Trung Quốc đang ‘xoay
trục’ về ngoại giao, còn kinh tế thì sao?
Katsuji Nakazawa
| Nikkei Asia
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
Một lập
trường ngoại giao mềm mỏng hơn là không đủ để giải quyết những
khó khăn hiện tại của Trung Quốc
Chính
quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chuyển từ ngoại giao chiến lang
sang ngoại giao nụ cười trước khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng và trong bối cảnh
không thể thúc đẩy nền kinh tế trong nước.
Thái
độ mới đáng ngạc nhiên của Trung Quốc đối với Nhật Bản, Anh, và nhiều quốc gia
khác đã mở đường cho một cuộc tranh luận toàn cầu sôi nổi. Một số chuyên gia
không quen với khía cạnh này của Trung Quốc đang tự hỏi liệu sự thay đổi này có
“thật” hay không, trong khi những người khác cho rằng Bắc Kinh “chỉ đang tạo
dáng.”
VIDEO
:
Trung
Quốc đang 'xoay trục' về ngoại giao, còn kinh tế thì sao?
https://www.youtube.com/watch?v=LhOqTaGSxBY
Ngoài
ra còn có cuộc tranh luận về việc liệu lập trường quốc tế thân thiện hơn của
Trung Quốc có dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ về chính sách trong nước hay
không.
Chính
phủ Trung Quốc đã thông báo sẽ nối lại chế độ miễn thị thực cho du khách Nhật Bản.
Bắt đầu từ thứ Bảy ngày 30/11, người Nhật sẽ được phép lưu trú tại Trung Quốc tối
đa 30 ngày mà không cần thị thực, tăng từ mức 15 ngày trước khi chương trình
này bị hủy bỏ khi đại dịch COVID bắt đầu.
Thông
báo bất ngờ này là tin tốt cho nhiều người Nhật Bản khi họ không còn phải trải
qua các thủ tục xin thị thực rườm rà trước khi lên máy bay đến Trung Quốc.
Thông
báo này được đưa ra một tuần sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba có cuộc
gặp đầu tiên với Chủ tịch Tập tại Lima vào ngày 15/11 bên lề hội nghị thượng đỉnh
Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương.
Thủ
tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba (ngoài cùng bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình (ngoài cùng bên phải) tham dự hội nghị thượng đỉnh song phương tại
Lima, Peru, vào ngày 15/11. (Ảnh của CNS/Kyodo)
Ishiba
đã nhanh chóng hoan nghênh động thái này và cho biết ông “hy vọng hoạt động
trao đổi giữa hai nước sẽ diễn ra sôi nổi hơn nữa.”
Trung
Quốc đã bắt đầu cho phép du khách Nhật Bản nhập cảnh ngắn hạn mà không cần làm
thủ tục xin thị thực vào năm 2003. Sau khi hủy chương trình vào tháng 3/2020,
Trung Quốc đã không khởi động lại nó sau khi nguy cơ COVID lắng xuống.
Những
người chỉ trích ở Nhật Bản cho rằng việc miễn thị thực này diễn ra quá muộn
màng và không thể được gọi là “cử chỉ thiện chí” hay “sự thỏa hiệp” đáng kể vì
Trung Quốc đã miễn thị thực cho du khách từ nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Hàn
Quốc.
Ngoài
ra, vấn đề công dân Nhật Bản bị giam giữ tại Trung Quốc, trong đó có một nhân
viên của hãng dược phẩm Astellas Pharma, hiện vẫn chưa được giải quyết. Người
nhân viên của Astellas đã bị truy tố về tội gián điệp vào tháng 8. Chi tiết về
các cáo buộc vẫn chưa được công bố.
Vấn
đề này khiến các công ty Nhật Bản ngần ngại cử nhân viên sang Trung Quốc công
tác hoặc triển khai thêm nhân viên tại nước này.
Các
công ty Nhật Bản hiện rất lo ngại về luật chống gián điệp sửa đổi của Trung Quốc,
vốn có hiệu lực vào tháng 7/2023. Theo định nghĩa được sửa đổi, gián điệp có thể
được hiểu theo nghĩa rộng.
Khi
Trung Quốc còn tích cực thực hành chủ nghĩa chiến lang, Đảng Cộng sản nước này
đã phản đối mạnh mẽ việc khôi phục chế độ miễn thị thực cho du khách Nhật Bản
lưu trú ngắn hạn. Những người chỉ trích cho rằng làm như vậy sẽ là điều đáng xấu
hổ, vì Nhật Bản không miễn thị thực tương tự cho công dân Trung Quốc.
Việc
khôi phục lại hoạt động di chuyển sẽ đi ngược lại nỗ lực của chính quyền Tập nhằm
thúc đẩy ý thức về sức mạnh cường quốc và lòng yêu nước của người dân Trung Quốc,
cũng như nỗ lực hiện thực hóa “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.” Những
thái độ này vẫn tồn tại bất chấp tình hình kinh tế tồi tệ hiện nay của Trung Quốc.
Một
điểm gây bất đồng khác liên quan đến Quần đảo Senkaku của Nhật Bản, một quần đảo
nhỏ ở Biển Hoa Đông mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Bất
chấp những khác biệt này và những khác biệt khác, Trung Quốc đã quyết định miễn
thị thực cho du khách Nhật Bản lưu trú ngắn hạn.
Có
lẽ có một động cơ thầm kín nào đó. Một nguồn tin ngoại giao Nhật Bản tiết lộ rằng
Trung Quốc đã quyết định bịt miệng các chiến lang, trở nên linh hoạt hơn, và
dùng đến “ngoại giao nụ cười chính xác vì họ đang gặp rắc rối.”
Bắc
Kinh cũng đang thể hiện thái độ tương tự với Anh, nơi họ nhìn thấy cơ hội nhờ
những biến động chính trị của quốc gia này.
Tập
đã gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer vào ngày 18/11 bên lề hội nghị thượng đỉnh
G20 tại Rio de Janeiro. Đây là hội nghị thượng đỉnh Trung-Anh đầu tiên sau sáu
năm.
Keir
Starmer và Tập bắt tay nhau tại Rio de Janeiro, Brazil, vào ngày 18/11. Tập đã
nhìn thấy cơ hội khi Đảng Lao động giành được quyền kiểm soát chính phủ Anh.
Khi
họ bắt tay nhau trước lúc bắt đầu cuộc hội đàm, Tập đã chào Starmer trước bằng
câu “Nihao” đầy thân thiện.
Trong
chuyến công du Mỹ Latinh mới nhất của mình để tham gia hội nghị thượng đỉnh
APEC và G20 hàng năm, Tập đã có các cuộc hội đàm riêng với 16 nhà lãnh đạo nước
ngoài. Ông cũng thể hiện sự thân thiện bằng cách chào hỏi nhiều người trong số
họ trước.
Trong
các cuộc hội đàm với Tập, Starmer đã nêu ra vấn đề nhân quyền, Đài Loan, Biển
Đông, Hong Kong, và một số vấn đề khác. Thủ tướng Anh cũng đề cập đến tình hình
sức khỏe ngày càng xấu đi của ông trùm truyền thông Hong Kong Jimmy Lai (Lê Trí
Anh). Trung Quốc đã cáo buộc công dân Anh này vi phạm luật an ninh quốc gia của
Hong Kong và ông đã phải ngồi tù nhiều năm nay.
Anh,
quốc gia có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, là một phần trong khuôn khổ
an ninh AUKUS cùng với Mỹ và Australia. Trung Quốc đã phản ứng gay gắt với quan
hệ đối tác ba bên nhằm thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do.
Nhưng
với việc cử tri Anh chuyển giao quyền lực từ Đảng Bảo thủ sang Đảng Lao động lần
đầu tiên sau 14 năm, Trung Quốc đã áp dụng một chính sách ngoại giao tích cực
hơn đối với quốc gia châu Âu này.
Tập
đã vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái ở Ấn Độ. Nhưng ông đã có mặt,
bao gồm cả trực tuyến, tại tất cả 11 hội nghị thượng đỉnh G20 khác được tổ chức
kể từ khi ông trở thành tổng bí thư đảng vào tháng 11/2012. Ông trở thành chủ tịch
Trung Quốc vào tháng 3/2013.
Tại
hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro, Tập cũng nêu rõ lập trường của Trung
Quốc về việc coi trọng phương Nam toàn cầu.
Tập
tạo dáng cùng các nhà lãnh đạo G20 khác trong lễ ra mắt Liên minh Toàn cầu Chống
Đói nghèo tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Rio de Janeiro vào ngày 18/11. Chủ
tịch Trung Quốc đang hướng nhiều hơn đến phương Nam để hợp tác. © Reuters
Trong
số tám hành động phát triển toàn cầu được Tập trình bày, có ba hành động liên
quan trực tiếp đến hợp tác với các nền kinh tế phương Nam, bao gồm xây dựng một
trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ cho các nước châu Phi.
Sự
tập trung vào phương Nam toàn cầu có thể mang lại cho Tập một số đòn bẩy trong
việc đối phó với Mỹ, sau khi Tổng thống đắc cử Trump tuyên bố ông sẽ áp dụng mức
thuế bổ sung 10% đối với hầu hết hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ ngay khi
nhậm chức.
Đây
cũng là một phần trong chiến lược “tuần hoàn kép” (dual circulation) của
Trung Quốc, nhằm kết hợp việc xoay trục sang giao thương với các nước phương
Nam với nhu cầu tăng trưởng trong nước.
Nhưng
những động thái nhằm lấy lòng Nhật Bản, Anh, và các nước khác vẫn chưa đủ để giải
quyết những vấn đề nghiêm trọng đang gây ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ hai
thế giới.
Nhu
cầu trong nước của Trung Quốc – một trụ cột của “tuần hoàn kép” – vẫn còn khá yếu.
Và chưa rõ liệu chính quyền Tập có đưa ra các biện pháp quyết liệt hơn để thay
đổi điều này hay không. Một câu hỏi khác cũng cần được trả lời: Liệu Bắc Kinh
có đảo ngược chính sách một cách đáng kể để tạo điều kiện cho các công ty tư
nhân, những công ty nắm giữ chìa khóa tăng trưởng hay không?
Chính
quyền Tập đã tự đẩy mình vào bế tắc từ nhiều năm trước khi tuân thủ chính sách
zero-COVID. Trong nhiều năm, chính sách này đã áp đặt những hạn chế rõ ràng là
quá mức đối với việc đi lại của người dân, gây ra một đòn giáng mạnh vào nền
kinh tế Trung Quốc.
Chính
quyền đã làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế khó khăn của Trung Quốc bằng
cách gây sức ép lên các công ty tư nhân, trong khi ưu ái các đối thủ cạnh tranh
là các công ty nhà nước.
Giữa
bối cảnh những sai lầm này, sự suy thoái của ngành bất động sản đã khiến nền
kinh tế chao đảo.
Việc
khôi phục sức mạnh của khu vực tư nhân là điều cần thiết nếu muốn cải thiện
tình hình kinh tế khó khăn.
Điều
đáng chú ý là Hà Lập Phong, phó thủ tướng kiêm ủy viên Bộ Chính trị, người được
cho là ông trùm kinh tế của Trung Quốc, đã không tháp tùng Tập trong chuyến
công du nước ngoài mới nhất của ông.
Hà
Lập Phong dường như đang gặp khó khăn trong vai trò là ông trùm kinh tế Trung
Quốc.
Trong
nhiệm kỳ thứ hai của Tập, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người giữ vị trí tương tự như
Hà Lập Phong hiện nay, luôn có mặt tại các hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung và nhiều
cuộc họp quan trọng khác.
Lưu
Hạc và Hà Lập Phong đều là những trợ lý thân cận của Tập. Sau khi Lưu Hạc nghỉ
hưu, Hà Lập Phong được cho là sẽ trở thành ông trùm kinh tế tiếp theo của Trung
Quốc, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ trở thành hiện thực.
Sự
vắng mặt của phó thủ tướng trong chuyến công du nước ngoài mới nhất của Tập là
minh chứng cho thấy chính quyền hiện tại ít quan tâm đến nền kinh tế, mãi cho đến
gần đây.
Thất
bại của Tập trong vấn đề này cũng có thể được minh chứng ở thành phần đội ngũ
lãnh đạo hiện tại của ông, vốn thiếu những chuyên gia am hiểu về kinh tế trong
và ngoài nước.
Sự
do dự thiết lập lại nền kinh tế vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng, dù chính quyền Tập
đã thể hiện một bộ mặt hòa dịu hơn trên toàn cầu. Điều này cho thấy Bắc Kinh
đang áp dụng một chính sách xoay trục cho một loạt các vấn đề của mình. Những
người chỉ trích thậm chí có thể lập luận rằng Trung Quốc đang cố gắng vượt qua
cơn bão bằng cách thực hiện các biện pháp tạm thời.
Cơ
hội tiếp theo để kê đơn một số loại thuốc mạnh hơn cho các căn bệnh trong nước
của Trung Quốc có thể đến vào tháng 12, khi đảng dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị
Công tác Kinh tế Trung ương tiếp theo. Cuộc họp thường niên này sẽ định hướng
quản lý kinh tế trong năm tiếp theo.
Tuy
nhiên, hội nghị này cũng có thể mang lại nhiều thất vọng nếu nó chỉ lặp lại các
chính sách được thông qua tại hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng Cộng sản khóa 20 vào tháng 7.
Cần
phải có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách kinh tế.
--------------------------------
Katsuji
Nakazawa
là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông
đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng
văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi Jinping smiles at Japanese visitors
while grimacing at his economy,” Nikkei
Asia, 28/11/2024
No comments:
Post a Comment