Saturday 29 March 2014

NGÔN NGỮ KỲ THỊ TRONG VỤ ÁN 5 CÔNG AN ĐÁNH CHẾT NGƯỜI TRONG ĐỒN Ở TUY HÒA (tin tổng hợp)




27-3-2014

Năm người công an dùng nhục hình đánh chết người. Họ chỉ bị phạt án treo (1)! Không biết các bạn có để ý cách dùng chữ trong vụ án này, riêng tôi thì thấy hình như có một sự kì thị trong cách dùng chữ ở đây. Báo chí đề cập đến 5 người này như  “Năm vị công an”, “Năm cán bộ công an”.  Tôi thấy lấn cấn trong cách dùng chữ “vị” ở đây.

“Vị” trong tiếng Việt là chữ dùng một cách kính trọng và nể nang. Người ta nói “Vị chủ tịch”, “Vị tiến sĩ”, “Vị giám đốc”, v.v. chứ đâu có ai nói “Vị giết người”. Đánh và tra tấn người ta đến chết là hành vi giết người – sát nhân. Giết người là tội phạm nặng. Kẻ có hành vi giết người là kẻ xấu. Tôi không hiểu tại sao báo chí đề cập đến kẻ xấu là “vị”.

Tìm hiểu một chút thì thấy “kẻ giết người” cũng nằm trong kho tàng ngữ vựng của báo chí đó chứ. Chẳng hạn như cái tít “Tử hình kẻ giết người, đốt xác phi tang”. Đọc kĩ thì thấy người mang danh “kẻ giết người” này là thường dân.

Bây giờ thì chúng ta đã khá rõ: là công an giết người thì được gọi là “vị”, còn thường dân mà phạm cùng tội được gọi là “kẻ”. Như thế là có sự kì thị trong cách viết rồi.

Chuyện nọ xọ chuyện kia: nói về kì thị trong ngôn ngữ thì chắc nói hoài không hết, nhất là cách người ta áp đặt tiếng Việt sau này. Người trong cùng bộ lạc thì được ưu ái gọi là “đồng chí”. Hình như chữ này là bắt chước Tàu (?) Tôi thấy lạ một điều là người ta còn gọi người yêu là … đồng chí, như thơ của Vũ Cao:
“Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí”

và Nguyễn Đình Thi:
“Chiều mờ gió hút / Bắt tay / Đồng chí / Em / Bóng nhỏ / Đường lầy.”
Kinh thật!

Còn kì thị và miệt thị thì ngôn ngữ sau 1975 hay miền Bắc trước đó có lẽ thuộc vào hàng quán quân.

Người “phe ta” thì được gọi một cách kính trọng như “Chủ tịch”, “Đồng chí”, “Bác” (Bác Tôn), “Người” (viết hoa). Còn phe địch thì bị gọi một cách xách mé và có phần … vô lễ. Nào là “thằng” (“thằng Diệm”), “con” (“con Trần Lệ Xuân”), mụ (“mụ Thụy An”).

Thế kỉ 21 rồi, nên tử tế với nhau. Kẻ giết người thì nên gọi là “kẻ giết người”.


 (1) Riết rồi không biết công lí ở đâu khi giết người bằng nhục hình mà được hưởng án treo, còn một cô thiếu nữ 19 tuổi tát cảnh sát giao thông bị phạt cái án 9 tháng tù. Hình như có một sự phân biệt giai cấp xã hội ghê gớm ở đây. Thê thảm hơn nữa, ba nông dân bị 13 năm tù vì ăn trộm hai con vịt. Tôi nghĩ đề tài về mức độ và hình phạt ở VN nếu có ai nghiên cứu thì chắc chắn hay lắm, và biết đâu sẽ giúp ích cho mấy vị chánh án.

---------------------------

BBC
Cập nhật: 17:13 GMT - thứ bảy, 29 tháng 3, 2014

Luật sư Võ An Đôn cho rằng trong vụ Tòa án nhân dân thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên xét xử các bị cáo là sỹ quan công an đã đánh chết ông Ngô Thanh Kiều ở cơ quan công an điều tra TP Tuy Hòa, đã có sự dàn xếp của các cơ quan lãnh đạo chính quyền và đảng ở tỉnh này, với việc Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên đã tới dự phiên tòa tuần này.

Phải chăng cơ quan nội chính tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo tòa án và viện kiểm sát xử nhẹ vụ công an đánh chết dân ?

Trong phiên xử sơ thẩm, bốn trong năm sỹ quan công an tham gia 'đánh chết' ông Kiều, một nghi can hình sự, với khoảng 70 viết thương trên toàn thể cơ thể từ đầu tới tinh hoàn, đã được Viện Kiểm sát cho hưởng án treo.

Sỹ quan có cấp bậc thấp nhất theo luật sư cho hay có thể đã phải 'gánh tội' cho những sỹ quan cao cấp hơn, kể cả một số nhân vật là chỉ huy, lãnh đạo công an thành phố.

Trao đổi với BBC hôm 29/3/2014, luật sư Đôn, người bảo vệ quyền lợi cho bị hại, nói:

"Theo quan điểm của tôi, vấn đề này có sự họp các ngành, nội chính, cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng, để áp đặt mức hình phạt đó."

Luật sư cho rằng cả lãnh đạo công an thành phố Tuy Hòa lẫn tỉnh Phú Yên đều có liên đới trách nhiệm về cái chết của nạn nhân Ngô Thanh Kiều, người đã bị công an hành hung đến tử vong hôm 13/5/2012 ở trụ sở cảnh sát thành phố.

---------------------

Người Lao Động
Thứ Bảy, 29/03/2014 21:58

Luật sư đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn - Phó Công an TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - về 3 tội danh: Bắt người trái pháp luật, dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Sáng 29-3, TAND TP Tuy Hòa tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ 5 sĩ quan công an dùng nhục hình làm chết nghi can xảy ra ở công an TP này.

Luật sư Nguyễn Văn Thắng, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, cán bộ điều tra Công an TP Tuy Hòa), cho rằng việc thay đổi cáo trạng trong vụ án là bất thường, chỉ làm nhẹ tội danh các bị cáo Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, đội phó Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa), Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy, Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội) và Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội).

Theo luật sư Thắng, VKSND TP Tuy Hòa chỉ dựa vào tiếng la của nghi can Ngô Thanh Kiều mà buộc tội Thành là không có căn cứ.

Trong khi đó, Thành cho rằng các bị cáo còn lại đã thống nhất lời khai để đổ tội cho mình trong quá trình điều tra. “Khi chúng tôi chưa bị bắt tạm giam, Quang bảo với tôi rằng anh ta, Quyền và Mẫn đã thống nhất lời khai rồi” - Thành cho biết.

Tham gia tranh luận, bà Ngô Thị Tuyết, chị của anh Ngô Thanh Kiều, bức xúc: “Lương tâm của những cán bộ công an có mặt vào trưa 13-5-2012 tại Công an TP Tuy Hòa ở đâu khi có thể ngồi ăn cơm trong tiếng kêu la của em tôi, họ ăn cơm trong khi em tôi bị đánh?”.  Đại diện gia đình bị hại này đã bật khóc vì uất ức: “Pháp luật ta nhân đạo, đến người tử hình trước khi xử tử cũng được cho bữa ăn no. Còn em tôi thì suốt buổi sáng đến chiều không cho ăn gì thì liệu có nhân đạo hay không?”.

Chị Trần Thị Tâm, vợ anh Kiều, không đồng tình với mức án treo của 4 bị cáo theo đề nghị của VKSND TP Tuy Hòa. “Dân đánh người thì ghép tội gây thương tích, còn công an đánh chết người thì chỉ chịu tội dùng nhục hình và được đề nghị án treo. Vậy pháp luật có công minh hay không?” - bà Tâm so sánh.

Bào chữa cho người bị hại, luật sư Võ An Đôn cho rằng ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, cho người bắt anh Kiều khi không có lệnh, bắt lúc ban đêm, khi vợ anh đang mang thai hơn 8 tháng là vi phạm pháp luật. “VKSND cho rằng ông Hoàn vì có nhiều thành tích nên chỉ xử lý kỷ luật với mức cảnh cáo. Ông Hoàn có thành tích gì ghê gớm thế? Nhiều người có công trạng to lớn, hy sinh máu xương cho đất nước nhưng khi ra tòa, họ có đòi hỏi gì đâu?” - luật sư Đôn bày tỏ.

Luật sư Đôn đề nghị HĐXX khởi tố ông Lê Đức Hoàn về 3 tội danh: Bắt người trái pháp luật, dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. “Năm bị cáo ở đây chỉ phạm một tội là dùng nhục hình thì khởi tố, trong khi ông Hoàn phạm đến 3 tội nhưng lại được miễn trách nhiệm hình sự. Phải chăng pháp luật là một tấm lưới mà tấm lưới đó chỉ bắt được những con cá nhỏ, còn con cá lớn thì để sẩy?” - luật sư Đôn băn khoăn.

Bà Ngô Thị Hồng Minh, người giữ quyền công tố tại tòa, thừa nhận VKSND TP Tuy Hòa có sự nhầm lẫn khi ra quyết định bắt tạm giam Nguyễn Thân Thảo Thành. “Lẽ ra, phải là CQĐT VKSND Tối cao ra quyết định tạm giam Thành” - bà Minh nói.

Kết thúc phần tranh luận, 2 bị cáo Quang và Huy đã quỳ gối xin gia đình bị hại tha thứ về tội lỗi mà mình gây ra.

Trong khi đó, nói lời cuối cùng, bị cáo Thành vẫn khăng khăng: “Tôi không đánh Ngô Thanh Kiều. Tôi rất nhục nhã khi đứng ở đây với những con người phạm tội nhưng không dám nhận”.

Chiều 3-4, TAND TP Tuy Hòa sẽ tuyên án. 

Bài và ảnh: Hồng Ánh

----------------------------


Pháp Luật TP.HCM
Thứ Bảy, ngày 29/3/2014 - 20:42


Tin liên quan


(PLO) – Căn cứ quan điểm giải quyết vụ án của VKSND TP. Tuy Hòa, trong đó chỉ đề nghị một án tù giam, bốn án tù treo, luật sư Nguyễn Hồng Hà, Đoàn Luật sư Khánh Hòa, cung cấp cho bạn đọc Pháp luật TP.HCM những ý kiến, căn cứ pháp lý về đề nghị này.

Giới hạn xét xử đã… giới hạn luôn cả Tòa

Vụ án 5 cán bộ công an dùng nhục hình đánh chết nghi can Ngô Thanh Kiều, nhưng chỉ khởi tố vụ án, khởi tố bị can về một tội “dùng nhục hình” đang gây nhiều tranh cãi trong công luận và dư luận. Theo dõi  kết quả xét hỏi, tranh tụng, tôi nhận thấy  đề nghị  của VKS  khó  được  HĐXX chấp nhận. Phần luận tội  hầu như đã bỏ qua  các dấu hiệu  bỏ lọt người, lọt tội  đã được luật sư  các bên nêu trong phần tranh tụng. Về đề nghị mức án cũng không tương xứng.

Mặt khác, do luật tố tụng quy định về giới hạn xét xử, Tòa án  không thể xử các bị cáo về tội nặng hơn, dù biết rõ  bị cáo có hành vi phạm tội khác nặng hơn (ví dụ tội cố ý gây thương tích hoặc giết người). Nếu bị cáo Thành không phải chủ thể phạm tội dùng nhục hình  thì  cũng có hành vi đánh chết người, nhưng VKS không truy tố, Toà  cũng  không xử  chuyển sang tội danh này vì giới hạn xét xử. Đây là sự bất cập trong luật tố tụng hình sự  tồn tại bấy lâu nay. 

Mức án chưa phù hợp

Trong trường hợp việc truy tố, xét xử là đúng tội danh (tội dùng nhục hình) thì VKS đề nghị mức án đối với bị cáo trong vụ án này cũng  chưa phù hợp. Chẳng hạn, đối với bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, bị  truy tố theo quy định tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật Hình sự, có mức án từ 5 năm đến 12 năm tù. Bị cáo Thành không có tình tiết giảm nhẹ nào quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS, nhưng VKS chỉ đề nghị mức  án  tù ở mức khởi  điểm  5 năm đến 5 năm sáu tháng là  không tương xứng. Trong khi đó, bản luận tội nêu rõ Thành là người trực tiếp  dùng  dùi cui đánh  nhiều lần vào đầu nghi can, gây chấn thương sọ não, quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo luôn chối tội, không khai báo thành khẩn và  không đền bù  thiệt hại cho gia đình bị hại.   

Đối với bốn bị cáo còn lại, lời luận tội này cho thấy mặc dù bốn bị cáo bị truy tố, xét xử theo Khoản 1 Điều 298 BLHS có mức án từ 6 tháng đến ba năm nhưng các bị  cáo đều không được áp dụng tình tiết gảm nhẹ (quy định tại  h khoản 1 Điều 46 BLHS là phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng). Kết quả xét hỏi, tranh tụng cho thấy đây là  vụ án có  đồng phạm, thuộc trường hợp  nghiêm trọng, rất nghiêm trọng (hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là gây chết người, giảm uy tín của cơ quan pháp luật nói chung, cơ quan điều tra  nói riêng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị tại địa phương). 

Đối với vụ án  dùng nhục hình, có tính chất nghiêm trọng, phán quyết của toà án phải đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa chung những tiêu cực trong hoạt động tư pháp, không phải nhiều tình tiết giảm nhẹ là  đương nhiên được hưởng án treo. Với những lý do trên, tôi cho rằng lời đề nghị  cho tất cả bốn bị cáo hưởng án treo rất  khó được Tòa chấp  nhận. 

*
Trong phiên xử ngày 28-3, kiểm sát viên Ngô Thị Hồng Minh, đại diện VKS, đã nêu đề nghị mức án đối với các bị cáo là Nguyễn Thân Thảo Thành từ 5 năm đến 5 năm sáu tháng tù giam, bốn bị cáo khác được hưởng án treo từ 12-24 tháng.


No comments:

Post a Comment

View My Stats