Thứ hai 29 Tháng Bẩy 2013
Ống dẫn khí đốt từ miền tây Miến Điện sang tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. DR
Theo báo chí Hoa lục, đường dẫn
khí đốt Miến Điện cung cấp cho miền nam Trung Quốc đã được khánh thành vào hôm
qua 28/07/2013 sau ba năm xây dựng. Bắc Kinh xem đây là dấu hiệu Miến Điện vẫn
xem trọng quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng không dấu e ngại có bất trắc
trong tương lai.
Theo Tân Hoa Xã thì vào hôm qua
28/07/2013 lễ khai thông ống dẫn khí đốt từ vịnh Bangal, bờ biển tây của Miến
Điện đến Trung Quốc đã được tổ chức tại thành phố Mandalay. Ống dẫn khí dài 793
km, từ khu vực mỏ khí đốt Kyaukpyu xuyên qua Miến Điện, đi ngang qua khu vực do
sắc tộc Kachin đòi độc lập kiểm soát, trước khi vào lãnh địa tỉnh Vân Nam của
Trung Quốc.
Hãng tin Trung Quốc nhận định,
đường dẫn khí đốt này cho phép miền tâyTrung Quốc phát triển kinh tế với chi
phí năng lượng ít tốn kém hơn. Đây cũng là thành quả của chính sách dài hơi của
Bắc Kinh hậu thuẫn chính quyền quân sự Miến Điện trong thời kỳ bị phương Tây
cấm vận.
Tân Hoa Xã cho biết mỗi năm ống
dẫn khí sẽ vận chuyển 12 tỉ mét khối khí đốt, và ống dẫn dầu cùng dự án, sẽ vận
chuyển 22 triệu tấn mỗi năm. Đường dẫn khí xuyên Miến Điện cho phép Trung Quốc
bớt lệ thuộc vào eo biển Malacca.
Bản tin Anh ngữ của Hoàn cầu
Thời báo nhìn nhận là “Ngày nay Miến Điện đã mở cửa với Tây phương và giảm
thiểu hợp tác với Trung Quốc nhưng không phải vì thế mà chống Trung Quốc”. Tuy
nhiên, cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc tự cho quyền cảnh cáo
Miến Điện phải bảo đảm quyền lợi của Trung Quốc bất kể ai là người cầm quyền
trong tương lai: “Trung Quốc quyết tâm giám sát Miến Điện. Miến Điện phải
chứng tỏ có thái độ nghiêm túc với Trung Quốc và Trung Quốc sẽ xem thái độ của
nhân dân Miến Điện đối với ống dẫn khí là một trắc nghiệm” trong quan hệ
với Trung Quốc.
Thái độ lo ngại của Bắc Kinh
phản ảnh qua báo chí Trung Quốc bắt nguồn từ nhiều lý do cụ thể.
Phong trào môi sinh Miến Điện Shwe Gas cho biết dự án này đã gây phản ứng mạnh trong
giới nông dân và nhiều cuộc đình công do công nhân đòi tăng lương. Chính phủ
Miến Điện cũng có kế hoạch đàm phán lại hợp đồng trung chuyển đòi thêm nhiều tỉ
đôla để đáp ứng với nhu cầu mới về bảo vệ môi trường.
Tuần trước, chính phủ Miến Điện
đã điều chỉnh một hợp đồng khai thác mỏ đồng với một công ty Trung Quốc sau
nhiều cuộc biểu tình của dân làng và tu sĩ.
Năm 2011, dự án đập thủy điện
Myitsone do một tập đoàn Trung Quốc xây dựng cũng bị Tổng thống Thein Sein đình
chỉ để đáp ứng nguyện vọng chống đối của người dân Miến Điện.
No comments:
Post a Comment