Monday, 20 November 2023

VỤ ÔNG LƯU BÌNH NHƯỠNG BỊ BẮT và "SỰ KHÔN NGOAN" CỦA CHẾ ĐỘ (PGS, TS Phạm Quý Thọ)

 



Vụ ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt và “sự khôn ngoan” của chế độ

PGS,TS Phạm Quý Thọ

2023.11.20

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-does-the-government-want-from-arresting-luu-binh-nhuong-11202023094439.html

 

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-does-the-government-want-from-arresting-luu-binh-nhuong-11202023094439.html/@@images/image

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng hôm 14/11/2023.   (Công an Thái Bình)

 

Báo chí Nhà nước đồng loạt đưa tin ông Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc vể tội cưỡng đoạt tài sản, theo khoản 4 Điều 170 Bộ luật hình sự. Tối ngày14/11, khi ông vừa xuống sân bay Nội Bài Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam. Có báo còn post video để khẳng định tin này cho thấy ông ấy ký vào biên bản. Ông Nhưỡng bị điều tra về vai trò đồng phạm của nhóm giang hồ cưỡng đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp khai thác cát. Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng bị khám xét nhà ngay sau đó và nơi làm việc.

 

Trong bối cảnh kinh tế xã hội ảm đạm và Đảng tăng cường quyền lực chống tham nhũng tràn lan, sự kiện này diễn ra đang làm rúng động dư luận, ở nhiều nơi người dân bàn tán, tranh luận. Ông Nhưỡng được coi là “người của công chúng” không chỉ bởi vì ông là nguyên Đại biểu Quốc hội khoá 14 (2016-2021), mà còn là vì nhiều phát biểu 'khác biệt' của ông ấy trên nghị trường, đặc biệt ở các phiên thảo luận, chất vấn, được truyền hình trực tiếp.

 

Mặc dù báo chí đều đăng rằng "quá trình bắt, khám xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án."

 

Giới làm luật bình luận về trường hợp bắt “khẩn cấp” rằng liệu ông Nhưỡng có giữ tài liệu nhạy cảm, động chạm đến lãnh đạo cao cấp nào chăng? Và tội danh “cưỡng đoạt tài sản” không cần áp dụng bắt “khẩn cấp.”

 

 

Trong khi những người bình thường, thôi thì, đủ các kiểu đồn đoán, bình luận khác nhau, trái chiều như: “Đến Đại biểu Quốc hội còn tham nhũng!”, “Ông ấy bênh vực dân oan nhưng là “cái gai” trong mắt giới lãnh đạo khi “trực ngôn” chỉ trích các cơ quan hành pháp, công an, toà án.” “Bắt ông Nhưỡng, Đảng Cộng sản cảnh báo những ‘ông nghị’ đang chức quyền về ranh giới đỏ không được vượt qua…”

 

Những lời bàn tán có nguồn gốc từ văn hoá “truyền thống” và trì hoãn ban hành cơ chế công khai minh bạch và giải trình trách nhiệm. Một vài suy đoán dựa vào các sự kiện chính trị đang diễn ra. Chẳng hạn, ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt xảy ra trong những ngày tạm nghỉ giữa hai đợt họp của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá 15 vẫn đang diễn ra, đã khai mạc ngày 23/10/2023 ngày và dự kiến kéo dài trong 23 - 25 ngày. Hơn thế, tranh luận căng thẳng giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các nhà “lập pháp, giám sát tối cao” và các nhà “hành pháp”, điều hành nền kinh tế, vừa diễn ra tại phiên chất vấn, từ ngày 6 đến 9/11, trong đó bất cập thể chế là vấn đề nóng, thu hút nhiều ý kiến phát biểu nhất của các đại biểu Quốc hội, được coi là nguyên nhân chủ yếu của tình tình kinh tế xã hội khó khăn, tăng trưởng suy giảm. Sự căng thẳng như trên có thể là “mối lo” vượt tầm kiểm soát toàn diện của Đảng về sự lan rộng biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hoá” từ Quốc hội hoặc, thậm chí, có thể dẫn đến xu hướng đòi hỏi phân chia theo hướng tam quyền phân lập, lấn át sự phân công bởi sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.

 

Giới quan sát, phân tích chính trị, đặt sự kiện này trong bối cảnh chế độ đang củng cố mô hình Đảng – Nhà nước mạnh với công tác nhân sự là chính sách trung tâm của Đảng CS trong bối cảnh chống tham nhũng với những đại án trọng điểm dự kiến xét xử trong năm nay như AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, Đăng kiểm...  đang làm rung chuyển nền kinh tế và có nguy cơ lớn làm sụp đổ chế độ. Bởi vậy, sự kiện kiểu này luôn chứa đựng bí ẩn “cung đình” và những tình huống khó đoán định, bởi vậy việc nhận định động cơ thực sự là gì sau sự kiện bắt giam ông Nhưỡng vẫn là thách thức. Sự bí ẩn này phản ánh cách cai trị này được gọi là “sự khôn ngoan” của chế độ có nguồn gốc sâu xa từ cách cai trị, theo các nhà nghiên cứu chính trị, kéo dài hàng nghìn năm của chế độ tập quyền phong kiến.

 

“Sự khôn ngoan” khái niệm từng gây tranh cãi từ sự khác biệt ý thức hệ giữa hai mô hình chế độ chính trị: dân chủ và toàn trị. Khi tiếp cận với mô hình Trung Quốc từ quan điểm của nhà nước hiện đại với chế độ dân chủ, các nhà nghiên cứu cho rằng, đặc điểm bao trùm của chế độ độc đảng CS toàn trị đó là một nhà nước tập trung, quan liêu, độc đoán có cội nguồn lịch sử lâu dài, trong đó có mức độ thể chế hóa cao và một bộ máy quan liêu rất phức tạp cai trị một xã hội đông dân, rộng lớn. Một thể chế chính trị hiện đại cần phải có sự kết hợp ba yếu tố cơ bản: (1)nhà nước; (2)trách nhiệm giải trình; và (3)pháp quyền. Nhưng yếu tố trách nhiệm giải trình trong mô hình Trung Quốc hiện nay chủ yếu thuộc về Đảng CS thay vì thuộc về Hoàng đế, được coi như “Thiên tử” (con trời) như dưới chế độ phong kiến tập quyền. Bởi vậy, giới lý luận Trung Quốc cho rằng, ngoài ba yếu tố nêu trên thì có thể bổ sung thêm một yếu tố—sự khôn ngoan, ngụ ý vấn đề “minh vương” của người đứng đầu Đảng CS. Tác giả cuốn sách “Làn sóng Trung Quốc”, được dịch sang tiếng Anh năm 2012 (The_China_Wave), GS. Trương Duy Vĩ (Zhang Weiwei) biện minh rằng Trung Quốc đang thúc đẩy pháp quyền, mặc dù còn rất nhiều cơ hội để cải thiện, nhưng “triết lý truyền thống” vẫn giữ nguyên giá trị. Chẳng hạn, khái niệm “Thiên” hay “Thiên Đàng – Đạo Trời”, vẫn được coi là lợi ích cốt lõi và lương tâm của xã hội. Nhấn mạnh điều này không được vi phạm, Đảng luôn duy trì một không gian “nhỏ” cho các giải pháp chính trị mới có thể cân bằng giữa pháp quyền và “Thiên.”

 

Đã hơn một thập kỷ từ khi cuốn sách nêu trên được xuất bản, giờ đây, sự suy thoái của mô hình Trung Quốc trong thế giới mở, phức tạp và biến động mạnh đang thử thách “triết lý truyền thống” hay sự khôn ngoan của người đứng đầu đảng CS. Người ta so sánh tư tưởng thực dụng của Đặng Tiểu Bình và chính sách trỗi dậy hung hăng của Tập Cận Bình.

 

Liên quan đến vụ ông Lưu Bình Nhưỡng, việc bắt “khẩn cấp” không chỉ gây bất ngờ cho ông Nhưỡng mà cả những ‘đối tượng’ có liên quan mà chỉ những người trong cuộc, trong “trò chơi” quyền lực cung đình, mới ngầm hiểu “ẩn ý”.

 

Trong bối cảnh chế độ bất ổn, Đảng đã mở một không gian “lớn” cho sự khôn ngoan. Đối với trường hợp bắt giam ông Nhưỡng đây có thể coi là hành động ‘kịp thời’. Như vậy sự khôn ngoan được giải nghĩa là luôn đặt sự ưu tiên cho mục đích duy trì chế độ thay vì những tác động hay hậu quả tiêu cực của nó.

 

-------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats