31-10-2012
Mình không tin bất kì một phán xét nào của phiên tòa nếu như phiên tòa đó
diễn ra thiếu minh bạch.
Phiên tòa xử hai nhạc sĩ Việt Khang
và Trần Vũ Anh Bình, theo bác Lê Hiếu Đằng kể lại ( tại đây) nó na
ná phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội: “Nói là phiên tòa công khai nhưng không
khí rất là căng thẳng. Công an dàn lực lượng ra để đối phó với những người đi
tham dự phiên tòa. Nếu đã nói công khai minh bạch, tại sao không cho dân người
ta tham dự ? Và nếu không cho nhân dân tham dự, thì ít nhất cũng phải cho người
thân được tham dự. Nhưng gần đây, có hiện tượng, ngay cả những người thân, ví
dụ sáng nay chẳng hạn, những người thân của anh Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình
lại không được dự”. Sự thiếu minh bạch của phiên tòa
chỉ xảy khi mấy ông quan tòa không có lý do chính đáng để kết tội một công dân
yêu nước. Đó là một điều chắc chắn.
Trên FB Huy Đức đã viết status thể hiện rất rõ ràng quan điểm của anh, như
thế này:
“Sau khi toà xử nhạc sỹ Việt Khang 4 năm tù và đồng nghiệp của anh, nhạc
sỹ Trần Vũ Anh Bình, 6 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” tôi đã
nghe lại hai bài hát của anh: “Việt Nam tôi đâu” và “Anh là ai”. Ở thời điểm
khi hai bài hát này ra đời tôi tin đó là “nỗi lòng” của Việt Khang trước việc
“Trung Quốc đang hoành hành trên Biển Đông”.
Theo toà thì hai anh còn tham gia một tổ chức có tên “Tuổi trẻ yêu
nước”. Cho dù “tổ chức này có mục đích tuyên truyền chống nhà nước
Việt Nam” như các anh thừa nhận thì “cá thể hoá trách nhiệm hình sự” là một
nguyên tắc bất di bất dịch của tố tụng.
Người dân có thể bất tín nhiệm một đảng vì tình trạng tham nhũng nhưng chỉ
có thể bỏ tù từng cá nhân bởi những hành vi tham nhũng mà các cơ quan tố tụng
có thể chứng minh. Cũng như sinh viên Nguyễn Phương Uyên, cho dù có ai đứng sau
thì em cũng chỉ phải chịu trách nhiệm về những tờ truyền đơn chống Trung Quốc
(nếu đó là của em).
Các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải nhớ, nay anh có thể nấp
sau một tổ chức để bất chấp luật pháp nhưng ngày mai thì lịch sử sẽ buộc các
anh phải chịu trách nhiệm cá nhân về những phán quyết của ngày hôm nay.”
“Lịch sử sẽ phán xét” là câu cửa miệng của dân Việt ta
thời này, chưa thời nào lời nhắc nhở và đe nẹt “lịch sử sẽ phán xét” lại nhiều
như thời này. Nhưng lời đe nẹt ấy chẳng làm cho quan tòa chùn tay. Những kẻ ăn
xổi ở thì đâu có thèm để ý đến sự phán xét của lịch sử, quan thầy của họ mới
đáng kể, là trước tiên và trên hết. Ai muốn nói gì thì nói, kệ sư bố chúng mày!
Thế đấy, đối với trâng tráo và trơ trẽn thì lịch sử phán
xét chỉ là cái đinh gỉ.
Nguyễn Quang Lập
No comments:
Post a Comment