Thứ tư, ngày 31 tháng mười năm 2012
Vụ kết án nhạc sỹ Việt Khang cùng đồng nghiệp Trần Vũ An
Bình với tổng mức án 10 năm tù, 4 năm quản chế liên quan tới việc các anh tham
gia trang Web Tuổi trẻ yêu nước và sáng tác hai ca khúc “Việt nam tôi đâu” ,
“Anh là ai” để lại cho mọi người yêu nước tình cảm vừa chua xót vừa bất bình.
Trước đây, nhà nước đã kết án nặng nề
một số người yêu nước, phản biện như các anh Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức,
Cù Huy Hà Vũ…và nhiều người khác nữa với tội danh được gắn cho là vi phạm điều
79, 88 bộ luật hình sự. Nhưng gần đây với việc kết án các blogger Nguyễn Văn
Hải (Điếu cày), Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải và đến nay là hai nhạc sỹ Việt
Khang, Trần Vũ An Bình cho thấy nhà nước bắt đầu “sờ đến” giới văn nghệ sỹ như
một thông điệp răn đe cứng rắn.
Nhưng vấn đề là “Xin hỏi anh, sao anh
bắt tôi, tôi làm điều gì sai? Anh là ai sao không cho tôi xuống đường để tỏ
bày?”
Nếu bắt và buộc tội các anh vì tham
gia, lập hội Tuổi trẻ yêu nước thì chính những người quyết đinh bắt các anh
phải bị đưa ra tòa xét xử vì Theo qui định của điều 129 bộ luật Hình sự: “người
nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp thì có thể bị phạt tù
tới 1 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1 tới 5 năm”.
Luật pháp của chúng ta không thể đi
giật lùi khi ngay từ năm tháng 5 năm 1957, Hồ Chủ Tịch đã ký luật số
101/SL-L-003 qui định về quyền tự do hội họp. Luật này được cụ thể hóa bằng
Nghị định số 45/2010/N Đ-CP, ngày 21 tháng 4 năm 2010 của chính phủ.
Như vậy theo qui định của Hiến pháp
và luật số 101/SL-L-003 thì công dân Việt Nam có quyền tư do hội họp. Không ai
được xâm phạm đến quyền tự do hội họp của công dân.
Nếu bắt và kết án các anh về tội sáng
tác 2 ca khúc đã nêu thì chính cơ quan công an và Tư pháp đã vi phạm điều 69:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có
quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Việt nam đã tham gia các công ước quốc
tế trong đó có công ước nhân quyền mà sắp tới đây Việt nam đang vận động tham
gia Hội đồng Nhân quyền thế giới.
Điều 19 của UNDP cũng bảo đảm rằng
" Mọi người đều có quyền tự do biểu thị ý kiến và tự do ngôn luận của
mình; quyền này bao gồm tự do giữ quan điểm của minh mà không bị quấy
rầy..."
Sau hội nghị TW6, để lấy lại lòng tin
của nhân dân đang bị mất quá nhiều, nhà nước không thể nói một đường mà làm một
nẻo được. Vậy mà với bản án này, nhà nước đã làm trái với Hiến pháp, luật pháp
mà nhà nước xây dựng nên.
Điều trớ trêu là hình như nhà nước
bắt hai anh, trong đó Việt Khang sáng tác ca khúc có yếu tố phản đối Trung quốc
xâm lược và hô hào: “Già trẻ, gái trai, giơ cao tay chống xâm lược, chống kẻ
nhu nhược bán nước Việt Nam”.
Những ngôn từ đó thể hiện tâm tình
yêu nước và phản ứng (bằng lời nói, chưa có hành vi) chống “kẻ nhu nhược bán
nước”. Không những không thể kết tội người viết được mà lẽ ra là phải ủng hộ
những câu từ như vậy, trừ khi, chính “kẻ nhu nhược bán nước” bị chạm nọc mà
quay ra trả thù thì không nói làm gì.
Ta cũng không thể nói nhà nước nói
chung, ngành tư pháp nói riêng không có sai lầm nhưng khi có sai lầm ta nên sửa
như trước đây, nhà nước đã từng sai trong vụ Nhân Văn-Giai phẩm. Tuy chưa công
khai lên tiếng xin lỗi về những sai lầm trong vụ án Nhân văn-Giai phẩm của mấy
chục năm về trước nhưng nhà nước đã sửa sai. Cái sai lớn như cải cách ruộng đất
nhà nước còn dám xin lỗi và tiến hành sửa sai đó thôi.
Trong quá khứ thời thập niên sáu, bảy
mươi ở hà nội có những người chỉ vì nghe nhạc vàng còn bị bắt bỏ tù, bây giờ
khắp cả nước hát nhạc vàng và điều đó là đúng không có gì sai cả. Nhưng hồi đó
là cái thời chúng ta còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng chống “nhạc màu vàng” của
trung quốc những năm 1958. Chả lẽ đến bây giờ nhà nước vẫn chịu ảnh hưởng tư
tưởng sai lầm lạc hậu của Trung quốc đến vậy hay sao?
Ở thế kỷ này thế giới đã thay đổi quá
nhiều. Nhà nước cần thấy như Mianma còn biết phải cởi trói cho tự do ngôn luận
để đất nước tiến lên, phát triển.
Ở nước ta ngày trước Luật sư Nguyễn
Mạnh Tường có nói hai việc rất chân thành góp ý với nhà nước để củng cố khối
đoàn kết dân tộc:
1. Đảng
viên Lao động và cán bộ thi hành chính sách thiếu tinh thần dân chủ. Do đó xa
lìa quần chúng, và tạo ra tình trạng đối lập quần chúng với mình. Để sửa đổi, cần
xây dựng quan điểm quần chúng cho đảng viên và cán bộ, và yêu cầu Trung ương
Đảng và Chính phủ đảm bảo sự thi hành triệt để các tự do dân chủ.
2. Quần
chúng chưa thấm nhuần tinh thần chủ nhân trên đất nước, do đó chưa tranh đấu
đòi thực hiện dân chủ. Để sửa chữa, ta cần xây dựng ý thức dân chủ cho quần
chúng.
Đến bây giờ hai ý đó cũng còn nguyên
tính thời sự.
Mai Xuân Dũng
No comments:
Post a Comment