Friday, 21 March 2014

NHÃ THUYÊN, NẠN NHÂN CỦA NỀN CHÍNH TRỊ HƯỚNG DẪN VĂN HỌC (Mặc Lâm - RFA)




Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-03-21

Cô Đỗ Thị Thoan tức nhà văn Nhã Thuyên hôm tham dự buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập chi nhánh NXB Trẻ tại Hà Nội (2012). Courtesy Trebook.com

Mới đây một công văn của Ban tuyên giáo Trung ương đã bị tung ra trong cộng đồng mạng trên đó yêu cầu báo chí không được loan tải những tin tức mà Ban Tuyên giáo thấy cần phải định hướng. Một trong những tin mà báo chí không được loan tải hay đăng các đơn thư trái chiều là việc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ra quyết định thu hồi luận văn thạc sĩ của cô Đỗ Thị Thoan, từng được chấm điểm tuyệt đối hơn ba năm trước nhưng từ tháng 7 năm ngoái bị một nhóm tự nhận là những nhà phê bình văn học vạch ra những điều mà họ gọi là phản lại văn học phản lại chế độ và yêu cầu thu hồi luận văn này.

Công văn có nội dung như sau:
“Về luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên (tức Đỗ Thị Thoan) “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn hóa” do PGS TS Nguyễn Thị Bình hướng dẫn, tuần qua, căn cứ Luật Giáo dục 2005 và Điều lệ trường đại học năm 2010, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội đã ra quyết định thành lập Hội đồng khoa học để thẩm định lại chất lượng luận văn này. Hội đồng ra quyết định thu hồi luận văn và không công nhận học hàm (sic) thạc sỹ của chị Đỗ Thị Thoan. Đề nghị báo chí không đang tải ý kiến, đơn thư trái chiều.”

Ngay sau khi tin này được loan tải một sự chống đối mạnh mẽ đã lan tràn và dư luận đặt câu hỏi về tính chính danh của cái được gọi là Hội đồng xét duyệt lại luận văn này.

Chúng tôi được cô Đỗ Thị Thoan tức nhà văn Nhã Thuyên chấp nhận một cuộc phỏng vấn ngắn với những câu hỏi có liên quan. Trước tiên cô cho biết:

Nhà văn Nhã Thuyên: Thực ra không biết phải bắt đầu như thế nào. Tôi chỉ muốn nói rằng  cuộc sống của tôi, tôi vẫn muốn giống như cái thời điểm mà cái sự việc luận văn và những bài báo đánh đập xảy ra và một cái thời gian dài vừa rồi thì tôi cũng có những lúc đứng trước  những cái lựa chọn khác nhau hay trong những tình huống xấu nhất mà mình bị đẩy đến cái tình cảnh hoặc mình dừng lại hoặc mình đi tiếp, tôi luôn nghĩ là mình sẽ phải đi tiếp và cuộc sống thì nó vẫn phải tiếp diễn theo một cách nào đấy.

…Câu chuyện một người bị thôi việc, tất nhiên mọi người sẽ thấy ngay đó là một sự bất công, bất công ở chỗ là bản thân tôi không được quyền biết rõ ràng về mặt thông tin, tôi chỉ nhận được một cái thông báo dừng ký hợp đồng.

Câu chuyện một người bị thôi việc, tất nhiên mọi người sẽ thấy ngay đó là một sự bất công, bất công ở chỗ là bản thân tôi không được quyền biết rõ ràng về mặt thông tin, tôi chỉ nhận được một cái thông báo dừng ký hợp đồng. Tôi nghĩ là bản thân tôi sẽ không bàn đến công việc đó tôi có yêu thích nó hay không và nó tạo cái áp lực lên đời sống của tôi như thế nào? Luôn luôn có nhiều hơn một lưa chọn cho bản thân mình và đôi khi mình không tự lưạ chọn được cái lựa chọn đó. Khi tôi đặt cho tôi ở cái tình thế tôi không thật sự thích hợp với việc giảng dạy ở trên trường đại học. Bản thân tôi tự thấy, tôi không thích hợp và tôi không có còn muốn tiếp tục.

Măc Lâm: Từ khi bị cắt hợp đồng giảng dạy tại trường Đại học sư phạm Hà Nội hoạt động chủ yếu của Nhã Thuyên là gì có cực nhọc lắm với những điều mà bất cứ ai cũng rất khó chấp nhận này hay không?
Nhà văn Nhã Thuyên: Có rất nhiều chuyện xảy ra từ sau thời điểm mà tôi ngừng hợp đồng giảng dạy ở khoa Ngữ Văn ở trường Đại học sư phạm Hà Nội. Có những lúc tôi nghĩ là đã trải qua một giai đoạn dài rất nhiều cảm xúc cũng như những suy nghĩ khác nhau.
Bản thân tôi luôn tự nhắc mình bình tĩnh hơn một chút nữa để nhìn lại mọi việc đã xảy ra, nhưng thật sự đến thời điểm này tôi vẫn không tìm ra cho mình một câu trả lời thỏa đáng cho bản thân mình. Nhưng tôi nghĩ tôi đã có cái khoảng thời gian rất dài để nhìn rõ hơn về môi trường sống và cộng đồng xung quanh. Tôi cũng nhìn rõ hơn sự lựa chọn cho bản thân mình và đến thời điểm này có lẽ là tôi đang theo đuổi một cái gì đó, một con đường đi khá là hẹp, và có thể là có rất nhiều nhiều thử thách.
Bản thân tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho lựa chọn cá nhân hơn là tự tạo cho mình thêm những cái áp lực từ môi trường bên ngoài đến đời sống của mình.
Mọi người sẽ rất dễ tưởng tượng ra những gì xảy ra sau đó với một người còn khá là trẻ và cũng chỉ mới bắt đầu tham dự vào môi trường xung quanh mình mà thôi. Tôi nghĩ là tôi cần vững hơn nữa dũng cảm hơn nữa cho những lựa chọn cá nhân của tôi.

Mặc Lâm: Mới đây chúng tôi thấy một công văn của Ban tuyên giáo trung ương và biết được Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm ra quyết định thành lập Hội đồng khoa học thẩm định lại luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên. Hội đồng này đã quyết định thu hồi không công nhận học vị thạc sĩ của Nhã Thuyên nữa. Cái tin này có làm cho Nhã Thuyên shock hay không?
Nhà văn Nhã Thuyên: Tôi cũng nhận được thông tin về Hội đồng khoa học được lập ra trong đó không có ai là thành viên của Hội đồng chấm luận văn cũ cũng như không có mặt người hướng dẫn và tác giả của luận văn. Tôi cũng nhận được những thông tin mà mọi người chia sẻ trên facebook và qua hình thức truyền miệng về công văn của Ban tuyên giáo gởi cho các tòa báo ở Việt Nam về việc luận văn bị hủy và không công nhận học vị thạc sĩ của tôi.
Nhưng bản thân tôi thì tôi chưa nhận được bất cứ một quyết định chính thức nào liên quan đến việc này, chưa hề nhận được một quyết định về việc hủy bằng hay là không công nhận học vị đó. Tôi cũng không được biết thông tin về cuộc họp của Hội đồng khoa học và những thông tin liên quan khác.

PGS. TS Nguyễn Thị Bình. Courtesy Giaoduc.net.vn

Mặc Lâm: Chúng tôi cũng biết rằng vần đề này còn phải chờ ngày Nhã Thuyên nhận được quyết định chính thức, tuy nhiên đã có một quyết định cho nghỉ hưu sớm 5 năm đối với PGS Nguyễn Thị Bình là người hướng dẫn luận văn này.  Đối với một người có liên quan Nhã Thuyên nghĩ sao về hệ lụy này?
Nhà văn Nhã Thuyên: Tôi nghĩ rằng là cách sống, lòng nhiệt huyết và sự thật tâm trong giảng dạy cũng như việc nghiêm túc trong việc nghiên cứu với các thế hệ sinh viên của cô Bình là người mà tôi có may mắn được cô hướng dẫn trong một thời gian dài trong lúc tôi học cao học tại trường Đại Học Sư Phạm.
Tôi nghĩ mình luôn luôn như một học trò, tôi giữ cái tình yêu và sự kính trọng rất đặc biệt đối với sự hướng dẫn của tôi là cô giáo Nguyễn Thị Bình. Bởi sự tận tâm tôi nhìn thấy ở cô là sự cởi mở, sự tôn trọng đối với những sự lựa chọn của học trò mà tôi là người đã từng trực tiếp làm việc và có những cái tiếp xúc với cô.
Bản thân tôi đã chờ đợi nhiều hơn ở những người trong giới đại học, những người đã chứng kiến, cũng như đã có những tiếp xúc sâu sắc đối với cô Bình trong trường hợp này. Tôi không biết là có thể chia sẻ được gì nhiều hơn với cô ngoài việc là tôi cũng như nhiều học trò khác của cô luôn luôn nghĩ rằng người như cô phải được trả lại lẽ phải và công bằng.
Tôi không thể ngờ được đến kết quả và những đơn thư của cô bị từ chối và những tiếng nói của cô đến thời điểm này hầu như vẫn không đựợc công nhận, không được hồi đáp một cách rõ ràng. Tôi không biết là hiện nay tôi có thể làm gì hơn nữa đối với trường hợp của cô Nguyễn Thị Bình hay không.

Mặc Lâm: Từ khi có những việc dồn dập xảy ra như vậy Nhã Thuyên có nhận được sự động viên, thăm hỏi hay tư vấn gì từ giới học thuật hay những người trong trường đại học đối với đời sống tinh thần hay vật chất của Nhã Thuyên hiện nay hay không?
Nhà văn Nhã Thuyên: Tôi nghĩ là tôi phải rất thành thật về câu hỏi của anh. Bản thân tôi trong cái đời sống riêng tư và trong công việc mọi quan hệ đối với bạn bè văn chương cũng như bạn bè đồng nghiệp thì thường tôi không tự tạo cho mình một sự phân biệt là thuộc giới đại học hay không thuộc giới đại học. Thật ra câu chuyện này đã trở thành câu chuyện chung, tôi luôn luôn nghĩ là trong những giờ phút thất vọng nhất, yếu lòng nhất thì luôn có được cái cảm giác là mình sống trong sự bình đẳng của rất nhiều bạn bè có thể là họ không thuộc giới văn chương, hay không từng thuộc giới nghiên cứu trong đại học.
Tôi nghĩ bạn bè của tôi, trong tình trạng này tôi luôn trân trọng họ và biết ơn. Tôi sẽ rất khó gọi đó là những sự ủng hộ từ giới đại học, từ những người nghiên cứu hay họ chỉ ủng hộ vì họ là bạn của tôi. Có những người họ lên tiếng vì đó là công việc chung của giới nghiên cứu, của những vấn đề về tự do trong việc phát triển tư tưởng. Có những người như trong câu chuyện vừa rồi tôi đã gặp mà trước đây tôi chưa bao giờ gặp.
Trong những thời khắc tôi cảm thấy bất an nhất tôi cũng thấy mình phải bình tĩnh, phải dũng cảm hơn nữa bởi vì khi mà câu chuyện đã không còn là câu chuyện cá nhân mình, cũng không phải là câu chuyện của cá nhân của cô Nguyễn Thị Bình mà nó trở thành một vấn đề chung để mọi người cùng nghĩ và cùng thảo luận.
Tôi hy vọng là sẽ nghe thêm các tiếng nói đối thoại, những tiếng nói có sự trao đổi mà tôi nghĩ rằng đặc biệt. Tôi thường nhìn mình như là một người trẻ, một người có khả năng dám chịu trách nhiệm về điều mà mình đã làm, đã nói và tôi cũng rất trân trọng những tiếng nói khác biệt từ nhiều phía khác nhau. Tôi mong câu chuyện này nó có thể tiếp diễn, bất kể nó tiếp diễn xấu hơn hay tốt hơn, nhưng tôi hy vọng nó có thể tiếp diễn trong sự đối thoại của nhiều quan điểm và suy nghĩ khác nhau. Tôi cũng muốn nói thêm, tôi rất mong thấy được thêm nhiều của tiếng nói công luận để có thể có một sự giúp đỡ hoặc có hướng giải quyết nào đó công bằng đối với trường hợp cô Nguyễn Thị Bình là người giúp tôi trong luận văn thạc sĩ của tôi.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn Nhã Thuyên.

M. L.


No comments:

Post a Comment

View My Stats