BBC
Cập nhật: 16:20 GMT - thứ tư, 11 tháng 4, 2012
Một ngày sau khi chính phủ Trung
Quốc chính thức phản đối dự án khai thác khí đốt ở bồn trũng Nam
Côn Sơn giữa PetroVietnam và tập đoàn Nga Gazprom, tờ China Daily dẫn
lời quan chức Trung Quốc nói đã có biện pháp ngăn chặn.
Tờ báo của
Đảng Cộng sản Trung Quốc, xuất bản bằng tiếng Anh, trong bài đăng hôm
thứ Tư 11/4 nói Trung Quốc cực lực phản đối bất cứ quốc gia nào
muốn khai thác nguồn lợi dầu khí "trong các vùng biển của Trung
Quốc mà không xin phép".
Ông Đặng Trọng
Hoa, Tổng cục trưởng Tổng cục Biên giới và Hải dương thuộc Bộ Ngoại
giao Trung Quốc, nói trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến: "Trung
Quốc luôn luôn phản đối việc thăm dò và khai thác lãnh hải của Trung
Quốc mà không xin phép chúng tôi."
"Chúng tôi
đã phản đối chính thức và có biện pháp ngăn chặn các hành động phi
pháp này."
Ông Đặng không
nói rõ đó là các biện pháp gì.
Hôm thứ Năm 5/4
tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom cho hay đã đạt thỏa thuận
với Tập đoàn Dầu khí Nhà nước PetroVietnam để cùng khai thác khí
đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ngoài khơi Việt Nam.
Cùng lúc, Tổng
giám đốc Gazprom Alexey Miller đã có mặt tại Hà Nội và hội kiến lãnh
đạo Việt Nam.
Gazprom cho hay
hai lô nói trên trong bồn trũng Nam Côn Sơn ngoài khơi Việt Nam có trữ
lượng tới 55,6 tỷ mét khối gas và 25 triệu tấn khí ngưng tụ.
Điều đáng chú
ý là chính tại hai lô nói trên có các mỏ khí Hải Thạch và Mộc
Tinh, mà Trung Quốc đã thành công trong việc tạo áp lực buộc tập
đoàn dầu khí Anh BP phải rút khỏi dự án với Việt Nam.
Việc công ty
Nga đầu tư vào hai lô này được báo Trung Quốc bình luận là bị Việt
Nam 'lôi kéo vào cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc'.
'Các nước bên ngoài'
Ông Tô Hạo,
chuyên gia về Việt Nam tại Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, nói trên
China Daily rằng Việt Nam muốn mang Nga, một quốc gia 'nằm ngoài khu
vực' vào để đối trọng ảnh hưởng của Trung Quốc.
"Việt Nam
luôn luôn thi hành chính sách này (lôi kéo các nước bên ngoài vào
tranh chấp Biển Đông) trong khi Điện Kremlin đang muốn khôi phục lại ảnh
hưởng của Nga ở Đông Á, bởi vậy không có gì lạ khi hai nước ký thỏa
thuận khí nói trên."
Ông Tô nhận
xét: "Nước nào cũng làm những gì họ thấy cần".
Ông Đặ́ng
Trọng Hoa từ Tổng cục Biên giới và Hải dương thì nói: "Trung
Quốc luôn chủ trương gạt bỏ bất đồng để cùng khai thác nguồn lợi
dầu khí trong các vùng biển còn đang tranh chấp. Chúng tôi muốn thảo
luận với các bên liên quan để tìm ra một giải pháp toàn diện và hợp
lý".
Tuy nhiên, mấu
chốt trong tuyên bố 'gác tranh chấp cùng khai thác' của Trung Quốc là
nguyên tắc bất di bất dịch về việc Trung Quốc có 'chủ quyền không
thể chối cãi' tại các vùng tranh chấp.
Đường 'lưỡi
bò' mà Trung Quốc đưa ra với tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông chiếm
tới 80% diện tích vùng biển này.
Theo Tổng cục
trưởng Đặng, Trung Quốc càng lớn mạnh thì các có nhiều thách thức
trong nước và trên trường quốc tế, do đó các ầm ỹ xung quanh tranh
chấp Biển Đông cũng là điều dễ hiểu.
Đáp lại tuyên
bố rằng Biển Đông 'là của chung và không quốc gia nào được tìm cách
độc chiếm' mà Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna đưa ra hôm 6/4, ông Đặng
Trọng Hoa nói vấn đề Biển Đông không hề ảnh hưởng tới việc lưu thông
hàng hải qua khu vực.
"Một số
nước ngoài khu vực muốn thổi phồng vấn đề tự do lưu thông và an ninh
tại Biển Đông, sử dụng chúng làm cái cớ để can thiệp [vào trong khu
vực] và chúng tôi cực lực phản đối hành động này."
Ông Tô Hạo kết
luận rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là các quốc gia đang lên ở Á
châu, Ấn Độ coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược lớn nhất trong khu
vực. Tuyên bố của Ngoại trưởng Krishna, theo ông, là động thái làm
căng thẳng thêm tranh chấp nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thái độ của Nga?
Trong lúc giới
chức Việt Nam và Nga không đưa ra bình luận gì về thỏa thuận giữa
Gazprom và PetroVietnam, dư luận đặt câu hỏi liệu áp lực từ phía Trung
Quốc sẽ có tác động thế nào tới dự án khai thác khí ở hai mỏ Hải
Thạch và Mộc Tinh.
Liệu Gazprom
có xử sự giống như BP đã làm mấy năm trước hay không.
Thông tin không
được công bố ra ngoài, nhưng sau bị rò rỉ qua công điện của giới
ngoại giao Hoa Kỳ trên Wikileaks cho thấy vào thời điểm trước khi BP
quyết định rút lui, công ty này đã bị 'cả Trung Quốc và Việt Nam gây
áp lực'.
Một điện tín
đánh đi hôm 23/04/2008 từ tòa đại sứ Hoa Kỳ ở London viết: "Chính
phủ Trung Quốc đã đe dọa có hành động với tài sản của BP tại Hoa
lục nếu như công ty này không ngừng các dự án mới tại các khu vực
đang tranh chấp ở Biển Đông".
"Theo Bộ
Ngoại giao Anh, Trung Quốc đã chỉ ra rất rõ ràng rằng nếu BP tiếp
tục các dự án mới thì việc này sẽ ảnh hưởng xấu tới các dự án
khác của BP tại Trung Quốc."
Về phần mình,
chính phủ Việt Nam cũng nói với BP rằng các dự án trên bờ của hãng
này ở Việt Nam có thể gặp khó khăn nếu BP thuận theo áp lực của
Trung Quốc.
Kết quả sau
đó là vào tháng 6/2007, BP đã ngừng kế hoạch khảo sát địa chấn tại
lô 5.2 "để cho các nước liên quan có cơ hội giải quyết vấn
đề".
Tháng 3/2009,
BP chính thức rút khỏi hai lô 5.2 và 5.3.
Hai lô này,
tại hai mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh cách bờ 370 km, được phát hiện
từ năm 1996, nằm ở khu vực Nam Côn Sơn, giữa Trường Sa và bờ biển
Việt Nam.
Trường hợp
của BP cho thấy một giải pháp dung hòa trong việc làm ăn của các công
ty nước ngoài tại các vùng các bên cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển
Đông là rất khó khăn.
Nhiều khi, nó
vượt ra ngoài phạm trù kinh tế, và phụ thuộc chủ yếu vào ý chí
chính trị của các bên liên quan.
Nga, đồng minh
lâu năm và đối tác chính của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, có khá
nhiều quyền lợi trong việc duy trì hậu thuẫn cho Hà Nội. Gazprom, tuy
có làm ăn với Trung Quốc, nhưng cũng là tập đoàn nhà nước và bị chi
phối bới việc hoạch định chính sách của Điện Kremlin.
Bởi vậy, giới
bình luận cho rằng tập đoàn này sẽ tỏ thái độ cứng rắn hơn trước
áp lực của Trung Quốc.
Điều này chắc
chắn sẽ đặt các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh trước một
bài toán nan giải.
Các bài liên quan
No comments:
Post a Comment