Friday 24 November 2023

XUA ĐUỔI THẦN CHẾT (Tạ Duy Anh)

 



 

NỘI DUNG :

 

XUA ĐUỔI THẦN CHẾT     

Lão Tạ   (Tạ Duy Anh)

.

Mơ gặp bà nội trong phòng sản phụ (Kỳ 1)  

.

Bà nội đánh “dị ngư” và bông sen trong bụng (Kỳ 2)   

XUA ĐUỔI THẦN CHẾT  (Kỳ cuối)   

.

==============================================

.

Mơ gặp bà nội trong phòng sản phụ (Kỳ 1)  

Lao Ta  (Tạ Duy Anh)

21-11-2023  20:21   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02h16gRjGYWFpWnS35M2uvefbHKhDQq3tUHqK7YYai7ziMief3DUFSdy7e6HKHqkNDl&id=1160946631

 

 

Đầu năm 1994, khi đang còn làm hợp đồng ở Trường viết văn Nguyễn Du, lương 100.000 đồng tháng, tôi liều mạng nghe xui khôn xui dại vay toàn bộ số tiền 30 triệu đồng của người thân, mua một căn chung cư dạng “ổ chuột”, ở phố Tân Mai.

 

Ngay cuối năm ấy tôi đón vợ và con gái từ Cao Bằng xuống.

 

Lúc ấy tôi cũng vừa được biên chế làm giảng viên sau khi trải qua một cuộc thi công chức nên tiền lương của tôi tăng lên 400.000 đồng. Tuy vậy cũng chỉ đủ cho một nửa tháng ba người sống bóp mồm bóp miệng, ấy là chưa kể trung bình mỗi tháng tôi còn phải trả nợ một triệu đồng tiền vay mua nhà. Rồi còn tiền học phí nghề làm đầu của vợ, tôi cũng phải đi vay.

 

Để bù lại, tôi phải làm bất cứ việc gì. Tôi đã từng – qua người quen – đăng ký một chân quét rác đêm ở chợ tạm Tân Mai, với thù lao 300.000 đồng mỗi tháng, danh nghĩa là xin cho vợ làm nhưng tôi định chính tôi sẽ làm. Tôi là nhà văn, có đi quét rác cũng không sao. Mà chắc gì thân phận nhà văn đã hơn một gã quét rác! Cũng coi như mình đi thực tế. Với lại quét về đêm nên không phải đối mặt với người quen. Tôi lại là người có khiếu hài hước, hay tự thích bôi bác mình nên mọi việc sẽ rất nhẹ nhàng.

 

Nhưng ngay cả việc bèo bọt đó cũng không dễ kiếm. Chúng tôi chậm chân nên đã có người khác xí trước mất.

 

Đúng lúc vợ tôi có thể hành nghề gội đầu với hy vọng đỡ đần thêm cho tôi, thì cô ấy phát hiện ra mình có thai. Khi nghe vợ thông báo, tôi không tỏ ra mừng rỡ nhưng cũng không hề phiền lòng. Vợ tôi bảo cứ thong thả, để cô ấy kiểm tra lại rồi sẽ tính. Vì phải thức đêm viết báo nên bệnh dạ dày của tôi, bị đau từ hồi còn trong quân ngũ, từng xuất huyết hai lần, lại có dịp phát tác. Tôi gầy ốm tong teo, y như một cái mắc áo di động. Đó là lý do khi biết vợ tôi có thai, đa số bạn bè khuyên tôi không nên để. Tức là bỏ nó đi, chờ khi nào sức khoẻ tốt, kinh tế khá giả hơn thì hẵng tính đến chuyện đẻ tiếp.

 

Những lời khuyên ấy đều hết sức chân thành, đều xuất phát từ lòng thương tôi. Thậm chí có người còn bảo: “Bây giờ giải quyết đơn giản lắm, vừa mới bị, chỉ 15 phút là xong”. Tôi làm sao lại không biết điều đó cơ chứ. Tôi còn biết kỹ hơn họ vì tôi đã từng đọc những tài liệu loại ấy từ rất sớm, do tò mò và cũng là để phục vụ việc viết lách… Tôi biết rằng chỉ cần đưa vợ tôi đi một lúc là mọi chuyện lại đâu vào đấy. Bản thân vợ tôi cũng không biết phải quyết định thế nào. Cô ấy chỉ chờ ý kiến của tôi.

 

Nhưng tôi chưa định nói gì. Lòng tôi đã quyết nhưng chưa nói thành lời với vợ. Tôi linh cảm đứa con sắp tới của tôi nhất định phải được làm người! Tôi nghe thấy tiếng nói từ trong sâu thẳm tâm can mình như vậy. Tôi chỉ không diễn đạt được dưới dạng ngôn ngữ thôi.

 

Không chờ được do sợ già ngày mới đi hút sẽ nguy hiểm, vợ tôi quyết định lên tiếng trước. Cô ấy hỏi tôi nên thế nào, thì tôi đáp: “Còn thế nào nữa, chửa thì đẻ. Anh thích có một đứa nữa”. Được lời như cởi tấm lòng, vợ tôi bấy giờ mới bộc bạch: “Em cũng nghĩ như vậy”.

 

Thế là chúng tôi quyết định giữ cái thai lại. Điều đó đồng nghĩa với việc vợ tôi không tiếp tục làm đầu nữa, vì sợ ngày nào cũng tiếp xúc với thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Những đồ nghề tôi vay tiền của nhà thơ Dương Thuấn để mua, mới sử dụng được chưa đầy hai tháng, nay phải xếp vào xó. Xếp xó vĩnh viễn vì vợ tôi không bao giờ trở lại nghề gội đầu nữa. Có những thứ đồ nghề của cô ấy, tôi dùng cho đến tận bây giờ.

 

Đêm đầu tiên ở lại trong khoa sản bệnh viện Bạch Mai chờ vợ đẻ, ngoài trời mưa tầm tã, tôi cứ ngồi hết chỗ này đến chỗ khác, nhìn những bà chửa khệ nệ đi lại, trong đó có vợ mình. Khoảng 10 giờ, tôi gặp một bà hộ lý đi từ phòng sản phụ ra. Tôi chỉ kịp thấy bà nhỏ nhắn, mặt nhẹ nhõm và bà cứ nhìn tôi. Lúc đó vợ tôi đang đi đi lại lại. Bỗng bà đến bên tôi hỏi nhỏ: “Đưa vợ đi đẻ à?”.

 

Tôi đáp cho qua: “Vâng ạ”.

 

“Nó kia à?” – Bà hướng về phía vợ tôi.

 

Tôi lại hờ hững đáp: “Vâng!”

 

Thú thực trong thâm tâm tôi nghĩ, chắc bà hộ lý này lại mơi dịch vụ gì đây. Vì thế khi bà quay lại phòng sản phụ rồi trở ra ngay, tôi không có hứng thú theo dõi xem bà định làm gì. Chợt bà vẫy tôi bảo: “Lại đây!”.

 

Tôi và vợ tôi theo bà vào phòng sản phụ. Bà chỉ cho tôi chiếc giường bỏ không, bảo: “Cho vợ chồng mày vào đấy mà ngồi tạm. Nếu không có ai đẻ thì cứ ngủ luôn, qua đêm. Nhớ mắc màn vào kẻo muỗi nó đốt và kẻo ai đó phát hiện ra cái bụng trống kia. Bởi vì giường trong phòng này chỉ dành cho người đẻ rồi. Hiểu không?”

 

Tôi cảm ơn bà trong sự hối hận vì đã trót nghĩ xấu về bà. Tôi mắc màn như lời dặn của bà hộ lý. Vợ tôi ngồi tựa lưng vào thành giường, còn tôi nằm đổi đầu, ngay phía chân vợ. Xung quanh tôi tiếng trẻ sơ sinh khóc choe choé, tiếng những bà sản phụ rên la vì đau, tiếng rì rầm của những người đến trông bệnh nhân, tiếng xé vải, tiếng lau chùi… nghĩa là đủ thứ âm thanh không hề dễ chịu tí nào. Thêm vào đó là mùi máu, mùi băng gạc, mùi thuốc tẩy… cũng kinh hãi không kém.

 

Vậy mà chả hiểu sao tôi lại có thể ngủ ngon lành trong cái căn phòng dành cho người đẻ ấy mới thật kỳ lạ. Đúng ra tôi đặt người xuống là lỉm đi ngay.

 

Nửa đêm tôi choàng tỉnh dậy, ngơ ngác không hiểu mình đang ở đâu mà lắm người đến thế. Tôi thấy vợ vẫn nửa nằm nửa ngồi, miệng xoa xuýt khe khẽ, mặt nhăn nhó, mới nhớ ra là mình đang trong buồng sản phụ. Cô ấy cười như mếu: “Sao mà em phục anh thế, ngủ ngon như ở nhà mình, chẳng còn biết vợ đau đớn ra sao”.

 

Đáp lại lời vợ, tôi hớn hở kể: “Này, anh vừa nằm mơ thấy bà nội đấy. Bà ăn mặc toàn đồ lụa là vàng óng, như bà hoàng ấy. Anh hỏi bà sao bà lại đến đây, thì bà bảo, tao đến thăm vợ chồng mày. Rồi bà quay sang một cái nong to tướng, nơi có lúc nhúc cả bầy trẻ con đang nằm trần truồng, thò tay nhón một đứa, bấm vào dái tai kéo lên, y như xách con mèo ấy. Bà còn giơ cao cho anh xem rõ cái chim, thấy anh có vẻ ưng ý bà mới bảo con chúng mày đây nhé. Nói rồi bà thả thằng cu vào giường nhà mình em ạ, thằng cu hẳn hoi, anh còn nhìn rõ cái ngẩu của nó mà”.

 

Tôi kể lại cho vợ đúng những gì tôi thấy trong giấc mơ mà không hề thêm bớt. Tưởng vợ tôi sẽ phát cáu vì tôi vô tư ngủ, bỏ mặc cô ấy đau đớn một mình, bây giờ lại phải nghe tôi kể về giấc mơ hão huyền bằng thứ giọng hớn hở rất không đúng lúc. Tôi tưởng vợ tôi phải gắt um lên: Anh thôi đi…!

 

Nào ngờ cô ấy rất chăm chú nghe và khi tôi kết thúc thì cũng hớn hở theo, bảo: “Thế à? Vậy thì em chả việc gì phải lo nữa, đã có cụ về đỡ cho rồi”. Tôi bèn tiện tay nhặt cái quạt giấy vợ tôi vừa bỏ xuống giường, viết ngay cái tên con trai Tạ Chu Quý vào nan quạt. Vợ tôi thấy vậy cũng phải bật cười.

 

Từ khi tôi đưa vợ vào viện cho đến khi vợ tôi lên bàn đẻ, cả thảy ba ngày. Đã có tới 17 ca đến sau nhưng lại đẻ trước, toàn con gái. Sang ngày thứ ba vợ tôi mới được chỉ định lên bàn đẻ. Nhưng cô ấy nằm ở tư thế đẻ đã lâu mà vẫn chưa đẻ. Tôi vẫn không hề thấy lo lắng mặc dù cố làm ra vẻ như vậy cho đúng với hoàn cảnh. Thậm chí tôi còn làm một việc giống như đùa cợt là gọi điện cho anh Đắc Bái, hoạ sỹ báo Sinh viên Hoa học trò, nhờ anh sang khu tập thể trường Công đoàn, bảo cô em gái tôi xuống ngay khoa sản của bệnh viện Bạch Mai.

 

Lát sau em gái tôi đạp xe đến. Nhìn thấy nó, tôi bảo: “Cô là con mèo (em gái tôi sinh năm 1963), xuống đuổi con chuột gan lỳ này ra giúp tôi với”. Hai anh em tôi ngồi chờ trên chiếc ghế băng. Tôi bèn kể cho em gái tôi về giấc mơ tối qua.

 

Em gái tôi ngồi nghe nhưng không nói gì. Lát sau có tiếng trẻ khóc và có tiếng bà bác sỹ gọi: “Người nhà đâu?”. Em gái tôi nhanh nhảu chạy vào rồi hớn hở chạy ra: “Sướng nhất bác, mười điểm nhé”. Rồi nó thì thầm: “Này, dái tai thằng bé có vết tím đen như bị ai bấm vào xách lên ấy. Cái bố này mơ kinh quá!”.

 

Lúc tôi được vào thăm con, tôi vạch tai nó xem và thấy đúng là có vết tím đen thật. Vợ tôi cũng tận mắt thấy điều này. Phải mất một tuần sau thì vết tím đen ấy mới biến mất.

 

(Còn nữa)

 

80 BÌNH LUẬN   

 

                                                 *****

 

Bà nội đánh “dị ngư” và bông sen trong bụng (Kỳ 2)   

Lao Ta  (Tạ Duy Anh)

22-11-2023  20:26  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0pTTtAFiriBRwyNA6NUc6xTkD6vXUgCg1mUUW7HUFpHGXfxQutTwgC3attsjfEahql&id=1160946631

 

Khi con trai tôi được 6 tháng tuổi thì tôi lại bị chảy máu dạ dày. Tính cả hai lần hồi ở bộ đội thì đây là lần chảy máu thứ tư và cũng là lần nặng nhất. Bạn bè lại đưa tôi đến bệnh viện Đống Đa, nơi tôi đăng ký bảo hiểm y tế. Giống như cách đó một năm, sau khoảng một tuần tiêm thuốc cầm máu, mọi việc lại ổn. Chỉ có điều do lần này máu ra nhiều nên sức khoẻ của tôi lâu hồi phục hơn lần trước.

 

Một buổi chiều, bác sỹ trưởng phòng Nội tên là Nga đi thăm bệnh nhân. Chị đến bên giường của tôi và hỏi tôi có muốn thử chữa theo phác đồ của chị không. Chị đang theo đuổi một đề tài chữa viêm loét dạ dày kết hợp giữa thuốc đặc trị và các loại thuốc kháng sinh hỗ trợ khác. Tôi như người sắp chết đuối, cứ thấy cái gì bám được là bám, nên đồng ý để chị đưa vào chữa thử nghiệm. Muốn vậy thì tôi phải đi nội soi để đánh giá mức độ viêm loét. Trước đó tôi chỉ nghe mọi người kể về nội soi và thấy rất hãi hùng. Nhưng nay chính tôi phải

 

Khoảng một tuần sau, cũng đúng vào ngày lấy thuốc, nên trên đường đi đến cơ quan, tôi tạt vào bệnh viện. Tôi lên phòng của bác sỹ Nga bằng những bước chân đã khá vững chắc. Nhưng tôi vừa thò đầu vào thì bác sỹ Nga, nét mặt khác thường vội hỏi ngay: “Anh đến đây với ai hay đi một mình?”

 

Tôi hồn nhiên bảo với bà là có bạn tôi đang chờ bên dưới. Bà bác sỹ hỏi theo lối như muốn tôi khẳng định: “Kể như người thân của anh?”.

 

Tôi gật đầu. “Vậy để cho tôi gặp anh ấy, tôi có chuyện muốn bàn với anh ấy-như sợ tôi đoán ra điều gì, bà bác sỹ nói tạt đi-phác đồ của tôi cần sự phối hợp giữa bệnh viện và gia đình, tôi cần phải nói với người thân của anh những yêu cầu của chúng tôi để việc chữa trị tốt nhất”.

 

Trong khi nói như vậy, tôi thoáng thấy một lần bà bác sỹ ái ngại nhìn tôi khi thấy tôi nói đùa khiến mọi người cùng cười. Hình như trong ánh mắt bà bác sỹ có cả sự thương cảm, kiểu thương cảm một người sắp chết mà không biết nên vẫn có thể đùa được. Ngay lập tức tôi nhớ ra là cũng đã đến ngày có kết quả sinh thiết tế bào. Cái giọng hỏi thăm người nhà thế này là có chuyện rồi. Chắc kết quả sinh thiết xấu, nói thẳng ra là tôi bị ung thư nên bà bác sỹ mới cần gặp người nhà của tôi để thông báo riêng.

 

Thật tình khi nghĩ như vậy tôi thấy hơi bị sốc. Nhưng sau đó một vài phút, định tâm lại, tôi bỗng cười phá lên. Ồ không, làm gì có chuyện ấy-tôi nghĩ một cách bình thản kỳ lạ mà chính tôi cũng không ngờ. Bà bác sỹ đang đi tìm bạn tôi, bị tôi chặn lại, hỏi bằng thứ giọng “Trông chết cười ngạo nghễ” – như lời một bài thơ: “Chị tìm bạn tôi làm gì? Cứ nói thẳng với tôi đi!”.

 

Chị Nga nhìn tôi một cách trìu mến: “Anh cứng rắn như vậy thật sao? Nếu anh đã cứng rắn như vậy thì tôi không giấu nữa, kết quả sinh thiết không được khả quan lắm, có dấu hiệu loạn sản. Nhưng tôi nói luôn với anh là nhiều trường hợp như vậy sau một thời gian thì lại bình thường. Tôi mong trường hợp của anh cũng thế”.

 

– Có vậy thôi mà định giấu tôi – Tôi nói bẳng thứ giọng trách móc pha bỡn cợt.

 

Sau đó chị Nga cũng vẫn gặp Đoan. Hai người trao đổi với nhau một lúc rồi khi trở ra tôi thấy nét mặt Đoan đầy ưu tư.

 

Sau này tôi mới biết, tờ giấy kết quả bệnh viện đưa cho Đoan có dòng chữ xanh lét: Ung thư di căn giai đoạn cuối. Cũng mãi sau này tôi mới biết, mỗi lần gặp nhau qua điện thoại với Đoan, chị Nga lại nhờ Đoan xem đã thấy nổi hạch ở cổ tôi chưa!

 

Về phần mình, không hiểu sao tôi quyết không tin mình lại sắp chết. Điều an ủi lớn nhất, liều thuốc tốt nhất cho tôi những ngày ấy là hầu như đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy bà nội. Bà liên tục ở bên cạnh tôi và như để canh phòng bất trắc gì đó.

 

Một hôm, đương nhiên là trong giấc mơ, tôi vừa múc gáo nước đổ ra chậu để rửa mặt, thì thấy một con cá quái không biết đâu là đầu, đâu là đuôi. Tôi chỉ thấy rõ cặp mắt đỏ đọc của nó đầy vẻ nanh ác. Con cá lao vun vút trong chậu, trơn nhẫy, không sao tóm được vào người nó. Có vẻ như nó rất coi thường tôi, hoàn toàn làm chủ tình thế và nắm trong tay những gì cần thiết để tôi không thể làm gì được. Một con “dị ngư” luôn gợi đến tai ương-trong mơ tôi cũng nghĩ như vậy và thấy sợ hãi run bắn cả người, chỉ muốn co chân bỏ chạy, nhất là khi con cá quái cứ nhoi lên muốn lao thẳng vào tôi.

 

Đúng khi tôi cảm thấy rất rõ mình đã bị dồn đến chân tường, thì có thể nói là tức thời, bà nội tôi xuất hiện, trong tay cầm cây gậy ngắn trông giống cái chày giã cua. Bà bảo cứ để nó đấy cho bà. Rồi bằng vẻ mặt khá đáo để, bà dùng gậy vụt thẳng xuống con cá khiến nó bay ra xa. Xong bà đứng chống nạnh bảo: “Nó không dám quay lại và không làm gì được con nữa đâu”.

 

Tôi tỉnh dậy khi trời đã sáng rõ mà vẫn chưa hết bàng hoàng.

 

Hôm đó cũng là ngày cuối cùng của tháng hai âm lịch. Vào lúc sẩm tối thì nhà thơ Hữu Thỉnh, nghe ai đó báo tin, gọi điện đến hỏi thăm tôi. Tôi cười cười thông báo với ông là tôi bị ung thư. Hữu Thỉnh bảo: “Vớ vẩn, tôi bấm cho chú rồi, sang tháng ba là hết hạn”. Tôi cảm ơn ông cho phải phép nhưng không khỏi buồn cười. Từ nay đến sang tháng Ba chỉ còn đúng có một đêm…

 

Và cái đêm cuối tháng hai ấy tôi nằm xuống là ngủ ngay, tuyệt đối không ám ảnh bất cứ điều gì. Rồi tôi nằm mơ có một bông hoa sen, sắc phơn phớt hồng, cứ nở xoè cánh ra trong bụng tôi. Chả hiểu sao tôi lại nhìn thấy bông sen rất rõ và còn thấy cả mầu sắc của nó nữa. Nó nở đến đâu, cảm hứng dâng tràn lên trong tôi đến đấy. Tôi cảm thấy ngây ngất một niềm yêu đời. Mặc dù trong giấc mơ nhưng tôi vẫn còn tự nhủ rằng, hình như trước khi chết người ta cũng tràn ngập cảm hứng như thế này.

 

Sáng dậy tôi cứ tưởng bây giờ mới là lúc nằm mơ. Tôi gọi vợ cốt để xác định mình hoàn toàn đang thức. Bằng chứng hùng hồn nhất là tôi thấy mặt trời đỏ rực phía bên ngoài cửa sổ. Mình không hề nằm mơ, đó là điều chắc chắn. Tôi kể lại cho vợ tôi nghe về giấc mơ thì cô ấy mừng lắm, bảo: Vậy là anh qua cơn hạn rồi. Tôi định hỏi làm sao cô lại nghĩ như vậy nhưng nhìn vợ tôi đang hy vọng, tôi không nỡ hỏi. Nhưng sự thật thì không thể bịa ra được. Sáng hôm ấy, mồng một tháng ba âm lịch năm 1997, tôi lôi xe máy ra phi đến cơ quan như một người hoàn toàn khoẻ mạnh. Không ai nghĩ vừa mới chiều hôm trước tôi đi phải vịn, chỉ qua một đêm đã phóng xe máy vù vù.

 

(Còn nữa)

.

75 BÌNH LUẬN  

 

                                                         *****

 

XUA ĐUỔI THẦN CHẾT  (Kỳ cuối)   

Lão Tạ   (Tạ Duy Anh)

23-11-2023  20:17   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02W6ZAxpQJkGoswRWfdDB4UufBMhgmGF5LpkDtPufpZfUTs8dfekdCpHVwuk2hrLFwl&id=1160946631

 

Chuyện này xảy ra hơn một năm sau ngày tôi thoát án trọng bệnh: Sau một tháng đối diện án tử, tôi làm xét nghiệm lại và bệnh viện gửi lời xin lỗi vì bị....nhầm!

 

Cạnh nhà Đặng Ngọc Đoan là nhà chị Mùi, cùng công tác với Đoan ở Công ty xây lắp Ngân hàng. Chị Mùi chuyên theo dõi các công trình xây dựng, tính tình hài hước, tốt bụng, sống mạnh mẽ và bất cần đời. Tôi quen chị qua Đoan. Hồi tôi còn là sinh viên trường viết văn, chị đã từng đến thăm tôi vài lần.

 

Chồng chị Mùi là anh Mai Trọng Tuấn, công tác trong ngành đường sắt. Anh ít nói, ít giao tiếp nên tuy chơi với chị Mùi và ngày ngày qua ngõ nhà chị, nhưng tôi chưa bao giờ biết mặt anh Tuấn. Vì thế tôi cũng không biết rằng, trước khi tôi bị nghi trọng bệnh, anh Tuấn đã phải cắt bỏ dạ dày vì ung thư. Một thời gian khá dài, anh Tuấn hầu như nằm một chỗ.

 

Biết tin chồng chị Mùi ốm nặng, tôi lần đầu bước vào nhà chị để thăm người ốm. Anh Tuấn lúc đó chỉ còn da bọc xương, gần như dính chặt xuống giường. Cuộc thăm hỏi hoàn toàn mang tính thủ tục lễ nghĩa, vì anh Tuấn chỉ còn biết nhìn chúng tôi bằng cặp mắt đã hết sinh khí.

 

Từ nhà chị Mùi ra, bị ám ảnh bởi ánh mắt của anh Tuấn, tôi cứ thấy dâng lên trong lòng một nỗi buồn tê tái. Tôi buồn cho kiếp người sao mà mong manh thế. Mới hôm nào thấy anh Tuấn phóng chiếc xe máy mà thời đó ai cũng mơ ước, tôi còn thoáng chút ghen tị, thèm khát được như anh. Nhiều người ghen tị chứ chẳng riêng tôi, khi thấy anh cứ khuân của nả về nhà ngay trước mắt họ. Vậy mà giờ đây tất cả đang khép lại với anh vĩnh viễn, đang trở thành bằng cớ của sự vô nghĩa.

 

Nhưng nỗi buồn có phần giá buốt của tôi còn do có sự ám ảnh của kẻ đồng bệnh. Anh Tuấn cũng bị bệnh dạ dày, bị nghi ung thư phải cắt bỏ. Sau đó anh khoẻ mạnh bình thường, lên rừng xuống bể như đi chơi. Rồi cuối cùng anh cũng không thoát bàn tay của thần chết chìa ra túm anh từ gần hai năm trước. Biết đâu điều tương tự cũng xảy ra với mình một năm sau thì sao? Bạn cứ thử ở vào hoàn cảnh của tôi, bạn sẽ thông cảm cho những bước chân thất thểu, rã rời của tôi khi từ chỗ người ốm trở về.

 

Vừa vào nhà, lúc đó là buổi trưa, tôi lăn ngay xuống chiếc chiếu trải trên sàn, nằm ngửa lơ mơ nhìn lên trần, lòng ngổn ngang bởi vô vàn ý nghĩ, hết khôn dồn sang dại. Liệu mình đã thoát thật chưa? Thậm chí tôi còn nghĩ hay là bạn bè tôi đã can thiệp để có cái kết quả lần thứ hai. Nếu nó là giả mạo thì có nghĩa là kết quả lần đầu chính xác? Mà nào tôi có nhìn thấy tờ kết quả bằng giấy trắng mực đen đâu. Chỉ là qua cuộc điện thoại của Đoan. Trong trường hợp ấy đóng kịch thì có khó gì? Đoan thừa khả năng làm điều đó. Nghĩ xa nghĩ gần, nghĩ mông lung... đã đưa tôi chìm nhanh vào giấc ngủ.

 

Tôi xin nhắc lại khi đó đang là buổi trưa.

 

Nhưng trong cơn ác mộng trùm lên tôi ngay sau đó, thì thời gian không rõ là ngày hay đêm. Tôi chỉ thấy có một cái đầu liền cổ nhưng không có thân, tóc uốn ngược như kiểu chải gôm, mặt lạnh lùng với hai hàng ria vểnh lên theo kiểu quan võ, trông rất dữ tướng trong khi đó cặp mắt khô khốc đu đưa rất linh hoạt sang hai bên-tôi đang cố gắng để có thể đạt đến mức đặc tả. Chỉ có cái đầu lâu liền cổ thôi bạn ạ. Đó là bộ mặt không thể đoán được tuổi. Ngoài ra tôi còn nhìn thấy một phần chiếc cổ áo dựng đứng. Nhưng ngay phía dưới chỗ đáng lẽ là vai, tôi thấy một cuốn sổ bìa mầu đỏ, lật sang hai bên ở khoảng trang giữa, giấy màu ố vàng. Hình như mép trang có viền hoa văn theo lối chữ triện? Cạnh quyển sổ là một lọ mực đen sì, cắm sẵn cây bút cán gỗ nhọn ở đuôi, màu đỏ sậm, như lọai bút chấm mực của học sinh cấp một thời trước-tôi vẫn đang cố gắng nhớ lại từng chi tiết để tả thật chính xác. Tất cả-từ cái đầu lâu có cặp mắt láo liên, quyển sổ, lọ mực và chiếc bút-đều kết thành một khối. Cái khối ấy cùng trôi lơ lửng, tức là không bám vào bất cứ thứ gì, lừ lừ tiến qua đường cửa chính thẳng hướng về phía tôi. Tôi chợt nhớ đến những người đi bắt lợn thời bao cấp. Tay thừng, tay đòn, họ kéo vào nhà có lợn đến phiên bán cho nhà nước. Chỉ nhoáng cái họ đã trói gô con lợn lại, xỏ đòn vào cân rồi khiêng đi. Con lợn sẽ xuống thẳng lò mổ. Tôi cảm thấy rất rõ mình cũng đang bị dồn đến chân tường theo cách như vậy. Tôi ngước mắt nhìn những vật thể lạnh lùng gớm ghiếc kia một cách sợ hãi. Và khi nó cứ tiếp tục áp sát thì tôi chỉ còn biết thét lên: “Trời ơi, tại sao lại vào nhà tôi!” Lời kêu cứu của tôi vừa vang lên, thì ngay lập tức tôi cảm thấy có một bức tường thành xuất hiện-bạn nhớ cho là tôi đang kể lại giấc mơ-ngăn giữa tôi và chiếc đầu lâu cùng những vật dùng để ghi chép kia. Một bức tường thành có thể nói là tuyệt đối chắc chắn. Tôi nghe rõ cả tiếng dằn bàn chân xuống mạnh mẽ và quyết đoán. Ai đã xuất hiện kịp thời để cứu tôi đây? Nghĩ thế nên tôi khép nép ngước nhìn lên thì mới biết chẳng có bức tường nào cả, mà là chân của bà nội. Bà to lớn dị thường, mặc áo nhiễu vàng, lưng thắt bao xanh, như một vị nữ tướng. Tuy tả lại thì dài dòng thế, nhưng tất cả diễn ra đồng thời, chỉ trong khoảng một vài phần giây. Tức là sau lời kêu cứu của tôi, tôi nhận ra bà nội xuất hiện tức khắc, đứng chắn giữa tôi và cái đầu lâu khiến tôi không nhìn thấy nó đâu nữa. Liền đó bà nội dùng tay hất mạnh một cái về phía kẻ đi bắt người có mang theo sổ sách, giấy bút, bảo với tôi: “Nó sẽ phải ra khỏi nhà ngay bây giờ!”

 

Dứt lời bà nội, tôi thấy chiếc đầu lâu cùng đám sổ sách, nghiên bút của lão ta bay vút ra phía bên ngoài cửa ra vào. Nó y như được cắt bằng giấy, quá nhẹ nên bị làn gió tạo ra bởi cú hất tay của bà nội tôi thổi ra ngoài. Cũng ngay tức khắc, tôi nhìn thấy một con quỷ toàn thân đầy lông lá-nếu có thể so sánh với một con vật nào đó ngoài đời thì đó là con lười. Nhưng khác với mầu lông con lười hơi đen, dáng điệu chậm chạp, con vật tôi nhìn thấy có cái mặt nanh ác của con dơi hút máu, mầu lông xám đậm, mắt như than hồng, rất giảo quyệt. Con quỷ cõng trên lưng nó một người đàn ông chỉ còn da bọc xương-như thể người ấy bị dán vào lưng con vật- mà chả hiểu sao tôi nhận ra ngay chính là anh Tuấn chồng chị Mùi. Nhìn theo hướng con quỷ, tôi thấy ở tít phía xa xa một ngôi đền sơn đỏ.

 

Tôi tỉnh dậy, tim đập thình thịch. Việc đầu tiên là tôi tìm xem bà nội đâu. Nhưng bà cũng đã biến mất cùng với chiếc đầu lâu và đám vật đáng sợ kia. Tôi không cần phải cố gắng nhớ lại, bởi những gì xảy ra vẫn hiện lên rõ mồn một trong đầu tôi. Tôi lập tức xác định được cả vị trí mà chiếc đầu lâu và mớ sổ sách của y dừng lại khi vào nhà tôi. Nó ở ngay bên dưới bàn thờ, chếch ra phía cửa chính một chút. Chỗ bà nội tôi đứng tạo thành tấm lá chắn ở gần chính giữa nhà. Có thể nói những giấc mơ liên quan đến bà nội tôi, khi tỉnh giấc, tôi đều nhớ cặn kẽ tới từng chi tiết.

 

Ngay sau đó tôi xuống nhà Đặng Ngọc Đoan, đúng lúc anh đang có khách. Chắc là những người đến thăm chồng chị Mùi, tiện thể ghé vào thăm gia đình Đoan. Tôi kể luôn với Đoan giấc mơ kỳ lạ ít phút trước. Vì đã có nhiều bằng cớ về những giấc mơ của tôi, Đoan không hỏi gì mà chỉ thở dài nói: “Mùi nhờ tôi vào trong làng tìm mua đất chôn ông Tuấn, tôi định tối hoặc mai mới đi. Nhưng nghe ông kể vậy thì tôi phải đi ngay đây, kẻo không kịp”.

 

Đoan nói thản nhiên khiến tôi đâm ngại. Tôi chỉ kể vậy thôi chứ đâu có định thông tin về cái chết của anh Tuấn. Ngộ nhỡ cậu ta cứ đi mua đất trong khi anh Tuấn còn sống thì có phải mang tiếng tôi không.

 

Nhưng vào chiều muộn hôm ấy anh Tuấn trút hơi thở cuối cùng.

 

                                               ******

P/S: Xin tạm dừng chuyện tôi mơ thấy bà nội ở đây. Nó chỉ là một phần nhỏ “những giấc mơ của tôi”, được in trong cuốn sách cùng tên năm 2008 và tái bản có bổ sung năm 2016. Ngay cả những giấc mơ gặp bà nội, tôi cũng lược bớt khá nhiều để phù hợp với việc đăng lên trang cá nhân. Xin được thứ lỗi nếu có ai đó đã đọc cuốn sách.

 

51 BÌNH LUẬN   







No comments:

Post a Comment

View My Stats