Thursday, 2 November 2023

VÌ SAO VIỆT NAM BỎ PHIẾU THUẬN VỚI PALESTINE NHƯNG LẠI BỎ PHIẾU TRẮNG VỚI UKRAINE? (Trường Sơn, RFA)

 



Vì sao Việt Nam bỏ phiếu thuận với Palestine nhưng lại bỏ phiếu trắng với Ukraine?

Trường Sơn, RFA
2023.11.01

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-vn-vote-yes-to-un-resolution-in-gaza-conflict-but-vote-no-to-ukraine-russia-war-resolution-11012023104354.html

 

Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28 tháng 10 đã tổ chức bỏ phiếu thông qua nghị quyết về cuộc chiến giữa Israel và Hamas với kêu gọi ngưng bắn vì lý do nhân đạo, và tiến tới việc chấm dứt xung đột giữa hai bên. Việt Nam bỏ phiếu thuận đối với nghị quyết này.

 

Phát biểu trong cuộc họp bỏ phiếu cho nghị quyết vừa nêu, đại sứ Đặng Hoàng Giang của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc cho biết Việt Nam “quan ngại trước tình hình leo thang hiện nay tại Trung Đông và gửi lời chia buồn sâu sắc tới những gia đình nạn nhân trong các cuộc tấn công vừa qua”. Ông này cũng khẳng định rằng “Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu”.

 

Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều bỏ phiếu thuận đối với nghị quyết này, vì kêu gọi ngừng bắn và chấm dứt xung đột, cũng như cung cấp sự cứu trợ đối với thường dân, vốn là những điều cơ bản mà cộng đồng quốc tế thường kêu gọi mỗi khi xảy ra xung đột.

 

Thế nhưng, nếu đối chiếu với động thái của Việt Nam trước một cuộc chiến tranh khác, cụ thể là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, có thể thấy sự thiếu nhất quán trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, khi trên thực tế, thì Việt Nam đã liên tiếp bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đối với cuộc chiến Nga-Ukraine.

 

“Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải” là tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Quốc hội hồi tháng 11 năm 2022, đây được cho là lời giải thích gián tiếp cho các lá phiếu trắng của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc trước đó đối với cuộc chiến Nga-Ukraine. Lời giải thích này sau đó đã nhận được những cái cau mày của giới quan sát, bởi trong cuộc chiến Nga-Ukraine, thì rõ ràng lẽ phải và công lý thuộc về nước bị xâm lược là Ukraine, nhưng Việt Nam lại chọn im lặng.

 

Đối với cuộc chiến Israel-Hamas, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận đối với một nghị quyết do các nước Ả Rập đưa ra. Nghị quyết này vốn lại bị Israel và nhiều nước Phương tây phản đối kịch liệt, vì bị cáo buộc là đã làm ngơ hành vi gây chiến và sát hại dân thường của tổ chức Hamas.

 

Điều này dấy lên câu hỏi liệu Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn kép đối với Ukraine và Palestine, hay còn vì lý do nào khác đằng sau sự thiếu nhất quán này?

 

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình dương, cho biết việc Việt Nam bỏ phiếu trắng đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, là vì không muốn làm mất lòng Nga, ông cho hay:

 

“Mối quan hệ với Nga là vô cùng quan trọng nếu xét về khía cạnh quốc phòng, mặc dù hiện giờ thì đang có rất nhiều vấn đề nhất là các mối đe doạ cấm vận, ngoài ra thì Nga cũng là đối tác truyền thống của Việt Nam. Nga có thể khiến Việt Nam thiệt hại lớn bằng cách ngưng các hợp tác về mặt quốc phòng và các lĩnh vực khác.

Điều mà tôi nghe được khi thăm Việt Nam đó là phía Việt Nam nói họ vẫn còn hợp đồng (mua vũ khí) với Nga, mà họ cần phải thực hiện, thế nhưng họ không tiết lộ cụ thể những hợp đồng đó là về cái gì.”

 

Trong những năm gần đây Việt Nam đã nỗ lực đa dạng hoá nguồn cung vũ khí để tránh lệ thuộc hoàn toàn vào Nga, và Israel đã trở thành một đối tác tiềm năng. Hai bên đã có nhiều thương vụ mua bán vũ khí và trao đổi công nghệ quân sự.

 

Hồi năm 2015, Việt Nam ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không SPYDER của Israel, với giá trị không được tiết lộ. Trước đó, Việt Nam cũng ký thoả thuận sản xuất súng trường tấn công Galil của Israel, với tham vọng thay thế súng trường tấn công Kalashnikov của Liên Xô vốn được sử dụng rộng rãi bởi quân đội Việt Nam nhưng đã cũ kỹ, hợp đồng này đi kèm điều kiện các nhà máy sản xuất phải được xây ở Việt Nam.

 

Thế nhưng, chừng đó là chưa đủ để Israel nhận được sự đối đãi tương xứng với cách mà Việt Nam thể hiện với Nga, và minh chứng là việc Việt Nam vẫn bỏ phiếu thuận đối với nghị quyết do các nước Ả Rập thù nghịch với Israel soạn thảo.

 

Phân tích thêm về khía cạnh này, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành an ninh quốc phòng, tại trường Đại học New South Wales, Australia, cho biết nhận định:

 

Quan hệ an ninh quốc phòng giữa Việt Nam với Israel có mức độ không lớn bằng so với quan hệ Việt Nam và Nga, đây là cái phải thừa nhận. Đứng trên góc độ số liệu, thì 80% số vũ khí của Việt Nam là từ Nga, trong khi số vũ khí mà Việt Nam mua từ Israel chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, và không thể so sánh với Nga.

Và Nga là một trong năm nước thuộc Hội đồng Bảo an, vị thế của Nga là vị thế nước lớn, trong khi vị thế của Israel, mặc dù vẫn là một nước phát triển, nhưng không thể nói là bằng Nga dưới góc độ quyền lực.

Nói một cách rõ ràng thì có thể thấy thái độ của Việt Nam với Nga sẽ phải khác với thái độ với Israel.”

 

Như vậy, tuyên bố “không chọn bên mà chọn lẽ phải” của Thủ tướng Phạm Minh Chính bị cho là sự chống chế trong bối cảnh Việt Nam chịu sức ép từ các nước Phương tây, trong việc bỏ phiếu trắng đối với cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine tại Liên Hiệp Quốc. Chứ trên thực tế thì lợi ích, mà cụ thể là mối quan hệ quốc phòng với Nga, mới là điều mà Việt Nam lo lắng hơn cả.

 

Còn đối với Israel, theo các chuyên gia thì Việt Nam không cần phải quá lo lắng trước phản ứng của quốc gia Do Thái. Bởi vai trò của Israel đối với Việt Nam không quá quan trọng, đặc biệt là khi đặt lên bàn cân với mối quan hệ với khối các nước Ả Rập. Ủng hộ Israel đồng nghĩa với việc khiến các nước Ả Rập thất vọng.

 

Về khía cạnh này, Giáo sư Carlyle Thayer cho biết nhận định của ông:

 

“Đối với Việt Nam thì việc giữ khối các nước Ả Rập về phía mình đáng giá hơn là ủng hộ Israel. Đây rõ ràng là một quyết định chính trị.”

 

Việt Nam thực tế đã làm mọi cách để tránh lên án Hamas, tổ chức vũ trang của người Palestine được các nước Ả Rập hộ. Bằng chứng là sau khi tham gia bỏ phiếu thuận đối với nghị quyết do các nước Ả Rập đưa ra, thì Việt Nam đã vắng mặt trọng cuộc bỏ phiếu đối với một bản nghị quyết do Canada soạn thảo, trong đó lên án hành vi bạo lực của Hamas.

 

--------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Nếu cuộc chiến Israel - Hamas lan rộng, Biển Đông sẽ trở nên căng thẳng?

 

Lập trường của Việt Nam về cuộc chiến Ukraine khi Trung Hoa và Nhật Bản đối chọi nhau

 

Lập trường của Ukraine về Biển Đông và lựa chọn của Việt Nam

 

Đề nghị tập trận chung Nga - Việt Nam: quyết định bất hợp lý, gây ngạc nhiên

 

Đại biện Lâm thời Ukraine bày tỏ sự xúc động trước những ủng hộ của người Việt Nam






No comments:

Post a Comment

View My Stats