Friday, 12 October 2012

NHÀ THƠ NGUYỄN CHÍ THIỆN ĐÃ NẰM XUỐNG (Nguyễn Văn Luận)




October 11, 2012 10:01 PM

Viết cho bạn bè:

Tôi viết những giòng này, bùi ngùi, kể với bạn bè đây đó, New York, Boston, một số còn sống sót ở Hà Nội, Hải Phòng vả Bắc Giang:

_ Thiện Lác mất rồi! Cái tên kèm dị tật bẩm sinh đó thân quý biết bao với chúng mình thời xa xưa, là thập niên 60, ra đường thì sợ, về nhà thì lo, những bóng ma chập chờn, lởn vởn, sẵn sàng “trói giật cánh khủyu” chứ làm gì có còng số 8 văn minh! Đảng và Nhà nước về miền Bắc, cả nước nói năng văng tục cho đúng tinh thần Cách mạng! Nên phải gọi là Thiện Lác để nhận ra bạn bè, bất mãn, chống đối, cho khỏi nhầm với người của Đảng và lưu manh thành phố như Thiện Xùi, Thiện Khoèo, Thiện Cá (công an) hay Thiện Tóm… Các anh còn nhớ không, bài thơ bất hủ của Thiện, bọn mình chỉ đọc 2 câu chót:

… Đảng tắt thở cuộc đời mới thở
Đảng còn kia bát phở hóa thành mơ!

Nguyễn Chí Thiện 27 năm tù, đọa đày đất Bắc, đã không biết đến cái món ăn thông thường là Phở! Nhưng không phải chỉ có Thiện, người công nhân bình thường nhà máy Xi măng Hải Phòng, vài chục năm cũng chẳng hề biết phở. Dân là như thế. Bao nhiêu người đã chết vì Chỉ thị của Nga Sô, Tầu Cộng, liên tiếp những chiến dịch: Toàn dân diệt chó, Quét sạch văn hóa nô dịch, Cải tạo tư sản, Cải cách ruộng đất, Cải tạo tề ngụy, Họp tổ phu phố, Hợp tác xã nông thôn… Bao nhiêu người đã chết?

Không sống trong lòng Cộng sản
Bạn nên thông cảm một điều
Chế độ Mác Lê tôi sỡ dĩ nói nhiều
Tới mức phát nhàm phát chán
Vì thực tế không nhàm, không chán
Mà kinh hoàng, ai oán lắm bạn ơi!
Tôi sẽ nói khắp nơi
Sẽ nói suốt đời
Nói tới muôn đời
Nói mãi!

(Nguyễn Chí Thiện)

Cách đây mấy năm, tôi gặp lại anh tại Houston, Texas, cũng lại 27 năm rồi mới gặp, hàn huyên. Vợ tôi mới mất trong năm, người đã cho anh “mượn” 2 chục (tiền Hồ thời đó) để anh mưu sinh lúc mới ra tù, mua vài chai rượu lậu từ Hải An, ngoại thành Hải Phòng về bán cho mấy tay thịt chó. (Anh Trần Nhu, tôi không quen, bài anh viết báo đã kể một chút chuyện này khi Thiện chưa đi Mỹ) Anh ruột tôi cũng đã mất trong năm, là bạn tù của anh tại trại Phong Quang, vùng thượng du xứ Bắc, thung sâu heo hút có tù chính trị chặt tre, vầu theo “định mức chỉ tiêu”. Bao la, cô quạnh, tiếng chim “bắt cô trói cột” nức nở từng đêm, tiếng gà gô thức giấc, sương mù quanh năm. Điều này làm tôi xót xa: Năm xưa anh nhất định không coi chút tiền của vợ tôi là cho, là giúp, nửa tháng sau trả lại, mượn, trả chứ không xin! Những năm tù không hề có tiếp tế (thăm nuôi), bà chị ốm đau luôn đi sao được. Tới Mỹ, đồng bào quyên góp giúp anh cả chục ngàn đô la, anh không nhận, xin chuyển cho các Hội đoàn. Có người viết báo mỉa mai anh … vờ vịt, chứ ai mà không thích tiền! Tôi hiểu rồi ra anh còn chịu nhiều truân chuyên sau khi thoát ngục.
Tôi đã hỏi anh, tập thơ anh sao không có bài Vét Đĩa Mậu Dịch. Anh nói: thê lương, hơi tục và không “viết” trong tù! Một bài thơ nữa, bọn mình đứa nào ở Hải Phòng mà không biết. Anh nói: không cho vào tập thơ, ở hải ngoại dễ bị hiểu lầm. Tôi nhớ mãi bài thơ đó:

Si mon père était communiste…
Nếu bố tôi mà theo Cộng sản
Tình cha con đứt đoạn không thương…

… ( xin không ghi nốt những câu cuối. Năm ngoái, trong email gửi vài người mới quen, tôi chót viết thêm 2 câu cuối, bị phê ngay là chẳng coi trọng Phụ tử Tình thâm mà không để ý từ NẾU đầu câu để nhắc nhở nhau ý chí chống Cộng).

Rồi chuyện tương đắc là cuốn tiểu thuyết Người Tù Khổ Sai (Le Papillon của Henri Charierre người Pháp). Papillon quyết vượt ngục tìm lại đời sống tự do. Sau 13 năm chịu đủ thứ cực hình đầy đọa, Papillon vượt thoát tới một nước khác chấp nhận anh là công dân và từ đó anh sống đời lương thiện, bình thường. Tôi nghĩ đời anh so với Papillon khác nhau ở phần cuối, sau khi vượt thoát ngục tù. Anh không muốn “an hưởng tuổi già” thông thường như những người già. Anh tiếp tục con đường anh đã xả thân từ hơn nửa thế kỷ chống lại chế độ Cộng sản bạo tàn cho đến khi tắt thở.

Tôi sẽ nói khắp nơi
Sẽ nói suốt đời
Nói tới muôn đời
Nói mãi!

Rồi anh kể nỗi ấp ủ, đắn đo về cuốn Hồi Ký của anh. Tôi gợi đôi điều dĩ vãng: Tôi với anh cùng sinh ra tại Phố Lò Đúc, Hà Nội, là Ô Đống Mác có những địa danh lịch sử: Nhà đúc tiền, Nhà Thương Chó (của quân đội Pháp), Nhà Rượu và Cây Đa Nhà Bò. Sau 1954, tang thương lũ lượt, “Bốn Cửa Ô Hà Nội khóc trong mưa” (Nhân Văn Giai Phẩm), anh theo gia đình lớn, dọn xuống Hải Phòng, còn tôi bị cắt hộ khẩu, một mình xuống đất Cảng và quen anh. Nhà anh 136 Phố Ga, nhà tôi 79 Nguyễn Đức Cảnh, cách nhau có đoạn Phố Cầu Đất. Tôi có cái bảng sơn đen, một hôm anh mượn về dể dạy tiếng Anh lén lút, học trò là lũ nhóc “myfriend” chuyên lần mò ra cảng xin thuốc lá “ngoại” về bán. Sau tôi mới biết anh có ý định dùng bọn nhóc để có dịp liên lạc với Tầu biển nước ngoài vào Hải Phòng, nhưng rất ít Tầu Tư Bản. Một lần, anh và tôi đi dọc đường phố, từ nhà tôi xuôi xuống là Nhà Tù lừng lững, có từ thời Tây như Hỏa Lò Hà Nội. Đoạn phố có nhà tù mang tên Trần Phú là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản. Trớ trêu thay, dân bị bắt gọi là vào Trần Phú. Anh vào Trần Phú trước tôi, chỉ vì tội “biết tiếng Tây, âm mưu gì đó, vớ vẩn”! Tôi lại vào Hỏa Lò trước anh vì tội “vượt biển vào miền Nam theo địch”, năm 1959, không thoát. Đứng trên cầu “Ca rông” để băng qua Chợ Sắt, anh khẽ ngâm một câu thơ tiếng Pháp, có lẽ đã vận vào định mệnh đời anh:

L’exilé partout est seul!
(Kẻ lưu đày nơi đâu cũng cô độc)

Anh mất rồi, cuốn Hồi Ký của anh chưa hoặc sẽ không xuất bản, nhưng tôi nghĩ Đoạn cuối của chuyện Người Tù Khổ Sai, đồng bào đã biết và câu thơ L’exilé partout est seul, với anh chỉ đúng một nửa. Gió mưa bão tố, bè bạn, đồng bào đã nâng anh dậy, anh không cô độc. Anh chết về bệnh phổi, không phải bệnh tim, vì tim anh được bọc lớp vàng lóng lánh, cái đầu đầy khí phách hiên ngang, bất khất, giữ cho trái tim son sắt với lý tưởng, thủy chung với bạn bè.

Tôi xúc động khi tìm thấy trên Net những tài liệu quý giá giúp tôi hiểu thêm tại sao, những u uẩn, đòn thù đánh Nguyễn Chí Thiện: Những người nhận lệnh từ chính quyền Hà Nội đã hơn nửa thế kỷ đánh anh mà anh không gục, không chết. Những người tử tế và những người không tử tế trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Một số người có lập trường Quốc gia, có học vị, trí thức, thông minh, đang hoạt động về văn hóa, truyền thông chống Cộng sản, lại xông vào đánh anh, người tỵ nạn muộn màng, từ khi định cư tại Mỹ đến lúc tắt thở, mang hết tâm huyết chống chế độ bạo tàn, chưa một lời nào “làm lợi cho Cộng sản”.

Anh đã sống ở Mỹ mười mấy năm, vẫn là Nguyễn Chí Thiện, không màng lợi danh. Một ngày, chẳng nhớ, cùng anh ăn phở Cali, anh chê “thịt bò hơi dai”. Ít lâu, đưa anh mảnh báo có bài viết móc nói rằng Nguyển Chí Thiện, mấy chục năm tù, bo bo, đất sét, mà bây giờ chê thịt bò dai. Tôi thấy anh cười nhẹ, không nói, thản nhiên. Nét buồn, trầm lặng, suy tư, có lẽ cả năm anh mới cười một bận, nỗi nhớ quê hương Việt Nam canh cánh bên lòng.

Nguyễn Chí Thiện chỉ làm thơ, từ hồi còn trẻ. Anh không tham gia đảng phái nào, không tham vọng trở thành danh nhân hay lãnh tụ. Lúc đầu là thơ “bất mãn” (tội danh ghi), chính quyền nghiệt ngã giam vào ngục. Từ đó lời thơ nhắm thẳng vào chế độ, nung nấu trong tù, ghi vào tim óc, nhờ trí nhớ tuyệt vời, tập thơ mới ra đời, bay qua đại dương, đi vào lịch sử.

Tôi và một số bạn bè, vài đứa, tỵ nạn tại Hoa Kỳ, biết tập thơ lần đầu (ghi Khuyết Danh) in ở Mỹ là của anh, nhưng làm sao nói lên được tên anh là tác giả: Nguyễn Chí Thiện. Chứng cớ đâu? Cái tên còn xa lạ ngay cả từ trong nước, mịt mùng sau bức màn tre! Bạn bè dăm đứa, từ miền Bắc ra đi, còn ngơ ngác, đứa dại, đứa khôn, miếng cơm manh áo, định cư, ám ảnh những cơ cực năm, tháng vừa qua, còn sợ… Thôi thì mừng có vần Thơ, sẽ bay đi bốn biển, lại tủi vì người tù miền Bắc, khắc khoải, mỏi mòn, chẳng hy vọng gì tới tới bến Tư Do. Tựa đề tập thơ: “Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam” có thể sẽ là “Di Chúc” của anh!

Mà rồi anh được đi Mỹ! Cái ngày 16 tháng 7, 1979 định mệnh đó, anh đã ước muốn gửi Thơ đi dù phải chết. Ai dám vào, kể cả Sứ quán Trung Quốc, là “tù mọt gông”, anh đã có danh “phản động”, bước vào Sứ Quán Anh (Tư Bản) thì coi như “đi tầu suốt”. Mang mạng sống chống chọi với cả một chế độ, Thanh Phong Lào Cai, Cổng Trời Hà Giang, ít người sống sót mà anh vẫn sống. Tập thơ viết vội, 192 bài chép tay, bay lên không trung, vòng quanh trái đất rồi trở về nằm trong tay anh, nguyên vẹn, hội ngộ tại Hoa Kỳ như huyền thoại.

Một chiều trên Phố Bolsa (Cali), bên gốc cây cao vút, cành lá trơ trụi, tôi nghe anh khẽ ngâm thơ, như mấy chục năm về trước, bên cầu “Ca rông”, Hải Phòng, xưa chỉ một câu, nay tới bốn câu:

Tuổi già thêm bệnh hoạn,
Kháng chiến thấy thừa ta
Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra !

(thơ Phan Khôi-Nhân Văn Giai Phẩm)

Làm Người đi gieo Hạt giống Nhân quyền, nhiều mảnh đất khắp nơi anh tới, Hạt giống đã nẩy mầm. Bạn tù bất khuất của anh, bạn đường của anh trên thế giới, sẽ vun trồng, chăm bón cây non. Đến lúc phải nghỉ ngơi rồi, anh nằm xuống, yên tâm, mãn nguyện.

Nguyễn Văn Luận

-------------------------------------------------

TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ NGUYỄN CHÍ THIỆN :







No comments:

Post a Comment

View My Stats