Monday, 29 October 2012

VẠCH MẶT (Nguyễn Hưng Quốc)




29.10.2012

Báo The New York Times vừa đăng một bài tường thuật gây chấn động dư luận thế giới và khiến chính phủ Trung Quốc vừa giận dữ vừa hoảng sợ cho dựng tường lửa tờ báo ấy gần như ngay tức khắc. Nội dung của bài tường thuật là về khối tài sản khổng lồ của gia đình ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc: Tổng cộng lên đến khoảng 2.7 tỉ Mỹ kim.

David Barboza, mở đầu bài tường thuật, kết quả của một quá trình nghiên cứu công phu và tường tận, kể về bà mẹ của Ôn Gia Bảo: Bà vốn là một giáo viên, thời Cách mạng văn hóa, sống cực kỳ nghèo. Sau đó, với lương giáo viên, bà vẫn nghèo. Vậy mà, bây giờ, 90 tuổi, bà lại trở thành một người vô cùng giàu có. Một trong các khoản đầu tư của bà trong một công ty tài chính ở Trung Quốc, cách đây năm năm, lên đến 120 triệu đô la.
Điều đáng chú ý là sự giàu có ấy chỉ bắt đầu từ khi con bà, ông Ôn Gia Bảo, trở Phó thủ tướng vào năm 1998, và đặc biệt, năm năm sau đó, khi ông chính thức trở thành Thủ tướng.

Ngoài mẹ, hầu hết thân nhân của Ôn Gia Bảo đều là những triệu triệu phú: vợ ông, con trai ông, con gái ông, em rể ông, và họ hàng xa gần của ông. Tất cả đều nắm giữ những vai trò quan trọng trong các ngân hàng, các công ty nữ trang, các khu du lịch sang trọng, các công ty truyền thông, các công ty tài chính, bao gồm cả hãng bảo hiểm Ping An, một trong những công ty tài chính lớn nhất thế giới với vốn tài sản trị giá gần 60 tỉ Mỹ kim, và nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm cả một dự án phát triển villa ở Bắc Kinh.

Vợ của Ôn Gia Bảo, bà Trương Bồi Lợi, được mệnh danh là “Nữ hoàng kim cương” (Diamond Queen) của Trung Quốc. Lúc nào cũng ăn mặc bình dị và nói năng khiêm tốn nhưng bà Lợi là người rất mê kim cương và các loại nữ trang đắt tiền. Năm 2007, báo chí Đài Loan phanh phui ra vụ bà Lợi từng mua hai cái hoa tai bằng ngọc thạch trị giá đến 275.000 đô la. Không phải chỉ mua để sử dụng, bà Lợi còn điều hành nhiều công ty kiểm tra chất lượng và buôn bán nữ trang lớn, là một trong vài người có thế lực và ảnh hưởng nhất trong kỹ nghệ vàng, ngọc và kim cương ở Trung Quốc. Các công ty liên quan đến nữ trang của ngoại quốc muốn vào làm ăn ở Trung Quốc cần phải đến “yết kiến” bà trước. Được bà chấp thuận, công việc làm ăn mới xuôi chảy. Bà lắc đầu, bao nhiêu dự án, dù lớn lao đến mấy, cũng đều bó tay.

Người con trai duy nhất của Ôn Gia Bảo, Ôn Winston, năm nay khoảng 40 tuổi, từ năm 2000, thành lập ba công ty kỹ thuật trong vòng năm năm. Công ty nào cũng bắt đầu với vốn cả hàng triệu đô, sau đó, tăng vọt lên hàng chục triệu đô. Riêng công ty New Hozizon Capital được lập vào năm 2005 đến nay đã có vốn lên đến trên 2.5 tỉ Mỹ kim.

Bài viết của David Barboza chắc chắn sẽ được dịch sang tiếng Việt hoặc được tóm tắt trên nhiều cơ quan ngôn luận. Tôi không cần phải kể lại nhiều chi tiết hơn. Ở đây chỉ nhấn mạnh vào một số điểm:

Thứ nhất, hầu hết những người lãnh đạo đều có bàn tay…sạch. Tài sản chính thức của họ hầu như không có gì cả. Lý do là chúng được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó, cách phổ biến nhất là cho thân nhân đứng tên. Nhiều người đặt vấn đề: chưa chắc bà mẹ của Ôn Gia Bảo, năm nay 90 tuổi, đã biết là mình có một số cổ phần lên đến mấy trăm triệu đô la trong các công ty tài chính lớn. Bà chỉ được mượn tên, vậy thôi.

Thứ hai, nguyên nhân dẫn đến sự giàu có tột bậc của gia đình ông Ôn Gia Bảo chắc chắn không phải do tài năng của họ. Mà chủ yếu là nhờ thế lực của ông. Nhờ ông, họ được nắm giữ những chức vụ quan trọng, từ đó, tiền bạc cứ ào ào đổ vào túi. Nhờ ông, họ có vô số ưu thế để làm ăn và làm giàu. Hơn nữa, có thể nói, nhờ ông, họ không cần làm gì cả mà vẫn có thể giàu: giới kinh doanh khắp nơi, từ trong đến ngoài nước, cứ mang tiền, thật nhiều tiền đến dâng cho họ.

Thứ ba, qua trường hợp của Ôn Gia Bảo, chúng ta mới thấy cách hiểu thông thường về vấn đề tham nhũng rất phiến diện và hời hợt. Nói đến tham nhũng, người ta thường nghĩ ngay đến hối lộ. Nhưng ở vị thế lãnh đạo cao cấp trong đảng và trong chính phủ, người ta không cần nhận hối lộ. Người ta chỉ cần sử dụng - đúng hơn: lạm dụng - quyền lực của mình để cho thân nhân kiếm tiền. Nhìn bề ngoài, việc kiếm tiền ấy hoàn toàn chính đáng: họ lập công ty, công ty ấy vận hành tốt và có nhiều lợi tức; họ giàu là nhờ số lợi tức ấy. Nhưng, nó vẫn không chính đáng ở hai điểm: một, vị trí của họ trong công ty không xuất phát từ tài năng mà là từ thế lực (xin nhớ trường hợp con cái của Nguyễn Tấn Dũng và Tô Huy Rứa ở Việt Nam); và hai, lợi tức của công ty chủ yếu đến từ các quan hệ quen biết hơn là do thực lực.

Thứ tư, sự giả dối của giới lãnh đạo cộng sản. Trước đây, Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh, từng nổi tiếng là cứng rắn trong việc chống tham nhũng, nhưng, sau khi ông bị ngã ngựa, người ta mới biết chính ông từng dung dưỡng cho thân nhân kiếm đến cả hàng trăm triệu Mỹ kim từ tham nhũng. Ôn Gia Bảo cũng thế. Lúc nào ông cũng xuất hiện dưới vẻ bình dị, như là nghèo nàn. Mở miệng, ông toàn nói những chuyện đạo đức và nỗ lực làm trong sạch đảng. Chỉ mới đây thôi, vào tháng 3 năm 2011, trong một cuộc họp của hội đồng nhà nước Trung Quốc, Ôn Gia Bảo lớn tiếng yêu cầu chống tham nhũng, giám sát tệ lạm quyền và thúc giục cán bộ các cấp phải làm việc vì “một chính phủ trong sạch trong năm 2012”.

Bộ mặt giả dối của giới lãnh đạo Trung Quốc đã bị thế giới vạch trần. Bao giờ đến lượt Việt Nam nhỉ?


* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

----------------------------------------



Saturday, October 27, 2012 2:15:11 PM

New York Times bị chặn tại Trung Quốc

BẮC KINH (Washington Post) -Nhà cầm quyền Trung Quốc hôm Thứ Sáu đã cho đóng trang mạng của báo New York Times ngay sau khi đăng một bài phóng sự điều tra nói là gia đình Thủ Tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) có tài sản trị giá tổng cộng tới 2.7 tỷ dollars.

Phản ứng cương quyết và mau chóng này không là điều lạ ở vào một thời điểm được coi là “nhạy cảm” của chính trị Trung Quốc khi đang sắp đến giai đoạn chuyển giao quyền lực trong ban lãnh đạo. Ðể người dân đọc biết và bàn tán rộng rãi về những tin nổ lớn gây chấn động dư luận bị coi là phương hại đến an ninh trật tự xã hội và uy tín của đảng cầm quyền.

Cả hai phiên bản Anh ngữ và Hoa ngữ của trang mạng đều đồng thời bị đóng lại. Trên lưới điện toán và các dụng cụ điện tử di động, vào bộ dò đánh lên hàng chữ New York Times hay bằng chữ Hán đều không có trả lời. Trang BBC TV cũng bị gián đoạn một thời gian ngắn khi tường trình về bài báo New York Times.

Ðây là một thua thiệt đáng kể cho tờ New York Times trong nỗ lực đi vào thị trường Trung Quốc. Tờ báo đã đầu tư khá tốn kém, thuê thêm hơn 30 ký giả mới, thông dịch viên và kỹ thuật gia, để mở trang mạng Hoa ngữ từ cuối tháng 6 vừa qua.

Nữ phát ngôn viên Eileen Murphy tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng truy cập đầy đủ trở lại trang mạng sẽ sớm được phục hồi và sẽ yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc bảo đảm rằng độc giả có thể tiếp tục đọc những bài vở tin tức tuân thủ đúng tiêu chuẩn chuyên nghiệp của New York Times.”
Bà nói thêm: “Xã hội Trung Quốc càng ngày càng cởi mở hơn và truyền thông đa dạng hơn. Sự đáp ứng với trang mạng Hoa ngữ cho thấy Times có thể đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực nâng cao phẩm chất báo chí cho nhân dân Trung Quốc.”

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc gọi bài báo của tờ New York Times là một hành động có tính cách bôi nhọ và mang hàm ý xấu. Trong cuộc họp báo thường ngày, phát ngôn viên Hong Lei của bộ nói rằng việc ngăn chặn trang nhà của tờ New York Times là “theo đúng luật lệ hiện hành,” tuy nhiên không bình luận hay bác bỏ nội dung bài báo.

Hồi tháng 6, bản tin của Bloomberg News cho hay đại gia đình của Phó Chủ Tịch Nước Tập Cận Bình (Xi Jinping), người sắp lên chức lãnh đạo thay thế Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào vào tháng 11, có tài sản tới $376 triệu. Sau đó trang điện tử Bloomberg hoàn toàn bị Trung Quốc đóng cửa.

Mặc dầu ở một đất nước mà “sự giầu sang và quyền lực hội tụ” như tờ New York Times viết, tài sản khổng lồ của gia đình Thủ Tướng Ôn Gia Bảo được nêu lên vẫn là trái bom gây sự kinh ngạc lớn. Ký giả David Barboza và ban biên tập đã nghiên cứu thu thập chi tiết từ nhiều nguồn khác nhau và những số liệu căn cứ theo hồ sơ tài liệu chính thức để làm bài phóng sự.

Ôn Gia Bảo, 70 tuổi, quê quán ở Thiên Tân, bà mẹ là giáo viên và ông bố đã bị đưa đi làm việc nuôi heo vào thời kỳ cải tạo Cách Mạng Văn Hóa. Năm ngoái, kể lại thời niên thiếu của mình trong một lần phát biểu trước công chúng, Ôn đã nói “gia đình tôi hết sức nghèo.” Nhưng từ khi vào vị trí lãnh đạo, phó thủ tướng năm 1998 và 5 năm sau là thủ tướng, bây giờ tình trạng hoàn toàn đảo ngược, gia đình của ông cũng như của nhiều cán bộ đảng viên cao cấp khác ở Trung Quốc là những đại gia có tài sản đứng hàng đầu các triệu phú trên thế giới.

Bà góa phụ Yang Zhiun, mẹ ông, năm nay 90 tuổi, căn cứ trên hồ sơ các công ty xí nghiệp và tài liệu của các cơ quan giám sát, từ năm 2007 đã giữ một tài sản trị giá $120 triệu. Bằng cách nào bà thu góp được khoản tiền ấy, ít nhất trên giấy tờ, là điều chưa rõ; cũng như không biết bà có thật sự hiểu rằng tên của mình đang đứng làm chủ nhiều tài sản như vậy không.

Theo New York Times, trải qua hơn 10 năm cầm quyền của Ôn Gia Bảo, gia đình và thân quyến của ông từ con trai con gái, đến em ruột, em rể và những người họ hàng xa gần khác, đã trở nên giầu có vượt bậc. Trong nhiều trường hợp, tên các đương sự này không tìm thấy trên giấy tờ vì được che đậy qua một mạng lưới phức tạp các thủ thuật tinh vi về đầu tư quản lý của một xã hội đầy rẫy điều bí ẩn.

Tờ New York Times nói rằng họ tìm thấy những cổ phần của gia đình Ôn Gia Bảo trong nhiều ngân hàng, tổ hợp tài chính, công ty du lịch, thương mại, xây dựng, các dự án phát triển hạ tầng cơ sở và cả các tổ chức kinh doanh nước ngoài. Gia đình này chiếm vị trí trọng yếu trong Tổ hợp Bảo hiểm Ping An, một trong những tổ hợp tài chính lớn hàng đầu thế giới.

Ở vị trí thủ tướng trong một nền kinh tế mà nhà nước hãy còn nắm giữ vai trò chỉ đạo, Ôn Gia Bảo có rất nhiều quyền hạn đối với các công ty xí nghiệp và điều kiện để thân nhân của ông có thể dựa vào đó sử dụng để làm giầu, có hay không có sự tán trợ của ông là điều người ta chưa thể biết hết. Chẳng hạn người em trai của ông có một công ty đã ký được hợp đồng hơn $30 triệu về việc xử lý nước thải và phế liệu y tế cho các thành phố lớn. Hợp đồng này có sau khi nhà nước ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ các chất thải sau vụ bệnh dịch SARS năm 2003.

Năm 2004, Hội Ðồng Chính Phủ mà Ôn Gia Bảo là chủ tịch ban hành quy chế cho phép các công ty tài chính mở rộng không giới hạn lãnh vực hoạt động. Ping An đã trở thành một công ty công cộng, bán IPO (cổ phiếu công khai) gây vốn được $1.8 tỷ và gia đình Ôn Gia Bảo đã thủ lợi bằng việc đầu tư trước khi công ty ra công khai. Các tài liệu kế toán năm 2007, năm cuối cùng mà hồ sơ chứng khoán được phổ biến, cho biết gia đình và những đối tác nắm giữ $2.2 tỷ chứng khoán của Ping An.

Mặc dầu đảng Cộng Sản Trung Quốc yêu cầu cán bộ công nhân viên kê khai tài sản của mình và gia đình nhưng đòi hỏi này chỉ liên hệ đến những thân nhân trực tiếp bao gồm vợ và con; anh chị em và những người họ hàng quyến thuộc khác không nằm trong quy định ấy và trở thành một ngõ dễ dàng cho sự trốn tránh.

Trương Bồi Lợi (Zhang Beili), bà vợ của Ôn Gia Bảo, là người rất ít khi xuất hiện trong những sinh hoạt chính thức cùng với chồng. Nhưng dân chúng Trung Quốc cũng như giới kinh doanh thương mại ngoại quốc đều biết đến bà với biệt danh “Nữ hoàng kim cương.” Là một cựu kỹ sư địa chất, bà là người đã giúp lập ra những quy định trong ngành thương mại hột xoàn và đá quý, thành lập thị trường trao đổi kim cương ở Thượng Hải và trung tâm xét nghiệm ở Bắc Kinh mà tất cả những giới buôn bán kim cương đều cần phải có chứng chỉ xác nhận của trung tâm này. Bà Trương là chủ tịch công ty quốc doanh kim cương do bà thành lập năm 1993, đến nay người em trai của bà và mấy người thân khác nắm giữ tới 80% cổ phần.

Tài liệu do Wikileaks tiết lộ nói rằng có lúc Thủ Tướng Ôn Gia Bảo muốn ly dị với bà Trương vì bà lợi dụng khai thác quá đáng vị trí lãnh đạo của ông vào việc làm ăn. Tuy nhiên đến nay gia đình này vẫn ổn định bình thường và dịch vụ kinh doanh tiếp tục không có gì trở ngại.

Thủ Tướng Ôn Gia Bảo nổi tiếng là người có chủ trương đổi mới, ông nhiều lần lên tiếng kêu gọi cải cách kinh tế và cả chính trị ở Trung Quốc. Ông cũng là người mạnh mẽ đề xướng thanh lọc nhân sự, tiêu trừ tham nhũng. Tuy không thể rõ ông có thực tâm thi hành đến đâu nhưng sự kiện này chắc chắn khiến ông gặp sự chống đối của một số phe phái trong đảng. Vào thời gian cuối cùng của nhiệm kỳ và trước khi ông rời khỏi vị trí lãnh đạo và có lẽ chỉ còn giữ một chức vị tượng trưng, không hiểu việc phổ biến công khai hiện tượng tiêu cực từ gia đình ông có phải là nằm trong mưu đồ đấu tranh nội bộ rất thường thấy ở chế độ độc tài đảng trị này hay không.

Rất nhiều tình tiết cũng như thắc mắc nghi vấn về chuyện Thủ Tướng Ôn Gia Bảo như trình bày trong bài báo New York Times, sẽ còn phải chờ thời gian mới có thể hiểu sự thật. Chính ông cũng đã từng có lần hé lộ cho thấy rằng biết tất cả những dư luận đồn đại về mình và gia đình, nhưng luôn luôn khẳng định là “chưa bao giờ lợi dụng chức quyền để kiếm lợi ích riêng.” Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh hồi tháng 3, Thủ Tướng Ôn Gia bảo tuyên bố: “Tôi có đủ can đảm đối diện với nhân dân và lịch sử. Có những người sẽ tán đồng các việc tôi đã làm nhưng cũng có nhiều người sẽ chỉ trích. Chung cuộc thì lịch sử sẽ có lời phán xét tối hậu.” (HC)

--------------------------------------------------









No comments:

Post a Comment

View My Stats