« Thiết
quân luật » và thách thức đối với nền dân chủ Hàn Quốc
Trọng Thành
- RFI
Đăng
ngày: 04/12/2024 - 13:27 - Sửa đổi ngày: 04/12/2024 - 14:5
Đêm
03/12/2024, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, trong tình thế bị dồn vào chân
tường sau khi mất đa số tại Quốc Hội và hàng loạt biện pháp gây mất lòng dân,
đã chọn biện pháp liều lĩnh tấn công đối lập, ban hành thiết quân luật, thách
thức trật tự Hiến định. Tuy nhiên, sự đoàn kết của đối lập, sự phản kháng mạnh
mẽ của xã hội dân sự, và sự phản đối ngay trong nội bộ phe cầm quyền đã buộc tổng
thống phải lùi bước ngay sau đó.
HÌNH
:
Các
nghị sĩ Hàn Quốc ngồi trong phòng họp Quốc Hội sau khi tổng thống Yoon Suk Yeol
tuyên bố thiết quân luật, Seoul, Hàn Quốc, ngày 04/12/2024. REUTERS - Kim
Hong-Ji
Vào
lúc 10 giờ 30 tối qua, tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ra lệnh thiết
quân luật. Quyết định của tổng thống thoạt tiên đã được quân đội hậu thuẫn. Với
quyết định này, các chính đảng và Quốc Hội bị đình chỉ hoạt động. Truyền thông
bị đặt dưới sự kiểm soát của tư lệnh quân đội phụ trách duy trì thiết quân luật. Biểu
tình, bãi công bị cấm. Theo tạp chí Anh The Economist, « quyết định
vội vàng và bất ngờ của tổng thống Yoon đã khiến đất nước rơi vào hỗn loạn,
thách thức nền dân chủ Hàn Quốc ». Báo chí Pháp nói đến « sáu
tiếng đồng hồ làm rung chuyển nền dân chủ Hàn Quốc »
Lý
do mà tổng thống Hàn Quốc đưa ra để ban hành lệnh thiết quân luật là «
phe đối lập kiểm soát Quốc Hội bày tỏ thiện cảm với chế độ Bắc Triều
Tiên », « làm tê liệt hệ thống chính quyền bằng các hành động chống
Nhà nước ». Trên thực tế, theo giới quan sát, uy tín tổng thống
Hàn Quốc đang sụt giảm mạnh, với chỉ 20% cử tri ủng hộ theo các thăm dò mới nhất,
so với 53% vào lúc đỉnh điểm. Đảng Dân Chủ đối lập kiểm soát Quốc Hội, ngăn chặn
nhiều chính sách của tổng thống, và đồng thời liên tục gây áp lực đòi điều tra
về các bê bối liên quan đến phu nhân tổng thống và các quan chức cao cấp.
Quyết
định thiết quân luật đơn phương và bất ngờ của ông Yoon có thể xem như hành động
liều lĩnh « được ăn cả ngã về không » của nhà lãnh đạo bị
đẩy vào chân tường. Chính người đứng đầu đảng Quyền lực Nhân dân cánh hữu bảo
thủ cầm quyền của tổng thống Yoon, ông Han Dong Hoon, đã lên án quyết định của
ông là « sai trái » và kêu gọi các lực lượng vũ
trang không tuân thủ các chỉ thị « bất hợp pháp ».
Đây
là lần đầu tiên thiết quân luật được ban hành kể từ khi nền dân chủ được xác lập
tại Hàn Quốc kể từ năm 1987. Tuy nhiên, quyết định thiết quân luật của tổng thống,
được quân đội ủng hộ, đã bị dỡ bỏ sau đó chỉ ít giờ. Chỉ 10 phút sau khi lệnh
thiết quân luật được ban bố, lãnh đạo đảng đối lập Lee Jae Myng đã kêu gọi các
dân biểu họp khẩn tại Quốc Hội trong đêm. Nghiệp đoàn lớn nhất của Hàn Quốc kêu
gọi 1,2 triệu nghiệp đoàn viên biểu tình « vô thời hạn ». Nhiều
cố vấn của tổng thống và thành viên nội các thông báo rời bỏ chức vụ ngay vào
thời điểm đó.
Vào
lúc nửa đêm, khoảng 190 trên tổng số 300 dân biểu có mặt tại Quốc Hội để họp
phiên toàn thể, theo lời kêu gọi của đối lập, trong lúc quân đội tìm cách
xâm nhập vào nhà Quốc Hội, nhưng bất thành. Vào lúc 1 giờ đêm, các dân biểu đối
lập và 19 dân biểu đảng cầm quyền bỏ phiếu thông qua quyết định hủy bỏ thiết
quân luật. Quân đội buộc phải rời khỏi nhà Quốc Hội.
Việc
đối lập, xã hội dân sự và những thành phần tỉnh táo trong đảng cầm quyền đã
thành công trong việc đảo ngược lệnh thiết quân luật của tổng thống Yoon cho thấy
khả năng kháng cự dẻo dai của các thiết chế dân chủ và văn hóa chính trị dân chủ
tại Hàn Quốc. Theo chuyên gia về Hàn Quốc Alexander M. Hynd, kể từ khi chuyển
sang chế độ dân chủ vào năm 1987, Hàn Quốc « đã đạt được những tiến
bộ đáng kể trong việc củng cố nền dân chủ, với một xã hội dân sự mạnh mẽ và gắn
bó ». Nhiều lãnh đạo cao cấp, kể cả nguyên thủ quốc gia, như tổng thống
Park Geun Hye hồi 2017, đã bị phế truất và phạt tù do các tội liên quan đến
tham nhũng.
Quyết
định sử dụng thiết quân luật với hy vọng cứu vãn tình thế của tổng thống Yoon đặt
nền dân chủ Hàn Quốc trước thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, theo The
Economist, trong cái rủi có cái may, biến cố bất ngờ này cũng « có thể trở
thành cơ hội để đất nước suy ngẫm và siết chặt đoàn kết » trong bối
cảnh trong nội bộ Hàn Quốc phân cực chính trị đang ngày càng trở nên sâu sắc với
việc các đảng đối lập « coi nhau như thù địch ».
------------------------------
Các
nội dung liên quan
HÀN
QUỐC - THIẾT QUÂN LUẬT
Hàn
Quốc : Đối lập đòi phế truất tổng thống sau « thiết quân luật »
HÀN
QUỐC - THIẾT QUÂN LUẬT
Phản
ứng quốc tế sau khi tổng thống Hàn Quốc dỡ bỏ thiết quân luật
No comments:
Post a Comment