Monday 31 March 2014

THỦ TƯỚNG NGA THĂM CRIMEA. UKRAINA TƯỞNG NIỆM NGƯỜI BIỂU TÌNH BỊ THIỆT MẠNG (BBC, VOA)




BBC
Cập nhật: 08:55 GMT - thứ hai, 31 tháng 3, 2014

Thủ tướng Liên bang Nga, ông Dmitri Medvedev vừa đến bán đảo Crimea trong chuyến thăm cao cấp nhất của một lãnh đạo từ Moscow kể từ khi Nga sáp nhập nước cộng hòa và vài tuần trước còn thuộc về Ukraine.

Cùng thời gian, cho đến sáng 31/3/2014, các tin tức từ Paris cho hay hội đàm kéo dài 4 giờ liền giữa hai bộ trưởng ngoại giao Nga và Mỹ không đạt kết quả gì cụ thể.

Phía Nga đưa ra đề nghị biến Ukraine thành một liên bang với các quyền gần như độc lập cho các vùng sát Nga ở phía Đông, điều Kiev hoàn toàn bác bỏ.

Thủ tướng Dmitri Medvedev là lãnh đạo cao nhất của Liên bang Nga đến Crimea từ sau khủng hoảng lãnh thổ lớn nhất từ Chiến tranh Lạnh, làm dịch chuyển đường biên giới quốc gia ở châu Âu.

Về phía Hoa Kỳ, Ngoại trưởng John Kerry yêu cầu Nga cùng Mỹ làm việc với chính phủ Ukraine về các vấn đề ưu tiên như quyền sử dụng ngôn ngữ thiểu số, giải giáp ‘các lực lượng không chính quy' và cải cách Hiến pháp.

Nhưng Hoa Kỳ cũng muốn Nga giải giới các nhóm vũ trang ‘không chính quy’ đông đảo ở Crimea.

Hiện tình hình Crimea vẫn còn nhiều diễn biến sau khi có tin chừng 300 nghìn người Tatar, nhóm thiểu số chiếm 15% dân số ở đây họp bàn về quyết định tự trị.


Không công nhận

Cả Washington và Brussels cùng đa số thành viên Đại hội đồng Liên hiệp quốc không thừa nhận cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea đầu tiên tuyên bố vùng này ‘độc lập’ khỏi Ukraine rồi nhanh chóng ‘xin vào’ trở thành một bộ phận của Liên bang Nga.

Cũng sáng 31/3, đài Echo Moskvy trích nguồn ngoại giao nói ông Kerry “đưa ra kế hoạch bốn điểm” cho Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov.

Theo đó, Mỹ đề nghị Nga rút quân về các căn cứ như thời điểm trước tháng Ba và cho các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đến mọi vùng của Ukraine, gồm cả Crimea.

Kế hoạch đó cũng yêu cầu Nga thừa nhận kết quả bầu cử tháng Năm nay ở Ukraine và muốn Moscow nói chuyện trực tiếp với chính quyền Kiev.

Cho tới nay, Nga nói Kiev nằm trong tay các nhóm ‘phát-xít’ nên bác bỏ hội đàm với họ dù chính quyền lâm thời có cả sự ủng hộ của Đảng Các Khu vực vốn đồng ý phế truất ông Viktor Yanukovych khỏi chức tổng thống.

Cùng ngày, có tin rằng Quốc hội Nga (Duma) sắp họp để bác bỏ thỏa thuận bán khí đốt giá rẻ cho Ukraine hồi 2010.

Lúc đó, Nga đồng ý như vậy để đổi lại quyền duy trì căn cứ hải quân của Hạn đội Biển Đen ở Crimea.

-----------------------------

VOA
30.03.2014

Hàng ngàn người dân Ukraine tụ tập tại quảng trường trung tâm thủ đô Kyiv để vinh danh những người biểu tình đã bị thiệt mạng trong các cuộc xô xát với cảnh sát hồi tháng 2. Thông tín viên VOA Daniel Schearf tường thuật rằng giới hữu trách chưa khởi tố ai về những cái chết này, nhưng các chính trị gia đang lên trong chính trường của Ukraine nói những kẻ đó sẽ phải ra trước công lý.

Một dịp lễ trang nghiêm diễn ra hôm Chủ nhật khi người dân Ukraine đánh dấu kỷ niệm 40 ngày nhiều đồng bào của họ bị bắn hạ trong trung tâm thủ đô Kyiv.

Yêu cầu của người biểu tình là Tổng thống thiên về Nga Viktor Yanukovych từ chức, đã bị đối phó bằng võ lực tàn bạo, trong đó có cả những tay bắn sẻ, trước khi ông ta trốn sang Nga.

Người dân Ukraine đến để vinh danh hơn 100 người thiệt mạng, hầu hết là thường dân. Cô Svitlana, một cư dân trong thủ đô nói:

“Chúng tôi đến đây, hôm nay, để tưởng nhớ đế các anh hùng của chúng tôi, những người chết vì một thảm kịch như vậy. Ngày ngày trôi qua, nhưng nổi đau không phai đi. Và nó sẽ còn mãi trong lòng chúng tôi.”


Tuy nhiên cũng có những sự bất bình về sự yếu kém, sự thất bại của chính phủ lâm thời cho đến giờ vẫn chưa truy tố những kẻ đã gây ra cái chết, hay nhiều người khác vẫn còn mất tích.

Một phụ nữ cao tuổi ở Kyiv nói:

“Chúng tôi rất tức giận. Tôi thậm chí không diễn tả được tôi tức giận đến mức độ nào. Chúng tôi không thể chờ cho đến khi họ bị bắt và bị trừng phạt.”


Ông Vitali Klitschko, cựu vô địch quyền anh, và là ứng cử viên thị trưởng Kyiv, nói rằng phải có sự thi hành luật pháp:

“Chúng tôi đang đặt ra câu hỏi này, tại sao họ lại không bị bắt, tất cả những kẻ đã gây hành động tội ác? Tại sao cho đến hôm nay điều này vẫn chưa được thực hiện? Có những sự trông đợi rất lớn.”

Ứng cử viên tổng thống hàng đầu Petro Poroshenko nói rằng trừng phạt những kẻ chiu trách nhiệm về việc này sẽ là ưu tiên hàng đầu nếu ông đắc cử:

“Họ sẽ bị trừng phạt một cách nhanh chóng, nhưng công bằng và theo thủ tục pháp lý. Tôi chắc chắn rằng tất cả những kẻ đã đánh người dân Ukraine, những kẻ đã bắn và giết những người dân Ukraine yêu nước, tất cả những kẻ đưa ra các mệnh lệnh đó, sẽ ra trước công lý.”

Các tuyên bố của Moscow rằng cuộc nổi dậy là một cuộc đảo chính bài Nga của phát xít, đã giúp chia rẻ công luận như đã chia cắt Crimea khỏi Ukraine.

Một linh mục kêu gọi người Nga đừng nghe những lời tuyên truyền của điện Kremli và đến Kyiv để tự mình nhìn thấy.

Những người tham dự buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình và cho linh hồn của những người đã chết trong cuộc cách mạng chưa hoàn thành của Ukraine sẽ không phải là cái chết vô ích.




No comments:

Post a Comment

View My Stats