Saturday, 6 October 2012

TÍNH THIỆN - SỰ CHÂN THẬT CHỈ LÀ MỘT (Phan Nhật Nam)





October 6, 2012 9:00 AM

Lời người viết: Người Bạn Trần Phong Vũ đã viết đủ trong “Nghĩ về Nguyễn Chí Thiện” (NV số 8339 ngày 6 tháng 10/2008), nhưng Trần Huynh chưa đề cập đến những “chung quanh, đằng sau Nguyễn Chí Thiện”, bài nầy vì thế năm 2008 được viết nên để bổ túc. Và hôm nay, Ngày 2 Tháng 10, Năm 2012, Thi sĩ đã ra đi về cõi Vĩnh Hằng Trong Vinh Hiển Hồng Ân Thiên Chúa. Những cáo buộc trước kia về Nguyễn Chí Thiện THẬT/GỈA lộ nguyên trạng chỉ là biểu hiện của Sự Ác. Người viết nhận thấy cần phải lên tiếng thêm một lần – Lần Cuối cùng bởi SỰ THẬT LỚN NHẤT LÀ CÁI CHẾT. NGUYỄN CHÍ THIỆN VƯỢT QUA, LÊN CAO SỰ ÁC NHƯ DANH TÍNH CAO QUÝ CỦA ÔNG.

I. Diễn tiến tổng quát:

Tình hình sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội vùng Nam Cali lâu lâu bùng vỡ một vài sự kiện bất thường có tính cách định kỳ, và điểm rõ nét nhất có thể kết luận đối với loạt hiện tượng nầy là tính dân chủ của những hình thức sinh hoạt ấy – Người Việt tự do bày tỏ ý kiến của mình về người/việc xẩy ra trong cộng đồng hải ngoại – Tốt, xấu chúng ta chưa thể đánh giá, chỉ biết đấy là một hiện tượng thường trực, chung nhất.

Khởi đầu từ tháng 9 và hiện đang kéo dài,.. một nhân vật đã gây nên bàn cãi qua các diễn đàn trên hệ thống NET mà danh tính xuất hiện thường xuyên trên trang nhất (và chiếm toàn phần 2, 3 trang trong) của Báo SàigònNhỏ (Nhật báo lẫn Tuần báo) đấy là Nguyễn Chí Thiện. Trước và song song với vụ việc nầy, ông thường có mặt nơi các diễn đàn, hội thảo chính trị… Trở nên là đối tượng nhận được sự hoan nghênh, chào đón nồng nhiệt, lâu dài nhất so với những nhân vật được đám đông biết đến (cho dù là công dân, viên chức của VNCH) suốt từ thời gian ông đến đất Mỹ, 1995 đến nay, 2008. Nhưng đồng thời cũng gặp phải những chống đối do từ những cá nhân, tổ chức khác

– Diễn tiến chống đối nầy có thể tóm tắt theo thứ tự giai đoạn và mang những hình thái, lý do như sau:

1. Giai đoạn 1995-1996: Sự chống đối, phủ nhận đầu tiên khởi từ người, tổ chức của báo Vạn Thắng (Hà Lạc Dã Phu Việt Viêm Tử Lê Tư Vinh, Washington DC giữ chức chủ nhiệm); hoặc những người viết như Duy Xuyên (Houston, Texas) với những lý do:

11. Nguyễn Chí Thiện có mặt nơi đất Mỹ (từ 1/11/1995) kia là một “cán bộ (tình báo) cộng sản” giả dạng. Người và tổ chức kể trên “khẳng định”: Có một Nguyễn Chí Thiện “thật”,tác giả tập thơ Vô Đề/Tiếng Vọng Từ Đáy Vực/Hoa Địa Ngục, nhưng người ấy đã bị (cộng sản) giết chết trong trại tù ở miền Bắc Việt Nam, và Nguyễn Chí Thiện “giả” hiện nay thay thế.

12. Tập thơ mang những tiêu đề khác nhau: Vô Đề/Tiếng Vọng Từ Đáy Vực/Hoa Địa Ngục… trên có xuất xứ (từ tinh thần và nội dung) của Huyết Hoa, Đạo Trường Ngâm của Nhà Cách Mạng Thái Dịch Lý Đông A – Nguyễn Hữu Thanh (không rõ năm sinh), nhân vật lịch sử đã gia nhập tổ chức Phục Quốc của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để; thành lập Đại Việt Duy Dân tại Trung Hoa, 1941-1942; bị cộng sản giết năm 1946 cùng lần với nhiều thành viên Duy Dân. Phong trào còn lại những cán bộ cốt cán: Phạm Xuân Ninh, Giám đốc Thanh Niên Thể Thao Bắc Việt (1947); Lê Quang Luật, Đại Biểu Chính Phủ (1954); Nghiêm Xuân Thiện, chủ nhiệm báo Thời Luận (Sàigòn, 1963); Ngọc Hoài Phương, Chủ Nhiệm Báo Hồn Việt (CA) hiện nay lúc ấy giữ nhiệm vụ thư ký tòa soạn. Cao điểm của tố cáo nầy là một bài viết của Giáo sư Trần Ngọc Ninh đăng trên báo Vạn Thắng về sự mạo danh của NCT (dụng thơ của họ Lý). Sau đó, giáo sư TNNinh đã có lời đính chính về sự nhầm lẫn của mình.

13. Nhóm nầy đánh giá, Hoa Địa Ngục II (Hạt Máu Thơ), US.1996 chỉ là những “bài vè” (cốt để) nối kết giòng thơ “đánh tráo, giả danh” kể trên #12
Chúng tôi gọi nhóm nầy là “
Nhóm chống đối/Lý Lịch/Chính Trị/Văn Học”.

2. Giai đoạn 2001-2008. Sau một thời gian im lặng khi báo Vạn Thắng không còn hoạt động, những thành viên gốc quân đội (Bạn thân, cùng khóa sĩ quan, cùng đơn vị nhảy dù với người viết-PNN) dần rời bỏ tổ chức. Những năm 2001, 2006… vấn đề NCT dần trở lại khi ông ra mắt Hỏa Lò (Tập Truyện, NXB Cành Nam, TH/XB/MĐHK, VA, US. 2001), và quan trọng hơn là Hoa Địa Ngục Toàn Tập (NXB Cành Nam, TH/XB/MĐHK, VA, US.2006). Lần nầy, phía chống đối tấn công với ý hướng mới: Chấp nhận có một Nguyễn Chí Thiện “thật” do, từ lý lịch gia đình, cá nhân, nhưng vẫn không là “Nguyễn Chí Thiện thật của Hoa Địa Ngục (I) – Và thời điểm, sự kiện đưa tập thơ Vô Đề/Hoa Địa Ngục vào Sứ Quán Anh ngày 16/7/1979 cần phải được xác chứng lại để minh định: Ai là tác giả đích thực của những giòng thơ bi tráng hào hùng kia.

Năm 2008 vấn đề trở nên quan trọng hơn qua loạt bài của người viết tên là Trần Thanh, phổ biến trên hệ thống NET và gởi đến tòa sọan SGN (Garden Grove, CA) khiến Chủ biên Hoàng Dược Thảo chú ý, dẫu “không hiểu tại sao có hiện tượng (xét lại thật hay giả)” nầy – Đào Nương, Những điều nên nói “Chuyện Dài… Ông Nguyễn Chí Thiện”, SGN số #14; 9/4/2008. Từ khởi đầu “không biết từ đâu” của ngày (9/4) trở thành biếm nhẻ “Thi Sĩ hay “Vè Sĩ” qua bài viết của Triệu Lan mà người chủ biên dẫu “không biết rõ xuất xứ” nhưng đánh giá, “những dẫn chứng (của người viết nầy-TL) thì rất xác đáng và hiện thực”. Và mong nhận được bài trả lời của ông NCT – Một người mà Đào Nương không xa lạ và (không) ác cảm gì. Báo số #21; 9/13. Sự cáo buộc không ngừng ở phạm vi chữ nghĩa (Thi sĩ/Vè sĩ -Thơ hay/Thơ dở), tiến tới đánh giá tư cách, tính hạnh của người gọi là “Thi sĩ/Vè sĩ” kia với xác định: “ông Nguyễn Chí thiện là một người gian dối, không lương thiện”; “Thi sĩ/Vè sĩ” thật chân tướng là “Láo Sĩ”. SGN số #32; ngày 9/28. Và cuối cùng, qua bài viết liên tiếp trong những số báo 32, 33, 34, 35, 36, 37… với lời mời (mang nội dung, tinh thần có tính cách bắt buộc): Ông Nguyễn Chí Thiện (phải) chấp nhận một cuộc “giảo nghiệm chữ viết” để làm sáng tỏ một “Nghi Án Văn Học” – Ai là tác giả thực sự của Vô Đề/Hoa Địa Ngục/Tiếng Vọng Từ Đáy Vực – Tập thơ mà ông Nguyễn Chí Thiện (“thật” của hôm nay) đã đưa vào Tòa Đại Sứ Anh tại Hà Nội ngày 16/7/1979 mà hiện đã được Bộ Ngoại Giao Anh hoàn trả (Tổng Thư Ký Đinh Quang Anh Thái, Việt Tide, Westminster, CA mang lại tại địa chỉ 4117 McFadden, Santa Ana 92714 #410 trao tận tay cho Ông Nguyễn Chí Thiện–PNN). Cuối cùng, vấn đề được bạch hóa không phải là văn học, thơ phú nữa, Nguyễn Chí Thiện “hiện nguyên hình với dấu ấn trên trán “Made in Yết Kiêu – Triệu Lan; SGN # 257; 10/4” – Có nghĩa, NCT là một cán bộ tình báo cộng sản được huấn luyện ở Trung tâm phản gián Yết Kiêu, Hà Nội. Hơn thế nữa, anh ông Thiện, Trung Tá Nguyễn Công Giân, Phòng II/BTTM/QLVNCH theo phát hiện “mới nhất” đã đi Hà Nội hai lần, 1958 và 1972 (ĐN, SGN # 37; 10/4). Và toàn bộ bài viết về, của NCT… “sáng hôm nay (10/5) trên Web Site của giáo sư Dan Ruffy (ĐH/Yale), và giáo sư Jean Libby (ĐH/Berkely) đã bị xóa đi… NCT hẳn đã biết số phận mình sẽ ra sao vì, “tôi (ĐN) nghĩ giới hữu trách Hoa Kỳ đã biết ai là giả ai là thật rồi…” (Bold, Italic trong nguyên bản).

Song song cùng lần với vụ việc (nêu trên) của SGN, có những bài viết khác trên hệ thống NET (tháng 8, 9/2008) điễn hình với Tôn Nữ Hoàng Hoa (Texas), Thế Huy (Pháp)… qua phân tích kỹ thuật làm thơ, tu từ, tượng trưng, hư cấu của Nguyễn Chí Thiện trong Hoa Địa Ngục (I), so với Hoa Địa Ngục (II, Hạt Máu Thơ).. Những người nầy đồng kết luận: Nguyễn Chí Thiện “thật” đang hiện diện (giữa cộng đồng) nhưng không thể là “tác giả của Hoa Địa Ngục (I) – Tác phẩm nầy “phải” là của một tác giả Vô Danh.
Chúng ta có thể gọi khuynh hướng chống đối trên đây là:
“Nhóm chống đối/Văn Học/Chính Trị”.

3. Nhóm chống đối/Thuần túy chính trị. Ngoài hai nhóm chống đối kể trên, có những người viết khác, như Nguyễn Văn Chức (Houston, Texas); Đặng Văn Nhâm (Đan Mạch)… cũng thường xuyên nhập trận với những phê phán nặng nề về quan điểm, thái độ, hành vi chính trị của NCT. Những tác giả nầy không chú ý đến yếu tố lý lịch cá nhân, những nội dung (thơ, truyện) do NCT viết nên nhưng đồng có chung một quy kết nhất định (bất khả tương nghị): Nguyễn Chí Thiện là cán bộ “cộng sản nằm vùng”, hoặc là một tên “trá hàng” trong hàng ngũ cộng đồng người Việt hải ngoại do Hà Nội bí mật gài vào qua thủ tục nhập cư hợp pháp ở Mỹ. Cách quy chụp nầy không trưng một bằng chứng cụ thể nào, thiếu tính lý luận, cố ý tấn công, mạt sát cá nhân NCT nên chúng tôi sẽ không đề cập trong bài viết nầy.

Tóm lại, do có những quan hệ cụ thể (tinh thần và vật chất) với Nguyễn Chí Thiện trong một thời gian gian dài (từ 2001), và nay ông ta đã rời khỏi nơi trú ngụ chung (4117 McFadden, Santa Ana 92714 #410 từ 7/2008), nên chúng tôi nhận thấy đã đến lúc có đủ yếu tố khách quan để khỏi mang tiếng “cố ý bênh người cùng nhà” – Đồng thời cũng do quan niệm “phải nói lên những điều nên nói…” như báo SàigònNhỏ hằng chủ trương thực hiện giữa “Người Việt Nam không cộng sản”. Lời cuối cùng, dẫu có thể dư thừa nhưng cũng phải xác định thêm một lần: Chúng tôi không ám chỉ, quy chụp những đối tượng nhắc đến trong bài viết là “cộng sản/cộng sản nằm vùng/tay sai cộng sản” như thói quen quy kết, chụp mũ rất đáng chê trách trong cung cách sinh hoạt chính trị thiếu tính dân chủ và lòng tự trọng (trọng mình và trọng người) thường xẩy ra giữa những cá nhân/tổ chức người Việt”… Mà chỉ do nhu cầu cần làm sáng tỏ những vấn đề từ những cá nhân/cơ quan nầy đặt nên. Chúng tôi không thực hiện lần “binh hay chống” một cá nhân tên gọi Nguyễn Chí Thiện – Nhưng xử dụng chữ nghĩa, tài liệu (hiện có) để trình bày về Một Sự Thật – Và Sự Thật luôn là điều Hợp Lý.

Và thật lòng mong muốn sau bài viết nầy; lần trình chiếu hai Talk Show của Chu Tất Tiến (đã thâu hình) trên hệ thống SBTN (Đề cập đến người/việc liên quan sự kiện NCT); lần hoàn tất thủ tục Giảo Nghiệm Chữ Viết do Chuyên Viên Giám Tự dự trù (nếu được) thực hiện giữa Ông Nguyễn Chí Thiện và Báo Sàigòn Nhỏ – Vấn đề ắc sẽ có một kết luận chung nhất, cuối cùng – Nguyễn Chí Thiện, Ông là Ai? Ai là Thực Tác Giả của tập thơ Vô Đề/Hoa Địa Ngục (I)/Tiếng Vọng Từ Đáy Vực? Lần đưa tập thơ vào Tòa Đại Sứ Anh (16/7/1979) đã (thực) xẩy ra như thế nào? Và tại sao ĐÃ xẫy ra hiện tượng chống đối hôm nay? Tất cả để dồn sức mạnh tổng hợp của Cộng Đồng Hải Ngoại vào những mục tiêu: Hệ thống gọi là cộng sản hiện cầm quyền tại Hà Nội (qua hiện tượng đàn áp Khu Nhà Chung Thái Hà); Và cấp thiết hơn nữa là sự đe dọa (rất có khả năng) đến từ Bắc Kinh với đất, biển quê hương càng ngày càng bị đe dọa, thâu hẹp lại… Mong lắm thay.

II. Nguyễn Chí Thiện, Người Có Thực giữa những người chịu khổ nạn không chấp nhận chế độ cộng sản

1. Về lý lịch, gia cảnh:

11. Nguyễn Chí Thiện, sinh năm 1939, chánh quán Thôn Thượng Thọ, Xã Mỹ Thọ, Huyện Bình Lục, Tỉnh Hà Nam, con Cụ Đồ Nguyễn Công Phụng. Điều nầy được xác nhận không phải ai khác mà là chính người đã mạt sát NCT thậm tệ qua bài đăng trên NET ngày 4/10/08 – Đặng Văn Nhâm: “Đúng, tên Nguyễn Chí Thiện là thật, thật 100%.. Nhưng…” ĐVNhâm xác nhận với Nguyễn Thanh Hùng (Dallas, TX), người thân cận “mầy tao chi tớ” với ĐVN, cũng là người cùng quê với NCTh từ tấm bé. Xác nhận còn nói rõ: “Nó (NCT) thua mầy với tao sáu tuổi (Sinh 1939- pnn)”. NCThiện và NTHùng vẫn giữ nguyên liên lạc (qua điện thoại), hoặc gặp mặt (Lần NCT ra mắt sách Hỏa Lò tại Hội Quán Little Sàigòn, 5/2006). NTHùng là người đọc bài văn tế Chiến Sĩ Trận Vong trong buổi lễ Ngày Tù Nhân Chính Trị VNCH tại Dallas, 4 tháng 10, 2008 vừa qua.

12. NCT sinh tại Phố Lò Đúc (Hà Nội), năm 1957 theo gia đình dọn hẳn về Hải Phòng. Nhưng không phải chỉ đến 1957 NCT mới đi Hải Phòng, cuối năm 1954 đã một lần xuống đấy để đưa người bạn thiếu thời đi Nam: Nguyễn Ngọc Bội (Giáo sư văn hóa Võ Bị Đà Lạt trước 1975); hiện ngụ tại Westminster, CA.

2. Về liên hệ nơi trại tù:

21. Đợt tù đầu tiên (1961-1964/Trại Phú Thọ) do Án Lệnh Tập Trung Cải Tạo (Ba năm/Một lệnh tập trung) bắt đầu áp dụng cho toàn Miền Bắc (vẫn tiếp áp dụng cho cả nước sau 1975) từ Sắc Lệnh “An Ninh Tổ Quốc” – Biện pháp chuyên chế (bắt giam người vô thời hạn không cần án lệnh của tòa) được thi hành sau Đại Hội 3 Trung Ương Đảng (5/1960), tiến tới lần thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (20/11/1960). Lần đi tù nầy gặp Nguyễn Văn Phổ (Con Cụ Nguyễn Văn Vĩnh – Một trong bốn nhà văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ: Phạm Quỳnh-Nguyễn Văn Vĩnh-Phạm Duy Tốn-Nguyễn Văn Tố); Trần Thiếu Bảo, NXB Minh Đức, Hà Nội, nhà in ấn hành Nhân Văn-Giai Phẩm.

22. Lần tù thứ hai (1966-77/Phần lớn thời gian bị giam ở Trại Thanh Phong, Yên Bái), chung với các bạn tù:
- Cụ Vũ Thế Hùng (Nhân sĩ Hà Nội trước 1954); thân phụ Linh Mục Vũ Khởi Phụng (hiện tại là một trong những vị chủ chăn ở Thái Hà); Bà Vũ Triều Nghi (hiện là cư dân San José, Ca). Bà VTNghi đã về VN sau 1991 thăm cụ VTHùng, gặp NCThiện, Phùng Cung.
- Các bạn văn, Phùng Cung, Vũ Thư Hiên (Tù miền Bắc thuộc diện “chống đối văn hóa”)
- Các biệt kích miền Nam, Nguyễn Hữu Luyện, Đặng Chí Bình, Lưu Nghĩa Lương, Lê Văn Bưởi (người biệt kích kiên cường vượt sông Bến Hải ra Bắc từ 6/1961)… Những người thuộc “Nhóm BK – đọc là Bê-Ka/Biệt Kích” sau 1977 chuyển về Trại 5 Lam Sơn, Thanh Hóa (Tại trại nầy, người viết (PNN) lần đầu nghe chuyện kể về NCT: “Đi tù do tội bị “nghi” làm thơ chống đối chế độ (Diện văn hóa)”; chưa xẩy ra vụ việc đưa thơ vào Toà Đại Sứ Anh, 16/7/1979”. Buổi Hội Ngộ Biệt Kích Quân (7/7/2007) tại nhà hàng Emerald Bay (Fountain Valley, Ca), NCT được mời phát biểu về Tinh Thần/Khí Phách của Người Lính Biệt Kích (DVD Đại Hội Biệt Kích ND), ngồi cùng bàn khách danh dự với các ông Vũ Quang Ninh, Nguyễn Hữu Luyện. BK/LNLương (hiện ngụ tại 4117 McFadden, Santa Ana 92714 # 19) vẫn thường giúp đở, đưa đón NCT trong các sinh hoạt hằng ngày do quý trọng phẩm chất, tư cách của NCT thực chứng nơi trại giam từ 30 hơn năm trước.

23. Lần đi tù thứ ba (1979-1991). Lần đi tù nầy chuyển qua nhiều trại: Hỏa Lò (Hà Nội); Thanh Phong, Thanh Cẩm (Thanh Hóa); Thanh Liệt (Hà Đông)… Tại trại Ba Sao (Nam Hà), Hà Nam Ninh, NCT ở tù chung với Linh Mục Nguyễn Văn Lý (Cha Lý chuyển đến trại nầy ngày 8/1/1988 từ trại Thanh Cẩm chung cùm tay (hai người một cùm) với người viết-PNN)

3. Về diễn tiến thủ tục nhập cư vào Mỹ:

31. 11/1995, Nguyễn Chí Thiện đến Mỹ do vận động của Bác Sĩ Norobu Masuoka (Hiện ở San José, Đặc phái viên của chính phủ Mỹ phụ trách những tù nhân đặc biệt), người đã thành công đưa được Thiếu Tá Nguyễn Quý An, (phi công trực thăng bị thương nặng mất hai tay khi cố cứu viên phi công Mỹ); nhà văn Đặng Chí Bình qua Mỹ trong dịp Tết 1993/1994. Đặng Chí Bình, điễn hình thành phần biệt kích bị bắt trước 1968 (không được trao trả theo điều khoản của Hiệp Định Paris 1973 vì khi xâm nhập ra Bắc họ phải giải ngũ khỏi QL/VNCH) chỉ đến Mỹ được bởi kết quả từ vận động nầy (Trước đợt vận động quy mô của Sedgwick Tourison để đưa toàn bộ Biệt Kích Quân VN qua Mỹ). Và cụ thể hơn hết, Đại Tá Norobu Masuoka là người đã vận động đưa Trung Tá Bùi Quyền qua Mỹ gặp Tổng Thống Bush (Bố). Trung Tá Quyền, thủ khoa Khóa 16 Trường Võ Bị Đà Lạt, nguyên tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 ND, Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 2 Dù cho đến Ngày 30 Tháng 4, 1975. Trung Tá Quyền có người con chung khóa phi hành với cựu Tổng Thống Bush (con) ở Texas.

32. Hồ sơ nhập cư INS do người anh ruột thiết lập – Trung Tá Nguyễn Công Giân, Sĩ Quan Quân Báo/Phòng 7/BTTM/QLVNCH, Khóa 4 Thủ Đức (1954). Ông Giân cùng khóa với Cố Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (NCTh đã nhiều lần cùng người anh đến thăm viếng TrTướng NQTrưởng khi người còn sinh tiền); gia đình Trung Tá Giân hiện ngụ tại 11XX Alabama, Hendron, VA 20170. Và cuối cùng, Trung Tá Giân là bạn đồng nhiệm sở tình báo với Đại Tá Lê Đạt Công, Trưởng Phòng 2/Quân Đoàn III- Nhạc phụ của chính cá nhân người viết–PNN.

Từ những yếu tố khách quan, cụ thể kể trên kéo dài từ năm sinh 1939 dài đến hôm nay (2008) với chứng kiến/sống cùng của những bạn hữu thời thơ ấu: Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Ngọc Bội; những bạn văn: Phùng Cung, Nguyễn Hữu Đang, Vũ Thư Hiên; bạn tù: Phan Hữu Văn, Vương Long, Kiều Duy Vĩnh (Sĩ quan Quân Đội Quốc Gia bị tập trung cải tạo sau 1954 ở miền Bắc); Nguyễn Hữu Luyện, Lưu Nghĩa Lương, Đặng Chí Bình.. (Biệt Kích VNCH bị bắt trước 1975); Võ Đại Tôn (sau 1975); LM Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Lễ (Những người tù lương tâm miền Nam bị tù sau 1975).. Và trong thời gian 13 năm nơi hải ngoại (tính đến tháng 8/2008) giữa cộng đồng Người Việt khắp trên thế giới, với những nhân vật thuộc giới văn hóa, chính trị toàn cầu – Nguyễn Chí Thiện thật sự (đầy đủ) xác chứng với chúng ta – Ông là một điễn hình của Lương Tâm, Bản Lãnh Việt Nam tranh đấu cho Tự Do và Dân Chủ.

Cuối cùng, nếu như những yếu tố trên chưa thuyết phục được sự công nhận về chứng chỉ, lý lịch, việc làm của Nguyễn Chí Thiện, chúng tôi xin trình bày biện pháp, yếu tố pháp lý, sự kiện thực tế hầu có kết thúc quyết định vấn đề nầy.

- Xin thông báo đến đến cơ quan FBI về lần nhập cư bất hợp pháp của một “cán bộ (tình báo văn hóa) cộng sản” giả danh Nguyễn Chí Thiện, vì luật pháp Mỹ vẫn còn rất nhiều ràng buộc đối với đảng viên đảng cộng sản khi nhập cư, lúc thiết lập chứng chỉ Thường Trú Nhân, khi tuyên thệ vào quốc tịch. Trong những ngày tới, chúng ta, cư dân tỵ nạn cộng sản của Tiểu Bang California sẽ chuẩn bị đối phó với Dự Luật SB 1322 nhằm hủy bỏ những điều khoản “Cấm hoạt động cộng sản trong trường học.”

- Giáo sư Jean Libby, Đại Học Berkely (CA) đã hoàn tất phần giảo nghiệm hình ảnh của Nguyễn Chí Thiện qua so sánh giữa những bức hình: Một của Nguyễn Chí Thiện tuổi thanh niên (Phụ bản bìa tập thơ Hoa Địa Ngục I) và những ảnh chụp năm 2006 do chính bà bấm máy. Bản kết quả giảo nghiệm thực hiện bởi Viện Giảo Nghiệm Stutchman, 421 Walnut Street, #120, Napa, CA 94559 kết luận: “Có 8 điểm dị biệt đặc thù phân bố trên mặt và trên tai của người đàn ông trong hai tấm hình #1 và #2 và hình in trên bìa sách. Căn cứ trên sự xét đoán, so sánh, và phân tích của bản thân cá nhân, thì tôi có nhận định rằng: Người đàn ông trong những tấm hình chỉ là một người” (Chúng tôi đính kèm bản kết văn quả giảo nghiệm. Về những tấm hình giảo nghiệm, NCT đã trình bày trong một cuộc họp báo chính thức ở khách sạn Ramada, Garden Grove, CA. PNN).

Cuộc giảo nghiệm do đích thân giáo sư Jean Libby lập thủ tục tiến hành (Ngày 3 Tháng 8/2006), vì dẫu rất mến mộ tư cách cá nhân cũng như tài năng của NCT nhưng do tinh thần làm việc thực tế, chính xác của người Mỹ, bà muốn có bảo đảm về lý lịch Nguyễn Chí Thiện (nhỡ sau nầy có những tranh tụng về pháp lý – Như hiện nay đang xẩy ra với vụ việc SGN) trước khi Đại Học Yale tiến hành việc in Hỏa Lò dịch sang Anh Ngữ. Cũng bởi, người Mỹ với tính thuần lý và tâm lý thực tiễn, họ không nghĩ một con người như thế mà sống sót sau 27 năm tù… Lại là tù cộng sản Việt Nam, mà không những chỉ sống sót mà còn viết văn, làm thơ. Nghi ngờ cũng hợp lý đối với những người (dẫu) có hảo ý khác. Và nếu người viết không lầm đó cũng là ý hướng đầu tiên của Báo SàigònNhỏ với Chủ Nhiệm Hoàng Dược Thảo, nhưng qua đến tháng 10/2008 vấn đề tập thơ và sự việc đã được (hay bị) đẩy đi quá xa theo một hướng khác. Chúng tôi trình bày tiếp theo sau.

III. Nguyễn Chí “Thật”/Sống Sót và Nguyễn Chí Thiện“Giả”/Thơ Văn

Khi bắt đầu bài viết, chúng tôi có ý nghĩ, sự việc sẽ được giải tỏa toàn diện khi NCT trình bày bản thảo viết tay (mà bản thân đã xem qua tại nhà riêng, 4117 McFadden #410, Santa Ana trước ngày ông Thiện dọn ra) nhận được từ tay Đinh Quang Anh Thái (7/2008) trước một cử tọa đông đảo thuộc giới truyền thông báo chí (lẽ tất nhiên có tham dự của SGN). Ý nghĩ nầy càng thêm cụ thể khi bài viết của Trần Phong Vũ được phổ biến (Người Việt, 10/6; trên hệ thống NET, 10/4)… Nhưng sự việc không còn giới hạn trong phạm vi thơ văn nữa (Về vấn đề “Ai là tác giả “thật” của Thơ Vô Đề”) mà đã qua một lĩnh vực khác với những khẳng định về tư cách, hành vi chính trị của NCT với những phát hiện mới của SGN (ĐN (nt, #37). Bài viết nầy cần phải viết thêm phần ba để nêu rõ hơn về diễn tiến của Người (NCT) và Việc (Thơ Vô Đề). Nếu những luận cứ cáo buộc trình bày sau đây mâu thuẫn với nhau (Thật/Giả chen lẫn) là do:
 1/Những người (tố cáo) viết nhiều “nội dung/cách thức” khác (biệt) với nhau cho dù cùng nhắm đến một đối tượng duy nhất: NCT và Tập Thơ Vô Đề.
2/Bài họ viết tại những thời điểm khác nhau.
3/Những người nầy trích giải “Thơ Vô Danh/Vè NCT” do những mục đích khác nhau. Chúng tôi (PNN) chỉ là người ghi lại.

Sau đây là những cáo buộc căn cứ từ lời Thơ (Có lúc được xem như là “thật” của NCT; có lúc được gọi là của Vô Danh) Tất cả đồng có mục đích chung kết với ba cáo buộc (không rơi vào một trường hợp nầy thì (phải) rơi vào một “xác định” khác): 1/Đấy là một Nguyễn Chí Thiện “giả”. 2/Nếu là Nguyễn Chí Thiện “thật” thì (lại) mang tội dùng Thơ “thật” của Vô Danh. 3/Nếu là thơ “thật” của NCT “thật” thì thơ đó (phải) gọi là “Vè”. Tóm lại NCT (hiện sống) trước sau chỉ là một “cán bộ tình báo cộng sản trá hình”, làm vè cốt để đóng trọn vai trò của một “Thi Sĩ tên gọi Vô Danh (?) kiên cường chống cộng mà nay đã bị giết chết/hoặc biến mất đâu đó từ một lúc nào không ai xác định (1979?) – Một thi sĩ có ba điều Không: Không tính danh/Không xuất xứ/Không có liên hệ với bất cứ ai đang còn sống, đang viết báo”. Không một ai trong số những kẻ dựng nên vấn nạn Thật/Giả nầy đã một lần nghe, thấy, biết gì về một KẺ VÔ DANH GỌI LÀ NGUYỄN CHÍ THIỆN (THẬT) ấy. Ông Vô Danh xin hãy một lần lên tiếng để nhận lại tất cả những gì mà Nguyễn Chí Thiện (Giả) đã mạo danh ông để chiếm đoạt.

Chúng ta cùng lượt qua những luận cứ cáo buộc.

31: Cáo buộc thứ nhất về xuất xứ: Báo Vạn Thắng (Lê Tư Vinh Chủ nhiệm), thời điểm 1995, 1996 cho rằng, Nguyễn Chí Thiện là “cán bộ tình báo cộng sản giả dạng” mạo Thơ Huyết Hoa, Đạo Trường Ngâm của Thái Dịch Lý Đông A. Cáo buộc nầy không thể đứng vững vì Nhà Cách Mạng Lý Đông A bị cộng sản giết từ 1946. Thơ của họ Lý mang không khí lãng mạn, hùng tráng cổ điển: Ta về đây đứng bên bờ thác Nậm. Mặc heo may hun hút gió hờn oan… Thơ (“tạm” gọi là) của NCT thì đề cập đến thời sự: Khi Mỹ chạy bỏ Miền Nam cho cộng sản… Cả nước thu về một mối. Một mối hận thù. Một mối đau thương (1975). Hoặc miêu tả thực tế đời sống lao tù: Thơ của tôi không phải là thơ.. Tiếng cửa nhà giam đen ngòm khép mở.. (1970)

32: Cáo buộc thứ hai về thể chất: Thơ (cứ xem như “thật” của NCT) nhưng lại không phù hợp với thực tế thể chất của NCT (hiện sống): Thơ của tôi không có gì là đẹp… Như cướp vồ, cùm kẹp, máu ho lao… Căn cứ vào những giòng thơ nầy, có những tố cáo từ nhiều người: 1/TNHHoa (Houston, TX): Nguyễn Chí Thiện không ho lao, NCT khoẻ mạnh, béo tốt… 2/Trần Thanh: Nghi vấn về sức khoẻ (Ông Thiện dỏm rất khoẻ mạnh chớ không bị ho lao…) ĐN trích đăng NĐNN: SGN số # 14; 9/4). 3/Triệu Lan: “thi sĩ, văn sĩ, vè sĩ” Nguyễn Chí Thiện “mang bệnh” ung thư phổi, ho lao, ung thư và bị “tù” 27 năm… nhưng khi NCT bước chân xuống Hoa Kỳ ngày 1/11/1995 trông Thiện phương phi, khoẻ mạnh, với y phục thời trang veston, áo pullover… như một “lãnh tụ” phường tuồng… (SGN # 527; 10/4)… Chúng tôi có thể trích dẫn thêm nhiều cáo buộc về “thể chất” về NCT “dỏm” nữa, những nghĩ đã đủ.

Những suy diễn cáo buộc trên không đúng vì: 1/NCT thật có bị bệnh phổi nhưng ĐÃ CHỮA TRỊ XONG cơ quan IOM mới cho nhập cảnh Mỹ. Y chứng NCT còn sẹo ở phổi, phải chữa trị tiếp trong thời gian ở DC (1995/1996). Và lần ra đi 2 tháng 10 năm 2012 nầy y chứng đã xác nhận do phổi bị thoái hóa, đóng xơ cứng do di căn từ lao phổi trước kia. 2/Những từ ngữ “trào máu; ho lao; gông cùm; cùm kẹp…” thường dùng để chỉ tình trạng tồi tệ về thể chất bị đầy ải mà bất cứ ai khi mô tả, nói về ngục tù cộng sản cũng đều xử dụng đến. 3/Thơ không là hồ sơ y bạ, tiểu thuyết cũng thế… Nhất Linh viết Bướm Trắng với nhân vật chính bị bệnh lao không bắt buộc văn hào họ Nguyễn phải có bịnh phổi. Thanh Tâm Tuyền viết Ung Thư; Solzhenitsyn viết Cancer Ward, chẳng lẽ phải mắc bệnh ung thư? Họa chăng chỉ riêng trường hợp Hàn Mặc Tử với căn bịnh nan y của ông. Quách Thoại chết năm 28 tuổi (1957) vì bệnh lao, nhưng không hề viết một câu thơ liên quan đến máu me, lao phổi mà chỉ viết nên những lời thơ hùng tráng: Trước mặt là cộng sản. Sau lưng là nội thù. Một mình tôi đứng giữa… 4/Thơ (tiểu thuyết cũng thế) không bắt buộc phản ảnh đúng tình cảnh, sinh hoạt thực tế vật chất, tinh thần của người viết nên những nội dung văn, thơ ấy… Tìm đâu ra một một người gọi là Từ Hải như Nguyễn Du mô tả: Râu hùm hàm én… Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao… Nguyễn Du lại càng không phải dạng hình hùng vĩ nầy. Vũ Trọng Phụng là nhà văn mực thước, cổ điển, ông không dính dấp gì đến những nhân vật quỷ quái của Số Đỏ. 5/Nguyễn Chí Thiện không là người “khoẻ mạnh, phương phi”… Những tỉnh từ nầy phải kể về Đại Úy Biệt Kích Nguyễn Hữu Luyện (tù 21 năm, 4 tháng, 14 ngày); tù hơn 16 năm: Thiếu Tướng Tư Lệnh Lê Minh Đảo, Trung Tá Tình Báo Trần Duy Hinh (Hãy nhìn Nhà Văn Thảo Trường, chiến hữu rất đáng hãnh diện của tất cả Người Lính VNCH. Không ai có thể nghĩ rằng đấy là người đã qua hẳn bên kia cái chết tại trại tù Hàm Tân, 1988). Những người tù tồn tại bền bỉ (trong nhà giam cộng sản) không do từ sức mạnh cơ bắp, nhưng từ chiếc đầu nung lửa ý chí của họ. Chỉ có những kẻ hèn kém mới ngã gục, quy hàng trước đói khổ của lao tù do cai ngục cộng sản dựng nên (Kẻ ấy là ai, cuối bài, phần kết luận chúng tôi sẽ chỉ ra, trước đây ở Trại Z30D, Hàm Tân, Thuận Hải). Và cuối cùng, NCT ăn mặc bảnh bao (suy diễn ra do được tình báo cộng sản cung cấp?!).. Chỉ với vài đồng, một, hai chục, chứ không cần phải bạc trăm, bước vào những khu Outlet, hoặc cơ sở bán đồ Clearance, Goodwill.. Tất cả sẽ có đủ. Chúng ta có thể hiểu, kẻ viết nên những cáo buộc mang tính săm soi nhỏ nhặt nầy đang ở Anh, ở Pháp nơi Tây Âu tàn lụi, hết là những “cường quốc thực dân”.

33. Cáo buộc về mâu thuẩn thân thế, tuổi tác, thời điểm sáng tác. Phần nầy, những người nêu cáo buộc căn cứ những câu… “Tuổi hai mươi, tuổi bước vào đời… Tuổi đôi mươi nhìn đời thơ dại… Ngỡ cờ sao rực rỡ…” nên đề quyết rằng: Phải hai mươi tuổi mới làm những câu thơ hàm xúc ấy trong dịp xẩy ra sự kiện 2/9/1945 – Năm 1945 NCT mới 6 tuổi (sinh 1939) – Vậy, Thơ ấy phải do Tác Giả (tên gọi là) Vô Danh. Quả thật, chúng tôi vô cùng não nề khi viết đến những giòng nầy bởi đang phải nói với những con người “quái đản”, đề cập những câu chuyện tầm phào, kiểu cải cọ lý sự những anh tổng lý bang bạnh đâu từ nông thôn miền Bắc đầu thế kỷ 20… Bởi, Thơ không hề là Bản Biên Niên sự kiện chính trị, quân sự, xã hội, ngay cả tiểu thuyết lịch sử cũng không hẳn là phải thế. Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (1902-1977) viết sách Vua Quang Trung đâu phải là người đã tham dự xung trận Hà Hồi (1789); Vũ Hoàng Chương mô tả giờ phút hiễn linh Thượng Tọa Thích Quảng Đức hóa thân trong lửa không hề có mặt tại ngã tư Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng, Sàigòn ngày 11/6/1963. Solzhenitsyn sinh 1918 viết August 1914 để gióng lên phần khởi đầu của cách mạng vô sản 1917. Cũng thế, bản thân cá nhân có đủ thẫm quyền (nếu muốn) để viết về Di Cư 1954 dẫu rằng năm ấy còn trong tuổi thiếu niên đang ở Đà Nẵng. Cáo buộc như thế để làm gì? Viết hai ba trang báo dựng nên những cái gọi là “luận chứng”: Ở Hà Nội năm 1959 không thể có sinh hoạt (qua hồi tưởng của NCT)… Mùa hè ăn bánh tôm bên Hồ Tây. Cô bạn ngồi bên như nàng tiên vậy… để viết lung tung trong một loạt bài viết tố cáo càng ngày càng lộ cách mạ lỵ, vu khống, chụp mũ (sẽ nói ra ở phần kết luận tiếp theo sau). Hoặc “phân tích”: “Ở đất Bắc, thời đó (trước 1954 -PNN) người thanh niên có học, gia đình nề nếp, biết uống rượu, có bạn gái phải là tuổi trên dưới 20…” (Thế Huy, SGN #33; 10/1). Trời đất, vậy phải trình ra Bằng Lái Xe (nếu ở Mỹ), hoặc Chứng Chỉ Căn Cước (VN) trước khi viết thơ về rượu, người bạn gái sao? Chúng tôi có thể nêu danh tính hằng loạt bằng hữu (những người sinh khoảng trước, sau 40) đã ăn bánh tôm, có bạn gái, cùng đi chơi bờ hồ (trước 1954) ở Hà Nội… để thời gian sau có thể viết về kỷ niệm nầy bất cứ ở đâu, ngay bây giờ năm 2008 ở Mỹ. Và cũng không cần nữa, ai cấm Dương Nghiễm Mậu viết “Quảng Trị, Đất Đợi Về (1972)” và Nguyễn Mạnh Trinh viết “Huế, nơi tôi chưa tới…” khi Phí Ích Nghiễm đang ở Sài gòn và NMTrinh biệt phái hành quân chỉ ở Pleiku. Và cô gái Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp vừa đủ 15 tuổi; hai cô Kiều của Nguyễn Du chỉ mới đến “tuần cập kê”… Vậy chẳng lẻ những thiếu nữ lẫy lừng trong văn học, thi ca nầy không là con nhà nền nếp hay sao? Và dù là người trong chế độ cộng sản đi chăng nữa, Dư Thị Hoài vẫn còn khả năng/đầy đủ quyền tự do sáng tác để viết nên những câu thơ thăm thẳm cảm tính, ăm ắp thương yêu: Một lần như đêm nay. Sau phút giây. Êm đềm trên ghế đá. Anh không cài lại khuy ngực áo cho em… (Văn Nghệ, Hà Nội; Số tháng 7/1988) Thế nên không ai có thể truy kết: Dư thị Hoài không là “con nhà nề nếp” vì đã viết.

34. Cáo buộc về thay đổi thể thơ: Trước (Thi Sĩ Vô Danh) làm thơ dài câu, có nhạc điệu, thi tính cao, khẩu khí hùng tráng… Không có gì quý hơn độc lập tự do. Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó. (1968); Sau nầy (“Vè Sĩ” NCT) chỉ có những câu ngắn như vè… Dầu đầu bạc. Dù đói rạc. Dù lực tàn. Vẫn bền gan… (1988). (Thế Huy, SGN #33; 10/1). Chúng tôi có nhận xét từ kinh nghiệm 40 năm cầm bút, đọc sách: Thơ hay/Thơ dở không có nguyên tắc cố định nào để xét nghiệm; người làm thơ một đời chỉ để lại vài câu được đời sau nhớ đến. Anh cũng không thể buộc người khác đồng ý với cách anh bình giải về thơ của một người thứ ba cho dù anh có đủ tư cách của người phê bình văn học lão luyện được xác chứng bởi độc giả qua tác phẩm, quá trình hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Anh càng không có một khả năng nào buộc người khác phải viết và diễn đạt THƠ (của người ta) theo “quan điểm chính trị” của anh?! Ở đâu phát sinh quyền “ngự sử văn nghệ” nơi thế kỷ 21 mà thực chất chỉ là loại “chữ nghĩa” mang ác tâm từ những người gọi là “kẻ nghiên cứu ti tiểu” nầy. Nhưng, NCT cũng đã “làm vè” từ 1970… Vợ con có thể bỏ. Cha mẹ có thể từ. Cộng sản thời sinh tử… Vậy đây là thơ hay vè? Tôi chúng xin trả lời ngay theo ý các anh: Thơ của Vô Danh/Vè của NCT. Xin mách thêm: Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền cũng làm rất nhiều vè khi đi tù vác nứa ở Yên Bái. Chúng tôi ngừng trò vui nơi đây để đề cập đến một màn hài hước cuối cùng…

35. Cáo buộc từ khi ra hải ngoại (1995) không còn (khả năng) làm thơ. Cáo buộc nầy được lập đi lập lại bởi nhiều người do căn cứ trên thực tế: NCT viết tập truyện Hỏa Lò (2006) thay vì tiếp tục làm thơ – Vậy thơ Vô Đề hùng tráng trước kia chỉ là của Tác Giả (tên gọi) Vô Danh – Khẳng định nầy có tính chung quyết. Chúng tôi bổ tức thêm vào luận chứng nầy những cớ chứng: Sau những câu Thơ Lịch Sử: Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư. Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư.. Danh Tướng Lý Thường Kiệt không làm một câu thơ nào nữa! Và nơi vùng Nam Cali nầy, chúng ta phải trả lời sao về trường hợp các Thi Sĩ (Thật Thi Sĩ) tên gọi Trần Dạ Từ, Trần Thị Thu Vân, Đỗ Quý Toàn, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Đình Toàn… ba mươi ba năm không (tiếp tục) làm thơ nơi đất Mỹ?! Và sau đỉnh cao Ta Về thì Tô Thùy Yên hình như cũng cất bút… Như vậy là thế nào? Và không những đối với Thơ, những bạn của chúng ta, Vũ Thành An, Từ Công Phụng… những giòng nhạc trữ tình bất diệt của Miền Nam đã viết gì về tình yêu sau mấy mươi năm ở Mỹ? Và trái lại, chỉ khi trên đất Mỹ, vào buổi cuối đời Mai thảo, Võ Phiến mới làm thơ… Vậy trước kia họ là ai? Chúng tôi không đủ cố gắng để kéo dài thêm màn khôi hài rất nhạt do những kẻ tiểu tâm, trí đoản.

IV. Kết Luận.

Trước khi bài viết kết thúc, chúng tôi xin trưng một tài liệu liên quan đến vụ việc (NCT/Giả/Thật/Thi Sĩ/Vè Sĩ) và một đề nghị. Tài liệu ấy là: Chứng Thư của Chuyên Viên Khảo Nghiệm Thủ Bút Dorothy Brinkerhoff (Trung Tâm Giảo Nghiệm Quốc Gia) Văn Phòng 4316 Boyar Ave, Long Beach, CA90807 gởi đến Ông Joe Nguyễn (Giáo sư, Nhà báo Nguyễn Sỹ Hưng) 3024 East Anaheim, Long Beach, Ca 90804. Chứng Thư có kết luận như sau: “Căn cứ vào những điểm tương đồng trọng yếu giữa tài liệu cần giảo nghiệm trong Văn Bản A và những mẫu ghi chép trong Văn Bản B, theo ý kiến của cá nhân tôi, người viết (cần được minh chứng) viết Văn Bản A và những ghi chép trong Văn Bản B có những điểm tương đồng thích ứng với nhau và chỉ do một người viết.” Chứng Thư Giảo Nghiệm Thủ Bút do Nhà báo, Nhà giáo Nguyễn Sỹ Hưng yêu cầu trung tâm giảo nghiệm thực hiện từ tháng 11/1995 căn cứ trên hai văn bản: Bản A gồm Lá Thư viết bằng Pháp Ngữ trang đầu tập thơ đưa vào Toà Đại Sứ Anh ở Hà Nội ngày 16/7/1979, và photocopy bản viết tay bài thơ Đồng Lầy, bài thơ Trang 21/Đánh số 34. Bản B là photocopy thư viết tay ký tên Chí Thiện gởi đồng bào hải ngoại 11/1995, tuần lễ thứ hai sau khi đến Mỹ của người có tên Nguyễn Chí Thiện. Nhà báo, Nhà giáo Nguyễn Sỹ Hưng do tính thận trọng đã giảo chứng thủ bút của NCT để có xác tín đối với lý lịch, căn cước của một cá nhân đã lập kỳ tích đáng nễ phục: Tồn tại sau 27 năm tù cộng sản với một ý chí tuyên dương Con Người Tự Do. Nhà giáo Nguyễn Sỹ Hưng giữ kín giảo nghiệm nầy do lòng kính trọng đối với Nguyễn Chí Thiện – Đầu tháng 10/2008 ông giao lại cho NCT nhân vụ Báo SGN yêu cầu giảo nghiệm mẫu chữ viết của Thi sĩ/Vè sĩ/NCT Thật/Giả…

Và tiếp đề nghị như đã một lần đề nghị đối với vụ việc giảo nghiệm hình ảnh… Nếu như Chứng Thư Giảo Nghiệm chữ viết nêu trên không đủ yếu tố khả tín để thuyết phục vấn nạn: “Ai viết tập thơ Vô Đề? Vô Danh ông là ai?” thì những người không đồng ý về quyền sở hữu (tập thơ) của NCT xin hãy tập trung tất cả tài liệu có được (về NCT/giả/Vô Danh/thật) gởi đến những cơ quan như Trung Tâm Văn Bút Quốc Gia Pháp, Hòa Lan, Mỹ để những nơi nầy thu hồi những giải thưởng, bằng khen đã phát cho NCT về những văn phẩm đã bị chiếm đoạt từ một tác giả Vô Danh. Cũng cần phải nêu rõ những yếu tố lý lịch, quá trình sáng tác, sản phẩm thành văn của tác giả Vô Danh nầy để các cơ quan hữu trách kia có chứng cớ hành xữ với Nguyễn Chí Thiện giả mạo. Chúng tôi trình bày với ý hướng truy cầu Sự Thật mà Báo Sài Gòn Nhỏ đã nêu ra khi đặt vấn đề từ ngày 4 tháng 9, 2008 nơi trang nhất số báo 14.
Nhưng đến đây, phần cuối của bài viết, tất cả sự việc như trên đã hóa ra điều vô ích! Bởi chúng tôi dần tìm ra/thấy được/biết rõ con người thủ vai trò đạo diễn, diễn viên, khán giả của vỡ kịch “tình báo/văn học gọi là Nguyễn Chí Thiện” mà từ phần đầu bài viết bản thân đã nói lên lời nghi ngại. Nhân vật “sợi chỉ hồng xuyên suốt” kia là Việt Thường Trần Hùng Văn, đầu mối của Triệu Lan, Trần Thành, Nam Nhân, Thế Huy, Trọng Tín…v.v… mà Nguyễn Chí Thiện chỉ là một “Cái Cớ/Cái Cớ xứng đáng nhất”. Và SàiGònNhỏ là một phương tiện/Phương tiện hữu hiệu nhất với 16 trung tâm phát hành toàn nước Mỹ, ba hệ thống xuất bản, nhật báo, tuần báo, và nguyệt san với những cây bút chủ lực, chuyên nghiệp (gồm số đông thân hữu, huynh đệ của người viết, PNN) – Chủ Nhiệm Hoàng Dược Thảo đến đây hẳn hiểu tại sao tôi im lặng đến bài viết nầy trong năm 2008.

V- Hậu Từ:

Chúng ta phải nói rõ về Trần Hùng Văn. Đấy là người đã từng giữ chức phụ tá chủ biên, phụ trách một trang mục của Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Việt Nam. Báo Nhân Dân có chức năng hành chánh như một Bộ, trực thuộc Ban Tuyên Huấn Trung Ương đảng. THVăn là người Hoa chính gốc có người anh là Trần Đại Văn (Sẽ nói chi tiết về người anh nầy, bạn của Nguyễn Chí Thiện). Văn nằm vùng trong Báo Nhân Dân đến năm 1978 (trước lần Tàu đánh VN, 2/1979) thì bị lùa vào trại giam đồng loạt với tất cả những ai có liên hệ đến người Hoa theo chủ trương của Hà Nội; tất cả người gốc Hoa thì bị ghép vào tội “gián điệp thuộc Cục Tình Báo Hoa Nam”. Trong những trại tù đã ở sau giai đoạn 1979 nơi miền Bắc, người viết đã có dịp chung phòng kiên giam, nghe chuyện về những thành phần nầy như Nguyễn Đại Giang, Lê Sĩ Thăng, Thiếu Tá Nhẫn (Trại 5 Lam Sơn, Thanh Hóa); hoặc những người Hoa như Mã Nhì, Lý Trường Trân (Trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa). Năm 1988, tôi từ miền Bắc chuyển vào Trại Z30D (Hàm Tân), tiếp nhận coi thư viện trại do chính Trần Hùng Văn phụ trách trước khi được thả. Ra tù, tôi đến chơi nhà NgĐHải, số 8 Lê Lợi, Sài gòn gặp lại THVăn nơi đây. Gặp lại THVăn, kiểm chứng thêm những thành tích do chính đương sự kể lại lúc ở Trại Z30D… Bắt tình với một nữ cán bộ công trại, đi ngủ với đồ lót của nữ cán bộ nầy úp lên mặt nên bị giam kỹ luật; trong phòng giam kỹ luật đã lớn tiếng chưởi Hồ Chí Minh rất có bài bản nên đã thu phục lòng kính phục của những sĩ quan VNCH cùng bị giam ở trại Z30D. Tài năng và khả năng “chưởi” HCM của THVăn là một điều có thật – Tại sao chưởi? Chưởi để làm gì… Là những điều sẽ được soi rõ ngay sau đây. Những điều do THVăn kể cũng như nghe lại từ những sĩ quan VNCH nơi trại Z30D cuối cùng được hiểu ra như một cách KHỔ NHỤC KẾ rất quen thuộc của người Hoa. Giới tình báo người Hoa lại là những chuyển viên hàng đầu trong nghệ thuật dụng kế sách nầy. Với kế sách “khổ nhục” áp dụng tinh vi nầy, không loại trừ khả năng vận động của Hoa cộng trong hàng ngũ Việt cộng. Đến hôm nay thì điều nầy đã được dẫn chứng cụ thể với cảnh trẻ con Hà Nội đón Tập Cận Bình với cờ 6 ngôi sao; phó thủ tướng Hoàng Trung Hải là một người Hoa chính gốc. Kế sách khổ nhục của Trần Hùng Văn thâu được kết quả trông thấy: Y ra khỏi trại có ngay hộ khẩu thường trú ở apartment trước tiệm Brodard, Đường Đồng Khởi hay là Tự Do trước 1975 và được qua Anh trong một thời gian ngắn. Tại Anh, Văn áp dụng kế sách và khả năng cũ với mục tiêu “chưỡi” HCM. Y chưởi rất thật và rất đúng bởi hai lý do: Báo thù cho anh, Trần Đại Văn phải tự tử vì không chịu nỗi đòn thù của cộng sản Hà Nội trong giai đoạn sau chiến tranh 2/1979; lễ tang của TĐVăn được tổ chức tại Chùa Châu Long, Hà Nội. Mục tiêu thứ hai là để thực hiện chiến lược: KHÔNG AI NGHE, NÓI VỀ HOÀNG-TRƯỜNG SA – Mục tiêu mà Trung Cộng-Việt Cộng hiện nay, 2012 đang áp dụng ở bước cuối cùng. Một danh tính của Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện được đánh đổi bởi mục tiêu chiến lược nầy thì quả thật cũng xứng đáng. Một điều cuối cùng: THVăn đã dựng nên một nhân vật gọi là “VÔ DANH” rất toàn hảo – Bởi đấy chính là Nguyễn Chí Thiện chứ không ai khác, bởi chính y ta đã nhiều lần từ Anh qua Pháp gặp ông Thiện để nói về thơ văn, cuộc sống tại Hà Nội trước kia khi ông Thiện từng có giao tình với cả hai: Trần Đại Văn và người em là… Việt Thường, tức Nam Nhân, tức Lý Quân, tức Trần Thành… toàn là tên Tàu cũng như Vương Đông Hải, Thầu Chín, Tống Văn Sơ, Lý Thụy… của Hồ chí Minh mà nhân viên tình báo cục Hoa Nam tên gọi là Trần Hùng Văn hiểu rõ hơn ai hết.

Ngày về trời của Người Thi sĩ Chiến Đấu cho Quyền Con Người tôi viết lại bài nầy để những kẻ đánh phá Nguyễn Chí Thiện phải biết ngừng tay trước Sự Ác.

California, Ngày 2 Tháng 10, 1012
Phan Nhật Nam







No comments:

Post a Comment

View My Stats