Nguyễn Công Huân chuyển ngữ
Thứ Tư, 31/10/2012
Cần nhấn mạnh vào việc trả tự do cho các
nhà hoạt động xã hội, tôn trọng tự do tôn giáo và chấm dứt lao động cưỡng bức ở
Việt Nam.
(New York) - Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, ông
Herman Van Rompuy cần phải công khai đòi Việt Nam thả tất cả những tù nhân
chính trị, tôn trọng quyền tự do tôn giáo và bãi bỏ hình thức lao động cưỡng
bức trong các trung tâm cai nghiện trong chuyến ghé thăm của mình từ 31 tháng
10 tới mùng 2 tháng 11 năm 2012, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) tuyên bố
ngày hôm nay.
Vào đầu tháng 10 HRW đã gửi một báo cáo,
được tóm lược ở dưới đây, tới Hội Đồng Châu Âu để đưa ra những khuyến nghị quan
trọng về các vấn đề nêu trên. Báo cáo bao gồm tên của một số tù nhân chính trị
cần được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.
"Trong khi Châu Âu đánh giá Việt Nam
như một đối tác thương mại quan trọng, Chủ tịch Van Rompuy không nên coi quyền
con người như một chủ đề phụ," Brad Adams, giám đốc tại Châu Á của HRW,
nói. "Việt Nam thường xuyên bắt giữ những công dân của mình bởi họ đòi hỏi
dân chủ và tự do - những thứ mà người Châu Âu coi là điều đương nhiên. Ông Van
Rompuy có trách nhiệm đạo đức phải nói cho chính phủ Việt Nam rằng họ không thể
tiếp tục hành xử một cách độc tài và đàn áp người dân của mình mà không chịu
hậu quả trong mối quan hệ với EU".
Những khuyến nghị của HRW tới Chủ tịch Hội
Đồng Châu Âu Van Rompuy
Chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp một cách
có hệ thống quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do biểu tình ôn hòa.
Những nhà văn, blogger và nhà hoạt động vì quyền con người độc lập - những
người đã đặt câu hỏi về các chính sách của chính phủ, tố cáo tham nhũng, hoặc
kêu gọi cải cách dân chủ hóa thay vì chế độ độc đảng - đã thường xuyên bị cơ
quan an ninh theo dõi.
Những người chỉ trích đã phải đối mặt với
nhiều hình thức quấy rối của cơ quan an ninh, bao gồm đe dọa các thành viên
trong gia đình, cấm xuất cảnh một cách tùy tiện, và phạt tiền. Nhà chức trách
cũng bắt giam các tiếng nói chỉ trích một cách tùy tiện trong thời gian dài,
không được gặp gỡ người thân cũng như cố vấn pháp luật. Nhiều người bị phạt tù
với thời hạn dài vì vi phạm những điều luật an ninh quốc gia mơ hồ. Cảnh sát
thường xuyên tra tấn nghi phạm để lấy cung, và đáp trả những cuộc biểu tình của
công chúng phản đối nạn đuổi người, cướp đất và sự tàn bạo của cảnh sát bằng vũ
lực trên mức cần thiết.
Trong khi có rất nhiều vấn đề về quyền con
người ở Việt Nam, HRW khuyến nghị Chủ tịch Van Rompuy tập trung vào ba khu vực
chính sau đây trong chuyến thăm chính thức của mình từ 31/10 tới 2/11. Những
khu vực này bao gồm tù chính trị và các quyền tự do cơ bản; sự ngăn cản quyền
tự do tôn giáo; và lao động cưỡng bức tại các trại cai nghiện.
1. Tù nhân chính trị và các quyền tự do cơ
bản
Việt Nam tiếp tục đàn áp những người bất
đồng chính kiến ôn hòa và trừng phạt họ khi họ thành lập những tổ chức mà chính
quyền đánh giá là đối nghịch với lợi ích của nó. Trong 9 tháng đầu tiên của năm
2012, chính quyền đã tống giam ít nhất 31 người bất đồng chính kiến và hoạt
động xã hội ôn hòa vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp của
mình, điều đã được công nhận trong Hiến Pháp của Việt Nam.
Chính quyền đã cấm tất cả các đảng phái
chính trị, hội đoàn và tổ chức nhân quyền độc lập với chính quyền hoặc độc lập
với Đảng CSVN. Nghị định 45 (2010) cho phép chính quyền kiểm soát chặt các hội
đoàn, và các hội đoàn này chỉ có tác dụng như những tổ chức trực thuộc các Bộ
ngành hoặc Đảng CSVN.
Công nhân Việt Nam bị cấm tham gia các công
đoàn độc lập, ngoài Liên đoàn Lao động do chính phủ kiểm soát. Các quy định của
chính phủ cho phép phạt các công nhân tham gia vào các cuộc đình công "bất
hợp pháp", tức là chưa được sự chấp nhận của chính quyền, và cho phép các
quan chức địa phương bắt người lao động phải chấm dứt biểu tình và quay lại làm
việc.
Những nhà hoạt động xã hội dám đứng ra
tuyên bố thành lập các công đoàn độc lập tại Việt Nam đã bị bắt giữ, tống giam,
xách nhiễu, đe dọa, đánh đập và trong một số trường hợp là "mất
tích". Lê Trí Tuệ, một sáng lập viên của Công Đoàn Độc Lập, đã bị mất tích
kể từ tháng 5 năm 2007. Những nhà hoạt động khác bị trừng phạt với án tù nặng
nề, như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương, vào năm
2010. Vào tháng 8 năm 2012, Tòa án Nhân Dân Hà Nội tiếp tục kết án 5 năm tù với
nhà hoạt động nhân quyền Lê Thanh Tùng vì đã bảo vệ công nhân và những người
dân mất đất.
Việt Nam thường xuyên sử dụng những điều
khoản mơ hồ và có thể được diễn giải tùy tiện về an ninh quốc gia và các tội
trạng khác trong Bộ Luật Hình Sự để bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến chính
trị và tôn giáo ôn hòa. Những điều khoản này bao gồm "hoạt động lật đổ
chính quyền nhân dân" (Điều 79 Bộ Luật Hình Sự, mức án cao nhất là tử
hình); "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc" (Điều 87, mức án cao
nhất 15 năm tù); "tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa
Việt Nam" (Điều 88, hình phạt cao nhất là 20 năm tù); "phá rối an
ninh" (Điều 89, mức án tối đa là 15 năm tù); "bỏ trốn hoặc ở lại nước
ngoài để chống chính quyền nhân dân" (Điều 91, mức án cao nhất là tử
hình); "hình phạt bổ sung" là tước đoạt một số quyền cơ bản của những
người từng bị kết án "phá hoại an ninh quốc gia", giam giữ họ tại gia
tối đa 5 năm sau án tù và tịch thu các tài sản họ có (Điều 92); và "lạm
dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước hoặc tổ chức và cá
nhân" (Điều 258, mức án tối đa là 7 năm tù giam).
Tình trạng phân biệt đối xử đối với các
nhóm dân tộc thiểu số, những người có văn hóa - và trong một số trường hợp là
cả ngôn ngữ - khác biệt, có thể làm cuộc tù đày của những nhà bất đồng chính
kiến dân tộc thiểu số càng trở nên khó khăn hơn.
Các tù nhân chính trị bao gồm: 1) Trần
Huỳnh Duy Thức (16 năm tù giam); 2) Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu
Cày - 12 năm tù giam); 3) Nguyễn Công Chính (11 năm); 4) Phạm Thị
Phượng (11 năm); 5) Tạ Phong Tần (10 năm); 6) Nguyễn Hoàng Quốc
Hùng (9 năm); 7) Trần Thị Thúy (8 năm); 8) Phùng Lâm (7 năm);
9) Đỗ Thị Minh Hạnh (9 năm); 10) Đoàn Huy Chương (7 năm); 11) Cù
Huy Hà Vũ (7 năm); 12) Nguyễn Tiến Trung (7 năm); 13) Phạm Văn
Thông (7 năm); 14) Nguyễn Ngọc Cường (7 năm); 15) Đinh Đăng Định
(6 năm); 16) Nguyễn Xuân Nghĩa (6 năm); 17) Nguyễn Kim Nhân (5
năm 6 tháng); 18) Hồ Thị Bích Khương (5 năm); 19) Lê Thanh Tùng
(5 năm); và 20) Phan Ngọc Tuấn (5 năm)
Những tù nhân dân tộc thiểu số bao gồm: 1) Rmah
Hlach (còn có tên khác là Ama Blut; 12 năm tù giam); 2) Siu Hlom (12
năm); 3) Siu Ben (12 năm); 4) Noh (12 năm); 5) Siu Nheo
(10 năm); 6) Siu Wiu (10 năm); 7) Siu Brom (10 năm); 5) Siu
Thai (được biết tới với tên khác là Ama Thuong; 10 năm); 6) Nhi (bút
danh Ba Tiem; 10 năm); 7) Roh (10 năm); 8) Rah Lan Mlih (9 năm);
9) Ro Mah Pro (9 năm); 10) Rah Lan Blom (9 năm); 11) Siu Koch
(bút danh Ama Lien; 9 năm); 12) Kpuil Mel (9 năm); 13) Ro Lan Ju
(bút danh Ama Suit; 9 năm); 14) Pinh (9 năm); 15) Kpuil Le (8
năm); 16) Kpa Sinh (8 năm); 17) Ro Mah Klit (8 năm); 18) Am
Linh (bút danh Ba Blung; 8 năm); 19) Yưh (bút danh Ba Nar; 8 năm); và
20) Rơ Mah Then (8 năm).
Khuyến nghị: Chủ tịch Van Rompuy cần yêu
cầu chính phủ Việt Nam thực hiện:
Thả tất cả những tù chính trị đang bị tù
hoặc tạm giam - tức là tất cả những người bị giam giữ vì đã thực thi quyền tự
do ngôn luận, nhóm họp, đi lại, hoặc tiến hành các hoạt động chính trị hay tôn
giáo.
Sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều khoản trong Bộ
Luật Hình Sự và các bộ luật khác cho phép hình sự hóa các vụ bất đồng chính
kiến ôn hòa trên cơ sở của những tội "an ninh quốc gia" mập mờ, bao
gồm các điều luật 79, 87, 88, 89, 91, 92 và 258 của Bộ Luật Hình Sự
Như một hình thức xây dựng niềm tin tức
thì, cho phép gia đình và cố vấn pháp lý, các nhà quan sát bên ngoài từ Châu
Âu, đại sứ quán và các tổ chức nhân quyền quốc tế được tiếp cận các tù nhân và
người bị tạm giam.
Cung cấp thông tin về tình trạng của các tù
nhân dân tộc thiểu số bị kết án "phá hoại chính sách đoàn kết dân
tộc" (Điều 87) hoặc "phá rối an ninh" (Điều 89)
Cho phép phương tiện thông tin đại chúng và
điều chỉnh các bộ luật khác cho phù hợp với điều 19 Công Ước Quốc Tế về Các
Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR).
Cho phép các tờ báo và tạp chí tư nhân, độc
lập và không bị kiểm duyệt hoạt động.
Loại bỏ kiểm duyệt, giám sát và các hình
thức ngăn chặn Internet khác, và thả những người thể hiện quan điểm của mình
một cách ôn hòa trên mạng Internet.
Ông Van Rompuy cũng cần phải đòi trả tự do
ngay lập tức cho các tù nhân và người bị tạm giam đang có vấn đề về sức khỏe để
họ có thể được nhận chăm sóc sức khỏe đúng mức. Vào tháng 7 và tháng 9 năm
2011, Nguyễn Văn Trại và Trương Văn Sương đã chết trong tù.
Một
số trường hợp khẩn cấp cần được trả tự do ngay lập tức:
Linh mục Nguyễn Văn Lý, 65 tuổi, người bị kết án vào 30 tháng 3 năm 2007, bởi Tòa Án
Nhân Dân Thừa Thiên Huế vì "tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam" (Điều 88 Bộ Luật Hình Sự). Ông đã nhiều lần bị nhồi
máu cơ tim trong tù năm 2009, và vì thế tay và chân phải của ông đã bị bại
liệt. Năm 2010, ông được tạm tha vì lý do sức khỏe trong 16 tháng và bị quản
chế tại gia. Vào tháng 7 năm 2011 linh mục Nguyễn Văn Lý lại bị đưa trở lại nhà
tù để thực hiện nốt bản án 8 năm tù.
Nhà thơ và người đấu tranh chống tham
nhũng, ông Nguyễn Hữu Cầu, 65 tuổi, người đã trải qua tổng cộng 34 năm
tù kể từ năm 1975. Lần đầu ông vào tù là từ 1975 tới 1980, theo diện cải tạo;
lần thứ hai từ năm 1982 tới nay vì tố cáo các quan chức địa phương tham nhũng.
Nhà cầm quyền đã cáo buộc ông tội "phá hoại", một tội danh nặng nề
vào đầu những năm 80 khi Việt Nam còn là một quốc gia đóng kín. Phía viện kiểm
sát trong phiên tòa là quan chức đã bị Nguyễn Hữu Cầu tố cáo tham nhũng. Nhà
chức trách đã dùng các bài hát và bài thơ ông viết để làm chứng cho hoạt động
"phản động" của ông. Ban đầu bị án tử hình, Nguyễn Hữu Cầu giờ đây
đang chịu án trung thân. Ông đã gần như mù và đã bị điếc hoàn toàn.
Nhà hoạt động theo Phật giáo Hòa Hảo, bà
Mai Thị Dung, 43 tuổi, người đang thọ án 11 năm tù giam. Trong một cuộc đàn
áp các nhóm Phật Giáo Hòa Hảo độc lập vào năm 2005, chính quyền đã cáo buộc bà
Mai Thị Dung tội phá hoại trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ Luật Hình Sự và kết
án bà 5 năm tù. Năm 2007, khi bà còn đang trong tù, Tòa Án Nhân Dân Vĩnh Long
xử bà vì liên quan đến cuộc phản đối của các nhóm Phật Giáo Hòa Hảo độc lập năm
2001 và kết án bà thêm 6 năm nữa, cũng theo Điều 245. Bà được cho là đang ốm
sắp chết, với cả hai chân bị liệt, bị sỏi mật và các bệnh tật khác.
Nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo, ông
Nguyễn Văn Lía, 71 tuổi, trước đây là một tù nhân tôn giáo, người đã bị tù
5 năm vào 13 tháng 12 năm 2011, vì "lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm
hại lợi ích nhà nước và tổ chức hay cá nhân" theo Điều 258 Bộ Luật Hình
Sự. Án tù của ông đã được giảm xuống thành 4 năm 6 tháng vào lần phúc thẩm
tháng 3 năm 2012. Ông được gia đình kể lại là đã bị điếc, bị gẫy vài xương sườn
từ những tổn thương trước đó, do bị côn đồ dấu mặt tấn công, và đang bị cao
huyết áp.
2. Đàn áp tự do tôn giáo
Việt Nam tiếp tục giám sát chặt chẽ, quấy
rối một cách có hệ thống, và đôi lúc đàn áp một cách bạo lực các nhóm tôn giáo
độc lập tồn tại bên ngoài các tổ chức tôn giáo chính thức, có đăng ký và do
chính phủ kiểm soát. Các tổ chức tôn giáo đã đối mặt với các hành động như thế
từ chính phủ bao gồm các nhánh không được công nhận của Đạo Cao Đài, Phật Giáo
Hòa Hảo, nhà thờ Tin Lành ở Tây Nguyên và một vài nơi khác, chùa Phật Giáo
Khmer Krom, và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (UBCV).
Vào 26 tháng 3 năm 2012, mục sư Tin Lành
Nguyễn Công Chính đã bị kết án 11 năm tù vì "phá hoại chính sách đoàn kết
dân tộc" (Điều 87 Bộ Luật Hình Sự) vì các hoạt động tôn giáo của mình. Từ
tháng 3 tới tháng 9 năm 2012, nhà cầm quyền đã bỏ tù 17 người hoạt động tôn
giáo khác. Ít nhất 32 nhà hoạt động tôn giáo khác đang bị tạm giam đợi xét xử.
Các lãnh đạo tôn giáo bao gồm thầy Thích Quảng Độ, lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam Thống Nhất, ông Lê Quang Liêm và Võ Văn Thanh Liêm, lãnh đạo Phật giáo
Hòa Hảo độc lập, đang bị giam lỏng tại gia và đối mặt với sự giám sát liên tục,
đôi lúc là quá mức.
Vào tháng 6 và 7, 2012, chính quyền địa
phương quấy rối, đe dọa và cố gắn ngăn cản linh mục Công Giáo làm lễ tại nhà
một tín đồ Công Giáo ở Yên Khê, Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Cũng vào tháng 6,
chính quyền địa phương đã quấy rối và ngăn cản linh mục thực hiện lễ cầu nguyện
tại nhà một tín đồ Công giáo ở Châu Bình, Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Trong cả hai
trường hợp, giáo hội Công giáo địa phương đã gửi nhiều yêu cấu tới các cơ quan
có thẩm quyền để hình thành giáo xứ mới, nhưng chính quyền đã không cấp phép.
Khuyến nghị: Chủ tịch Van Rompuy cần yêu
cầu chính phủ Việt Nam thực hiện:
Cho phép các tổ chức tôn giáo độc lập được
quyền thực hiện các hoạt động tôn giáo ôn hòa theo các tiêu chuẩn pháp lý quốc
tế.
Chấm dứt việc ngăn chặn các buổi tụ tập hòa
bình hoặc các hoạt động của nhóm tôn giáo chưa đăng ký với chính quyền, ví dụ
như Phật Giáo Hòa Hảo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, các nhóm Cao
Đài, Tin Lành và Công Giáo.
Chấm dứt việc gây sức ép bắt các nhóm này
phải tham gia các tổ chức tôn giáo sẵn có của nhà nước.
Chấm dứt các hành vi giám sát và quấy rối
quá đáng của công an đối với các lãnh đạo tôn giáo và người theo đạo.
Cho phép các tổ chức tôn giáo đến nay chưa
được công nhận có giấy tờ pháp lý hợp lệ, và được hoạt động độc lập với những
tổ chức tôn giáo đã đăng ký, nếu họ chọn như thế.
Chấm dứt sự phân biệt đối xử kéo dài đối
với các nhóm Ki-tô giáo ở miền Bắc và Tây Nguyên, và Phật Giáo Khmer ở đồng
bằng sông Cửu Long, cho phép các tổ chức phi chính phủ độc lập, các cơ quan
Liên Hợp Quốc, nhà ngoại giao và báo chí tự do giám sát tình hình hở những khu
vực vùng sâu vùng xa.
3. Lao động cưỡng bức tại các trại cai
nghiện
Những người nghiện có thể bị giam giữ tại
các cơ sở cai nghiện của nhà nước, nơi họ bị bắt buộc phải thực hiện các công
việc nặng nhọc dưới danh nghĩa "trị liệu bằng lao động", một phương
pháp trụ cột ở Việt Nam để cai nghiện. Vào đầu năm 2011 có khoảng 123 trung tâm
ở khắp đất nước, trong đó có khoảng 40 ngàn người bị giam giữ. Việc giam giữ
này không theo bất kỳ một trình tự pháp lý và giám sát pháp luật hợp lệ nào, và
có thể kéo dài tới 4 năm. Vi phạm quy định của trại - bao gồm cả yêu cầu phải
lao động - sẽ bị trừng phạt bằng đánh đập bằng gậy, giật bằng dùi cui điện,
nhốt trong phòng kỷ luật, nơi trại viên không được ăn uống. Trẻ em nghiện cũng
bị giam giữ trong các trung tâm này, và chúng cũng phải thực hiện "trị
liệu bằng lao động" và bị đánh và hành hạ. Những trại viên khi ra ngoài đã
báo cáo rằng họ bị ép phải làm việc trong nhà máy xử lý hạt điều và các trang
trại (bao gồm trồng khoai và cà phê), xưởng may, khu xây dựng, và các xưởng lao
động khác (như làm đồ mây tre). Theo luật Việt Nam, các công ty có sản phẩm làm
bởi các trung tâm này sẽ được miễn thuế. Một số sản phẩm được sản xuất bằng lao
động cưỡng bức đã được các công ty thuộc dây chuyền cung cấp sản phẩm đưa ra
nước ngoài, sang cả Hoa Kỳ và Châu Âu.
Khuyến nghị: Chủ tịch Van Rompuy cần công khai
kêu gọi chính quyền Việt Nam thực hiện:
Đóng cửa tất cả các trung tâm cai nghiện
Trả tự do cho tất cả các trại viên của
trung tâm và cho phép họ được tiếp cận dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng.
Chỉ đạo Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội
xóa bỏ hình thức lao động cưỡng bức tại tất cả các trung tâm mà mình quản lý,
bao gồm cả trung tâm cai nghiện.
Thực hiện việc điều tra nhanh chóng, độc
lập và cẩn thận vào điều kiện lao động của các trung tâm cai nghiện và các loại
trung tâm tương tự, vì chúng đã vi phạm luật Việt Nam và quốc tế. Đưa các
trường hợp lạm dụng và tội ác ra trước tòa, kể cả tòa hình sự, đối với những ai
đã thực hiện tội ác với những trại viên.
Công bố danh sách các hình thức lao động mà
trại viên đã phải làm, sản phẩm nào sử dụng lao động cưỡng bức từ những trung
tâm này, và những công ty có sản phẩm được xử lý bởi trại viên từ các trung tâm
này.
Chỉ đạo Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội
bồi thường thỏa đáng cho các trại viên và những người từng chịu hình thức lao
động cưỡng bức này.
Nhanh chóng phê chuẩn và thực hiện một cách
hiệu quả Công ước ILO số 105 (Xóa bỏ Lao Động Cưỡng Bức).
Đáp ứng tiêu chuẩn của chính phủ theo Công
ước ILO 29 bằng cách sửa đổi Bộ Luật Hình Sự để đưa vào những quy định xử tội
liên quan đến lao động cưỡng bức.
Trong bối cảnh của chương trình ưu đãi
thương mại giữu EU với Việt Nam hiện nay, EU cần xem xét liệu Việt Nam có đủ
điều kiện đón nhận chương trình này không, khi mà Việt Nam đang thất bại trong
việc bảo vệ quyền con người của những người nghiện ma túy. EU hiện đang cho
Việt Nam hưởng lợi ích thương mại ưu đãi theo hệ thống riêng của mình là Hệ
Thống Ưu Đãi Phổ Cập (GSP). Theo Quy Chế Hội Đồng Châu Âu, người quản lý hệ
thống này, thì có thể "tạm dừng các thỏa thuận ưu đãi, bao gồm tất cả hoặc
một số sản phẩm đến từ quốc gia được hưởng ưu đãi, nếu có bằng chứng đầy đủ
rằng việc tạm dừng là cần thiết", trong đó đề cập đến cả "việc vi
phạm một cách nghiêm trọng và hệ thống các chuẩn mực đạo đức" được đặt ra
trong các công ước quốc tế về quyền con người và quyền của người lao động, dựa
trên cơ sở kết luật từ các tổ chức giám sát có liên quan.
Tin liên quan:
No comments:
Post a Comment