Thursday 4 October 2012

THI SĨ NGUYỄN CHÍ THIỆN (GS Nguyễn Xuân Vinh)





GS Nguyễn Xuân Vinh
Posted: 03/10/2012

Người ta có thể dùng nhiều danh từ để gọi Nguyễn Chí Thiện, vì anh là một người đa dạng, từ làm thơ chống độc tài cộng sản, cho đến kiên cường không chịu khuất phục trong lao lý khi anh còn ở trong nước, rồi đến khi ra nước ngoài anh còn đi diễn thuyết khích động tình yêu một quê hương có tự do và dân chủ trong lòng các sinh viên ở các đại học, hay điều trần trước quốc hội các siêu cường quốc về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, điều gì anh làm cũng xuất sắc, nhưng vì tôi biết anh qua những bài thơ chống cộng nẩy lửa khi được đọc tập thơ “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực” lần đầu tiên xuất hiện ở hải ngoại vào năm 1980, nên quen nhắc đến anh như là một thi sĩ có chân tài. Cho đến nay, Nguyễn Chí Thiện đã viết được vào khoảng 700 bài thơ, và qua một phần tư thế kỷ, thơ của anh đã được in dưới đủ hình dạng, trên sách báo hay thành những tập ngắn, tập dài, và được dịch ra thành nhiều thứ tiếng, để phổ biến ở những nước có người Việt tỵ nạn cộng sản cư trú. Bản dịch thơ sang Anh ngữ đặc sắc nhất là bản dịch của giáo sư Huỳnh Sanh Thông và tập thơ song ngữ được Council for Southeast Asia Studies [1] ở Đại Học Yale phát hành vào năm 1984 với tên nguyên thủy là Flowers from Hell/Hoa Địa Ngục để bắt đầu cho Tập sách Lạc Việt. Năm sau đó, 1985, tập thơ được Giải Thưởng Thơ Quốc Tế ở Rotterdam, Hoà Lan, và tên tuổi của Nguyễn Chí Thiện trở nên sáng chói trên vòm trời văn học thế giới khi sách được Đại Học Yale in lại lần thứ hai, và nhiều bản dịch ra các thứ tiếng như Đức, Pháp, … tiếp tục ra đời.

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện bước vào đời sống văn học và chính trị của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản một cách đột ngột, nhưng không phải như là một ngôi sao băng chỉ bừng sáng lên rồi lại heo hút biến mất. Những năm đầu, sau khi thơ của anh được giới thiệu ra ngoài đời, chân dung và cuộc đời ngục tù của anh hiện ra rất lờ mờ, đôi khi có người chỉ dựa vào một câu thơ mà quyết đoán ra tuổi của người viết thì rất có thể nhầm lẫn. Nhưng cùng với sự phổ biến của 400 bài thơ đầu tiên bằng nhiều thứ tiếng, qua những tiếng thơ được đọc lên ở khắp mọi nơi, hình ảnh kiên cường chiến đấu của nhà thơ, đã nói lên sự thật tàn bạo của đời sống dân Việt dưới chế độ cộng sản, đã dần dần hiện ra một cách trung thực và, kể từ ngày mồng Một tháng Mười Một năm 1995 khi, dưới áp lực của nhiều đoàn thể chính trị và sự vận động của nhiều nhân sĩ Hoa Kỳ, cộng sản Việt Nam phải để anh ra nước ngoài theo chương trình HO, và sau đó Nguyễn Chí Thiện đã có dịp đi khắp năm châu để gặp gỡ và nói chuyện với đồng bào đã qúy mến và chờ đón anh, thì giờ đây ta có thể nói là, trong thi đàn tiếng Việt, thơ của anh được nhiều người đọc nhất và cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản đã dành cho anh một sự ngưỡng mộ khác thường. Để giới thiệu thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, phần tiểu sử vắn tắt của nhà thơ ghi dưới đây đã được dựa lên những tài liệu chính xác nhất mà người viết nhận được [2].

Nguyễn Chí Thiện sinh ngày 27 tháng Hai năm 1939 ở Hà Nội, thân phụ là một tiểu công chức, tòng sự tại toà án của thành phố, và thân mẫu buôn bán thêm để phụ giúp vào sự chi tiêu của gia đình. Anh là con trai út trong nhà, ở trên có hai người chị và kế đến là một người anh trai là ông Nguyễn Công Giân, sinh năm 1932, sau này là một trung tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Sau khi miền Nam sụp đổ, người anh cũng phải đi các trại tù cộng sản mười ba năm (1975-1988) trước khi được đi định cư cùng gia đình ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ vào năm 1993 theo chương trình HO. Nhà thơ học xong trung học năm mười bẩy tuổi (1956), nhưng sau đó anh nhiễm bệnh phổi, và theo gia đình về Hải Phòng nên từ đấy anh chỉ tự học để trau dồi thêm kiến thức, đặc biệt là môn Pháp văn mà anh nói và viết được khá thông thạo khi quen biết và trao đổi với một số cựu chiến binh Pháp đã chọn ở lại Việt Nam sau chiến tranh.

Trong khoảng thời gian ba mươi năm, từ năm 1961 cho tới năm 1991, Nguyễn Chí Thiện bị nhà cầm quyền cộng sản bắt ba lần và bị giam giữ trong ngục tù một thời gian tổng cộng là hai mươi bẩy năm chỉ vì tội đã nói lên sự thực và làm thơ để trình bầy tội ác của cộng sản. Anh chỉ thực sự bị đưa ra toà và kết án một lần về tội phản tuyên truyền cách mạng. Vào khoảng cuối năm 1960, một người bạn là giáo sư môn Sử-Địa bậc trung học đã nhờ anh dậy giúp hai giờ khi ông ta bị ốm. Cuốn sách được dùng cho lớp học là “Cách Mạng Tháng Tám 1945” do nhà xuất bản Sự Thật ở Hà Nội phát hành. Vì thấy cuốn sách đã xuyên tạc sự thật khi viết rằng Đệ Nhị Thế Chiến được kết thúc là nhờ Quân đội Sô Viết đã chiến thắng Quân Đội Hoàng Gia Nhật Bản, nhà thơ với hào khí của tuổi trẻ, và vì tôn trọng sự thật đã giảng giải cho học sinh trong lớp anh dậy biết rằng Nhật đã đầu hàng vô điều kiện với Đồng Minh sau khi Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử lên những thành phố Hiroshima và Nagasaki. Vào khoảng hai tháng sau đó anh bị bắt và đưa ra toà kết án hai năm tù về tội phản tuyên truyền. Trên thực tế, bản án này đã giam giữ anh ba năm và sáu tháng ở những trại khổ sai ở Phú Thọ và Yên Bái. Nguyễn Chí Thiện bắt đầu làm thơ từ dạo ấy. Lần đầu tiên bị giam giữ này anh làm được vào khoảng 100 bài về tình cảnh trại tù và sự giả dối và tàn ác của cộng sản. Đôi khi anh đọc và chia sẻ một cách kín đáo với các bạn tù.

Khi được trả tự do vào năm 1964, anh tiếp tục làm thơ chống cộng và đọc cho nghe với một số bạn thân thường hội họp buổi tối ở các công viên sau những giờ làm việc lam lũ ban ngày để kiếm sống. Thơ của anh được truyền miệng giữa các bạn thân ở Hải Phòng và Hà Nội và đến tai bọn công an để anh bị bắt lại vào tháng Hai năm 1966. Lần này anh được coi như là thuộc thành phần nguy hiểm và không cần xét xử họ đưa anh thẳng tới những trại giam ở Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, xa hẳn những thị thành. Sau mười một năm bị giam giữ, và bị chuyển qua nhiều trại giam, Nguyễn Chí Thiện được tha và trả về nguyên quán vào năm 1977 khi những trại giam ở miền trung du Bắc Việt được chỉnh trang lại để tiếp nhận những tù khổ sai mới thuộc thành phần quân, cán chính của Việt Nam Cộng Hoà sau ngày Quốc Hận 30 tháng Tư năm 1975.

Trong khoảng thời gian bị giam giữ lần thứ hai này nhà thơ làm thêm được chừng 300 bài nữa. Anh có một trí nhớ khác thường, và nhờ cái năng khiếu tuyệt vời này mà không cần giấy bút, Nguyễn Chí Thiện đã có thể làm những bài thơ nhẩm trong đầu, không cần phải đọc ra mà vẫn nhớ lại được. Tuy đã được trả tự do, nhưng đời sống của anh vẫn luôn luôn bị đe dọa, và khi bị coi là “thành phần xấu” mọi hành động của anh đều bị công an theo dõi, nhất là sau trận chiến Trung-Việt, khi vào tháng Hai năm 1979, Trung cộng đưa quân sang xâm chiếm sáu tỉnh thuộc biên giới. Anh sợ có thể bị bắt lại lần thứ ba và nghĩ khó lòng có ngày được trở về, và tìm cách lưu truyền lại đời sau những bài thơ đã làm trong hai mươi năm qua, di sản tinh thần của mình. Để thực hiện ý định này, Nguyễn Chí Thiện đi từ Hải Phòng lên Hà Nội, nơi sinh quán của anh và tìm cách nhờ sứ quán Pháp hay là Anh quốc chuyển thơ của anh ra hải ngoại. Anh để ra ba ngày để nhớ lại và viết trên giấy tất cả 400 bài thơ đã làm. Định mệnh đã giúp cho anh hoàn thành được tâm nguyện khi vào ngày 16 tháng Bẩy năm 1979 Nguyễn Chí Thiện chạy được vào tòa Đại Sứ Anh Quốc ở phố Lý Thường Kiệt và trao tay được cho ba nhân viên ngoại giao của sứ quán tập thơ của anh, kèm theo một bức thư và ba tấm hình với lời yêu cầu được phổ biến ở hải ngoại.

Những bài thơ thống thiết và cay đắng của Nguyễn Chí Thiện đã và sẽ còn làm rung cảm nhiều thế hệ trẻ Việt, dù các bạn đọc bằng tiếng nước nhà hay tiếng nước người. Những bài thơ đó cũng sẽ góp phần cốt cán để làm tan rã một chế độ phi nhân hiện nay đang thống trị trên quê hương ta. Sau chuyến mạo hiểm vào Tòa Đại Sứ Anh quốc ở Hà Nội Nguyễn Chí Thiện bị nhân viên công an canh gác ở ngoài bắt đưa vào nhà Hỏa Lò là trại giam trung ương ở Hà Nội và giữ anh ở đó sáu năm, một nửa thời gian ở kiên giam trong ngục tối. Sau thời gian ở Hỏa Lò, vào năm 1985 anh được chuyển trại về Ninh Bình và hai năm sau, vào năm 1987 anh được đưa về trại Thanh Liệt ở Hà Đông, gần Hà Nội, nơi đây giam giữ nhiều tù nhân chính trị. Sức khoẻ của nhà thơ cũng yếu dần, và ảnh hưởng đến tinh thần và ý chí sáng tác. Vào khoảng thời gian này tiếng tăm của Nguyễn Chí Thiện đã lẫy lừng ở hải ngoại.

Nhờ sự can thiệp và theo dõi của những cơ quan và đoàn thể quốc tế bảo vệ nhân quyền như Amnesty International và Human Rights Watch mà một phần nào sinh mạng của nhà thơ trong ngục tù cộng sản được bảo vệ. Anh được trả tự do năm 1991 và như ta đã biết anh được chiếu khán đi Hoa Kỳ vào năm 1995.

Dù ở trong nước hay ra hải ngoại, con người Nguyễn Chí Thiện không bao giờ ngừng sáng tác. Trong khoảng thời gian từ năm 1977 cho đến năm 1988 anh viết và nghĩ thêm được trong đầu chừng 400 bài thơ. Khi được trả tự do vào năm 1991 anh cố nhớ lại và chỉ còn nhớ được 300 bài và được anh viết lại trên giấy khi tới Hoa Kỳ và toàn tập thơ Nguyễn Chí Thiện có 700 bài sẽ được in ra trong năm nay. Vào năm 1998 Nguyễn Chí Thiện được Văn Bút Quốc Tế bảo trợ để sang Âu châu nghiên cứu và thuyết trình ở nhiều nơi và trong khoảng thời gian ba năm (1998-2001) sống ở Pháp anh đã viết sáu truyện về đời sống trong tù ở Hỏa Lò. Tập truyện “Hỏa Lò” đã được Cành Nam ở Arlington, Virginia xuất bản năm 2001, và một ấn bản được giới thiệu kỳ này ở Úc châu. Tôi đã viết mấy lời giới thiệu tác giả cho ấn bản văn xuôi này và gọi anh là thi sĩ. Như vậy có gì là nghịch lý hay không? Tôi nghĩ là không. Vì văn tức là người. Tôi đã viết mở đầu là Nguyễn Chí Thiện là một người đa dạng. Anh nói cũng dễ dàng như anh viết. Và khi Nguyễn Chí Thiện nói hay viết dù bằng văn xuôi hay văn vần, điều truyền đạt tới người nghe hay người đọc, cũng đều là những lời tâm tình trung thực đáng để chúng ta lắng nghe.

GS Nguyễn Xuân Vinh

Nguồn: anhduong.net

[1] Theo đề nghị của giáo sư Huỳnh Sanh Thông chúng tôi giữ nguyên bằng tiếng Anh tên gọi của Hội Đồng này ở Đại học Yale.

[2] Tài liệu về Nguyễn Chí Thiện được bà Jean Libby chuyển cho người viết.








No comments:

Post a Comment

View My Stats