Bùi Văn
Phú
Posted:
04/10/2012
Nhà thơ Nguyễn Chí
Thiện tại Đại học U.C. Berkeley, 1.11.2007 (ảnh Bùi Văn Phú)
Đầu
tháng 11.2007 nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã đến miền Bắc California để có những
sinh hoạt giới thiệu tập truyện tiếng Anh của ông, tác phẩm Hoả Lò / Hanoi
Hilton Stories [1] vừa được Yale University Southeast Asia Studies
xuất bản. Nhân dịp đến Đại học U.C. Berkeley, ông đã dành cho chúng tôi một
cuộc phỏng vấn.
Bùi
Văn Phú:
Thưa ông Nguyễn Chí Thiện, ông bắt đầu sáng tác từ khi nào?
Nguyễn
Chí Thiện:
Tôi làm thơ trước khi viết văn. Như nhiều người Việt Nam, tôi thích làm thơ.
Tôi bắt đầu làm thơ từ năm 15 tuổi, tức là năm 1954; thời đó cũng thường bắt
chước những ông Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ thế thôi. Vì thế những bài thơ đầu
tiên sau này thấy nó trẻ con.
Bùi Văn Phú: Ông còn nhớ bài thơ đầu tiên của mình?
Bùi Văn Phú: Ông còn nhớ bài thơ đầu tiên của mình?
Nguyễn
Chí Thiện: Bây
giờ khó nhớ vì những bài thơ đó chưa đạt yêu cầu nên đã loại nó ra khỏi bộ nhớ
của mình.
Bùi
Văn Phú: Tại
sao ông lại làm thơ?
Nguyễn
Chí Thiện: Đua
đòi thôi. Chơi với bạn bè mấy ông làm thơ thì mình cũng làm thơ.
Bùi
Văn Phú: Lúc
đó ông làm thơ tình hay thơ phản ánh xã hội?
Nguyễn
Chí Thiện: Bài
thơ trong thời gian đầu mà tôi còn nhớ là bài “Con tầu rêu”, bắt chước “Con tầu
say” [2] của thi sĩ Pháp Arthur Rimbaud, nó cũng có những câu buồn:
Tôi đã biết những
đêm dài ròng rã
Con tầu câm trôi giữa bóng trăng sao
Biết dừng đâu, không bóng hải đăng nào
Ra tín hiệu đón con tầu buồn bã
Con tầu câm trôi giữa bóng trăng sao
Biết dừng đâu, không bóng hải đăng nào
Ra tín hiệu đón con tầu buồn bã
Tôi đã biết những
bình minh đói lả
Biến sang mầu loang tím của chiều hoang
Con tầu đi vô định lệ rộng hàng
Thương xót những mảnh tầu trôi vạn ngả
Biến sang mầu loang tím của chiều hoang
Con tầu đi vô định lệ rộng hàng
Thương xót những mảnh tầu trôi vạn ngả
Bài
thơ ấy đã mang nỗi buồn rồi, nhưng sự thực chữ nghĩa dùng vẫn còn bị ảnh hưởng
của những nhà thơ tiền chiến. Bài “Con tầu rêu” còn có những câu:
Bơ vơ mãi nơi biển
trời quạnh quẽ
Đêm ngày mơ sao cập bến bờ vui
Giữa phong ba trong sóng gió dập vùi
Tôi đã đóng những con tầu đẹp đẽ
Đêm ngày mơ sao cập bến bờ vui
Giữa phong ba trong sóng gió dập vùi
Tôi đã đóng những con tầu đẹp đẽ
Và từ đó triền miên
trên sóng cả
Con tầu tôi đi kiếm bến bình an
Bốn chung quanh lồng lộng bão cơ hàn
Không phá nổi mảnh buồm căng gió thả
Con tầu tôi đi kiếm bến bình an
Bốn chung quanh lồng lộng bão cơ hàn
Không phá nổi mảnh buồm căng gió thả
Lúc
còn thanh niên, còn hăng. Sau đó có những câu thơ buồn, những câu chửi bới nữa
chứ:
Tôi đã biết những
con tầu hể hả
Những con tầu cặn bã của trùng dương
Chúng dọc ngang trên khắp mọi nẻo đường
Phun khói độc kín trời mây biển cả
Những con tầu cặn bã của trùng dương
Chúng dọc ngang trên khắp mọi nẻo đường
Phun khói độc kín trời mây biển cả
Tức
là bắt đầu xỏ lá, chửi rồi đấy. Như thế vẫn chưa làm chủ được mình đâu. Kết
luận của nó như thế này:
Tầu tôi hỡi thôi
chìm sâu đáy nước
Đâu còn gan giương lại cánh buồm xưa
Khi trông về bát ngát dưới màn mưa
Phơi xác nát bao con tầu thuở trước
Đâu còn gan giương lại cánh buồm xưa
Khi trông về bát ngát dưới màn mưa
Phơi xác nát bao con tầu thuở trước
Những
bài thơ buồn như thế, đến nỗi mà học trò của tôi cũng nói thế. Thời đó tôi dạy
lén tiếng Pháp vì tôi không được phép dạy học. Mà không dạy thì chết đói. Đang
ngồi làm thơ có học trò đến, nó đọc bài thơ đó và nói thơ của tôi sao buồn thế.
Như thế mình cũng thích, vì chúng nó cảm nhận được nỗi buồn của mình.
Bùi
Văn Phú: Bài
thơ đó ông viết vào năm nào?
Nguyễn
Chí Thiện: Khoảng
năm 64, 65. Lúc bấy giờ còn ở ngoài.
Bùi
Văn Phú: Khi
bị vào tù, ông còn nhớ bài thơ đầu tiên ông sáng tác trong đó?
Nguyễn
Chí Thiện: Bài
đầu tiên trong tù tôi viết là trong những năm ở nhà tù Trần Phú, Hải Phòng, nói
lên cảnh thật. Đây là lần đầu tiên mình làm thơ tả cảnh thật và không còn bị
ảnh hưởng bởi ai nữa.
Bùi
Văn Phú: Ông
còn nhớ bài thơ đó không?
Nguyễn
Chí Thiện: Nhớ
chứ. Lúc bấy giờ trong tù nắng lên, hết đông sang hè thì những người tù đem
quần áo ra phơi ở ngoài sân. Đống quần áo rách vá, hôi hám, bẩn thỉu lắm, phơi
trên dây thép, phơi ở dưới sân cho đỡ mốc rồi lại cất đi để đến mùa xuân khác.
Quần áo tù của những ông già, những người ở nông thôn bị bắt, linh tinh cả. Họ
ngồi ve vuốt những quần áo cũ, ngồi lo lắng, chuẩn bị cho tương lai, đi trại
phải mang nó theo, không có thì rét chết. Trong trại tù ở Hải Phòng có cây bàng,
tự nhiên tôi thấy buồn và làm 12 câu thơ như thế này:
Nắng đã lên rồi hè
đã sang
Trước sân yên tĩnh bóng cây bàng
Anh em tù phạm đem chăn áo
Phơi khắp sân và dây thép cao
Trước sân yên tĩnh bóng cây bàng
Anh em tù phạm đem chăn áo
Phơi khắp sân và dây thép cao
Quần áo chăn màn tuy
chẳng mới
Phần đông rách vá, mầu bạc phai
Nhưng những con người trong khổ ải
Trầm ngâm ve vuốt lo ngày mai
Phần đông rách vá, mầu bạc phai
Nhưng những con người trong khổ ải
Trầm ngâm ve vuốt lo ngày mai
Bỗng dưng tôi thấy
lòng bồi hồi
Vì tôi nghĩ tới ngày tháng trôi
Và vì những thứ phơi trong nắng
Là cả đông buồn trước mắt tôi
Vì tôi nghĩ tới ngày tháng trôi
Và vì những thứ phơi trong nắng
Là cả đông buồn trước mắt tôi
Bùi
Văn Phú: Tập
thơ đầu tiên tiên của ông được xuất bản ở hải ngoại có một hành trình nhiều
gian nan, ông có thể kể lại chuyện ông đem tập thơ vào sứ quán Anh?
Nguyễn
Chí Thiện: Đầu
năm 1979 Trung Quốc đánh cộng sản Việt Nam làm tôi rất lo. Hôm ấy tôi nhớ như
in là đang nằm trên giường, tự nhiên cái loa bên dưới loan tin Trung Quốc ngang
nhiên xua xe tăng đánh chiếm sáu tỉnh biên giới. Tôi lập tức dậy, vồ mấy bộ
quần áo và trốn đi ngay.
Đi
ra Hà Nội. Lên đó ở nhà mấy ông bạn không bị tù, chứ lại nhà những ông từng đi
tù thì cũng chung số phận như mình cả vì họ cũng trốn hết, như Kiều Duy Vĩnh
cũng trốn rồi. Lên Hà Nội nay ở nhà ông này, mai ở nhà ông khác chứ không muốn
bị bắt lần thứ ba. Nếu để bị bắt lần thứ ba thì mẻ mặt vì tuổi tôi cũng đã
nhiều rồi, hơn 40. Với lại mình yếu, nếu đi tù lần thứ ba mấy chục năm nữa thì
tiêu rồi. Trong khi đó mình còn món nợ chưa trả là thơ làm còn giữ đầy đầu, nếu
chết đi thì phiền lắm, vì thế phải trốn ngay. Trốn loanh quanh ở Hà Nội chừng
hơn nửa tháng thì Đặng Tiểu Bình tuyên bố rút quân. Vì trước khi đánh, Đặng
Tiểu Bình cũng đã nói là cuộc tấn công chỉ giới hạn trong không gian và thời
gian. Khi đó mình mới cảm thấy yên tâm. Còn Brezhnev có tuyên bố một câu:
“Trung Quốc hãy rút khỏi Việt Nam trước khi quá muộn”. Liên Xô đe vì đã kí hiệp
định an ninh với Việt Nam trước khi Việt Nam đưa quân qua Campuchia.
Nghe
tin Trung Quốc rút quân thì tôi mò về, đi chuyến tầu tối từ Hà Nội về Hải
Phòng. Về đến nhà, vừa lên gác đang loay hoay mở khoá cửa thì đã có ông công an
đứng ngay sau lưng rồi. Không biết ông ấy đứng đợi từ lúc nào, ông ấy đưa tờ
giấy mời mai lên đồn.
Từ
đó cứ lên đồn, lên sở nhiều lần để hỏi cung. Mà tôi đã giải thích, tôi không ưa
gì ông Trung Quốc, giả sử như Mỹ đánh hay Pháp đánh vào thì các ông nghi ngờ
tôi còn có lí, đàng này Trung Quốc là đồng chí đánh nhau với các ông mà các ông
hỏi tôi thì làm sao tôi biết được. Về phát biểu tư tưởng, tôi nói thật với các
ông là Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch cả hai tôi đều không ưa. Mà không bao
giờ tôi ưa thằng Tầu cả. Giả sử như mai mốt thằng Liên Xô ngấp nghé ngoài cửa
biển, mấy ông lại bắt tôi nữa thì tôi sống vào đâu. Bạn bè của các ông đánh các
ông mà các ông lại cứ lôi tôi ra. Lúc đó tôi còn phải lo miếng ăn nữa chứ, mà
cứ tiếp tục bị hành như thế, nhiều khi một tuần hai ba lần lên đồn.
Trong
khi đó Đặng Tiểu Bình vẫn đe doạ cho bài học thứ hai. Mình nghĩ là nếu nó đánh
lần thứ hai, họ lại xách cổ mình đi thì có thể bị chết oan, vì thế tôi mới
quyết định, cũng chưa muốn đi tù nữa, muốn gửi thơ của mình ra ngoại quốc.
Gửi
thơ ra ngoại quốc thì có nhiều con đường, không phải con đường sứ quán là duy
nhất.
Thứ nhất là có thể
gửi cho cánh thuỷ thủ.
Bọn nó buôn lậu. Mà mình chọn thuỷ thủ nước tư bản chứ không chọn thuỷ thủ của
Ba Lan, Tiệp Khắc hay Đông Đức. Mình sẽ chọn thuỷ thủ Tây Đức hay Hi Lạp hay
bất cứ nước tư bản nào. Nhưng nghiên cứu kĩ thì gửi như thế không được vì thuỷ
thủ lên bến toàn bọn buôn lậu, mà dân Hà Nội, Hải Phòng đi buôn lậu vẫn gọi bọn
này là “my friend”. Buôn lậu thì cũng chỉ buôn những đôi bí tất ni lông, mua đá
lửa, mua vải và chủ yếu là thuốc lá như Lucky Strike hay ba số 5 về bán lậu.
Thuỷ thủ lên bờ đều bị theo dõi cả, vào đến cảng nhiều khi bị khám. Phe buôn
lậu thì Ba Lan nhiều nhất, còn tư bản là Hi Lạp, chứ Nhật hay Tây Đức không
buôn lậu lem nhem. Đưa cho họ thì được, nhưng dễ bị bắt lắm, có thể bị bắt ngay
tại chỗ cũng nên vì nhiều khi nhặt có mấy chục đôi bí tất ni lông mà còn bị
bắt.
Hơn
nữa bọn này đâu có ý thức về văn học hay chuyện sáng tác của mình. Có thể họ cứ
nhận đút vào người, đến cảng bị khám, bị bắt thì mình chết dở. Vì thế không thể
nhờ thuỷ thủ được. Có nghĩ đến, có tính toán rồi nhưng phải loại.
Cách thứ hai là nhờ
nhà thờ.
Lúc trong tù tôi có quen với nhiều người trí thức Công giáo có uy tín, thân cả
với giám mục Phạm Đình Tụng, bây giờ là Hồng y. Họ muốn tôi bảo đảm là không
bao giờ tiết lộ ai đem ra. Tôi bảo đảm là nhà thờ có gửi đi và bên ngoài có in
thì tôi cũng không bao giờ nói là tôi gửi qua nhà thờ. Đó là con đường an toàn
nhất lúc đó. Tại sao tôi nghĩ đến con đường đó, vì lúc đó đang có cao trào vượt
biển, gửi đi được rồi thì mình sẽ vượt biển sau.
Lúc
đó tuy nghĩ đến vượt biển nhưng cũng có nhiều người chết vì vượt biển lắm, vì
thế vượt biển mình có thể chết và mất cả thơ. Mà mình cũng không có đủ tiền để
lo vượt biển nữa. Ở miền Bắc vượt biển rẻ, chỉ hai cây vàng một người, tôi một
chỉ cũng không có.
Không
nghĩ đến chuyện vượt biển nữa mà nhờ mấy ông nhà thờ. Cử người đến nhờ chứ mình
không dám đến. Mấy ông nhà thờ trả lời nhà thờ không làm chính trị, không muốn
lôi thôi dù rất quý tôi, rất tin tưởng tôi đã được nhiều người giới thiệu. Nhà
thờ không nhận thì mình ép họ sao được. Thế là con đường nhà thờ tắt.
Con đường khác là
vào sứ quán.
Đầu tiên là muốn vào sứ quán Pháp. Lên quan sát sứ quán Pháp ở phố Hàm Long, có
cái sân rộng như bãi đá bóng. Tường chỉ cao độ hai mét, có thể nhẩy vào được,
nhún lên một cái là nhẩy vào trong được ngay. Nhưng bên trong thì toàn người
Việt Nam, quét sân Việt Nam, rửa xe cũng Việt Nam. Mà Việt Nam làm trong sứ
quán là ai, toàn người của công an cử qua làm việc. Thấy sân rộng như thế khó
vào được, nhưng mình vẫn ham vào sứ quán Pháp vì ngôn ngữ mình còn nói được. Vì
thế bức thư tôi mới viết bằng tiếng Pháp đấy chứ. Vào đó mình còn nói năng,
giải thích được với họ.
Tối
hôm thứ Sáu 13.7, trước ngày 14.7 là ngày Quốc khánh Pháp, sứ quán có chiêu
đãi. Tôi đã lên Hà Nội trước đó ba hôm, lên nhà thằng cháu gọi tôi bằng cậu.
Bây giờ nó chết rồi. Vợ nó, bây giờ tôi nói thật ra là vợ nó gọi thiếu tướng
Quang Phòng là cậu, ông ấy là Cục trưởng An ninh Quốc gia phụ trách về văn hoá.
Nhà đó thì công an rất nể, không ai dòm ngó đến cái nhà đó cả. Thế là tôi mới
lủi vào nhà đó tôi viết. Vợ nó đi làm thì tôi mới viết, khi vợ nó về thì không
viết nữa. Một ngày có 8, 9 tiếng ở nhà để viết, viết gấp rút, chỉ có thằng cháu
biết thôi vì tôi nói nó đóng cho tôi một cái tủ hai ngăn, để giấu tập thơ. Nó
giỏi thợ mộc nên làm được ngay. Tôi dặn nó tuyệt đối không được mở ra.
Viết
xong nó đóng hộ tôi thành ra quyển sách vì tay tôi yếu. Giấy viết hai mặt, đôi
lúc thiếu bút, vì thế nguyên bản có nhiều trang viết bằng mực đỏ. Cũng may
trước khi đóng, nó khuyên tôi: “Cậu phải viết một cái thư, chứ gửi nguyên thế
này đâu được, ai biết chuyện gì”. Tôi nói nó đưa bút, ngồi ngoáy chớp nhoáng lá
thư bằng tiếng Pháp. Kí tên, đề thẳng là 136 Rue de la Gare, Nguyễn Chí Thiện,
địa chỉ nhà tôi ở Hải Phòng. Dưới lá thư đó tôi đề: “Hoa Địa Ngục” [3]
, mở ngoặc đóng ngoặc: Fleurs de l’Enfer, đề tên tác giả hẳn hoi.
Đi
vào sứ quán Pháp là một việc mình dự định làm. Tối 13.7 là chiêu đãi, các đoàn
ngoại giao đến, mình nghĩ là họ đậu xe ngoài cửa. Khi đoàn vào mình cũng lẻn
vào cùng đoàn. Nhưng khổ nỗi cửa đóng, mỗi khi xe đến nó bóp còi, cửa mở ra. Vì
sân rộng nên xe chạy thẳng vào trong đậu. Thế làm sao mình lẻn vào được. Hoàn
toàn thất vọng, nhưng mình phải làm sao đưa tập thơ ra nước ngoài vì đã viết
rồi, để lâu sợ bị lộ, bị bắt.
Cho
nên phải tìm sứ quán khác. Tôi đạp xe đi quan sát nhiều sứ quán như Anh, Thuỵ
Điển và thấy sứ quán Anh là tiện nhất, dễ vào, vì đi trên vỉa hè sát bên trong
thì từ đó lọt vào sứ quán chỉ chừng bốn mét là đến văn phòng rồi. Mình đã thám
thính như thế là yên tâm và quyết định vào sứ quán Anh. Ngày 14.7 là thứ Bảy họ
nghỉ, Chủ nhật cũng nghỉ, vì thế phải đợi đến ngày thứ Hai 16.7.1979 là vì thế
đấy.
Sáng
thứ Hai tôi lên đường đi, giấu tập thơ trong người, mặc một chiếc áo sơ-mi
ni-lông mầu xanh, quần cũng ni-lông, không mang gì hết cả. Tập thơ nhét trong
quần, trước bụng, áo bỏ ngoài quần. Trước khi đi thằng cháu của tôi là Đào Vĩnh
Bảo có tiễn tôi. Chỉ có nó biết việc tôi làm. Đến phố Huế, hai cậu cháu vào
uống cà phê. Sau khi uống cà phê xong tôi dặn nó: “Thôi mày về đi nhé”. Coi như
là vĩnh biệt cháu. Tôi biết có công an theo dõi. Nguyên tắc là tôi đi thì không
ngó lại xem có ai theo mình không, nếu ngó lại họ nghi, chặn mình lại khám xét
thì phiền ngay. Tập thơ tôi không dám viết ở Hải Phòng vì cái phòng của tôi ở
đó nó lộ lắm, hơn nữa viết ở Hải Phòng có nguy cơ khi đi tầu lên Hà Nội, nếu họ
khám hàng lậu, nhiều khi sờ đến mình, chỉ khám hàng lậu thôi mà gặp tập thơ thì
mình lại chết oan nữa. Khi tới sứ quán Anh có một người lính gác đứng nhìn trời
nhìn đất, có bao giờ anh ta ngờ là có người xô mình đâu, nên anh ta không để ý.
Anh ta đang nhìn vớ vẩn thì tôi vọt vào ngay, anh ta chỉ ớ một tiếng thôi. Lúc
đó tôi đã vào bên trong rồi.
Đây
là cái số đấy. Đáng nhẽ không dám vào, nhưng vì có cái bình phong che cửa, đi
xe đạp đi bộ qua không nhìn thấy bên trong được. Nếu không có bình phong che,
thấy người Việt Nam làm việc trong đó thì bố bảo mình cũng không dám vào. Qua
khỏi cái bình phong ấy, giữa phòng có một cái bàn to và bốn người Việt Nam: ba
đàn ông và một đàn bà, tuổi trung niên cả, độ chừng 40, đang ngồi viết. Đó là
những nhân viên hành chánh, Anh nó thuê làm công việc lặt vặt. Thấy thế là mình
vã mồ hôi ra. Bỏ mẹ rồi, đi ra cũng không được mà tiến vào cũng không được. Lúc
bấy giờ mình bình tĩnh, bảo: “Báo cáo đồng chí, tôi ở Bộ Ngoại giao sang có
việc cần liên hệ với ông đại sứ”. Mình cũng ăn mặc lịch sự, áo ni-lông, quần
cũng ni-lông, đi đôi dép nhựa. Họ bảo đồng chí cho xem giấy tờ. Lấy đâu ra giấy
tờ bây giờ. Mình cũng sờ túi, vớ vẩn: “Tôi vội đi quá, quên mang giấy tờ. Đồng
chí có thể linh động cho tôi vào 5 phút, có việc Bộ Ngoại giao rất cần liên lạc
với ông đại sứ bây giờ”. “Không được, nguyên tắc là phải có giấy tờ. Vậy đồng
chí cứ về lấy giấy tờ đi”. Sao tôi về được. Cái phòng đó dài chừng 6 mét, có
cái bàn kê một bên, đàng sau có một cái cửa bằng da đỏ chỉ có một cánh, trong
đó là buồng. Tôi lao đến mở cửa nhưng phải qua cái bàn, ở đó có người đàn bà
đang ngồi ở phía ngoài cùng. Chị ta thấy tôi lao đến, chị ta nói không được làm
thế, đi đâu thế này. Tôi đẩy chị ta ngã thì hai thằng ngồi đấy đứng lên ngăn ở
cái cửa. Thế là không vào được, chạy ngược ra. Nhìn bên phải thấy có một cái
buồng con con, buồng bu-loa có kính, trong đó có một cô gái người Anh, tóc
vàng, đang ngồi chải tóc. Tôi nghĩ là may ra cô ta cứu được mình, tôi nói với
cô ta bằng tiếng Anh: “I am a honest man. Do not fear. I need to talk to Mr.
Ambassador”. Nghe tôi nói thế cô ta bỏ cả lược. Cô ta sợ quá vì cái mặt của
mình có vẻ hung ác. Trong khi đó một người đã ra báo công an, còn hai tay kia
cứ xua đuổi mình ra. Họ chỉ đuổi thôi chứ không ôm hay đánh mình vì trong sứ
quán nên họ không dám làm mạnh. Bí quá mình nhấc cái bàn cho nó nghiêng lên,
những thứ trên bàn rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Đây là điều may vì nghe những
tiếng đó cánh cửa đỏ bên trong mở ra, ba người Anh đi ra. Một nhân viên Việt
Nam nói một câu: “He is a mad man”. Tôi vội vàng nói ngay: “I am not a crazy
man. I have an important document to give to you”. Khi bọn Anh ra thì đám nhân
viên Việt Nam dạt ra hết, đứng qua một bên. Tôi chạy tọt vào bên buồng trong.
Ba
người Anh đi vào, đóng cửa lại. Thế là mình bắt đầu trình bày với họ. Móc tập
thơ đưa cho họ và nói đây là tập thơ của tôi về những prison scences, ông hãy
giữ lấy. Tôi nghĩ ông đưa lên gác cất đi đã rồi hãy nói chuyện sau. Họ cũng
nghe mình, đưa lên gác cất đi rồi mới nói chuyện. Họ mời nước, có cả rượu. Tôi
trình bày tôi là người đã bị 15 năm tù, nhưng vô tội, biết bao nhiêu người Việt
Nam bị cảnh tù, những điều tôi viết là về cảnh tù tội. Họ cũng hỏi han mình
nhiều điều, lúc thì nói bằng tiếng Anh, lúc bằng tiếng Pháp. Họ cũng biết một
tí tiếng Pháp nhưng không giỏi mới khổ, nên lúc nào họ bí tiếng Pháp thì nói
bằng tiếng Anh, lúc mình bí tiếng Anh nói bằng tiếng Pháp thì họ lại không hiểu
mấy, thế là mình lại nói bằng tiếng Anh. Đại cương mình ráng làm cho họ hiểu
chứ không phải là nói tiếng Anh. Cơ bản thì họ hiểu chuyện của mình.
Rồi
họ bảo mình ghi tên, ngày sinh tháng đẻ và hứa sẽ can thiệp cho khỏi tù. Họ hứa
long trọng là sẽ in tập thơ, mang về Anh quốc in. Tôi có nói là không được đưa
tập thơ cho bất cứ một người Việt Nam nào ở Việt Nam. Sau này nếu tôi có đến
đòi thì cũng đừng đưa cho tôi vì lúc bấy giờ tôi đã bị tra tấn. Đây là công
việc 20 năm của tôi, hi vọng ông mang ra cho thế giới biết về cộng sản Việt
Nam, đó là mục tiêu của tôi. Khi tôi vào được đây là tôi chấp nhận chết rồi,
các ông phải hiểu về cộng sản Việt Nam. Tôi không làm gì cả mà đã bị 15 năm tù,
huống chi bây giờ tôi vào đây với tập thơ này tôi coi như chết, các ông đừng
thắc mắc gì về tôi, chỉ mong các ông đưa tập thơ này ra in ở nước ngoài.
Tôi
có hỏi các ông cho tôi ở lại được không, họ bảo không được vì công an đang bao
vây rồi, đang đợi ở ngoài. Thế mình vẫn cố nài thêm, các ông có thể cho một cái
xe chở tôi đi, giữa đường tôi nhẩy xuống. Tôi vẫn còn muốn trốn. Họ bảo như thế
không được vì công an đã bố trí cả rồi. Tôi không nài thêm xin tị nạn chính trị
vì mình vô danh tiểu tốt. Sau đó tôi vui lòng đi về. Họ có hỏi tôi có cần tiền
không, tôi nói không vì nếu tôi lấy tiền, vào đến trại giam cũng bị tịch thu
hết. Tôi nhớ một cậu người Anh trẻ, mình cứ tưởng là gián điệp cao siêu lắm,
nói với tôi là hay ông cứ nói ông vào nhầm địa chỉ có được không, tôi nói là
không được đâu, đối với cộng sản không có chuyện nhầm địa chỉ như vậy được.
Thế
mới thấy họ ngớ ngẩn. Sau đó mình bắt tay ba người rồi đi ra. Đi ra phải tìm
đôi dép vì lúc nãy vật lộn văng đâu mất. Ra phòng ngoài tìm thấy dép chỗ này
một chiếc, chỗ kia một chiếc.
Ra
đến ngoài đã thấy 4 người công an chờ sẵn, mặc thường phục, một người giơ thẻ
công an. Lúc bấy giờ mình có còn gì nữa đâu, tôi nói: “Thôi cất đi. Muốn đưa đi
đâu thì đưa”. Thế là họ đưa ra một cái xe com-măng-ca, hai người đi xe đạp, hai
người đi mô tô, bốn người đi bộ, một người lái xe nữa, như thế thì không có
cách nào chạy được đâu. Họ đã bố trí để nó đuổi được mình mà. Vì thế bọn Anh
nói đúng, nếu họ có chở xe mình ra, nhẩy xuống cũng không thoát. Thế là tôi bị
đưa thẳng vào Hoả Lò.
Bùi
Văn Phú: Công
an có biết ông vào sứ quán Anh làm gì không?
Nguyễn
Chí Thiện: Vào
Hoả Lò họ bắt đầu hỏi cung ngay. Họ hỏi cung thì phải chối chứ. “Anh vào làm
gì?” “Tôi vào xin đi ngoại quốc.” Lúc bấy giờ có cao trào cao uỷ tị nạn ở đó,
người Việt có thể xin đi cơ mà. “Vào xin đi sao lâu thế, gần 40 phút cơ.” “Không,
tôi đói quá, vào trong thấy có bày món ăn ngon, tôi xơi cho thoả mãn. Bao nhiêu
năm mới được ăn miếng bơ, miếng xúc xích.” Mình nói phét vậy thôi, chứ chỉ có
tí rượu thôi. “Tôi nói chuyện lung tung xin đi, họ bảo họ không can thiệp được,
thế là phải đi ra thôi, chứ tôi chẳng mang cái gì vào. Coi người tôi ăn mặc chỉ
thế này thì mang cái gì được.” Họ thấy tôi nói cũng có lí, vặn cung bốn năm
tiếng đồng hồ, hỏi đi hỏi lại, tôi cũng không khai gì hết.
Ngày
nào họ cũng gọi đi khảo cung, mình cứ một mực chối là không mang cái gì vào cả.
Họ dụ dỗ đủ đường, nào là nếu anh trót mang tài liệu gì vào thì chúng tôi sẽ
lấy lại, chúng tôi sẽ tha thứ cho anh, Đảng sẽ khoan hồng. Nhưng mình nào có lạ
gì với lối khoan hồng của họ nữa. Tôi nhất định chối là không mang gì cả, vì
nếu tôi có mang vào thì trong vòng một đôi tháng ngoại quốc sẽ công bố ngay,
lúc đó các ông sẽ trừng trị. Thời gian sẽ trả lời các ông thôi. Rồi họ hỏi cung
tuần một lần, rồi tháng một lần, nhưng không cho gia đình tiếp tế, quần áo
không có, cứ một bộ quần áo cũ mặc mùa đông sắp đến, rét mà vẫn không có quần
áo ấm.
Bùi
Văn Phú: Sau
khi bản thảo tập thơ được đưa vào sứ quán Anh, đến khi nào ông mới biết được số
phận của nó ra sao?
Nguyễn
Chí Thiện: Sau
nhiều lần hỏi cung, họ cứ hỏi thì tôi cứ chối. Tôi trả lời là đến bây giờ mà
cũng chưa thấy ngoại quốc phổ biến cái gì, thì họ tin tôi, nhưng trong lòng rất
sốt ruột. Lần nào lên hỏi cung mình cũng chỉ mong lần này họ cho mình biết, vì
nếu bên ngoài in thì thế nào trong này họ cũng biết.
Một
hôm, lúc đó tôi đã bi quan lắm rồi, vào tháng 10 năm 1980, họ cũng gọi cung như
mọi lần, nhưng lần này họ đưa vào phòng lớn, không phải phòng hỏi cung. Những
nhân viên vẫn hỏi cung cũ biến mất, giờ có mấy ông ở bộ sang, mặc quần áo dạ
mùa đông, đi giầy bóng, tuổi hơn 50. Tôi đoán có chuyện gì rồi, mừng thầm vì có
thể có kết quả. Quả nhiên đúng. Họ mời trà, hút thuốc lá đâu đấy rồi họ mới giở
quyển sách ra, họ không giơ bìa ra mà chỉ cho coi bức thư viết bằng tiếng Pháp
bên trong. Họ hỏi, có phải chữ của anh không? Tôi nói đúng. Mình mừng hơn bố sống lại chứ không phải là
không. Vì đợi mãi mà.
Bùi
Văn Phú: Có
phải đó là cuốn Tiếng
vọng từ đáy vực?
Nguyễn
Chí Thiện: Tôi
không biết. Vì họ đâu có cho mình coi bìa sách. Họ mở ra, gấp cong bìa lại, chỉ
cho mình thấy trang có in lá thư chữ viết tay của mình thì mình đâu có nhìn
được tên sách.
Bùi
Văn Phú: Ông
có nhận đó là tập thơ của mình?
Nguyễn
Chí Thiện: Có.
Rồi họ bắt mình viết lại chứ. Họ hỏi tôi có nhớ những bài thơ của mình không?
Tôi nói tôi nhớ chứ. Họ bắt tôi đọc mấy bài cho nghe. Tôi đọc hai bài thơ về
Mao: “Bác Mao cân nặng tạ hai / Thịt ùn lên mặt, mặt hai ba cằm…”. Họ
thích lắm, cười. Đến khi mình tương cái bài “Không có gì quý hơn độc lập tự
do”, đọc được mấy câu thì họ bắt ngưng ngay.
Rồi
họ yêu cầu tôi viết lại. Tôi nói tôi sẵn sàng cộng tác với các ông vì bây giờ
tôi chẳng còn gì để giấu cả, tôi có thể viết lại được. Họ muốn tôi làm thế vì
họ nghĩ tập thơ có thể của nhiều người để họ tìm bắt thêm những thủ phạm khác
nữa. Nếu thơ của mình thì mình nhớ, của người khác gửi thì mình không thể nhớ.
Họ nói anh viết lại đi. Đâu có dễ như thế được. Lúc bấy giờ người tôi ốm, đói
rét trong tù không có quần áo, mười lăm tháng nay đánh răng, rửa mặt không có
khăn, chị tôi ở gần đây mà nó không cho tiếp tế. Người tôi yếu lắm, bao giờ tôi
khoẻ tôi mới viết được. Họ giục tôi viết thư cho bà chị. Tôi viết thư xin bà
chị đã nghèo, tôi không dám xin nhiều, chỉ những thứ cần thiết như quần áo,
chăn màn, bàn chải đánh răng, thuốc đánh răng, mấy quả chanh, một hai kí mì
rang cho nó no.
Ngày
hôm sau có ngay. Một túi tiếp tế to, đủ cả những thứ tôi xin. Hai hôm sau họ
gọi lên, bảo thế bây giờ viết đi nhưng tôi chưa chịu. Tôi nói với họ, ông xem
tiếp tế có một chút mì rang, đường đen thì làm sao tôi khoẻ ngay lên được, các
ông phải đợi nửa tháng để tôi lại sức rồi tôi sẽ cộng tác nhiệt tình với các
ông. Họ đâu có đợi. Việc của họ mà. Thôi mai lên đây, chúng tôi bồi dưỡng cho
anh. Cán bộ mà bồi dưỡng thì tôi có gắng viết. Lên viết, họ cho bánh mì
dăm-bông, bánh mì pa-tê, bánh chưng, hộp sữa, cân đường, bánh bích qui, ăn uống
thoải mái. Tôi lại đòi ngay một bao thuốc Sông Cầu. Sông Cầu là đầu câu chuyện
mà. Rồi 10 gam thuốc lào, một gói chè Hồng Đào là chè loại nhất. Tính tiền ra
thì một ngày bằng 3, 4 ngày lương của họ đấy.
Bùi
Văn Phú: Rồi
ông viết lại hết những bài thơ của mình?
Nguyễn
Chí Thiện: Nhưng
đâu có viết nhanh làm gì. Thơ mình nhớ có gì khó đâu. Có một nhân viên công an
ngồi cạnh. Tay thiếu uý công an coi mình, thấy mình cứ ngồi hút thuốc, uống
chè, anh ta giục sao anh không viết đi. Tôi ngồi suy nghĩ, kéo dài hơn hai
tháng viết lại được non nửa. Hơn hai tháng đó tôi lên 6 kí lô, cơm trại không
ăn, cho anh em, vừa được ăn bồi dưỡng vừa phấn khởi vì thơ mình đã được in rồi.
Trong
giai đoạn đó mình mới biết được nhiều công an bất mãn vì họ cũng nghèo. Một
mình làm sao uống hết một gói trà, hút hết một bao thuốc lá, vì thế thuốc lá
với chè tầu mình không dùng mấy. Tay nào cũng đến chào hỏi để hút thuốc, ghé
vội lại uống cốc nước trà. Nhưng cũng có những người không đến như thế, họ vờ
vĩnh uống nước rồi ghé vào tai: “Mẹ! Anh chơi hay quá”, có người khác lại nói:
“Mẹ! Anh đánh đòn đích đáng”, thế rồi chuồn.
Dịp
Tết thì họ nghỉ. Sau Tết mình xin viết tiếp họ không cho vì bằng đó bài đã viết
họ biết là thơ của mình rồi. Thế là trở về ăn cơm trại.
Sau
đó họ điều mình ra sống với lưu manh vì họ muốn lưu manh trị mình mà. Lưu manh
không trị nổi, họ lại cho mình vào xà lim. Thế là ở sáu năm trong Hoả Lò, lăn lộn các nơi rồi cuối
cùng họ chuyển đi B14 năm 1985, có ông Võ Đại Tôn, Hoàng Minh Chính tù trong
đó.
Bùi
Văn Phú: Sinh
viên Việt Nam tại Đại học Berkeley thời đó đã có cái duyên với thơ của ông. Tối
ngày 1.5.1981 sinh viên có tổ chức một đêm đọc thơ chủ đề “Đêm nghe tiếng vọng
từ đáy vực” và hát những bài “Ngục ca” do Phạm Duy phổ nhạc. Hồi tưởng lại,
thời điểm đó ông đang ở đâu và làm gì?
Nguyễn
Chí Thiện: Chuyện
này tôi rất dễ nhớ vì những ngày đó tôi vẫn còn nằm ở xà lim 1 trong Hoả Lò. Xà
lim 1 có 14 cái xà lim, với hai xà lim để làm kỉ niệm Hoàng Văn Thụ và Trần
Đăng Ninh, còn một cái của ông Phan Bội Châu là buồng số 14. Lúc đó tôi đang bị
giam trong buồng số 14. Từ ngày tôi vào tù năm 1979 cho đến hết năm 1981, năm
1982 tôi mới đổi xà lim. Lúc đó tôi vui vì biết được tin tức thơ mình đã được
in ra rồi thì thế nào cũng có tiếng vang. Điều này tôi đã tiên đoán trong bài
thơ “Cây” với bốn câu kết:
Ta vững tin đất trời
kia chẳng phụ
Công đất vun bồi nuôi dưỡng thân ta
Trong đêm cùng vùng nhiệt đới bao la
Trái lửa của ta sẽ bùng lên vạn ánh.
Công đất vun bồi nuôi dưỡng thân ta
Trong đêm cùng vùng nhiệt đới bao la
Trái lửa của ta sẽ bùng lên vạn ánh.
Bùi
Văn Phú: Thế
sao lại có chuyện Nguyễn Chí Thiện thật giả ở nước ngoài?
Nguyễn
Chí Thiện: Hồi
trong nước tôi có nghe tin tờ Vạn Thắng của ông Lê Tư Vinh nói là Nguyễn
Chí Thiện giả. Khi anh Nguyễn Hữu Hiệu về thì các ông từ Phùng Cung, Phùng Quán
đến Nguyễn Hữu Đang đều gạt phắt qua cái chuyện đó, họ nói đó chỉ là những
chuyện điên rồ, chẳng đáng bàn làm gì vì họ là những người đã cùng ở tù với
tôi, họ biết. Họ nói mấy thằng viết báo lẩm cẩm đó không nên bàn đến nữa. Thế
là không bàn nữa vì trong nước chúng tôi không để ý đến.
Ra
đến ngoài này thì tôi thấy ầm lên chuyện Lý Đông A. Tôi có gọi điện cho ông
Trần Ngọc Ninh. Tôi gọi đầu tiên cho ông ấy và tôi nói thế này: “Bác nhầm rồi,
cái ảnh mà tôi chụp là với bà chị tôi, bà chị thứ hai của tôi hơn tôi 14 tuổi.
Không phải vợ tôi đâu”, vì ông Ninh có đề là ông bà Nguyễn Chí Thiện, ông ấy
xin lỗi và mong tôi bỏ qua cho. Tôi nói tôi không để ý, việc nghiên cứu nhầm là
thường, nhưng bác là người có uy tín học vị như thế thì sao trước khi viết bác
không hỏi bên Anh một tí, ông ấy nói thôi chuyện đã qua rồi, mong anh hiểu, tôi
biết là mình đã sai, mong anh đừng công bố vì tôi không ưa cái bọn Lê Tư Vinh.
Tôi nói cái này là quyền của bác, tôi muốn nói chuyện với bác để rõ vấn đề
thôi, còn trong nghiên cứu nhiều khi có những cái nhầm, cũng như người ta bảo Chinh
phụ ngâm là của Đoàn Thị Điểm, là của Phan Huy Ích, đó là nghi án văn học,
có thể sai có thể đúng. Nhưng chuyện này bên Anh nhiều người biết, từ ông giáo
sư Honey còn sống, những người trong Bộ Ngoại giao Anh vẫn còn cả đấy, sao bác
không hỏi. Thế rồi ông ấy thôi. Tôi cũng bỏ qua. Chính ông Ninh từ hồi đó đến
giờ có nói gì nữa đâu. Sau này mấy lần ăn cơm với nhau có cả ông Nguyễn Bảo
Trị, Lâm Lễ Trinh rất là vui vẻ.
Bùi
Văn Phú: Chuyện
thật giả có phải do công an cộng sản đưa ra?
Nguyễn
Chí Thiện: Theo
tôi chẳng phải cộng sản gì đâu. Ông Lê Tư Vinh muốn đề cao vai trò của nhóm Duy
Dân, đưa Lý Đông A lên. Họ cho đó là khẩu lệnh của Lý Đông A. Họ bịa ra đấy chứ
họ biết là Lý Đông A chết lâu rồi, từ năm 1947 đã mất tích. Khi tôi mới sang có
đoàn nhà báo ở Virginia đến thăm, họ có nói với tôi rằng họ vừa gặp ông Lê Tư
Vinh và ông Vinh nói: “Cái tên Nguyễn Chí Thiện nó láo xược, nó dám khinh
thường cả Phật tổ”, căn cứ vào bốn câu thơ của tôi: “Mười mấy năm sống giữa
lao tù / giữa buồng tim chế độ / tôi đã hiểu tận cùng của bể khổ / mà trước kia
Phật tổ hiểu lơ mơ”. Tôi nói với những ông nhà báo đến thăm là nếu họ chửi
thì chửi Lý Đông A, vì đây là thơ Lý Đông A chứ sao lại chửi tôi, anh em nhà
báo cũng phải phì cười lên. Mời ông ấy tranh luận, họ không dám tranh luận với
tôi. Hôm họp báo ở Nam Cali, ông Lê Tư Vinh ngồi ngay đấy mà không dám thò một
câu nào cả, chỉ nói sau lưng thôi.
Theo
tôi thì chuyện này chỉ một số anh em trong Duy Dân thôi, một số nhỏ, chứ nhiều
người không tin chuyện ba láp đó đâu. Họ muốn đề cao vấn đề đó lên, thế rồi một
số người nhẹ dạ tin là thật, rồi hạch hỏi những câu rất là ngớ ngẩn, thí dụ như
tại sao bây giờ tôi không làm thơ nữa. Thì con người ta có lúc tài cũng phải
hết chứ, phải cạn kiệt đi chứ, ai mà làm mãi được. Nếu làm mãi được thì bà
Margaret Mitchell không chỉ có một quyển Gone with the Wind, Nguyễn Du
không chỉ có một Truyện Kiều, Đặng Trần Côn không chỉ có một Chinh
phụ ngâm hay Nguyễn Gia Thiều không chỉ có một Cung oán ngâm khúc và
Thế Lữ không chỉ có mấy vần thơ.
Theo
tôi hiểu thì sau này cộng sản mới lợi dụng, chứ chủ ý đó đầu tiên không phải
của cộng sản, sau này cộng sản chỉ xúi vào, gây hoang mang mà thôi. Cái chính
là họ muốn lợi dụng tập thơ này, nói là của Lý Đông A để đề cao ông ấy lên, đề
cao cái đảng Duy Dân lên. Nhưng họ đọc thơ của tôi họ phải biết chứ, Lý Đông A
hiểu cộng sản, đánh nhau với cộng sản, đâu có ngu như tôi. Năm 1954 tôi còn “Ngỡ
cờ sao rực rỡ / tô thắm màu xứ sở yêu thương” cơ mà, chứ “Có ngờ đâu
giáo giở đã lên đường”. Tôi ngu ngơ, mù mờ, trong thơ của tôi có nhiều bài
viết rõ cái ngu của mình: “Lầm lỡ, lầm nói, lầm lúc, lầm người / Riêng cái
lầm to uổng phí cuộc đời / Là đã ngốc nghe và tin cộng sản”. Ông Lý Đông A
đâu có nghe và tin cộng sản. Thế thành ra có biết bao nhiêu câu thơ, nhiều lầm
lỡ, chứng tỏ không phải thơ Lý Đông A, nhưng họ lờ những cái này đi, họ cứ lấy
lí luận là Tiếng vọng từ đáy vực, tên này do ông Nguyễn Hữu Hiệu đặt chứ
có phải là tôi đặt đâu, theo họ đáy vực là Duy Dân đấy.
Thành
ra lí luận đó càng ngày càng yếu nên bây giờ họ lại nói ông Nguyễn Chí Thiện
thật chết rồi, đây là Nguyễn Chí Thiện giả. Thế thì bao nhiêu bạn bè, biệt
kích, bị tù với tôi, Vũ Thư Hiên cũng bị tù với tôi, ông anh ruột của tôi không
biết à.
Bìa : Hỏa Lò -
Hanoi Hilton Stories
Bùi
Văn Phú: Tác
phẩm Hoả
Lò có phải là sáng tác mới nhất của ông, hay sau đó ông còn viết thêm gì
nữa?
Nguyễn
Chí Thiện: Sau
Hoả Lò tôi đã bắt đầu viết một số trang hồi kí. Hoả Lò có cái đặc
biệt mà tôi tin không ai viết được vì không có ai sống ở đó lâu như tôi. Đó là
một trại tạm giam, người ta giam vào đấy để chờ xử án, xong rồi đi trại. Đây là
nơi phi lao động. Xử án xong thì một năm hoặc sáu tháng họ đưa lên trung ương,
là đưa lên rừng để làm ra của cải. Trại Hoả Lò là không làm ra của cải.
Bùi
Văn Phú: Trong
Hoả
Lò, chỉ truyện về Phùng Cung là có tên những nhân vật thật, còn những truyện
khác là hư cấu hay sao?
Nguyễn
Chí Thiện: Những
truyện trong đó hoàn toàn thực, có điều tôi không đề tên người. Thí dụ như Ngưu
Ma Vương, tên là Thuận, thượng uý, tù gọi là Ngưu Ma Vương vì hắn ác lắm, hắn
quái gở lắm. Còn ông Găng Đi là một cán bộ miền Nam, tên ông ta là Thuần, rất
hiền lành mà làm bao nhiêu năm trời chỉ có trung uý thôi, ông ấy tốt lắm. Cô
gái bị tử hình trong truyện “Sóng nước sông Hồng” sau này không chết đâu nhá.
Cô ấy là người duy nhất, vì là đàn bà con gái nên được ông Trường Chinh tha
mạng. Cô ấy tưởng chết vì vụ đốt cháy ở đường Trần Nhân Tông, hồi đó ầm cả Hà
Nội cơ mà. Cô ấy năm đó mới 19 tuổi.
Còn
tay bị xử tử, tên cũng là Thuận, người Sơn Tây. Tay gọi là “28 tấn thóc” cũng
bị xử tử tên là Tâm, ở dốc Thọ Lão, Lò Đúc, bị xử tử thật. Những nhân vật tôi còn
nhớ tên hết, cho nên đây là những chuyện thực. Còn tay đầu gấu trong truyện
“Sương buồn giăng kín non sông” là Minh trọc, tên là Minh, đầu trọc. Lão mê bà
Sài Gòn là một ông đại uý thời Việt Nam Cộng hoà tên là Hải cùng xà lim với
tôi. Trong truyện tôi có nói đến con trai của Huỳnh Tấn Phát là Tuấn. Con trai
của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là Nguyễn Việt Hà.
Trong
Hoả Lò tôi không dùng tên mà chỉ sắp xếp cho thành truyện, nhưng đó là
những truyện thật, không hề hư cấu về câu chuyện. Còn tay cán bộ coi buồng 14
thuốc lào trong truyện “Những bài ca cách mạng” tên là Bòi, thiếu uý Bòi, người
loắt choắt, rất hỗn. Những nhân vật đó chết rồi có, còn sống có, tôi không muốn
nêu tên trong truyện vì muốn điển hình hoá.
Bùi
Văn Phú: Thuốc
lào có phải là thứ gì quí lắm đối với người tù ở Hoả Lò?
Nguyễn
Chí Thiện: Thuốc
lào nó kì lắm. Trong tù thì buồn, thế mà điếu thuốc lào hút vào thì nó say sưa,
khoan khoái con người lắm. Cái đó rất quan trọng. Trong tù có cảnh thê thảm là
người ta giết nhau vì thuốc lào.
Bùi
Văn Phú: Trong
truyện “Đàn bò sữa” ông có viết về một em bé chết trong tù và bà mẹ thì phát
điên. Ông có thể nói rõ về hoàn cảnh của em bé đó?
Nguyễn
Chí Thiện: Em
bé đó còn rất nhỏ. Tôi ở xà lim 3, cạnh phòng phụ nữ nên tôi quan sát được hết,
nhiều khi họ cãi nhau còn nghe được. Nhiều người mang trẻ con vào, không phải
chỉ mình cô ấy đâu, nhiều người mẹ đi tù thì con đi tù theo, kể cả những em bé
lên 4, 5 cũng có ở trong Hoả Lò như thường. Còn cảnh đứa bé chết thì chính tôi
chứng kiến vì cô ấy gào lên như điên loạn.
Còn
trại điên bên Trâu Quỳ, Gia Lâm, ai mà chẳng biết là một trại khủng khiếp,
trong đó rận chấy rệp muỗi đầy rẫy, nhốt người điên chứ không chữa trị gì đâu.
Những người điên khùng họ cho vào đầy cả. Tôi đã gặp những người bị đưa vào
đấy, thí dụ như những người tiếc của quá, có người bị lộ vì con cháu nó tố có
chục lượng vàng trong tường, có thằng nó đến nó đục ra nó lấy. Thế là tiếc của
quá nói năng lảm nhảm như điên, bị bắt nhốt vào Trâu Quỳ. Sợ quá, khỏi, về mới
kể lại.
Bùi
Văn Phú: Trong
tập truyện ông có đưa ra nhận xét là sau thời gian cởi trói, có những nhà văn
phản kháng, nhưng ông nêu rõ những người như Trần Mạnh Hảo, Trần Quốc Vượng,
Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Thị Ngọc Tú thì chỉ là bồi bút, họ trở lại nghề cũ. Gần
đây Trần Mạnh Hảo đã có những bài phê phán chủ nghĩa Mác và chế độ triệt để
lắm.
Nguyễn
Chí Thiện: Chính
tôi có viết thư, nói chuyện với Trần Mạnh Hảo, tôi có khuyến khích ông ấy.
Nhưng ông ấy như trở bàn tay, có thời gian làm công an văn nghệ đấy chứ. Sau
quyển Ly thân thì ông ấy là người bảo vệ Đảng đến độ Tố Hữu phải khen
Trần Mạnh Hảo là con đê chắn sóng cho Đảng. Ông ấy viết bênh vực Đảng ghê quá
khiến anh em trong nước phát hoảng. Gần đây ông ấy lại tấn công chủ nghĩa Mác
với hàng chục bài. Tôi nói chuyện với ông ấy, khuyến khích vì bố vợ ông ấy là
ông Tôn Thất Tần, tù với tôi trong trại Phong Quang. Khi tôi viết về ông ấy
trong bài đó là vào năm 1997, lúc đó ông ấy giở mặt rồi.
Bà
Nguyễn Thị Ngọc Tú cũng vậy, cũng viết những bài bênh Đảng. Còn ông Trần Quốc
Vượng bênh Đảng thế nào thì thời tôi ở trong nước tôi đọc tôi biết. Ông ấy bảo
thời cổ nước mình có Hai Bà Trưng, tiêu biểu là anh hùng phụ nữ, thế kỉ 20 có
bà Nguyễn Thị Định, còn thế kỉ 21 sẽ có một nữ bác học, như thế là lại nịnh chế
độ, lại trở về nghề cũ cho được yên thân.
Bùi
Văn Phú: Đọc
văn của ông có nhiều nhân vật, nhưng thơ của ông tượng hình hơn văn. Ông có thể
kể lại một vài sự việc nào đã cho ông cảm hứng để viết thành thơ. Chẳng hạn như
những câu sau:
Một
tay em trổ
“Đời xua đuổi”
Một tay em trổ
“Hận vô bờ”…
“Đời xua đuổi”
Một tay em trổ
“Hận vô bờ”…
Nguyễn
Chí Thiện: Những
chuyện như trong bài thơ đó nó xảy ra nhiều lắm, tôi thường xuyên gặp nhiều trẻ
em như thế. Năm 72-73 ở trại Phong Quang có những em thiếu phạm bị kỉ luật và
được đưa vào trại, trên tay phần nhiều đều có xâm trổ bằng mọi hình thức, như lưu
manh xâm trổ ở Việt Nam. Đấy là những câu các em xâm trổ thực trên tay, thấy
cảnh như thế, đột nhiên mình nghĩ ra, ghi lại như vậy.
Bùi
Văn Phú: Còn những câu:
Bà
kia tuổi sáu mươi rồi
Mà sao không được phép ngồi bán khoai
Cụ kia tuổi bẩy mươi hai
Mà sao hội họp mệt nhoài chẳng tha…
Mà sao không được phép ngồi bán khoai
Cụ kia tuổi bẩy mươi hai
Mà sao hội họp mệt nhoài chẳng tha…
Đó có phải cũng là những con người thực ông đã gặp?
Nguyễn
Chí Thiện: Bà
cụ là hoàn cảnh thực tế của bà mẹ tôi đấy. Bà mẹ tôi năm ấy đúng 60, bán khoai
ở cửa, mà có đứa cháu phải coi, nếu cán bộ quản lí thị trường với hộ khẩu mà đi
đến là phải bê khoai chạy vào trong nhà. Còn không, bọn nó vớ được tịch thu
hết, không những tịch thu khoai mà bao nhiêu tiền trong người cũng tịch thu
hết. Còn cụ kia là ông bác tôi đấy. Bài thơ đó còn có câu: “Cô kia bát phở
vài hào cũng trao” thì đó là nhiều người, rất đông. “Cậu kia con cụ đồ
nho / mà sao móc túi mặt tro trát vào” là bạn bè thì đúng rồi. Tôi có nhiều
bạn học giỏi, thông minh lắm, thế mà chỉ quanh quẩn đi cuốc đường, đào hầm, đào
hố sống vất vưởng suốt đời thôi. Đó là những chuyện tôi ghi lại thật. “Anh
kia đi lính thuở nào / mà sao cảnh sát cũng vào bắt đi” là những người lính
thời Bảo Đại, ở lại vì tin tưởng chế độ, nó cho đi tù hết. Từ binh lính, dân vệ
thôn xóm đến anh sĩ quan. Cho nên ông thiếu tướng Lê Hữu Qua, Cục trưởng Cục
Lao cải năm 1973 có đến trại Phong Quang, nói với tôi nguyên văn: “Đảng ta rất
nhân đạo, bắt bao nhiêu là nguỵ quân, nguỵ quyền ta có làm gì đâu, chỉ cho đi cải tạo có 13 vạn thôi”. Đó
là nguỵ quân, nguỵ quyền miền Bắc đấy nhá, những người tin tưởng mà ở lại, Đảng
ta nhân đạo đâu có giết ai đâu, chỉ cho đi cải tạo thôi.
Bùi
Văn Phú: Bài
“Sẽ có một ngày” sáng tác trong hoàn cảnh nào mà ông lại có niềm hi vọng như
thế?
Nguyễn
Chí Thiện: Đêm
hôm đó tôi thức cả đêm để làm bài này:
Sẽ
có một ngày
Con người hôm nay
Vất súng
Vất cùm
Vất cờ
Vất Đảng
Con người hôm nay
Vất súng
Vất cùm
Vất cờ
Vất Đảng
Làm xong bài đó tôi thích lắm vì biết rằng con người cộng sản cũng có những lúc họ cũng hối hận, vì đã có những người tỏ ra hối hận trước kia đã tham gia vào Đảng. Tù cùng với tôi thì có rất nhiều cán bộ đảng viên. Tôi nghĩ nếu một ngày mà con người hiểu biết, ngay cả những người đảng viên cộng sản cũng sẽ tỉnh ngộ, mình gọi là phản tỉnh đấy. Nếu ngày đó mà đến thì tôi tin là dân tộc mình sẽ được tự do và sẽ không có chuyện trả thù. Tôi tiên đoán như thế. Ngày đó kể cả kẻ bị hành hạ, cũng như những kẻ đã hành hạ người khác, đều “đặt vòng hoa tái ngộ / lên mộ cha ông” cho nên tôi đã viết “kẻ bùi ngùi hối hận” là kẻ đã tham gia vào việc hành hạ người khác. Không có chuyện thù hận nữa. Vì khi đã qua bao nhiêu tang tóc rồi thì “tã trắng thắng cờ hồng”. Tã trắng là tượng trưng cho sự sống còn cờ hồng là tượng trưng cho sự chết chóc, bạo lực và máu.
Bùi
Văn Phú: Một
số bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ Phạm Duy, Trần Lãng Minh phổ nhạc. Ông
thích bài nhạc nào nhất?
Nguyễn
Chí Thiện: Tôi
có nghe hết những bài phổ nhạc. Trần Lãng Minh có bài “Cô gái đồng lầy”, cô gái
miền Nam chết đấy, tôi thích. Anh Phan Văn Hưng phổ mấy bài tôi cũng thích. Ông
Phạm Duy phổ chừng 20 bài, tôi thích một số bài, đặc biệt bài phổ theo điệu hồ quảng
“Nước Đổng Trác Điêu Thuyền”. Còn có một nhạc sĩ người Áo phổ 14 bài thơ của
tôi thành nhạc không lời. Ông ấy biếu tôi mà tôi nghe chẳng hiểu gì cả, nhạc
hiện đại, tôi nghe tôi mù tịt.
Bùi
Văn Phú: Hiện
tại một ngày bình thường của ông như thế nào?
Nguyễn
Chí Thiện: Bây
giờ tim của tôi nó lôi thôi lắm. Nhiều khi đứng lên ngồi xuống mà lảo đảo, nên
vẫn phải uống thuốc. Sống bằng tinh thần là chính thôi. Hằng ngày tôi đọc sách
bằng tiếng Anh ít nhất cũng khoảng tiếng rưỡi, nhiều khi đọc đi đọc lại hai ba
lần. Xem ti vi tối thiểu ba tiếng một ngày, những chương trình có ích như American
Experience, những kênh như Discovery, History, PBS, National
Geographic. Tôi hay xem những chương trình đó để học tiếng Anh vì cái ti-vi
có chạy chữ người nói ra, xem như thế có thể hiểu gần hết, chứ xem và nghe
không thì hiểu ít hơn. Cố gắng vừa học nghe, vừa luyện giọng một tí để có thể
giao thiệp qua loa chứ tôi không mong giỏi. Đấy là thời gian để đọc sách và xem
ti-vi, còn thừa thời giờ thì đọc các báo. Trên Internet có bài nào hay thì anh
em bạn in ra gửi cho tôi vì tôi không dùng email, không dùng Internet,
computer. Đọc những thứ đó cũng mất vài tiếng. Mỗi ngày tôi bỏ ra trên một
tiếng để viết, mang tiếng là trên một tiếng, nhưng đêm nằm lại phải suy nghĩ về
nó, hoặc đi chơi, ngồi đâu uống nước, uống trà cũng lại phải suy nghĩ về cái đề
tài viết. Nói là viết một tiếng nhưng thực tế là tốn đến bốn năm tiếng. Trong
tương lai, để viết tốt hơn nữa có lẽ tôi phải dẹp hết tất cả mọi việc để tập
trung riêng vào viết thì mới có thể sống lại với quá khứ một cách trọn vẹn hơn
và viết hay được. Tiếc là tuổi cũng đã nhiều rồi, không còn sức để đào sâu,
không còn tâm hồn để bay bổng nữa, thế nên viết khó mà hay lắm nhưng vẫn cố
gắng viết, vì đó là công việc sáng tác.
Bùi
Văn Phú: Hồi
kí ông đang viết dự định bao giờ sẽ xong?
Nguyễn
Chí Thiện: Phải
vài năm vì tôi viết rất cẩn thận, có khi viết xong một đoạn rồi lại phải bỏ đi,
viết lại. Mà nhiều khi mình chỉ đi tìm một câu, hay một chữ đối thoại thôi, thế
mà tôi phải đi lại trong rừng, như hồi ở bên Pháp ấy. Nhiều khi mình không thể
thực quá được, có những câu nói lưu manh, mất dậy lắm, đưa vào văn chương không
được, nó không ra sao cả. Thế là mình phải tìm một câu nào nó cũng mất dậy,
nhưng có tính văn học, cho người đọc có thể chấp nhận được những cái đó, phải
tìm những câu điển hình để mà nói. Thí dụ bệnh viện ở Hoả Lò, để diễn tả cái
ghê gớm, ngoài tả cái bệnh viện ra còn phải nói về cái thằng bác sĩ, nhớ lại
cái cảnh nó nói với bệnh nhân câu: “Thằng nào từ giờ cứ hay khai bệnh, tao cho
nằm bệnh xá”. Bệnh nhân nghe thế hết hồn, không dám nằm bệnh xá vì nguy hiểm
lắm. Những chuyện như thế mình có thể đưa vào cho nó sống động.
Bùi
Văn Phú: Đã
sống mười hai năm ở nước ngoài, ông không tin câu nói “Đâu sống tốt đó là tổ
quốc” là đúng và ông vẫn mơ trở về với đất nước Việt Nam có bờ tre, con trâu,
quán nghèo, hương cau, hương bưởi. Bây giờ Việt Nam thay đổi nhiều, mà ông cứ
mơ như thế thì sao đất nước khá lên được, phải hiện đại hoá chứ?
Nguyễn
Chí Thiện: Ở
Việt Nam mình những cảnh đó vẫn còn, hương cau, hương bưởi không mất. Thực tế
bây giờ Việt Nam đồng ruộng vẫn chiếm đa số, vẫn những con trâu cày, nhất là ở
miền Bắc, chứ đã dùng đến máy móc đâu. Mình trở về để hưởng những cái đó. Còn
bờ tre thì làm sao phá bỏ được vì nông thôn của mình có hiện đại hoá thì cũng
còn lâu lắm. Dù sau này có máy cày chạy thì không khí nông thôn vẫn còn, nhưng
lối làm nhà làm cửa vẫn đơn sơ thôi, không mất đi nhiều. Tôi nghĩ như vậy. Mình
còn được hưởng không khí hoang dã, thanh bình của nông thôn còn lâu lắm. Tôi có
hỏi nhiều người thì thấy làng xóm cũng không khác xưa, có thêm một vài căn nhà
gạch mọc lên là do tiền ở ngoại quốc gửi về hoặc do những cán bộ xoay sở được,
còn không khí nông thôn vẫn êm đềm, thanh bình lắm. Không phải là mình mơ đất
nước không tiến lên đâu, nhưng đó là những kỉ niệm gắn bó với mình từ thời thơ
ấu. Nông thôn Việt Nam nếu phát triển thì những khu vực như thế vẫn còn.
Bùi
Văn Phú: Bao
giờ ông dự định trở về Việt Nam?
Nguyễn
Chí Thiện: Khi
nào Việt Nam có tự do ngôn luận thì tôi về. Bây giờ không còn cộng sản nữa, nó
chỉ mượn danh cộng sản để cai trị thôi.
Bùi
Văn Phú: Sao
không phải là lúc này?
Nguyễn
Chí Thiện: Về
bây giờ không được. Nếu về bây giờ tôi không làm được cái gì trong nước. Hoạt
động chính trị tôi không thích vì từ nhỏ đã không thích. Giả sử có muốn thì
tuổi già, sức yếu rồi làm sao tôi lăn lộn được. Tôi quan niệm hoạt động chính
trị là phải hoạt động bí mật trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, chứ không phải
ngồi ở nhà bị canh gác, đi một bước bị theo dõi, người nào đến họ muốn cho gặp
thì mới được gặp. Hoạt động chính trị như thế không ăn thua gì. Phải sống lén
lút, sống bí mật thì tôi không làm nổi nữa. Tôi về nước thì cũng vì thương nhớ quê hương, nhớ bạn bè
còn sống, về muộn quá thì họ chết hết. Sợ có khi mình chết mà chưa được về. Tôi
chỉ mong mau có tự do ngôn luận thì tôi về vì tôi cho rằng đó là thứ tự do hàng
đầu.
Bùi
Văn Phú: Tức
là nhà nước không cho ông về?
Nguyễn
Chí Thiện: Nhà
nước không cho tôi về. Mà giả sử nhà nước có cho tôi về, tôi cũng không về bây
giờ vì tôi không chịu được cảnh về rồi mấy ông công an lại gọi lên đồn, lên bộ
hạch sách, đi một bước có người theo dõi một bước.
Bùi
Văn Phú: Có
một số văn nghệ sĩ đã về mà họ đâu có gặp vấn đề gì.
Nguyễn
Chí Thiện: Họ
không có vấn đề gì vì thực sự thơ văn của họ có gì chống đối đâu.
Bùi
Văn Phú: Cũng
có nhiều người đã từng sáng tác thơ, văn, nhạc chống cộng sản đã về rồi đấy
chứ.
Nguyễn
Chí Thiện: Tôi
thấy có ít người như thế, phần nhiều là những người viết văn chương bình
thường, không có gì nặng nề lắm thì nó cho về. Những người đó về thì lại giao
du với những ông nhà văn trong nước thôi, chứ đâu có giao du với những nhà hoạt
động dân chủ. Các ông ấy về gặp những ông trong Hội Nhà văn như Nguyên Ngọc,
như ông Trần Văn Thuỷ làm phim Chuyện tử tế, như Bảo Ninh, Nguyễn Huy
Thiệp, Hoàng Cầm thì đâu có sao đâu, gặp toàn những ông khuất phục chế độ cả.
Bùi
Văn Phú: Nếu
ông về thì ông sẽ gặp những ai?
Nguyễn
Chí Thiện: Nếu
về thì tôi phải tìm đến những người bạn cũ của tôi là những người tù trước
tiên, họ chẳng có danh tiếng gì cả. Sau đó tôi muốn gặp những người có lòng với
đất nước, như đến chào Thầy Thích Quảng Độ, tôi quen với vợ ông Nguyễn Đan Quế
là chị Tâm Vấn thì tôi phải đến nhà ông Quế chơi, tôi quen với ông Hoàng Minh
Chính thì tôi cũng phải đến thăm ông ấy. Rồi những anh em trẻ hoạt động, tôi
cũng muốn đến để tìm hiểu chứ, xem họ hoạt động như thế nào. Những điều đó tôi
muốn làm thì tôi không được phép. Hơn nữa về mà đi một bước người ta theo một
bước thì về làm gì. Mà đối với những thủ đoạn cộng sản, nhiều khi nó làm mình
mệt. Nó chẳng cần làm gì cả, chỉ cần đến sân bay họ đuổi mình ra. Bây giờ bảo
tôi tốn 20 tiếng đồng hồ, về đến sân bay họ đuổi mình ra thì có chết dở không.
Bùi
Văn Phú: Như
thế ông là một thi sĩ, một nhà văn hay một nhà tranh đấu, hoạt động chính trị?
Nguyễn
Chí Thiện: Tôi
chỉ là một người làm thơ và viết văn thôi, thế nhưng trước tình hình đất nước,
trước cảnh dân mất hết nhân quyền thì dù mình là người dân, chứ chưa phải nhà
thơ, nhà văn thì mình phải lên tiếng. Tôi nghĩ ai cũng có quyền lên tiếng dù
không làm chính trị, kể cả những nhà tu hành cũng phải lên tiếng, vì sống trong
chế độ mà cứ ngậm miệng ăn tiền thì không được rồi. Vì nhiều người ngậm miệng
ăn tiền quá, nhiều người sợ hãi quá, không muốn lôi thôi nên độc tài mới tồn
tại. Nếu nhiều người thấy đất nước tệ hại như vậy và đồng thanh lên tiếng, đồng
thanh phản đối thì độc tài nào cũng phải đổ thôi. Tôi đâu có làm chính trị. Mà
làm chính trị chưa chắc đã là điều xấu. Nhưng có điều là tôi thấy dân oan biểu
tình vì bị cướp nhà đất, dân đau khổ như vậy mình cũng phải lên tiếng chứ. Dịch
một bài “Dân chủ là gì?” mà bỏ tù người ta năm, sáu năm. Trong khi các ông ấy
tham nhũng tàn bạo, người ta đi cứu lụt các ông ấy không cho cứu mà bảo phải
đưa tiền cho các ông ấy đi cứu. Những người như Lê Thị Công Nhân có tội gì đâu
mà cũng bỏ tù người ta. Tất cả báo chí không có một tờ nào của tư nhân cả.
Những
cái vô lí như thế mình phải lên tiếng chứ, có phải là làm chính trị đâu. Lên
tiếng phản đối chứ mình đâu có muốn lên nắm chính quyền đâu. Làm chính trị đúng
nghĩa của nó là phải mơ đến việc nắm chính quyền. Chẳng có đảng phái nào không
mơ nắm chính quyền hết. Còn tôi, tôi có mơ nắm chính quyền đâu, tôi có vào đảng
phái nào đâu. Tôi chỉ là người thấy bất công tôi nói, mà không phải bây giờ tôi
mới nói, tôi đã nói từ những năm 60 và đã chịu trả giá, thì đến bây giờ nếu còn
gì xấu mình phải tiếp tục nói, mong cho mọi người biết, vì yên lặng là đồng loã
với tội ác đấy.
Bùi
Văn Phú: Ông
từng nói là chúng ta sẽ sống lâu hơn chủ nghĩa cộng sản. Ở những nước khác chế
độ cộng sản đã hết, còn trên đất nước Việt Nam thì sao?
Nguyễn
Chí Thiện: Trên
đất nước mình thì phải nói là chủ nghĩa cộng sản nó cũng đã hết rồi. Vì chủ
nghĩa cộng sản có hai phần, một phần là kinh tế thì phần đó đã mất rồi. Kinh tế
chỉ huy không còn nữa ở hạ tầng cơ sở. Còn thượng tầng về văn hoá, chính trị
thì chủ nghĩa Mác muốn xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, mà những con
người mới là những con người máy. Vì thế trong quá khứ, nhạc như “Suối Mơ” của
Văn Cao cũng bị cấm hết vì bị cho là yếu đuối. Còn bây giờ về mặt xã hội, sống
hoàn toàn theo tư bản: nhảy đầm, hộp đêm, vũ trường, bia ôm, các thứ ăn chơi,
thi hoa hậu, sinh hoạt còn ghê gớm hơn xã hội tư bản nữa. Những mặt đó thì
không thể gọi là xã hội cộng sản trên lí thuyết.
Bây giờ chỉ còn độc tài, độc đảng để
duy trì quyền lực.
Quyền lực đối với họ là quyền lợi. Họ duy trì để kéo dài được ngày nào hay ngày
ấy chứ không còn gì là cộng sản. Nhưng tại sao họ vẫn giữ cái mác cộng sản, vẫn
bảo vệ chủ nghiã Mác, vẫn giữ nhãn hiệu Hồ Chí Minh, là vì nếu bây giờ anh là
đảng viên cộng sản, vẫn tự hào về hai cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, coi đó
là cái giá họ đã trả để cầm quyền, thế bây giờ tuyên bố không còn chủ nghĩa
Mác-Lê nữa thì sự tồn tại của cái Đảng Cộng sản trở thành vô nghĩa. Nếu thừa nhận cộng sản là sai
trái thì họ phải thừa nhận chuyện đánh miền Nam, gây chết chóc cho 4, 5 triệu
người là hoàn toàn vô lí, rồi những chuyện như đánh tư sản, cải cách ruộng đất
là có lỗi. Bây giờ những giáo điều như “thiên đường cộng sản”, “làm theo
năng lực hưởng theo nhu cầu”, “thế giới đại đồng mọi người là bạn” thì trong Bộ
Chính trị có ai còn ngu tối mà tin tưởng nữa đâu.
Bùi
Văn Phú: Năm
nay đã gần 70 tuổi rồi nhưng ông vẫn sống một mình. Trong cuộc đời, ông đã bao
giờ có một bóng hình nào không?
Nguyễn
Chí Thiện: Hồi
thanh niên cũng có vài ba bóng hình. Nhưng hồi đó không như bây giờ tự do yêu
thương, tôi chỉ yêu thầm, yêu vụng mà nhiều khi mình không được đáp lại, có khi
đang yêu chưa đâu vào đâu thì nó đã xách mình vào tù rồi. Phải công bằng mà
nói, đi tù là hết, tù ra thì phải lo kiếm ăn. Ngoài ra còn có cái mộng là trốn
vào Nam, nếu không trốn vào Nam được thì coi như bị chôn sống, ngay ở ngoài xã
hội cũng vậy, coi như mình bị chôn sống. Bằng mọi giá phải trốn vào Nam, thế nhưng
thiên la địa võng không trốn nổi, cho nên ra ngoài tù rồi chỉ nghĩ đến chuyện
đó thôi, không còn nghĩ đến tình yêu nữa. Rồi bị tù tội liên miên, ra tù thì ốm
yếu, người đi không vững thì còn lấy ai nữa, thôi thì cam sống với cuộc đời một
mình cho đến chết, chứ không có tham vọng lấy vợ. Vì tôi quan niệm lấy vợ thì
phải có nghĩa vụ với vợ, dù người ta có quí mình đi nữa thì không lẽ người ta ở
với một ông bệnh nhân à, chính vì thế tôi quyết định sống một mình, chẳng phải
thần thánh gì hay cao đạo như ông Hồ nói đâu. Mình cũng có mọi thứ nhu cầu như
mọi người, bây giờ nhu cầu đó không còn nữa, mà không muốn phiền đến người khác
cho nên sống một mình thôi.
Bùi
Văn Phú: Xin
cám ơn ông. Chúc ông dồi dào sức khoẻ và nhiều nghị lực để sáng tác.
Bùi
Văn Phú
Nguồn: © 2007 talawas
[1]Đây
là bản dịch tiếng Anh của tập truyện Hoả Lò do Tổ hợp Xuất bản miền Đông Hoa Kỳ
in lần đầu tiên năm 2001, tái bản năm 2007. Bản dịch có sự đóng góp của Nguyễn
Ngọc Bích, Trần Văn Điền, Vann Saroyan Phan và Nguyễn Kiếm Phong.
[2]Le
bateau ivre (1871)
[3]Tập
thơ đầu tiên của Nguyễn Chí Thiện được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1980 nhan đề
Tiếng vọng từ đáy vực do cơ sở Thời Tập in, lúc đó chỉ ghi tên tác giả là
“Khuyết danh” hay “Ngục sĩ”. Năm 1981 có bản in nhan đề Bản chúc thư của một
người Việt Nam do cơ sở Văn Nghệ Tiền Phong phát hành. Nhan đề Hoa Địa Ngục
được dùng đầu tiên năm 1984 khi Yale Center for International & Area
Studies in bản tiếng Anh Flowers from Hell do Huỳnh Sanh Thông dịch.
No comments:
Post a Comment