Saturday 6 October 2012

NHỜ ĐÂU KHÔNG MẤT NƯỚC ? (Ngô Nhân Dụng)





Friday, October 05, 2012 7:14:14 PM

Mấy ngày nay, tôi cứ nghĩ đến anh Nguyễn Chí Thiện. Cứ quên đi một lúc lại nhớ; lại nghĩ: Anh Nguyễn Chí Thiện đã đi rồi. Sáng nay, khi nghĩ về anh, tôi chợt nhớ một câu thơ cổ, “Il est mort, le vieux orgeuil chêne de la forêt.”

Ðã chết rồi, cây sồi già kiêu hãnh trong rừng sâu. Tôi không còn nhớ thi sĩ nào là tác giả vì chả bao giờ được học văn chương Pháp. Câu thơ này tôi nghe từ hồi học lớp đệ tứ, đệ tam, khi một thầy giáo Pháp văn lấy làm thí dụ cho một bài dạy văn phạm. Hoặc có thể do một thầy giáo dạy Việt Văn cho thí dụ khi dạy về cách viết văn cho hay. Anh Nguyễn Chí Thiện có lẽ lại biết, vì anh đã học nhiều tiếng Pháp hơn tôi. Nhưng anh đã mất rồi. Nếu thời nhỏ học trường Pháp chắc nhiều bạn phải biết thi sĩ nào là tác giả câu thơ này.

Nguyễn Chí Thiện đã qua đời. Anh đúng là hình ảnh cây sồi già kiêu hãnh trong rừng thẳm. Nhưng nghĩ lại, không nên ví Nguyễn Chí Thiện với một cây sồi, một loại cây miền ôn đới. Một thi sĩ Việt Nam có thể ví anh như cây hoa gạo mọc trên đồi. “Tháng Tư hoa gạo đỏ - Mở cánh ngập đồi xa - Máu hồng tung tóe vỡ - Chân mây thở sáng lòa.” Nhưng chắc Nguyễn Chí Thiện không thích hình ảnh cây hoa rực đỏ, của một thi sĩ mà anh khinh. Anh là một người giản dị, mộc mạc, không phô trương hào nhoáng như cây hoa gạo. Cây hoa gạo cũng không thuộc loại gỗ tốt. Chắc ví anh như một cây đa thì thích hợp hơn. Cây đa vững chãi, bền bỉ, chung thủy, bám lấy mặt đất. Ðó là Nguyễn Chí Thiện. Ðã chết rồi, cây đa cổ thụ ở đầu làng tôi!

Chúng tôi chưa thân đến độ nói chuyện với nhau về sự sống và cái chết. Không bao giờ hỏi nhau đến cuộc sống riêng tư. Chưa bao giờ ngồi nhậu chung, hoặc la cà ở quán cà phê. Mỗi năm chắc chỉ đi ăn trưa với nhau ba bốn lần, không Song Long thì cũng Nguyễn Huệ. Mà đi ăn với anh thì buồn lắm; anh chỉ nhấp qua vài miếng rồi ngưng, coi việc ăn uống là một điều bất đắc dĩ. Tôi chả bao giờ hỏi chuyện về thơ của anh, mà anh cũng vậy. Chỉ có mấy lần nói đến tập hồi ký “Hỏa Lò” mà tôi thấy rất hay. Và anh thì góp ý kiến về những bài bình luận tôi viết. Tôi không thể kể mình là một người bạn thân của anh. Chỉ có một mối giao tình đạm bạc theo lối người xưa: “Kính yêu từ trước đến sau - Trong khi gặp gỡ biết đâu duyên giời.” Gặp gỡ nhau, thường chỉ nói đến những mối ưu tư cùng chia sẻ: Nước Việt Nam, người Việt Nam, tương lai Việt Nam. Ðó là những chuyện chung, của bao nhiêu người, không chỉ riêng chúng tôi. Anh luôn luôn có ý kiến, rất rõ ràng, rất quả quyết, nhưng không cố chấp. Lòng anh cũng thanh thản, không bày tỏ một nỗi thù hận, chua cay nào.

Lần chót anh với tôi nói chuyện lâu là vì anh đọc bài của tôi in trên Ðặc San Bắc Ninh, cách đây ba tháng. Vì bài viết về quá trình Hán hóa miền Nam Trung Quốc đụng tới mối quan tâm chung: Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc hiện nay. Chúng tôi đã nhiều lần bàn bạc, cùng bày tỏ niềm vui khi nói đến những đàn anh như anh Tô Hải, những người cùng tuổi như Nguyễn Huệ Chi, hoặc các bạn trẻ hơn như Ðiếu Cầy, Tạ Phong Tần. Và chúng tôi cùng thấy những người quá lo lắng nghĩ rằng Việt Nam sẽ mất vào tay Trung Quốc là sai; không có gì phải lo cả. Cứ nhìn lại lịch sử nước Việt Nam thì biết. Anh góp ý kiến với tôi về cuốn sách tôi đang viết: Vì sao sau một ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam vẫn còn, nước Việt Nam không mất. Anh cũng đồng ý, đó là một phép lạ lịch sử. Nhưng anh đề nghị cứ gọi đó là phép lạ Việt Nam, không cần nói “lịch sử” nghe nó to, nó lớn quá. Anh vốn là người khiêm tốn; nhưng đồng ý đó là một phép lạ.

Trong Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim viết: “Hết thời Bắc thuộc rồi thì người Giao Châu ta có một cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng để độc lập, chứ không chịu lẫn với người Tàu.” Dân tộc ta vẫn còn vì “cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng.” Nhưng nó là những cái gì? Anh Nguyễn Chí Thiện đồng ý là người miền Lưỡng Quảng, Phúc Kiến, thực ra giống người mình, khác với người Hoa Bắc. Tần Thủy Hoàng là người đầu tiên sai nửa triệu quân xuống xâm chiếm vùng Hoa Nam và bắt đầu việc đồng hóa. Các triều Hán, triều Ðường tiếp tục, kéo dài 2,000 năm. Tất cả những người “anh em họ xa” của chúng ta nay biến thành người Trung Hoa hết. Tại sao dân Việt Nam không mất gốc, không mất nước? Lê Thành Khôi, Lê Mạnh Hùng đều nhắc đến một yếu tố là người mình còn giữ được tiếng nói. Keith Taylor giải thích thêm với yếu tố tôn giáo. Nhưng tiếng nói và tín ngưỡng ảnh hưởng đến sức đề kháng của dân tộc Việt Nam như thế nào? Nguyễn Chí Thiện cũng nghĩ là mình nên tìm hiểu thêm những lý giải cho “cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng” như cụ Lệ Thần đã viết. Anh còn khuyên tôi nên viết thêm về trường hợp những nước như Nam Hàn, Miến Ðiện, Nhật, họ cũng vẫn giữ được độc lập như dân mình. Tôi đã làm theo ý kiến đó.

Rất tiếc, anh Nguyễn Chí Thiện đã qua đời. Nếu anh còn sống, hôm nay tôi sẽ nói với anh một cách thành thật, rằng nước Việt Nam còn được đến bây giờ là vì tổ tiên chúng ta từ 2,000 năm trước đã có những người cứng đầu như anh. Có những người bướng bỉnh, nhất định làm người Việt, không chịu làm người Hán. Trong hàng ngàn, hàng vạn người mới có một người “ngoan cường, bất khuất” như thế. Nhưng hào kiệt đời nào cũng có. Cho nên, dân tộc Việt Nam vẫn còn đến bây giờ. Và sẽ không bao giờ mất.

Trong đời sống bình thường, không ai muốn đóng vai anh hùng. Sống giữa những cái sai, cái ác, người ta vẫn lẳng lặng làm thinh. Vì người ta biết sau cùng những thứ gian tà, độc ác sẽ chấm dứt, sẽ bị lịch sử tiêu diệt. Hoặc vì người ta nhát, không muốn “đa sự.” Nhiều khi những người cương cường bất khuất còn làm cho người chung quanh sợ hãi, rồi vì thế, bực mình.

Như hồi hai mươi tuổi Nguyễn Chí Thiện thấy học sinh được dạy rằng Nhật Bản đầu hàng sau khi bị Hồng quân Liên xô tấn công. Tất cả các thầy giáo, cô giáo cứ phải dạy trẻ em như vậy. Họ biết là sai nhưng cứ phải bịt mũi lại mà dạy như thế. Chỉ có Nguyễn Chí Thiện không chịu. Anh nói lại rằng Nhật đầu hàng vì bị Mỹ thả bom nguyên tử. Nga Xô vẫn còn giữ hiệp ước bất tương xâm với Nhật suốt thời chiến tranh, chỉ sau khi bom nguyên tử nổ rồi Stalin mới tuyên chiến với Nhật.

Có ai bắt anh phải cải chính cho lịch sử hay không? Nhưng Nguyễn Chí Thiện là người như vậy. Cái gánh ở giữa đàng, anh cứ đem quàng vào cổ mình. Anh bị bắt vào tù, nhưng sự thật vẫn là sự thật, anh giữ ý kiến, vì đó là sự thật. Hàng vạn người cứ dạy và nghe người ta dạy những chuyện sai lầm, gian dối cho trẻ em, ai cũng giả dại qua ải. Còn Nguyễn Chí Thiện thì không. Một chế độ chủ trương gian trá thì cũng sẵn sàng làm tất cả những tội ác, giết người khác. Nguyễn Chí Thiện cũng không nhịn được, phải gọi tên Cái Ác. Ở cả miền Bắc Việt Nam có hàng vạn người như anh. Anh là người chịu nhiều cực hình hơn cả.

Trong chúng ta lúc nào cũng có những người cứng đầu, không sợ hãi, không chịu khuất phục. Hồi 1968 tôi đã chứng kiến một cảnh không quên được. Chúng tôi theo lệnh động viên, vào trại Quang Trung để huấn luyện quân sự. Gần 1,000 nhà giáo, từ tiểu học đến đại học, lần đầu tiên mặc quần áo lính. Vào lính được mấy hôm, ai cũng biết thế nào là “kỷ luật nhà binh,” thi hành trước, hỏi lại sau. Phải tuân lệnh, phải chào kính từ ông thượng sĩ thường vụ, ông trung úy đại đội trưởng. Sau vài ngày tập đi đúng nhịp, tập vác súng, hạ súng, xếp súng, tập chạy, tập chà láng nền nhà và cầu tiêu, một buổi tối tập họp, tất cả ngồi xuống đất trong sân tiểu đoàn. Chúng tôi được gặp vị tiểu đoàn trưởng. Trước đó, mọi người chỉ được thấy ông đứng trước cửa văn phòng, đeo kính đen, tay chắp sau lưng, nhìn đám tân binh từ bãi tập trở về, coi đám lính mới chạy ba vòng hay năm vòng, trước khi được tan hàng, chạy vội vào ăn cơm nhà bàn.

Tối hôm đó, ông thiếu tá, tôi quên tên, giảng giải về quân phong, quân kỷ, đạo đức, nghĩa vụ, vân vân. Sau gần hai tiếng đồng hồ ngồi im nghe, ai cũng mệt. Cuối cùng, ông thiếu tá cho biết tiểu đoàn Trần Quốc Toản dự định xây một cái tượng đài vị anh hùng áo vải trẻ tuổi. Và ông đề nghị các khóa sinh, ai sẵn lòng thì góp mỗi người năm đồng, thêm vào quỹ xây tượng đài. Ông thiếu tá nhấn mạnh nhiều lần: Việc đóng góp hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc. Tiếp theo, ông lại giảng tiếp về quân phong, quân kỷ thêm mươi phút; sau cùng, hỏi có ai thắc mắc gì không. Tất cả thở phào sửa soạn đứng dậy, mấy người nói lớn: “Không!”

Bỗng nhiên có một anh giáo sư đưa tay lên: “Tôi có ý kiến!” Tất cả nhìn anh ta kinh ngạc. Sau khi ông tiểu đoàn trưởng mời nói, anh tân binh hỏi: “Thiếu tá nói việc đóng góp năm đồng hoàn toàn tự nguyện, có phải không ạ?” “Ðúng, hoàn toàn tự nguyện.” “Thưa thiếu tá, nếu vậy thì tôi xin nói ngay, tôi sẽ không đóng.” Cả tám trăm người ngạc nhiên, nhìn nhau. Nhiều câu hỏi thì thầm: “Thằng nào vậy? Năm đồng! Chỉ đáng tô phở; làm gì nó phải nói chứ!” “Sao có thằng ngu thế nhỉ? Ngày mai nó cho cả bọn chạy 10 vòng sân tiểu đoàn, chứ không phải ba vòng đâu!”

Lúc đó tôi nhớ, đã ghé tai anh bạn ngồi bên nói nhỏ: Nước Việt Nam bây giờ mình vẫn còn là vì có những thằng như nó đấy. Nếu ai cũng lẳng lặng, người ta bảo sao nghe vậy, thì mình đã thành người Tàu từ lâu rồi!

Phải kể cho đủ công bình: Mấy tháng sau chúng tôi không phải chạy nhiều vòng hơn; cũng không phải vác súng nặng hay hít đất nhiều hơn. Số tiền đóng tổng cộng khoảng 4,000 đồng cũng chừng một tháng lương giáo viên, chẳng lớn gì. Anh giáo sư đó là Nguyễn Lan, người Thanh Hóa. Và anh Lan vẫn được đối xử bình thường, sau ba tháng vẫn tốt nghiệp, trở về Biên Hòa dạy học.

Nghĩ đến Nguyễn Chí Thiện lại nhớ đến Nguyễn Lan. Nước Việt Nam vẫn còn đến bây giờ vì đã có sẵn trong dòng máu những tế bào sinh sản ra người với tính tình như họ. Tổ tiên chúng ta đời xưa chắc chắn phải có nhiều người như vậy. Bây giờ vẫn còn những Ðiếu Cầy, Tạ Phong Tần, Mẹ Nấm, Nguyễn Xuân Diện, vân vân. Dân Việt Nam có “cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng” như Trần Trọng Kim nói. Nhưng có những người mang nặng cái nghị lực và cái tính chất riêng đó nhiều hơn người khác. Nguyễn Chí Thiện đã mang trong dòng máu của anh rất nhiều cái nghị lực đặc biệt đó. Có hàng vạn người cũng như anh, nhưng họ không phản ứng theo lối của anh. Tôi nghe kể có một sĩ quan bộ đội, đi đánh Ðiện Biên Phủ trở về thì ông bố bị tố khổ. Anh đã về làng, tỏ ý ủng hộ bọn chúng nó; anh ra tố cáo tội bố trước “tòa án nhân dân.” Ngày kết án, anh tình nguyện sẽ bắn bố mình. Anh cầm súng, đến bên bố nói nhỏ mấy câu, bắn chết bố, rồi quay lại bắn chết luôn bọn côn đồ, trước khi tự bắn mình. Ðây là một hành động can đảm, đáng kính. Nhưng chỉ là phản ứng trong phạm vi cá nhân. Nước Việt Nam cần những người tố cáo cái ác, cái xấu làm hại cho cả dân tộc. Như Nguyễn Chí Thiện, bền bỉ suốt nửa thế kỷ. Tổ tiên chúng ta chắc có rất nhiều người như anh, cho nên chúng ta không mất nước. Con cháu chúng ta chắc chắn cũng như vậy. Như anh Nguyễn Chí Thiện, chúng ta có thể tin. Nước Việt Nam không bao giờ thành một tỉnh hay một quận của Trung Quốc!






No comments:

Post a Comment

View My Stats