Sunday 30 March 2014

NHỮNG CHUYẾN XE CÂY GIỐNG TỪ MIỀN NAM (Nhóm Phóng Viên RFA)




Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-03-30

Gần đây, ở các tỉnh miền Trung thường xuất hiện những chiếc xe tải chở đầy cây giống có bản số từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ đến tìm một bãi đất trống để đậu và bày cây giống ra bán. Các loại cây như xoài, mít, ổi, sầu riêng, măng cụt, dừa xiêm, sa kê, sa bô chê, vú sữa, bưởi năm roi, bưởi da xanh được bày bán nhiều nhất. Khách hàng miền Trung cũng rất ưa loại cây này tuy giá thành hơi cao nhưng dẫu sao, sự luân chuyển cây giống này cũng giúp cho người làm vườn miền Tây tránh bớt thua lỗ và người nông dân miền Trung có thêm niềm hy vọng mới.


Chạy trốn khó khăn?

Một người nông dân tên Đức, từ Bạc Liêu chở cây ra vùng tỉnh Quảng Ngãi để bán, chia sẻ: “Em bán thì mới ra tới đây, chứ thường thường thì em bán ở Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông, Bình Phước. Em cũng tính đi tới ngoài Huế, ngoài đó.. Nhiều lắm, khoảng 30 người.”

Theo anh Đức, hiện tại, các chủ nhà vườn ở miệt Tây Nam Bộ đang gặp nhiều khó khăn về mặt tiêu thụ trái cây và nông sản nói chung. Bởi hàng hóa, nông sản, đặc biệt là trái cây từ Trung Quốc đổ xô sang miền Bắc và miền Trung Việt Nam quá nhiều, thậm chí ngay cả miền Nam cũng xuất hiện đầy trái cây Trung Quốc. Điều này chẳng khác nào châm mồi lửa đốt nhà đối với chủ miệt vườn miền Nam, vì bao nhiêu công lao, vốn liếng đầu tư rồi đặt hết niềm hy vọng vào vườn cây, đến khi nó ra trái, cho chất lượng tốt thì lại phải cạnh tranh với trái cây đểu có xuất xứ Trung Quốc.

Hiện tại, với nông dân miền Tây, việc đối phó với nông sản Trung Quốc để trụ nổi trên thị trường nghe ra có vẻ không còn khả năng nữa. Nhất là trong tình trạng kinh tế Việt Nam tuột dốc, sức mua cũng như khả năng mua của người dân càng lúc càng xuống thấp. Chính vì thế, ngay cả một thành phố lớn hàng đầu miền Nam như Sài Gòn, sức mua cũng giảm trông thấy. Mà một khi sức mua giảm, điều đó cũng kéo theo hệ lụy chất lượng mua cũng giảm theo, thay vì mua hàng tốt nhưng đắt giá, người ta chấp nhận mua hàng dỏm nhưng có giả rẻ nhằm dành dụm tiền cho nhiều việc khác. Trái cây cũng không nằm ngoài qui luật này của thị trường.

Anh Đức nói thêm rằng với thâm niên hơn ba mươi năm làm vườn, từ những ngày trồng nhãn, trồng thanh long, bưởi năm roi rồi bây giờ là thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, măng cụt ghép, sầu riêng Thái Lan… Anh cay đắng nhận ra người nông dân quá tội nghiệp. Lấy anh làm ví dụ, anh đã cố gắng nỗ lực và bằng nhiều đêm thức trắng để nghĩ ra phương án thu hoạch tốt nhất từ vườn cây.

Thế nhưng mọi suy nghĩ, tìm tòi của anh đều cho thành quả may rủi, hên xui. Bởi chuyện sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp tốt thì anh làm được nhưng thị trường bị người Trung Quốc xâm chiếm thì anh không thể ngăn cản mà cũng chẳng có nông dân nào ngăn cản được, trừ khi nhà nước ra tay rốt ráo. Rất tiếc là nhà nước không ra tay rốt ráo như mong đợi của người nông dân!

Và, hiện tại, nhà vườn miền Tây Nam Bộ chỉ còn hy vọng duy nhất vào thị trường miền Nam, hy vọng vào những người bài trừ hàng Trung Quốc. Nhưng niềm hy vọng này rất mong manh bởi vì hàng trái cây Trung Quốc khi đỗ bộ vào miền Nam, có hình thức chẳng khác gì hàng trái cây từ miền Tây Nam Bộ, rất khó để phân biệt đâu là giả, đâu là thật, thậm chí có nhiều nơi đã bán trái cây Trung Quốc giả trái cây miền Tây. Và, để đối phó với hiện tượng này, nông dân miền Tây đã đưa ra sáng kiến gọi là “di tản về Trung”.


Chống TQ bằng cách di tản về miền Trung

Một nông dân miền Tây chia sẻ: “Hàng Trung Quốc nó lấn qua nhiều chứ còn trái cây mình cũng có nhiều hàng xuất khẩu chứ, như bưởi da xanh hiện cũng đang được xuất khẩu mà…Nó cũng giảm nhưng mà thời gian cũng phải ba năm mới có giảm được, vì cây của mình trồng nhưng mà chưa có thu hoạch đó, chứ trồng mà đã có rồi thì Trung Quốc đâu có nhập qua được đâu!”

Theo ông này, sở dĩ nông dân miền Tây đưa cây giống về miền Trung rất nhiều trong hai năm trở lại đây là có hai lý do: Chống trái cây Trung Quốc và tái lập thị trường trái cây Việt Nam. Vì hai mục đích lớn này, những nông dân miền Tây bán cây giống ở các tỉnh miền Trung đã bàn nhau đưa ra phương án tối ưu cho người trồng vườn ở miền Trung và chấp nhận thua lỗ với chiến dịch này.

Giải thích thêm, người nông dân này nói rằng trong những chuyến hàng đưa cây giống về miền Trung để bán, không ít chuyến thua lỗ hoặc huề vốn, đặc biệt khi bán cây ở số nhiều, người bán cây chấp nhận bao vườn cho người trồng, nghĩa là chết cây nào, người bán cây sẽ mang cây khác đến trồng thế vào vị trí cây chết mà không cần lấy thêm tiền của người trồng.

Làm như thế, uy tín của người bán cây sẽ được nâng cao và họ dễ dàng lấy được tiền lãi ở những chuyến hàng sau. Đồng thời, người nhà vườn miền Trung cũng yên tâm mà trồng cây. Và một khi cây trái miền Trung sum suê, người nông dân tự sản xuất ra được trái cây như miền Tây Nam Bộ, lúc đó, thị trường trái cây miền Trung sẽ thông thoáng hơn, người nông dân sẽ mang trái cây mình tự làm ra chợ bán, đẩy dần trái cây Trung Quốc lùi về phía Bắc. Đồng thời, chiến lược đưa cây giống ra miền Bắc sẽ được thực hiện tiếp sau những chuyến tìm đến miền Trung lại tiếp tục làm cho cây trái miền Bắc đẩy lùi trái cây Trung Quốc sang bên kia biên giới Việt – Trung.

Đó cũng là ước mơ và hoài bão của nhiều nông dân miền Tây đi bán cây giống ở miền Trung mà chúng tôi từng gặp, từng nói chuyện. Bởi họ tin rằng chỉ có mình mới cứu được chính mình, nếu chờ nhà nước ra tay, không chừng đến lúc đó, chính người miền Tây cũng đang xài trái cây Trung Quốc mà không hề hay biết.

Người đàn ông này nói rằng với nhiều năm sống chết cùng vườn cây trái của mình, ông cay đắng chiêm nghiệm ra là nhà nước chưa bao giờ có chính sách nào thông minh để cứu nông dân. Ngay cả những sáng chế, sáng tạo có lợi cho nông dân cũng do chính người nông dân chân lấm tay bùn nghĩ nên chứ không phải do ông kĩ sư hay ông tiến sĩ nào của nhà nước nghĩ ra. Từ cái máy gặt đập liên hợp, cái máy xay xát gạo thông minh cho đến cái máy cắt lúa đều do người nông dân. Nhưng thời đó, người nông dân chưa có tầm nhìn bao quát như bây giờ.

Hiện tại, với những thu thập thông tin thị trường từ mạng internet, người nông dân đã hình dung được bước đi của thị trường và quyết định tạo ra một sức mạnh mới cho mình. Thay vì ngồi thụ động trồng cây để thua lỗ hoặc dựa vào dịch vụ du lịch, người nông dân quyết định phổ biến giống cây khắp mọi miền đất nước để tạo ra một thị trường trái cây thuần Việt Nam và cũng để tạo ra thu nhập cho họ từ việc bán cây giống. Với những việc làm như thế, thay mặt người bán cây giống miền Tây Nam Bộ, người đàn ông này tha thiết kêu gọi nông dân miền Trung cũng như nhiều miền khác hãy nghĩ đến những cây giống đến từ miền Tây xa xôi và hãy mua ủng hộ, hãy kiến tạo khu vườn nhà mình thành một vườn cây trái thơm ngọt mùi hương rất riêng, rất Việt Nam!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.



No comments:

Post a Comment

View My Stats