Tuesday, 30 October 2012

TRỊNH CUNG & NHỮNG CHIẾC LÁ VÀNG TRONG KHUNG TRỜI ĐỎ (Nguyễn Tấn Cứ - Da Màu)




29.10.2012

Nguyễn Tấn Cứ và Trịnh Cung

Những tán lá xanh đã đến hồi vàng úa, những giấc mơ đang xoải bóng dưới những bước chân người, những chiếc bóng đời đang lao xao khóc cười cho ngày tháng đã ra đi không bao giờ trở lại. Ngày nắng hay ngày mưa, tình đi hay tình tới, âm u hay xán lạn, mệt mỏi hay sật sừ vì đã quá lâu rồi trong cõi đời dâu bể, đau khổ hay hân hoan giữa hai mùa chiến cuộc, hòa bình hay li tán sau những cuộc bom rơi đạn lạc, tự do hay tù ngục sau những lần hoang vu trốn chạy lênh đênh mịt mùng trên biển lớn. Cuộc đời của gã như một chiếc thuyền nan mong manh giữa muôn ngàn sóng giật. Những cuộc ra đi và những cuộc trở về sau những cuộc chạy bứt gân vật vã lao mình vào trong những cơn mưa vô định . . . .

Gã có một gương mặt cô đơn nhưng rực rỡ, buồn bã nhưng ngập tràn ánh sáng. Ở trong một cái thế giới tối tăm và đoản mệnh này thì vóc dáng của gã tỉ lệ thuận với chiều cao từ mặt đất tới chân . . . mày. Nhưng nếu có một thế giới khác cho sự mênh mông của hi vọng, phản phúc lại sự thấp hèn kia thì cái vầng trán nhô lên phẳng bóng như ánh sáng kia lại tố cáo gã là một thế giới khác một con người khác. Gã không giống một ai trong cái đám tàn binh đang thất thểu âm u trên con đường trận mạc. Gã cũng không là một ai trong cái đám đông đang mỗi ngày một dài ra trên cái cuộc đời áo cơm dâu bể nầy. Không phải vì gã quá lập dị, quá xa cách, quá khinh miệt, hay quá hợm mình trong cái cõi người ta đang ngày ngày vẫn tràn đầy lên như rác. Gã chỉ thấy mệt mỏi cô đơn xa lạ với những cuộc rong chơi, chán nản với những khuôn mặt người đang hàng ngày vây bủa . . . .

Gã hay trốn vào Công viên Tao Đàn vào buổi sáng, không biết để làm gì ngoài việc ngồi một chỗ với một ly café đặc quánh trên bàn. Gã lặng nghe tiếng chim kêu của những tay chơi ruộng đang vây quanh những chiếc lồng sơn son thiếp vàng, gã im nhìn những chiếc lá rơi. Gã như một một kẻ nhàn vi trong cái thế giới đầy âm thanh của chim chóc đang véo von trong tù ngục.

Tôi thân quen với gã vào những ngày gã đang trơ khan trần trụi như một tấm khiêng rơm đang trân mình dưới những mũi tên thù nghịch. Gã chịu đựng những trân mưa đao xối xả phang vào nỗi buồn đang dâng lên như sóng. Gã như một tay súng cô đơn giữa muôn ngàn xác ướp đang sống dậy cùng với lời nguyền của Pharaoh Đại đế. Khuôn mặt gã căng bạnh ra như giáp sắt. Gã hư vô trước những tia nhìn bắn ra như cọc nhọn. Cả một đám đông như âm binh từ địa ngục tràn lên như đoàn quân cát trên sa mạc xô vào mặt gã trùng trùng như đêm tối. Cảm giác như có thể gã sẽ bị gục ngã vì quá sợ hãi, vì quá kinh khiếp bởi những khuôn mặt đầy kinh dị ngoác ra của những xác ướp nghìn năm đang sống dậy. Gã đang chạm vào mồ mả của Pharaoh. Chạm vào thi thể của những lời nguyền đang yên nghỉ. Gã đoán biết trước cơ sự khi đã dám mạo hiểm đào vào lặng mộ của bóng tối. Gã chỉ muốn khai quật lên – ngay cả trong những góc tối của con người mình – những gì là thánh thần, những gì là vàng son giả tạo – của chính con người tô trát lên – đang đến hồi cần phải được định danh cho dù thượng đế đã chết. Lão cần phải bóc mẽ sự thật những bức tranh tượng đất nung đang được thánh hóa, đang được dựng lên một cách dối trá, đang được linh thiêng chôn sâu trong lòng sa mạc của con người. Gã là một trong những chiến binh còn sống sót cuối cùng trong thời kì xưa cũ. Gã chỉ muốn nói lên sự thật để chỉ có thể an tâm ra đi cùng cát bụi cho dù có thể bị truy bức như một tên tội đồ, gã đang gõ những nhát búa hủy diệt tàn phá của ngữ ngôn khảo dị vào những tượng đài lăng tẩm. Với một suy tư nghiêm cẩn là, cần phải trả lại hình bóng chân thực của một người bạn đích thực đang bị vây bủa bởi những rỉa rói của bầy kên kên đang đói khát kêu rên – đang che kín đen kit cả một bầu trời xanh lộng . . .

Trong một thế giới quá buồn vì sự khô cạn, héo hắt vì những niềm vui đã chết, thì dòi bọ ruồi muỗi bắt nhịp như một dàn đồng ca, như một tổ hợp xướng trong một đống rác đang bốc mùi, được điều khiển bởi một nhạc trưởng bởi một kẻ canh giữ bãi thải – như là một chuyện thường tình. Anh đã không khéo khi là một nốt nhạc lạc bầy, một bàn chân sai nhịp khi vô tình phải dẫm chân vào trong cái lãnh địa tha ma đó, thì bị rượt đuổi đánh cho tơi bời cũng là không có gì lạ. Chỉ khác một điều là anh đã quá ngây thơ khi cứ tin rằng anh là kẻ chân tình, là người bạn không bao giờ có thể thay đổi. Chỉ khác một điều anh đang nói về một nỗi buồn. Anh đang chạm mạnh vào nỗi buồn, dù cho nỗi buồn đó là của anh của chúng ta của một người bạn đã khuất. Anh tin rằng chỉ có anh mới nói được điều mà không một ai dám nói. Tại sao lại nói về một cái “tham vọng chính trị” trời ơi nào đó của một người bạn, khai quật về một cái gọi là “ham muốn” tự nhiên khi không – nào đó của một con người – trong khi cái đám đông âm u rì rầm kia đang cần một sự bảo vệ, cần một nỗi buồn của “ thành phố hoang vu” mộ địa nào đó để lãng quên đi cái thân phận thấp hèn “cỏ xót xa đưa” của họ trong cái Đất Nước rong rêu hiu hắt phận người này.

Trịnh Cung là cái gã liều mạng với cái cõi địa ngục hư vô đó. Gã không bao giờ tin rằng có những người cần phải sống với đêm tối mới có thể sáng lên. Gã không bao giờ tin rằng trong cái ánh sáng công khai như ban ngày ấy lại có thể là nơi dung chứa tàng ẩn những tên Hồng Vệ Binh giết người không ghê tay một khi thần tượng của họ bị ai đó làm cho tróc vỏ xì hơi. Gã không biết rằng trong cái xứ sở phập phù nầy thì sự an toàn của những con sâu nằm trong cái kén, đàn ruồi nằm trong đống rác là điều vô cùng cần thiết,nó là thực phẩm, khí hậu để có thể sinh tồn cho những hồn ma bóng quế, cho dù nó có thể làm cho con người ta trở nên ám khói mông muội. Sự sai lầm của Trịnh Cung là đã chọc vô cái tổ ong vò vẽ đang bu đầy cái ổ ca hát của Trịnh Công Sơn, và lão đã làm như thế với một tâm thế văn chương ngây thơ – một tấm lòng trung chính. Lão lập ngôn với một niềm tin về một xã hội mở đang rất cần sự tự do tranh luận trong một tinh thần minh bạch, nhưng không, vô hình trung lão đã chạm vào cánh cửa đã “khép chặt” trong xứ sở của những xác ướp Ai cập đang bị xích xiềng cùng với một quá khứ đầy rẫy âm binh của một tên phù thủy cao tay đã chết cùng với nguyền là ai chạm vào ta thì sẽ làm cho lũ âm binh đó rùng rùng sống dậy tràn lên và cắn xé – vậy thôi . . . .

Từ trái qua phải: Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Trịnh Cung và Văn Cao vào năm 1987

Ấy vậy mà gã vẫn tỉnh khô cười rinh rích ngay trong những ánh mắt xa lạ nghịch thù. Lão vẫn hồn nhiên sống và rong chơi khơi khơi trên quãng đường xô bồ khói bụi từ nhà lão ra đến cái công viên đang rụng đầy lá úa. Mấy lần tôi gọi cho gã là chỉ để dụ lão đi nhậu với Nhạc Sĩ Tuấn Khanh và Trần Tiến Dũng và lần nào cũng vậy lão chỉ uống có một chai, và mấy chai sau thì lão chỉ để đó như một bức tranh, lão nói anh em chúng tôi nghe trong những cơn mưa của Sài gòn mùa hạ, trong những chiếc lá vàng mùa thu. Không ai làm phiền gì cho nỗi buồn của lão. Có những lúc hứng chí tôi ngắt ngang câu chuyện làm cho đôi mắt của lão buồn hiu. Tôi cũng không biết vì sao lão lại có thể bia bọt với chúng tôi trong khi lão đã từng – và bây giờ cũng đã khước từ biết bia bọt.

Chân dung Trịnh Công Sơn (vẽ bởi Trịnh Cung)

Lão có một ngọn đồi, một căn nhà ở gần Pinom thuộc thị trấn Ka đô Đơn Dương, một căn nhà cực kì nghệ thuật do chính tay lão thiết kế và xây dựng. Lão đã đồn trú ở cái xứ sở ngày xưa nầy cùng với cuốc xẻng áo tơi trong mưa mù gió núi. Lão thành một Lão nông tri điền chính hiệu. Ngày ngày lão khai hoang phá thạch lên nương làm rẫy, nếu ai có dịp đi ngang quốc lộ trên đường về Phan rang Nha Trang sẽ thấy một căn nhà nhô lên ven đường hoành tráng như một biệt thự. Bạn sẽ thấy một ông già phương phi tráng kiện đang lặng lẽ trong sương mù lăn lên từng hòn đá rêu xanh mệt nhọc nhưng lấp lánh rất nhiều phong nhiêu ẩn dụ. Lão cười hì hì khi tôi ví von lão rằng – thời nầy mà vẫn còn có tên “Ngu Công” đi đào núi . . . . Những ngày nắng đẹp Lão phóng xe lên Dalat ngồi một mình giữa rừng thông trong khu biệt thự cadasa Trần Hưng Đạo – trong một quán Café có một cái tên cực kì mơ mộng “Violet Ngày thứ Tư.” Nơi ấy Lão thường hay gọi cho tôi trong một tâm thế chuẩn bị cho những cuộc chờ đợi và những cuộc chuyện trò cho qua đi những sớm mai của mặt trời đang nhảy múa. Những lúc ấy tôi biết lão sẽ nhớ đến . . . nơi mà lão và Trinh Công Sơn đã từng lang bang thơ mộng cùng nhau trong những tháng ngày chiến chinh đầu xanh tuổi trẻ. Lão hay nói về những chuyện của một thời hoang vu của lão và nói về những nỗi buồn của những giòng sông đã chia cách về những tháng ngày ly hương mệt nhọc. Về căn nhà mà lão đã hình thành dành để tặng cho người vợ trẻ của lão và thằng con bé bỏng Trịnh Cung Bách của mình, nếu lỡ một mai lão có ra đi.
Ngày Tân Gia ăn mừng nhà mới lão đã chiêu đãi anh em bằng một chầu bánh xèo ngon lành do chính lão trổ tài đầu bếp cùng với một chai rượu ngon mà trong đám khách mời chỉ có một mình tôi là có thể uống được. Lão nói rượu ngon là chỉ để cho mầy uống chứ có ai uống được nhiều đâu(?) Lão nói như một ngoại lệ mà tận trong đâu đó tôi có thể hiểu rằng, rượu có thể giết tôi – như đã giết người bạn thiết của lão – nhưng không thể bất li được tình bạn cho dù cuộc đời nầy có thể đôi khi không có một họa sĩ như lão (thì cũng như không có rượu – mà không rượu – thì bạn bè cũng hoang vu như khói . . . ).

Mỗi lần lên Dalat lão đều hú gọi tôi như một thói quen cho dù tôi đang ở Sài Gòn hay Dalat, và lần nào cũng vậy khi tôi lò dò ra để gặp thì lão đã lặng lẽ ra về rồi. Lão luôn luôn dậy sớm khi mặt trời mọc, còn tôi thì cố gắng lắm thì cũng phải tận đến gần trưa vì những cuộc nhậu trong đêm qua vẫn còn vất vưởng, có những lúc gặp được thì việc đầu tiên là lão giảng cho tôi nghe về cái đạo làm người, nào là phải thức dậy sớm để nhìn thấy mặt trời lên, nhìn thấy ban mai tươi đẹp, vì như vậy cuộc sống mới còn đáng sống. Lão kết luận “Sống và ăn nhậu gái gú như mầy chỉ có vứt đi” rồi dường như sợ tôi buồn lão đế thêm “Mày là thằng thi sĩ cuối cùng còn sót trên cái Đất Nước lộn xộn nầy.” Nói xong lão cười toe coi như xong phận sự giáo huấn đối với thằng tối say chiều xỉn nầy.

Ở Sài gòn gần đây lão hay ngồi ở Cà phê 30/4 sáng ở Dinh độc lập với Nguyễn Quốc Chánh, không biết hai thằng chả, một già một trẻ, có cái gì quan trọng mà lúc nào cũng mặt đỏ mày gay lên vì những cuộc tranh luận vô thiên lủng với những chuyện thế sự văn chương không bao giờ có hồi kết, mà kết sao được khi mà cuộc đời mai sớm vẫn còn dài ra đó, khi mà bạn thiết hiểu được ta thì có được mấy người [?]

Có ai đó đã nói rằng “Tranh luận với một người thông minh vẫn thú vị và có ích nhiều hơn là phải nói chuyện với một đám đông ồn ào mà ngây ngô như cát đá” không biết là có quá đáng lắm không, nhưng trong trường hợp nầy thì tôi đồ rằng, hai ông bạn của tôi có thông minh, còn đám đông thì chưa chắc vì cái đám đông nầy cũng ma lanh và chuồng trại cũng không kém khi biết rằng có người vẫn đang hàng ngày đàm luận ở ngay trong lỗ tai của họ.
Có lần tôi đã cố gắng ngồi thật lâu lắng nghe thử cái cuộc marathon chữ nghĩa ấy sẽ đến đâu, nhưng thường là những cuộc chạy ấy không bao giờ đến đích, nó luôn luôn trở về vạch xuất phát cho một cuộc gặp và tranh luận mới cho buổi sáng hôm sau . . . .

It ai biết lão là thường trú nhân lâu rồi của Đất Nước Cờ Hoa. Lão đã từng nhận học bổng du học sang tiểu bang Hawaii của Mỹ. Là một trong những thành viên trụ cột của Hội Hoa Sĩ Trẻ Miền Nam Việt Nam. Lão đã từng là thỉnh giảng về hội họa của một một trường Đại Học Mỹ Thuật danh giá của Mỹ. Lão đã từng là sĩ quan biệt phái QLVNCH. Sau 75 lão cũng phải khăn gói đi học tập cải tạo nghe đâu ở tận Nghệ An Thanh Hóa hết 3 năm. Lão đã từng dạy Đại Học Mỹ thuật Huế, tranh của lão – họa sĩ Trịnh Cung – đã từng có mặt ở những cuộc trưng bày lớn ở Paris, Luân Đôn, Mỹ và tùm lum khắp nơi. Lão cũng là một thi sĩ có một bài thơ duy nhất nổi tiếng được bạn lão Trinh Công Sơn phổ nhạc, bài “Cuối cùng cho một tình yêu” trong đó có những câu cực kì hiện đại như “Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới, bây giờ anh vui, đôi bàn chân mỏi, đôi bàn tay đói . . . .” Hiện đại vì nó được làm đã quá lâu gần 50 năm rồi mà đọc lên vẫn “đã” vì nó có thể làm cho những nhà Tân hình thức hay hậu hiện đại đương thời phải “méo mặt” vì không biết làm sao để có thể yêu tận cùng và sống dữ dội – để có chuyện để viết và làm thơ hay hơn thế nữa.

Lão là một gã đàn ông khó gần khó chơi bởi những kiến văn mà lão có được, bởi những sắc sảo lọc lõi mà lão đã từng có, bởi những nhận biết từ tận trong sâu thẳm của một họa sĩ thứ thiệt, một tay văn chương đích thực. Lão biết ai là người có tài, ai là loại bất tài. Lão hay “ngửi” được mùi của nghệ thuật, chạm vào ảnh của bọn “giả hình,” đánh hơi được mùi của bọn cơ hội, bọn con buôn phường hội, lão hay đứng dậy và bỏ đi không thương xót nếu có một ai đó là kẻ thù của lão, hay ai đó đã trở thành một đám đông của cái thế giới bầy đàn của bọn chó săn nanh nọc. Những lúc ấy tôi nhìn thấy cái hình ảnh khập khù buồn phiền của lão cuộn tròn lại như con nhím, lão lăn tròn lún sâu xuống những đường phố đầy hoài nghi, cùng với chiếc bóng nặng nề của những tháng ngày hư vô đang tua tủa chỉa lên như chống đỡ thách thức với cơn bão đang dâng lên dư luận của cuộc đời.

Chắc cũng chính vì vậy nên lão luôn luôn cô đơn cùng với những người bạn mà lão cho rằng lão có thể hiểu được họ trong những thời khắc ngặt nghèo nhất, ấy là những lúc tất cả đều xoay lưng sợ hãi trốn chạy bởi những cuộc rượt đuổi của bọn xác ướp trong cái thế giới của Pharaoh địa ngục kia. Dù sao thì những người bạn thiết vẫn đâu lưng cùng với lão cho qua cơn phong ba bụi bặm bẩn chật oằn oại của phố phường đỏ rực nhức nhối mệt mỏi này. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao lão có thể bỏ cái Nước Mỹ thiên đàng mơ ước kia để trở về ở trong cái xứ sở tên bay đạn lạc này, chắc hẳn không phải vì tiện nghi vật chất, và hẳn cũng không phải vì được tự do sáng tác. Lão đã chấp nhận đánh mất tất cả chỉ để “Cuối cùng cho một tình yêu” và kết quả là một cuộc thả bom rải thảm “bề hội đồng” dành cho cái trinh tiết ngu ngơ một thời bạn bè hàn vi của lão – lão muốn làm một cái gì đó trong những cuộc phiêu lưu mạo hiểm vào thế giới cổ xưa của một nền văn chương đã mất mà chỉ có một mình lão là chứng nhân. Lão muốn làm một cuộc đi tìm những giá trị đã mất đang bị bôi bẩn bởi những ngôn từ xu nịnh. Lão muốn gióng lên một tiếng chuông cho những buổi chiều đang hấp hối. Lão muốn tự mình không làm phiền ai – lão muốn tự đào một một cái lỗ chung thân cho cuộc đời mình ngay trên chính mảnh đất quê hương đau khổ này.

Epilogue: Cú phone thứ nhất trong một buổi chiều mưa . . . . Điện thoại open trong tiếng gió hú. Lão gọi đi từ biệt điện của lão ở Kađô Đơn Dương, trong máy lão cười vang như một nhát cọ quét vào vùng toan trắng đục, nó như một nơi trú ngụ vũng chắc cuối cùng trong những cuộc không kích của cuộc đời, hình như lão đang có một việc gì đó cực kì quan trọng. Lão bảo rằng lão đang “bế cung” – đóng cửa thư phòng. Lão đang vẽ để chuẩn bị cho một chuyến viễn du cuối cùng. Dự tính khoảng cuối năm nay Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ . . . và một số họa sĩ tên tuổi nữa trong nước sẽ làm một chuyến lãng du qua Mỹ để cùng nhau làm một cuộc trưng bày lớn. Lão nói sau chuyến đi về vùng “Đất Hứa” nầy, lão sẽ quay về quê hương và sẽ “tự đào cho mình cái lỗ.” Lão sẽ gác bút và an nghỉ ngay trên mảnh đất này, đã quá đủ rồi nhục vinh cho một đời chinh chiến. Lão nói đây là quê hương của lão và của tất cả những kẻ đang lưu vong trên trái đất này, không ai có thể ngăn cản một khi họ muốn quay trở về, không một ai có quyền gì để nói rằng “đây là một đặc ân xin cho” trong khi họ rất cần xiển dương cho sự “hòa hợp.” Lão sẽ không làm gì nữa ngoài câu chuyện trở về và bình an với vợ con trong những năm tháng sắp hết.





No comments:

Post a Comment

View My Stats