Saturday 29 March 2014

NHỮNG SAI LẦM VỚI DÂN NHƯNG ĐÚNG ĐẮN VỚI ĐẢNG (Đảng Xanh)





Trong bài viết trước “Đê bao Đồng bằng Sông Cửu Long – Sai lầm “vĩ đại” trong lịch sử cận đại, hai chữ “sai lầm” thực ra chưa được … chuẩn cho lắm, bởi vì trên thực tế ở đất nước Việt Nam này, “từ khi có đảng”, luôn luôn có một mối mâu thuẫn to lớn nhất về lợi ích giữa của tuyệt đại đa số người dân với của đảng cầm quyền độc tôn, nên một khi “sai” với Dân thì lại có thể thành “đúng” cho Đảng.

Bài viết này bàn về một số “sai lầm” lớn nhỏ, có thể đã được Đảng CSVN chính thức thừa nhận hoặc có thể chưa, nhưng trong sâu thẳm lại chính là những “đúng đắn” của Đảng mà hầu như chưa được bàn tới cho nó đỡ cái … “oan” cho Đảng.

1. Đảng CSVN ra đời. Đây rõ là sự kiện lớn nhất, đầu tiên phải bàn tới. Dân thì có thể cho đó là một “sai lầm” khủng khiếp khi nhìn vào rất nhiều quốc gia lân bang, cùng cảnh ngộ (giống nhất là Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên), họ không có đảng cộng sản, sao giờ đi lên vượt ta ghê thế? Chưa kể nhiều nước, có lẽ vì “không có đảng” mà tránh được chiến tranh huynh đệ tương tàn, tránh bị ngoại bang lợi dụng xương máu của dân.
Nhưng với Đảng thì đương nhiên đó là sự kiện trọng đại, “đúng đắn” nhất rồi.

2. Cải cách ruộng đất (CCRĐ). Trường hợp này Đảng cũng có thừa nhận chút ít, rằng có sai lầm. Còn Dân thì quá rõ, họ khốn khổ bao đời sau, hàng triệu người.

Thế nhưng, thực ra, cuộc CCRĐ “long trời lở đất” đó chính là một quyết định đúng đắn của Đảng. Không thực hiện nó thì chắc chắn không có được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung Cộng trong bao năm chiến tranh, với chính quyền non trẻ “cùng hội cùng thuyền”. Không thực hiện nó thì toàn bộ đời sống xã hội, thế chính trị trong nội bộ ĐCSVN sẽ khác hoàn toàn, sẽ đi theo xu hướng gần với những gì mà TBT Khrushchyov và Liên Xô đã thực hiện vào thời điểm đó, bị Trung Cộng gọi là “xét lại”. Xa hơn nữa, nếu không thực hiện CCRĐ, thể chế chính trị hai miền Nam-Bắc sẽ gần nhau hơn, sẽ dễ đi tới hòa hợp, thống nhất hơn. Cuối cùng sẽ là một xã hội đa đảng, mà ĐCSVN chỉ là một tổ chức chính trị có thể chỉ đóng vai trò “đối lập” mãi mãi.

Đảng quá biết điều đó, nhưng buộc phải nhận CCRĐ có những sai lầm để làm dịu thái độ phẫn nộ trong Dân. Mặt khác, sự thừa nhận đó cũng có chút vai trò của những thành phần cấp tiến trong Đảng, không phải là có ý muốn sâu xa tới ngày đa nguyên, mà chẳng qua không muốn Đảng quá Mao-ít mà thôi.

3. Đánh Nhân văn Giai phẩm. Đảng chỉ “thừa nhận” sai tí xíu thôi, còn trong thâm tâm Đảng là đúng hoàn toàn. Bởi vì không đánh đám này, thì nguy cơ vô cùng to lớn, sẽ lại giống những gì nói đến ở trên về CCRĐ, là “bè lũ xét lại chống Đảng” sẽ ngóc đầu dậy, câu kết với bọn “chỉ đạo” chúng ở Liên Xô, là “anh Hai” Trung Cộng sẽ rất bực mình, sẽ thọc tay vào nội bộ ta, bớt viện trợ kinh tế, quân sự v.v.. Sau này, đời sống văn hóa tinh thần cần đi lên, Đảng thấy cũng cần nhận sai chút ít để động viên giới văn hóa văn nghệ và nhân dân, may ra có vài tác phẩm “khởi sắc”. Ngoài ra, cũng phải kể đến việc Đảng phải chịu sức ép trong Dân và vài lãnh đạo chính trị, trí thức cấp tiến, mới có vài động tác xoa dịu. 

4. “Giải phóng miền Nam”. Tương tự sự kiện thành lập ĐCSVN, giữa Đảng với đông đảo người dân, vẫn có sự khác biệt lớn về “sai”, “đúng”.

5. Vội vã thống nhất đất nước năm 1976. Tương tự như “Giải phóng miền Nam”, Đảng coi đây là quyết định vô cùng đúng đắn. Thế nhưng, nó là một quyết định vội vã khi trong thâm tâm nhiều nhà lãnh đạo ở Hà Nội đã quá lo lắng một miền Nam sẽ “vượt” miền Bắc, không khéo trở thành một Khu Tự trị, … để rồi từ quyết định này kéo theo hàng loạt quyết định khác “sai” với Dân mà “đúng” cho Đảng. Ngoài ra, còn một lý do quan trọng khác nữa, sẽ nêu ở phần dưới, khiến Đảng đã có quyết định “đúng đắn” đó.

6. Các cuộc cải tạo tư bản, nông nghiệp nông thôn, duy trì tình trạng “bao cấp”. Dân thì khỏi nói, vì kiệt quệ, cùng cực bao năm, di hại cả đời sống tinh thần không thể kể siết. Còn Đảng thì có thừa nhận một số sai lầm trong chính sách kinh tế liên quan, thế nhưng thực ra, bên trong, đó là những “đúng đắn” của Đảng, khó nói ra. Bởi vì không có những cuộc “hy sinh” đó, đương nhiên lực lượng sản xuất tư nhân lớn mạnh, sẽ đè bẹp khối doanh nghiệp nhà nước, cùng với vô số hệ quả khác cho toàn bộ đời sống xã hội để nhanh chóng biến đổi đất nước thành một nước không có “Đảng lãnh đạo tuyệt đối”.
Nên nói trắng ra, nhưng “tế nhị” một chút, là cả đất nước hy sinh to lớn không cùng, để cho sự tồn tại của … “chế độ”.

7. Những vấn đề về miền Nam, trong đó có Đồng bằng Sông Cửu Long (*). Cũng như quyết định thống nhất nhanh chóng, miền Nam đã được “hy sinh” để cứu cả nước, mà suy cho cùng vẫn là cứu chế độ. Một miền Bắc kiệt quệ, méo mó trong mô hình cộng sản trại lính, làm sao có thể đứng dậy sau chiến tranh, khi mà chính “anh Hai” Trung Cộng chẳng vui vẻ gì để tiếp tục viện trợ, còn “anh Cả” Liên Xô cũng thấy chú “lính xung kích” làm xong “nhiệm vụ quốc tế” rồi, cần phải cho tự lực.

Thế là suốt nửa đất nước từng là xứ “tư bản giãy chết” đầy bơ thừa sữa cặn phải cắn răng chia sẻ thứ “bơ sữa” đó với đồng bào miền Bắc. Cả vùng châu thổ Sông Cửu Long trù phú phải được giao “nhiệm vụ chính trị” số một là bằng mọi cách sản xuất thật nhiều lúa gạo cho cả nước, để xuất khẩu, hòa nhịp, minh họa cho công cuộc “Đổi mới”. Đảng cũng có thể nhìn ra phần nào những hậu quả vô cùng to lớn trong tương lai của công cuộc gấp gáp “đổi mới” cái dạ dày kiểu đó, thế nhưng, vẫn như mọi thứ “sai” mà hóa “đúng” khác, Đảng vẫn quen chiến tranh du kích, “tới đâu hay đó”, thế hệ sau giải quyết.

8. Cuối cùng là những gì đang diễn ra lúc này, kinh tế kiệt quệ, tham nhũng hết cơ cứu vãn. Đảng vẫn đã rất đúng, vì toàn xã hội đã rơi vào cái thế phải dựa vào “bạn vàng 4 tốt” lắm tiền nhiều của kia thôi.

Đảng yên tâm có xảy ra chuyện gì, đã có “bạn vàng” đỡ, vì nó cũng đang rất cần mình … vừa là vùng đệm, vừa có món trao đổi vô giá: Biển Đông. Đảng tin là Dân cũng sẽ dần dần quen, hiểu ra và cam chịu thực tế này.

Còn với khả năng “động trời” mà “các thế lực thù địch” vẫn rêu rao về cái gọi là “sát nhập thành khu tự trị” thì … sao mà hợp lý với tình trạng, diễn biến hiện nay đến thế. Và nếu đúng vậy thì Đảng sẽ rất vững một khi “Đảng bạn” vẫn vững.

-

* Nhà báo Lê Phú Khải đã có bài tranh luận lại, nhan đề: ĐÊ BAO Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG KHÔNG SAI LẦM “VĨ ĐẠI” NHƯ TÁC GIẢ ĐẢNG XANH ĐÃ PHÁN!. Nhưng bài viết vẫn không thoát khỏi lối viết báo “quốc doanh” cũ xưa, như “Quyết định 99TTg ra đời rất kịp thời, nó thỏa mãn sự khát khao chờ đợi của cán bộ và nhân dân ĐBSCL từ nhiều năm“, hay “Quyết định 99TTG của Thủ Tướng Võ Văn kiệt năm 1999 là một bài toán đúng với Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đó là một sự thật lịch sử“, … chứ không đi thẳng vào tranh luận với nhiều bài trên chính báo, đài nhà nước đã dẫn trong bài của Đảng Xanh, ngoài việc đơn giản khoác cho chúng mấy chữ “bài viết lẻ tẻ” để coi đó là thứ vớ vẩn, là xong.

Dễ hiểu là tác giả chỉ dựa vào những kiến thức, “công trình” cũ trước đây của mình để luận giải, trong khi thoát ly hoàn toàn với những dữ kiện ngồn ngộn rất mới mẻ về hệ quả nghiêm trọng của chính sách sai lầm kia, đăng trong hàng loạt các báo, đài bất chấp những hạn chế khắc nghiệt của chế độ kiểm duyệt báo chí và trước một vấn đề quá lớn.

Trong khi đó, bài Đê bao Đồng bằng Sông Cửu Long – Sai lầm “vĩ đại” trong lịch sử cận đại, như đã nói, chỉ là dựa trên tất cả những bài viết, tài liệu đã dẫn trong đó, để đi tới một nhận định mạnh dạn hơn mà thôi. Cho nên thiết nghĩ chưa có điều gì phải tranh luận lại với tác giả Lê Phú Khải.


---------------------------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats