tại Nhà Trắng – là sự kiện hai bên
quyết định nâng cấp quan hệ lên hàng « đối tác toàn diện ». Bên cạnh đó, các hồ
sơ khác như hợp tác song phương trong mọi lãnh vực, vấn đề nhân quyền và tình
hình Biển Đông cũng được hai bên đề cập tới.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là chuyến đi Mỹ của chủ tịch nước Việt
Nam đã có kết quả như thế nào ? Việt Nam và Hoa Kỳ đã thu hoạch được gì ? Hồ sơ
Biển Đông, mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam đã được đề cập đến ra sao ? Để tìm hiểu thêm về kết quả này, RFI đã đặt câu
hỏi cho Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và châu Á tại
Học viện Quốc phòng Úc (Trường Đại học New South Wales)
Điểm được giáo sư Thayer ghi
nhận trước tiên là tính chất gấp rút của chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Việt
Nam, thể hiện qua khoảng thời gian cực kỳ ngắn ngủi – khoảng hai tuần lễ - từ
lúc chuyến công du được tiết lộ (AFP - ngày 10/07/2013) cho đến ngày ông Trương
Tấn Sang lên đường (ngày 23/07/2013).
Trong một bài phân tích đăng
trên trang web YaleGlobal của trường Đại học Yale, nhà báo David Browne
đã giải thích tính chất vội vã của chuyến đi này bằng thất bại của lãnh đạo
Việt Nam không đạt được những gì mong muốn nhân chuyến công du Bắc Kinh hồi
tháng Sáu.
Quan điểm nói trên không được giáo
sư Thayer tán đồng. Trong một bài viết ngày 23/07 vừa qua, ông cho biết là
theo một số nguồn thạo tin, ý tưởng về chuyến công du Mỹ của lãnh đạo Việt Nam
đã được gợi lên từ tháng Tư năm nay, phía Việt Nam thoạt đầu đã chần chờ nhưng
sau đó đã phản ứng nhanh chóng. Lời mời chính thức đã được phía Mỹ nêu lên vào
khoảng mồng 2, mồng 3 tháng 7, và phía Việt Nam đã trả lời thuận một tuần sau
đó, vào khoảng ngày 10 hay 11.
Trả lời Ban Việt Ngữ RFI, giáo
sư Thayer cho rằng, dù gấp rút, nhưng chuyến công du nước Mỹ của chủ tịch nước
Việt Nam Trương Tấn Sang vừa qua là một dịp tốt để hai bên định hướng mới cho
quan hệ song phương đã hết sức phát triển trong thời gia gần đây.
Chuyến thăm Washington của ông
Trương Tấn Sang chỉ được báo trước một thời gian rất ngắn trước lúc diễn ra.
Hiện chưa rõ là bên nào đã chủ động đề xuất sáng kiến này. Dường như là phía Mỹ
đã thúc đẩy trở lại vào tháng Tư vừa qua các cuộc thảo luận về một chuyến thăm
của Chủ tịch Việt Nam, sau khi Ngoại trưởng John Kerry hủy bỏ một chuyến thăm
Việt Nam từng được dự kiến. Đó là lần thứ hai mà ông Kery hủy bỏ kế hoạch ghé
Việt Nam.
Bối cảnh nêu trên rất cần thiết
để giúp ta hiểu được rằng chuyến thăm (Mỹ) của Chủ tịch Việt Nam chủ yếu là để
điều chỉnh đúng hướng quan hệ Mỹ-Việt. Cả hai bên đều được lợi.
Hoa Kỳ nêu bật được thành tố kinh tế trong chiến lược
xoay trục
Theo giáo sư Thayer, với các
thỏa thuận đã đạt được với Việt Nam nhân chuyến công du của chủ tịch nước
Trương Tấn Sang, đặc biệt là với việc Việt Nam đồng ý đúc kết thỏa thuận tự do
mậu dịch xuyên Thái Bình Dương vào cuối năm nay, chính quyền Obama đã chứng tỏ
một cách cụ thể chính sách xoay trục qua châu Á của họ còn có một vế kinh tế
quan trọng, có lợi cho người Mỹ và nước Mỹ.
Giáo sư Thayer phân tích :
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Việt
Nam, Tổng thống Mỹ Obama thì thúc đẩy được việc sớm kết thúc (đàm phán) về thỏa
thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nêu bật được cố gắng tăng công ăn
việc làm cho người lao động Mỹ.
Kể từ khi chính quyền Obama
tuyên bố chiến lược tái cân bằng lực lượng qua khu vực châu Á-Thái Bình Dương,
Washington đã phải dày công nhấn mạnh rằng chủ trương này đi xa hơn là việc
tăng cường sự hiện diện quân sự đơn thuần. Quan hệ đối tác toàn diện của Mỹ với
Việt Nam, sau một quan hệ tương tự đã đạt với Indonesia trong năm 2010, đã mang
lại thành tố kinh tế cho chiến lược tái cân bằng.
Việt Nam khéo tránh được búa rìu về nhân quyền
Về phía Việt Nam, giáo sư
Thayer cho rằng thu hoạch của ông Sang nhân chuyến đi này cũng rất lớn, nhất là
hóa giải được phần nào búa rìu dư luận trên tình trạng yếu kém về mặt nhân
quyền của Việt Nam
Về phần Việt Nam, nước này tìm
cách duy trì thế cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chuyến thăm
Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được thực hiện ngay sau chuyến công du Bắc
Kinh của ông từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 6.
Những thành quả chính trị lớn
của chuyến thăm Mỹ của ông Sang, theo quan điểm của Việt Nam, bao hàm việc xử
lý khéo léo về vấn đề nhân quyền. Tháp tùng theo chủ tịch nước Việt Nam qua Mỹ
có một số chức sắc tôn giáo. Họ đã thảo luận (với phía Mỹ) về các vấn đề tự do
tôn giáo. Chủ tịch Trương Tấn Sang đã chứng minh được rằng (Hà Nội) vẫn có thể
« làm ăn » với Washington, bất chấp cảnh báo của Mỹ về nguy cơ quan hệ song
phương không thể tiến bộ nếu Việt Nam không chứng tỏ được tiến bộ trong lãnh
vực nhân quyền.
Trong lĩnh vực quan hệ giữa hai
nước, cả hai vị nguyên thủ đã đồng ý thành lập một cơ chế ngoại giao chính trị
song phương mới cấp Bộ và Tổng thống Obama cam kết sẽ cố gắng đi thăm Việt Nam
trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.
Tháng Tư vừa qua, Bộ Chính trị
đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua một nghị quyết về hội nhập quốc tế. Nghị
quyết này đặt ưu tiên hàng đầu cho việc hội nhập kinh tế. Nhìn trên tổng thể,
thành công lớn nhất của ông Trương Tấn Sang nhân chuyến đi Mỹ lần này là tập
trung được quan hệ song phương vào lãnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, và
hướng được cả Việt Nam lẫn Mỹ vào mục tiêu đạt được thỏa thuận chung cuộc về
TPP vào cuối năm nay.
Biển Đông không có gì mới
Riêng về hồ sơ Biển Đông, ông
Thayer từng nhận định trong bài phân tích công bố hôm 23/07 là vấn đề này chỉ
giữ một vai trò thứ yếu trong các cuộc thảo luận Việt-Mỹ nhân chuyến thăm của
ông Trương Tấn Sang.
Trong bản tuyên bố chung
Việt-Mỹ, tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc tuy được gợi lên,
nhưng một cách ngắn gọn :
« Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ giải
quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế,
trong đó có những quy định của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc. Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đồng thời tái khẳng định ủng
hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết
tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và
Tổng thống Obama nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử
của các bên tại Biển Đông (DOC), và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán
để hoàn tất một bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu quả. »
Đối với giáo sư Thayer, các
tuyên bố trên đây không có gì mới so với những gì hai bên từng nêu lên. Ông
giải thích :
Về cơ bản không có gì điểm gì
mới được hai lãnh đạo Việt Mỹ nêu lên. Đây cũng là điều được chờ đợi. Mỹ vẫn
duy trì lập trường trung lập cố hữu trên vấn đề chủ quyền.
Cả hai bên đều khẳng định trở
lại các quan điểm trước đây, theo đó các tranh chấp lãnh thổ cần được giải
quyết một cách hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật
pháp quốc tế.
Cả hai lãnh đạo đều « nhấn mạnh
giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông
(DOC), và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để hoàn tất một bộ Quy
tắc ứng xử (COC) có hiệu quả.
Đối tác ‘toàn diện’ thay vì ‘chiến lược’ như Việt Nam
mong muốn
Kết quả nổi bật nhất của chuyến
công du Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Việt Nam tuy nhiên chính là việc hai nước đồng
ý nâng cấp quan hệ lên mức đối tác toàn diện mà nội dung được tóm tắt trong
đoạn thứ hai của bản Tuyên bố chung :
« Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống
Obama quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ nhằm xây
dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy quan hệ. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh các
nguyên tắc trong quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có tôn
trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính
trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hai nhà Lãnh đạo tuyên
bố quan hệ Đối tác toàn diện nhằm góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và
thịnh vượng của mỗi nước, trong khu vực và trên toàn thế giới. Quan hệ Đối tác
Toàn diện mới sẽ tạo ra các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có
quan hệ chính trị và ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và
công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, giải quyết hậu quả chiến
tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, văn hóa, thể
thao và du lịch. »
Đối với giáo sư Thayer, quan hệ
đối tác toàn diện này có thể được xem là một bước tiến trong quan hệ Việt Mỹ,
nhưng không đạt được mức mà Việt Nam mong muốn là một quan hệ « đối tác chiến
lược », mà khả năng từng được cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nêu lên cách
nay ba năm, nhưng sau đó đã gặp bế tắc trên hồ sơ nhân quyền.
Giáo sư Thayer giải thích :
Quan hệ đối tác toàn diện là
một tuyên bố chính trị ghi nhận việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển mối quan
hệ tỏa rộng ra chín lĩnh vực chính yếu, và xác định rằng hai bên cần phải nâng
cấp các cơ chế song phương để chỉ đạo tiến trình hợp tác trong tương lai.
Mỹ đã gợi lên khả năng thiết
lập một quan hệ « đối tác chiến lược » (với Việt Nam) lần đầu tiên là vào năm
2010 khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Hà Nội. Đàm phán đã nhanh chóng gặp
bế tắc trên vấn đề nhân quyền.
Về phần mình, Việt Nam đã thúc
đẩy quan hệ đối tác chiến lược với các cường quốc chủ chốt. Cho đến nay Việt
Nam đã đàm phán xong với 12 đối tác chiến lược. Trong bài phát biểu của mình
tại cuộc Đối thoại Shangri-La vào năm nay (31/05/2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đã nêu lên ý định của Việt Nam là muốn có một thỏa thuận hợp tác chiến
lược với toàn bộ 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Việt Nam đã có thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, Nga, Anh
Quốc nhưng chưa có với Pháp và Mỹ.
Do thời gian chuẩn bị cho cuộc
họp giữa hai lãnh đạo quá ngắn - chỉ hai tuần - quan hệ đối tác toàn diện
(Mỹ-Việt) thực sự là một công việc đang trên đường hình thành.
Tài liệu hiện thời chủ yếu nhắc
lại và tóm lược các hoạt động hợp tác đã được tiến hành từ nhiều năm qua. Bây
giờ đến phiên lãnh đạo hai nước duy trì trao đổi cấp cao, đồng ý trên một Kế
hoạch Hành động để vạch ra hướng tiến bước với các mục tiêu cụ thể, và có thể
là sẽ tạo ra một ban chỉ đạo chung để giám sát việc thực hiện các dự án đã được
đồng ý.
Trong bài phân tích sâu hơn về
quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt công bố hôm 26/07 vừa qua, giáo sư đã đưa ra
hai giả thuyết về việc tại sao nhân chuyến công du Hoa Kỳ của ông Trương Tấn
Sang lần này, Washington và Hà Nội lại chọn phương án « toàn diện » thay vì «
chiến lược ».
Theo ông, giả thuyết thứ nhất
là do việc các cuộc đàm phán về quan hệ đối tác chiến lược đã sa lầy và có lẽ
hai bên đã kết luận rằng một thỏa thuận không chính thức vẫn tốt hơn là không
có thỏa thuận nào cả.
Giả thuyết thứ hai là sự chống
đối của các thành phần bảo thủ trong giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam.
Các nguồn tin (Việt Nam) cho
tôi biết rằng gần đến ngày ông Sang đi Mỹ, các thành phần bảo thủ trong đảng đã
bắt đầu phản đối một thỏa thuận hợp tác chiến lược chính thức, sợ rằng Mỹ thúc
đẩy quan hệ song phương quá nhanh.
Sau khi thỏa thuận hợp tác toàn
diện đã được loan báo, Bộ Ngoại giao đã ban hành một chỉ thị cho các phương
tiện truyền thông, yêu cầu họ không nên mô tả thỏa thuận này như việc « nâng
cấp » quan hệ song phương. Các phương tiện truyền thông được chỉ đạo là chỉ đưa
tin rằng hai nhà lãnh đạo đã loan báo việc thành lập quan hệ đối tác toàn diện.
Theo giáo sư Thayer, cho đến
nay, Việt Nam đã từng có tiền lệ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Úc.
Tuy nhiên thỏa thuận với Hoa Kỳ, trong thời điểm hiện nay, vẫn chưa nêu lên
được tầm nhìn chiến lược vốn hiện diện trong thỏa thuận quan hệ đối tác toàn
diện với Úc. Và đương nhiên, thỏa thuận với Mỹ, vẫn ở tầm mức thấp hơn các quan
hệ đối tác chiến lược với 11 nước khác, trong đó có Nga, Trung Quốc và Anh
Quốc.
làm đẹp tại spa anh thư
ReplyDeletedạy điêu khắc chân mày
spa anh thu
hoc dieu khac chan may
khoa hoc dieu khac chan may
điêu khắc chân mày phong thủy
dieu khac phun xam
lam dep tai anh thu
day dieu khac chan may
khóa học điêu khắc chân mày
viện thẩm mỹ anh thư ở đâu