Monday, 29 October 2012

CHẾT LÃO KHANH RỒI ! (Minh Diện)




Minh Diện
Tháng Mười 30, 2012

Ông Lương Minh Ngọc, thượng tá công an mới nghỉ hưu nói với tôi như vậy. Ông quê Tiên Lãng vào miền Nam trước giải phóng, nay vẫn nhớ quê và theo sát vụ Đoàn Văn Vươn, mà ông cho rằng đó là một vết nhơ, làm xấu hổ dân Tiên Lãng.

Tôi hỏi vì sao chết lão khanh”, ông Ngọc nói:
- Thì công an Hải Phòng họ nói rành rành ra đó còn gì? Này nhá, trong quyết định cưỡng chế đầm tôm của Đoàn Văn Vươn, số 3312-QD/UBND, ngày 25-11-2011, do Chủ tịch Lê Văn Hiền ký không có nội dung phá nhà ông Vươn, nhưng trong thông báo số 225-TB/BCĐ ông Khanh ký ngày 28-12- 2012, lại phân công người tháo dỡ hai nhà trông tôm của ông Vươn, và chính ông Khanh trực tiếp gọi điện kêu máy ủi tới ủi nhà.

Ngừng một lúc, ông Ngọc nói tiếp:
- Tôi bảo đảm với anh rằng, tất cả những tình tiết có lợi cho ông Khanh đã được dọn dẹp sạch rồi. Khi người ta công bố trước báo chí rằng, chưa lần nào ông Khanh phản đối quyết định cưỡng chế, và ông Khanh “không hợp tác với cơ quan điều tra, loanh quanh chối tội, đổ tội cho người khác”là án tại hồ sơ rồi!

- Thế nghĩa là đúng người, đúng tội?

- Người ta bảo đúng thì nó đúng! Đúng theo kiểu cầm dao phạt ngọn ngọn ấy mà…

Câu chuyện của chúng tôi quay ngược lại thời gian. Ai cũng biết, Đoàn Văn Vươn đổ mồ hôi sôi nước mắt khai phá đầm nuôi tôm, theo pháp luật anh còn đươc thuê đến năm 2014 và anh đã làm đơn xin được tiếp tục thuê vùng đầm nuôi tôm. Người đòi thu hồi đất quyết liệt là anh em Lê Văn Hiền, Lê Thanh Liêm, anh làm Chủ tịch huyện, em làm Chủ tịch xã. Đoàn Văn Vươn năm lần bảy lượt đội đơn lên huyện lên tỉnh, khóc nhỏ máu mắt không được đoái thương. Rồi cả hội nghề nghiệp can thiêp cũng chẳng ai quan tâm. Vì viêc thu hồi cái đầm tôm ấy sẽ là phát súng khai hỏa, mở màn chiến dịch thu hồi đất làm sân bay quốc tế Tiên Lãng, gắn với lợi ích nhóm. Và cái quyết định thu hồi đất đã được ông Nguyễn Văn Hiền ký, bất chấp pháp luật. Khi Đoàn Văn Vươn không chấp hành cái quyết định thu hồi đất bất hợp pháp đó, Lê Văn Hiền ra lệnh cưỡng chế, bằng cái quyết định thất nhân tâm số 3312 QĐ/UBND. Chính việc ra quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế sai pháp luật, thất nhân tâm của chủ tịch huyện Tiên Lãng, là cái nhân, sinh ra cái quả Đoàn Văn Vươn phẫn uất, dùng súng hoa cải chống lại, tiếp theo đẻ ra cái thông báo đập nhà số 225-TB/BCĐ.

Thử hỏi, nếu không có quyết định thu hồi đất, thì có lệnh cưỡng chế không? Và nếu không có lệnh cưỡng chế thì làm gì có cái thông báo dớ dẩn của ông Khanh? Cái gốc cái ngọn rành rành ra đấy. Nhưng người ta không đưa vào hồ sơ cái gốc , bởi như thế sẽ lung lay, rúng động cả cánh rừng, chỉ chặt cành phát ngọn để dẹp yên dư luận. Ông bạn thượng tá công an về hưu của tôi, người trong nghề nói chí lý lắm.

Tôi nhớ tới một vụ trọng án mấy chục năm trước.

Ngày ấy ông Mười Vân, tức Nguyễn Văn Dộc, nguyên Giám đốc công an tỉnh Đồng Nai, từng trải qua chiến tranh, công trạng lẫy lừng. Năm 1978-1979, cấp trên chỉ đạo Mười Vân tổ chức bán bến, bán bãi cho người tổ chức vượt biên thu vàng, lúc đầu Mười Vân phản đối, nhưng sau lại chấp hành. Khi sự việc bị bể lở, Mười Vân phải ra tòa. Tôi còn nhớ như in phiên tòa ấy, khi được nói lời cuối cùng, Mười Vân chỉ xin được gặp người đã chỉ đạo thực hiện chiến dịch và trực tiếp ra lệnh cho mình. Nhưng người đó đã biến thành một kẻ vô hình. Mười Vân bị thi hành án dù vợ ông kêu oan quyết liệt đến mức xin được chết cùng chồng.

Giá như Mười Vân không vì cái chức giám đốc công an tỉnh nhắm mắt theo lệnh làm cái việc thất nhân tâm bán bãi thu vàng rồi tập kích bắt người ta, giá như Nguyễn Văn Khanh không tham cái ghế phó chủ tịch, không làm con thò lò hai mặt nhận cái chức trưởng ban giải tỏa, ra cái thông báo phá nhà anh Vươn thì đâu đến nỗi. Những cái giá như ấy, rất tiếc, chỉ xuất hiện sau khi đã bị trả giá.

Xét cho cùng thì nó vẫn nằm trong phạm trù giải quyết mâu thuẫn nội bộ chứ chưa phải vì dân do dân như người ta nói.

----------------------------------------------

Thứ ba, ngày 30 tháng mười năm 2012

Vụ Tiên Lãng, các cơ quan tư pháp Hải Phòng nên đứng ngoài để các đơn vị khác điều tra, xét xử.


Nguyên tắc pháp lý cơ bản

“Không ai được làm quan tòa cho chính mình” là một trong những nguyên tắc pháp lý cơ bản đã được áp dụng trong luật La Mã thời cổ đại, vào thế kỷ thứ V trước công nguyên. Mục đích cốt lõi của nguyên tắc này là nhằm đảm bảo tính khách quan, không thiên vị trong điều tra, xét xử để làm cho cán cân công lý không bị xô lệch về một bên. Nguyên tắc này, ngày nay được áp dụng một cách phổ biến và được cụ thể hóa bằng nhiêu điều luật được ghi trong các bộ luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính của các nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, nguyên tắc này đã được áp dụng rất sớm, dưới các triều đại phong kiến. Nó không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực tư pháp mà còn được thực thi cả trong lĩnh vực quản lý hành chính và nhiều lĩnh vực khác nữa. Ví dụ: Trong Bộ luật Hồng Đức (BLHĐ), được ban hành vào thế kỷ XV, dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460-1497) có điều quy định: “Các quan chủ ty chấm thi cùng người dự thi có thân thuộc cần phải hồi tỵ (tránh đi) mà không tự nguyện từ chối thì phạt 50 roi, biếm một tư (hạ một bậc phẩm hàm) (Đ.98). Về mặt hình sự, trong BLHĐ cũng có điều quy định: “Những người đi kiện hay bị kiện xin tránh ngục quan (quan điều tra), thì giao các quan Viện Thẩm hình xét hỏi; nếu xét sự lý đáng cho tránh ngục quan ấy, mới được phép giao sang ty khác xét xử. Nếu bản ty vì tình ý riêng mà cố giữ việc để xét, thì xử phạt hoặc biếm; ngục lại cũng bị tội như thế. (Đ. 689).

Dưới thời trị vì của vua Minh Mạng, nhà Nguyễn (1820-1840) đã có điều cấm các quan trong triều tham dự bàn luận các công việc có liên quan đến quê hương bản quán.

Vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng không hề biết đến đế chế La Mã, chưa hề đọc qua bộ luật La Mã, nhưng giữa họ, những người sống trong các thời đại cách xa nhau trong ba thiên niên kỷ đã có những nguyên tắc pháp lý tiến bộ giống nhau đến kỳ lạ.

Trong các bộ luật dân sự tố tụng, hình sự tố tụng hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã có những điều quy định thay đổi người tiến hành tố tụng, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký, người phiên dịch khi có cơ sở để không tin vào tính khách quan, không thiên vị của những người này. í dụ: Điều 42 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tung: “ Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu: 1…2… 3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ”.

Nghi ngại tính thượng tôn pháp luật

Trong vụ việc xảy ra ở xã Vinh Quang thuộc huyện Tiên lãng, việc điều tra các hành vi phạm tội của ông Đoàn Văn Vươn, tội của các quan chức ra lệnh và thực thi cưỡng chế, phá hủy tài sản nhà ông Vươn lại do Sở Công an Hải Phòng đảm nhận trong bối cảnh các hành vi sai phạm lại do chính Giám đốc cùng bốn phó giám đốc sở công an thành phố Hải Phòng chỉ huy thực hành vụ cưỡng chế (!). Việc thành lập tổ giải quyết vụ Tiên Lãng cũng do ông phó chủ tịch thành phố, người đã có những phát ngôn sai sự thật, mang tính thiên vị rõ ràng, làm tổ trưởng. Ông này bị dư luận phản đối nhưng vẫn được giao làm tố phó (?!).

Vì vậy dư luận cả nước rất xôn xao về việc gần đây cơ quan điều tra của Hải Phòng công bố đã khởi tố 4 quan chức bao gổm: phó chủ tịch huyện, trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện, bí thư đảng ủy và chủ tịch xã mà không đề cập gì đến vị cựu chủ tịch huyện và các quan chức của thành phố. Cơ quan kiểm sát, tòa án huyện Tiên Lãng và TP. Hải Phòng là những cơ quan trước đây đã xử oan ông Đoàn Văn Vươn. Nay cũng chính những cơ quan đó điều tra, xét xử vụ án thì làm sao làm cho nhân dân tin vào sự vô tư, thượng tôn pháp luật của họ được?

Đây rõ ràng là một bằng chứng về việc tự chỉ định quan tòa cho chính mình đã xẩy ra trong thế kỷ XXI, một hiện tượng mà nhân loại đã phát hiện và ngăn ngừa từ những thế kỷ trước công nguyên. Hơn nữa luật pháp hiện hành của Việt Nam không cho phép làm điều này. Lẽ nào các cơ quan tư pháp, hành pháp của TP.Hải Phòng không biết rõ điều cấm này của luật pháp quốc gia? Nếu cố tình làm ngơ thì khi đưa vụ án ra xét xử, tất yếu các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo sẻ yêu cầu điều tra lại và thay đổi người tiến hành tố tụng. Trong trường hợp này tòa án buộc phải làm theo luật vì không thể không chấp nhận kiến nghị đã có cơ sở pháp lý rõ ràng. Vụ việc sẻ phải được tiến hành điều tra lại từ đầu bằng cơ quan điều tra khác.Vụ án sẽ bị kéo dài không cần thiết.

Thiết nghĩ trong trường hợp này, các cơ quan tư pháp Hải Phòng nên tự nguyện từ chối và đề nghị các cơ quan cấp trên: Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao lấy vụ án lên để tiến hành điều tra, buộc tội, xét xử là đúng với quy định của pháp luật và cũng là để loại bỏ những hoài nghi không đáng có đã nẩy sinh trong dư luận xã hội.

---------------------

Bắt tạm giam phó chủ tịch huyện Tiên Lãng

Liên quan đến vụ Tiên Lãng, Cơ quan CSĐT, Công an TP. Hải Phòng vừa tống đạt quyết định khởi tố 4 bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng để phục vụ công tác điều tra về tội "hủy hoại tài sản.
Trước đó, ngày 5.1, UBND huyện Tiên Lãng đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn. Tại buổi cưỡng chế, ông Vươn đã có hành vi chống người thi hành công vụ làm 6 chiến sĩ công an và quân đội bị thương. Ngày 6.1, ngôi nhà của ông Đoàn Văn Quý (em trai ông Đoàn Văn Vươn), mặc dù không nằm trong khu vực cưỡng chế nhưng đã bị phá bỏ. Sau đó, các quan chức từ xã đến huyện, thành phố đều cho rằng không biết ai đã phá căn nhà này. Tuy nhiên, các nhân chứng cũng như người trực tiếp điều người cho máy xúc vào phá nhà ông Quý đã khẳng định, chính các ông Phạm Đăng Hoan (bí thư xã Vinh Quang) và Lê Văn Liêm (chủ tịch xã) đã chỉ đạo phá nhà.





No comments:

Post a Comment

View My Stats