1-11-2012
Nhà văn Anh George Orwell viết "Trong
thời đại dối trá phổ quát - nói lên sự thật là hành động cách mạng."
Nhiều người thuộc nhiều thế hệ ở Việt Nam đã hay đang
trả giá cho hành động cách mạng ấy từ Nguyễn Mạnh Tường đến Việt Khang. Người kế đến thuộc thế hệ trẻ
hơn - Nguyễn Phương Uyên.
Trong chế độ toàn trị nơi bạo lực và dối trá ngự trị thì tự do ngôn
luận là điều không tưởng. Cho nên nói lên sự thật trước tiên là một hành động
can đảm.
Khi Việt Khang viết "chống
kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam" và "bàn tay nào nhuộm đầy máu
đồng bào" anh đã đánh thẳng vào thành trì của quyền lực, vào lực lượng
thanh kiếm và lá chắn ra sức bảo vệ thành trì ấy. Mọi người ai ai cũng có thể
nói ra những điều như thế hoặc hơn thế nữa ở chốn riêng tư nhưng anh là người
đầu tiên nói ra một cách công khai qua âm nhạc. Bằng hai bản nhạc bất hủ chưa
từng có này Việt Khang đã khắc tên anh trong lòng hàng triệu người Việt trong
và ngoài nước.
Con đường Sự Thật đã in dấu chân can đảm của nhiều thế hệ. Con đường ấy
khởi đi từ nỗi đau của Nguyễn Mạnh Tường "một người công dân đau khổ
trước bao nhiêu cái chết oan của người vô tội", đến thơ của Lê Đạt "đem
bục công an đặt giữa trái tim người/ Bắt tình cảm ngược xuôi/ Theo luật lệ đi
đường nhà nước" đến nhạc của Việt Khang đến thơ của Nguyễn Phương Uyên
"Đất nước tôi không có chiến tranh/ Mà nghe đau thắt ở trong
lòng.../Núp dưới ảnh Bác và cờ đảng/ Chúng cơ hội bóc lột dân lành". Tinh
thần Tự do và Sự thật vẫn quật cường tiềm ẩn trong từng thế hệ Việt Nam cho
đến khi nào chế độ toàn trị đi vào nghĩa trang lịch sử.
Nhưng tại sao Lịch sử chọn họ mà không chọn ta để đi
trên con đường đau khổ ấy? Lịch sử
chọn họ vì họ can đảm. Họ can đảm không phải vì họ không
sợ. Họ sợ như tất cả mọi người trong chúng ta nhưng họ đã nhìn thật sâu vào tâm
hồn của mình để vượt qua được sợ hãi. Can đảm là phía bên kia của bức tường sợ
hãi. Sau lưng họ là bức tường đổ nát, trước mắt họ là ánh sáng soi đường của
lương tâm.
Nhiều người đứng bên lề trách họ
"dại khờ". Tại sao họ chọn con đường khó mà đi? Họ không chọn con
đường dễ hay khó. Họ chỉ theo con đường lương tâm họ đã soi sáng. Họ có thể
buồn vì gia đình vì họ mà đau khổ vất vả hay con họ lớn lên vắng bóng cha.
Nhưng họ không buồn và hối hận đã đi theo con đường lương tâm đã chọn cho họ.
Ước gì có nhiều
người "dại khờ" như họ để nói lên sự thật như lời của nhà văn Nga
Boris Pasternak: "Trong mỗi thế hệ phải có những kẻ dại khờ sẽ nói lên
sự thật như họ thấy."
Nhưng như cơn gió đưa hương thơm
của hoa đi xa, ngày họ vào tù là ngày họ đã gieo những hạt giống hy vọng và can
đảm trong lòng những người ở bên ngoài. Trong những hạt giống rơi xuống lòng
nhiều người ấy sẽ có những hạt giống sống được để ươm mầm can đảm cho những
người khác tiếp tục đi trên con đường chung đã chọn của nhiều thế hệ.
No comments:
Post a Comment