Nguyễn Gia Dương chuyển ngữ
Được đăng ngày Thứ bảy, 27 Tháng 10 2012 23:07
Lời tòa soạn:The Economist vừa cho đăng một bài về Trung Quốc và số
phận của một số học giả Tây Phương vẫn thường choáng ngộp trước những thành
công bề nổi của quốc gia này. Một cách gián tiếp, bài báo cũng giúp mọi người
chất vấn giới trí thức Tây Phương với câu hỏi : Tại sao họ lại có thể mê muội
đến như thế?
Một lời cuối và cũng là một lời riêng: bài
báo cũng cho phép chúng ta đề cao cảnh giác trước sự ra đời của những nhóm,
những học viện hay ủy ban mà đa số thành viên là những cố vấn, học giả, chuyên
gia uyên bác Tây Phương… điển hình là Học Viện Trần Nhân Tông gần đây.
------------------------------
Học giả Tây Phương vẫn chẳng hiểu gì khi tiếp tục tâng
bốc thể chế « chiêu hiền đãi sĩ » theo kiểu mẫu Trung Hoa
Cách đây một thế kỷ và sau hàng ngàn năm
phong kiến, Trung Quốc đã thử nghiệm chính quyền dân cử đầu tiên. Không lâu sau
đó, vị Tổng thống đầu tiên, ông Tôn Dật Tiên, đã rút lui. Người kế vị – ông
Viên Thế Khải, một quân nhân « râu kẽm » – đã được Tây Phương tôn vinh như một
nhà « bảo thủ có xu hướng cấp tiến ». Họ Viên đã từng kêu gọi chính quyền Hoa
Kỳ giúp đỡ Trung Quốc phác thảo một hiến pháp mới. Một học giả xuất thân từ Đại
học Columbia - Frank Goodnow - đã
đến Bắc Kinh vào năm 1913 để cố vấn phác thảo hai phiên bản hiến pháp. Phiên
bản thứ nhất trao cho Viên Thế Khải gần như toàn quyền trên đời sống người dân,
trên ngân sách và trên chính sách ngoại giao. Với phiên bản thứ hai, vào năm
1915, họ Viên được tôn làm hoàng đế. Nhưng ông ta đã mất ngay sau đó, vào năm
1916.
Học giả Goodnow tin tưởng rằng văn hoá và
môi trường Trung Hoa lúc bấy giờ chưa hội đủ điều kiện để một chính quyền dân
chủ ra đời. Goodnow quan niệm rằng Viên Thế Khải là một nhà chuyên quyền mà
Trung Quốc cần. Lịch sử đã đánh giá vai trò của họ Viên thấp hơn: Nhân vật Viên
Thế Khải chỉ ôm ấp những tham vọng tồi bại của mình và đã xéo nát nền cộng hoà
non trẻ.
Về
phần Goodnow đáng thương hại, hậu thế sẽ nhắc đến ông như một tên bù nhìn ngoại
quốc của độc tài Trung Quốc. Goodnow
đã muộn màng nhận ra rằng đã bị lợi dụng bởi những người đã thấy ông có ích cho
họ. Goodnow không là người cố vấn Tây Phương đầu tiên và cũng không là người
cuối cùng có nhận thức tương tự. Thế nhưng ông vẫn kiên định rằng một chế độ
chuyên chính « hữu hiệu và ổn định » có ích hơn một « chính quyền tự do xuất
phát từ dân ». Một luật án về Goodnow đã đánh giá ông với tựa đề « Một tôn quân…
lúng túng ».
Rất nhiều học giả Tây Phương đã nối gót
Goodnow để tin tưởng rằng lịch sử độc nhất vô nhị và nền kinh tế lạc hậu của
Trung Quốc khiến một chế độ dân cử – hay một « thể chế dân chủ Tây Phương kiểu
mẫu », như một số nhà phê phán Trung Hoa mệnh danh – không thích hợp cho quốc
gia này. Vào thập niên 60 và 70, một vài trí thức Tây Phương, hân hoan trước
cơn sốt cách mạng Trung Quốc, đã quả quyết rằng Mao Trạch Đông đã thành công
trong việc thiết lập một xã hội công bằng. Họ quan niệm rằng Đảng Cộng sản
Trung Quốc (ĐCSTQ) đã loại bỏ được tính vị kỷ và đã tôn vinh lòng hy sinh cùng
thái độ phục vụ xã hội. Dần dần, với những dữ kiện được đưa ra ánh sáng dư luận
– như nạn đói 1958-62 mà chính họ Mao là thủ phạm, như những rối loạn mà Cách
mạng Văn Hóa mang lại – những quan niệm này trở nên lố bịch. Hầu hết những phần
tử, một thời hâm mộ Mao Trạch Đông, đã thừa nhận điều này. Một vài người đang
tiếp tục lớn tiếng chỉ trích ĐCSTQ.
Thế rồi ngày hôm nay, nhờ vào sự phát triển ngoạn mục của
nền kinh tế Trung Quốc, nhóm người ngưỡng mộ lại xuất diện. Lời cổ vũ của họ ngày càng cường điệu kể từ khi khủng
hoảng tài chánh toàn cầu đã phơi bày một cách trần truồng những khuyết điểm Tây
Âu. Thomas Friedman, bình luận gia của nhật báo New
York Times, đã tuyên bố vào năm 2009 rằng nhiều khía cạnh của nền chuyên
chính Trung Quốc có vẻ quyến rũ hơn nền dân chủ lủng củng của Hoa Kỳ. Ông
Friedman cũng cho rằng « Chế độ độc đảng chắc chắn có những hạn chế của nó.
Nhưng khi nó được lãnh đạo bởi một nhóm người tinh anh, như trường hợp Trung
Quốc hiện nay, chế độ độc đảng cũng có thể mang lại nhiều lợi ích ».
Một phần của lòng tin vào sự anh minh Trung
Quốc đã được gầy dựng trên cảm nhận cho rằng guồng máy lãnh đạo Trung Hoa ngày
càng dựa vào nguyên tắc « Chiêu hiền đãi sĩ ». Đảo quốc Tân Gia Ba
thường được xem như mẫu mực của chính sách này: Trong sạch, có hiệu quả và được
quản lý bởi giới Nanny – một loại chế độ biết anh minh trọng dụng « nhân tài
», được kết tinh từ cái gọi là « giá trị Châu Á ».
Kishore Mahbubani – một thời là nhà ngoại giao của Tân Gia Ba và là khoa trưởng trường Đại
học Chính sách công Lý Quang Diệu – đã từ lâu biện hộ rằng Tây Phương không
thấu hiểu vấn đề. Ông cho rằng Trung Quốc đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững
chắc đến kỹ năng quản lý đất nước ngang tầm với Tân Gia Ba. Ông Mahbubani vừa
cho đăng một bài trên nhật báo Financial Times với quan niệm rằng Trung
Quốc « không hề là một chế độ độc tài độc đoán. Ngược lại, có lẽ ĐCSTQ đang
thành công trong công cuộc thiết lập một hệ thống quyền hạn pháp định bền vững
và chắc nịch ». Ông cũng quan niệm rằng « thể chế này đã chọn lọc được một hàng
ngũ lãnh đạo tinh anh nhất mà Trung Quốc có thể mong đợi ».
Ông Jim O’Neill – phân tích gia thuộc ngân hàng Goldman Sachs, người đã
sáng chế ra chữ tắt « BRIC » để ám chỉ các nền kinh tế đang trỗi dậy như Ba-Tây
(Brazil), Nga (Russia), Ấn Độ (India) và Trung Quốc (China) – cũng ví von rằng
nếu Trung Quốc là một đội banh thì mọi người đều mong muốn được mặc đồng phục
của đội banh này.
Một trong những phần tử đòi mặc đồng phục
của đội banh là một luật gia-học giả Gia Nã Đại, ông Daniel Bell,
thuộc Đại Học Thanh Hoa Bắc Kinh. Ông là đồng tác giả của quyển sách « Một Trật
tự Hiến định Nho giáo: Quá khứ Cổ Xưa Có thể Định hình Tương lai Chính trị của
Trung Quốc Như Thế Nào » (“A Confucian Constitutional Order: How China’s
Ancient Past Can Shape Its Political Future”). Học giả Bell tin tưởng rằng
mối ưu tư của ĐCSTQ đã nghiêng về « công tác gầy dựng hệ thống quản lý đất nước
hoàn hảo. Hệ thống này được lãnh đạo bởi những phần tử tài đức ». Đây là những
phần tử lãnh đạo trí thức, tương tự như giới thượng lưu cầm quyền và am hiểu
tình hình đất nước ở Vương Quốc Anh xa xưa. Ông Bell cho biết, ĐCSTQ trọng dụng
những phần tử tinh anh nhất. Ngoài ra, đối với hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, thủ
tục tuyển dụng và thăng cấp ngày càng trở nên khách quan và khắt khe – mặc dù,
theo ông Bell, vẫn còn nhiều khuyết điểm cần được khắc phục qua nguyên tắc minh
bạch.
Nhưng tin tưởng rằng chữ « đức » sẽ ngự trị trong
một hệ thống như Trung Quốc là một niềm tin khá kỳ quặc. Chính quyền và xã hội Trung Quốc chìm ngập trong tham
nhũng. Ngay cả báo chí lề phải cũng thường loan tin về những cán bộ được thăng
quan tiến chức nhờ vào quen biết chứ không nhờ vào tài cán. Mặc dù đã có một
vài vụ án nghiêm xử những cán bộ tham ô, chính quyền đã bất lực trong việc
đương đầu với tham nhũng. « Tu thân tích đức » là một khái niệm nho giáo
đáng khâm phục. Nhưng nó bỏ qua một chi tiết quan trọng: Bản chất của con
người.
Đức hạnh của luật pháp
Tìm về cội nguồn
của « đức hạnh » chắc chắn sẽ không là đáp số cho những thử thách mà
Trung Quốc đang trực diện. Nó
chưa bao giờ hiện hữu. Nếu có một bài học cần được rút tỉa từ lịch sử Trung
Quốc vào thế kỷ thứ 19, đó là sự thất bại toàn diện của một chính quyền « chiêu
hiền đãi sĩ » mơ hồ, đậm màu nho giáo, không bị cạnh tranh và không được
kiềm chế. Hệ thống quản lý nhà nước Tây Âu cũng chứa đựng nhiều khuyết tật.
Những đại gia và phe nhóm, với của cải và quyền lực ngày càng nhiều, vẫn tìm
cách duy trì ảnh hưởng của họ trên xã hội. Nhưng đối với người ngoài cuộc, cơ
hội nhập cuộc vẫn hiện hữu. Chỉ cần có tài ba, họ có thể thăng tiến, nắm được
tài lực và quyền lực và, quan trọng hơn hết, họ cũng có thể mất tất cả. Richard
Nixon đã bị hạ bệ bởi làng báo tự do và bởi những định chế thuộc chính quyền
của mà ông đứng đầu. Và Nixon không bao giờ bị truất phế như thành viên Bộ
Chính trị Bạc Hy Lai: chỉ vì một kẻ tuỳ tùng đã trở mặt và chạy trốn vào một
Lãnh sự quán.
Một chính quyền anh minh ở Trung Quốc chỉ được thai nghén
từ phát triển kinh tế liên tục; từ chính sách giáo dục đại chúng; từ nền cạnh
tranh mở rộng; ở một làng báo ngày càng tự do; ở một hệ thống tư pháp độc lập
và, cuối cùng, từ một hệ thống chính trị dân cử.
Nguyễn Gia Dương chuyển ngữ
No comments:
Post a Comment