Wednesday 15 November 2023

VAI TRÒ CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ TRONG VIỆC ĐẢM BẢO ĐỂ VIỆT NAM CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG CÔNG BẰNG và MINH BẠCH (Mỹ Hằng / BBC News Tiếng Việt)

 



Vai trò của xã hội dân sự trong việc đảm bảo để VN chuyển đổi năng lượng công bằng và minh bạch

Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt

15 tháng 11 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c97rggmdy90o

 

Từ ngày 14-17/11/2023, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và đoàn quan chức cấp cao dự kiến tham dự Diễn đàn APEC 2023 tại San Francisco, Mỹ.

 

Một trong các vấn đề nóng dự kiến được đưa ra thảo luận tại sự kiện này là Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ USD mà Việt Nam đã ký kết với G7 và các đối tác để chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch.

 

Tuy nhiên, có ý kiến từ giới quan sát quốc tế cho rằng các nhà tài trợ nên cho gác lại thỏa thuận này trong bối cảnh Việt Nam cho bỏ tù các nhà hoạt động môi trường hàng đầu – những người lẽ ra đóng vai trò giám sát độc lập việc thực hiện JETP.

 

Bên cạnh đó, các đối tác lớn của JETP như Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới đều có những chính sách rõ ràng về sự tham gia của xã hội dân sự vào các dự án mà họ tài trợ, và giới quan sát cho rằng những định chế nói trên có nghĩa vụ tuân thủ chính sách của mình trong quan hệ với VN.

 

Trước thềm APEC, BBC News Tiếng Việt phỏng vấn ông Julien Vincent – người đoạt Giải thưởng Môi trường Goldman năm 2022 và bà Guneet Kaur, Điều phối viên Chiến dịch Bảo vệ Môi trường tại Mạng Lưới Sông ngòi Quốc tế kiêm người phát ngôn Liên minh Bảo vệ Khí hậu Việt Nam về vai trò của Việt Nam và các nhà tài trợ liên quan đến JETP.

 

.

BBC: Có cơ chế nào để các nước và các tổ chức tài trợ đảm bảo rằng việc thực hiện JETP của Việt Nam sẽ được giám sát độc lập và minh bạch?

 

Julien Vincent: Không đảm bảo rằng họ có thể làm được điều này. Cuộc bắt giữ mới đây nhất đối với bà Ngô Thị Tố Nhiên cho thấy chính phủ Việt Nam dùng các biện pháp trừng phạt hình sự để cấm tiếp cận thông tin về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi năng lượng.

Các chính phủ tài trợ, như Anh, EU và Mỹ, đã đưa ra những tuyên bố công khai kêu gọi trả tự do cho những nhà hoạt động môi trường đang bị cầm tù ở Việt Nam và sự cần thiết phải có một xã hội dân sự tự do.

 

Điều quan trọng là những lời kêu gọi đó có tác động và dẫn đến việc khôi phục các quyền tự do cho xã hội dân sự ở Việt Nam hay không. Nếu không, chúng ta nên lo ngại những tác động mà nó sẽ gây ra đối với JETP của Việt Nam cũng như tín hiệu mà nó gửi đến các quốc gia khác có thành tích kém tương tự trong việc bảo vệ những nhà vận động môi trường.

 

Guneet Kaur: Mô hình đàn áp các nhà bảo vệ môi trường, các nhà lãnh đạo khí hậu và chuyên gia năng lượng ở Việt Nam báo hiệu sự hạn chế về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của công chúng vào tiến trình thực hiện JETP của chính phủ Việt Nam.

Chính phủ các nước tài trợ và các tổ chức liên quan cần ưu tiên hỗ trợ các cơ chế quản trị trong quy trình JETP để có thể đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của công chúng trước khi chuyển sang huy động nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật.

 

Nếu không, sẽ không thể đảm bảo rằng quá trình Chuyển đổi Năng lượng Công bằng ‘bất công’ này sẽ dẫn đến bất kỳ sự chuyển dịch nào khỏi than đá.

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/5fcf/live/5f810510-82b0-11ee-b7d2-dd851f00eaeb.jpg

Năm nhà hoạt động môi trường bị chính phủ Việt Nam bỏ tù gần đây: (từ trái qua) Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Hoàng Minh Hồng

 

.

BBC: Việc ADP và Ngân hàng Thế giới tiếp tục tài trợ cho Việt Nam thực hiện JETP có vi phạm chính sách của chính họ trong việc đảm bảo sự tham gia của xã hội dân sự vào các dự án mà họ tài trợ hay không?

 

Julien Vincent: Trừ khi “sự tham gia của xã hội dân sự” được định nghĩa lại thành “im lặng, bỏ tù và không thể buộc chính phủ và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm độc lập”, thì đúng vậy, những gì chúng ta đang thấy trong vụ bắt giữ những người bảo vệ môi trường Việt Nam đã vi phạm quyền tham gia của họ.

 

Guneet Kaur: Việc ADB và Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ tài chính và UNDP tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho JETP Việt Nam đang vi phạm các chính sách của họ vốn đòi hỏi sự tham gia của công chúng, sự đồng thuận và tham vấn rộng rãi của cộng đồng. Bạn không thể có sự tham gia của xã hội dân sự vào JETP nếu những người bảo vệ môi trường và các nhà lãnh đạo về khí hậu bị bỏ tù oan.

 

Mặc dù cuộc đàn áp như vậy khiến những cá nhân này không thể tham gia vào quá trình JETP, nhưng nó cũng gửi một thông điệp tới các nhà lãnh đạo xã hội dân sự khác rằng những ai nỗ lực tham gia đối thoại về chính sách năng lượng sẽ bị đàn áp.

 

Những gì chúng ta đang thấy trong quy trình JETP là các hội thảo chung có sự tham gia của các bên liên quan đang được sử dụng để coi như cũng có sự tham gia của xã hội dân sự.

Có một ranh giới mong manh giữa quá trình chuyển đổi công bằng và việc chỉ quảng cáo về việc thực hiện chuyển đổi. Với việc không có những nhà bảo vệ môi trường chủ chốt và các nhà hoạt động khí hậu, những hội thảo được gọi là tham vấn xã hội dân sự về JETP của Việt Nam chỉ là giả tạo.

 

Sự hỗ trợ của các bên liên quan đối với quá trình thảo luận mà không tham vấn xã hội dân sự đặt ra câu hỏi về cam kết của chính phủ đối với nguyên tắc về sự tham gia của các bên và mức độ nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

 

.

BBC: Trong khi APEC có những nguyên tắc riêng về chuyển đổi năng lượng, nhấn mạnh rằng các thỏa thuận JETP phải “công bằng” và “toàn diện”, Việt Nam – nước tham gia APEC năm nay – cần phải chịu trách nhiệm gì để đảm bảo những nguyên tắc này được tuân thủ?

 

Julien Vincent: Những nguyên tắc này rất quan trọng. Nếu chúng được tuân thủ thì thỏa thuận JETP của Việt Nam cần phải bị gác lại cho đến khi lãnh đạo của các tổ chức xa hội dân sự có thể tham gia tự do vào quá trình thực hiện thỏa thuận mà không lo sợ bị bắt giữ vì những cáo buộc bịa đặt như chúng ta thấy trong vài năm qua.

 

Guneet Kaur: Nếu không cung cấp các biện pháp bảo vệ đầy đủ để những nhà hoạt động môi trường, các tổ chức và đại diện xã hội dân sự độc lập tham gia một cách tự do và an toàn vào quá trình ra quyết định về thiết kế, giám sát và thực hiện JETP, thỏa thuận này có nguy cơ làm xói mòn nhân quyền và tạo điều kiện gây tổn hại nghiêm trọng hơn cho nhân quyền.

 

Một quá trình như vậy không thể được gọi là “công bằng” hay “có sự tham gia của các bên”.

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3960/live/b1e47090-82af-11ee-b7d2-dd851f00eaeb.jpg

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu - và điện than được coi là một trong các nguyên nhân chính góp phần gây ra biến đổi khí hậu

 

 

BBC: Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng công suất các nhà máy LNG để trở thành nguồn năng lượng thay thế chính cho than trong khi các chuyên gia cảnh báo rằng LNG không thể được coi là nguồn năng lượng sạch và bền vững. Quan điểm của ông/bà về vấn đề này?

 

Julien Vincent: Tương lai năng lượng của Việt Nam sẽ có ảnh hưởng lớn đến khả năng của nhân loại trong việc kiểm soát hiện tượng nóng lên toàn cầu, và thật kinh hoàng khi thấy quy mô của các dự án nhiên liệu hóa thạch mới được đề xuất ở đó; đủ năng lượng khí hóa thạch mới để tăng gấp ba lần công suất điện hiện tại của đất nước.

 

Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn, mà chúng tôi nhận thấy ngay cả khi những chính sách khiêm tốn nhằm khuyến khích năng lượng gió và mặt trời cũng đã khiến các ngành này cất cánh. Nhưng mặt khác, các công ty như GE của Hoa Kỳ và Jera của Nhật Bản đang thúc đẩy các dự án khí đốt hóa thạch mới vào Việt Nam mà vẫn yên sự.

 

Chúng tôi cũng thấy vấn đề tương tự với năng lượng than, khi các công ty cố gắng lợi dụng Việt Nam như một bãi rác thải nhiên liệu và công nghệ gây ô nhiễm mà họ không thể xây dựng ở nơi khác.

 

Việt Nam xứng đáng được nhiều điều tốt đẹp hơn thế. Đó là một đất nước xinh đẹp với những con người tuyệt vời – họ xứng đáng có năng lượng tái tạo sạch, rẻ và thân thiện với khí hậu như các quốc gia tài trợ JETP đang được hưởng.

 

 

Guneet Kaur: Một số chuyên gia có tiếng đã dành nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng của Việt Nam và đã đưa ra các giải pháp xanh, tái tạo và công bằng, theo nghĩa là chúng sẽ không dẫn đến sự dịch chuyển cộng đồng quy mô lớn mang tên quá trình chuyển đổi năng lượng.

 

Cả bà Ngụy Thị Khanh và Ngô Thị Tố Nhiên đều đã thực hiện các công việc kỹ thuật quan trọng nhằm tìm ra các giải pháp thực tế nhằm giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương của Việt Nam trước khủng hoảng khí hậu. Nhưng họ đã bị bỏ tù oan hoặc bị bịt miệng.

 

Xã hội dân sự ở các quốc gia tham gia JETP khác đã phản đối các giải pháp sai lầm như phát triển điện khí LNG hoặc tái sử dụng các nhà máy than hiện có.

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/547d/live/ed784040-82b0-11ee-a296-2b647c02f497.jpg

 

 

BBC: Các quốc gia và tổ chức tài trợ nên làm gì để đảm bảo nguồn tài chính của họ thực sự hỗ trợ cho mục đích đã định của JETP tại Việt Nam và xã hội dân sự có thể tham gia một cách tự do và an toàn vào quá trình ra quyết định và giám sát việc thực hiện JETP.

 

Julien Vincent: Sự tham gia của xã hội dân sự và các biện pháp bảo vệ để những người bảo vệ môi trường được tự do tham gia vào các quá trình này là rất quan trọng.

 

Ngoài việc đảm bảo JETP đáp ứng được khía cạnh “công bằng” của nó, các mối quan hệ đối tác này cần phải thực sự đem lại sự chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

 

Chúng ta không thể bỏ ra hàng chục tỷ USD chỉ để giảm tuổi thọ của một nhà máy điện cũ kỹ, mệt mỏi trong vài năm. Những quan hệ đối tác này cần chứng minh được rằng chúng mang lại phương pháp thực hành tốt nhất để thay thế năng lượng nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo càng sớm càng tốt và đảm bảo cộng đồng, người lao động và môi trường được bảo vệ và hỗ trợ trong suốt quá trình.

 

Thế giới cần phải loại bỏ hoàn toàn năng lượng than trong 17 năm nữa nếu chúng ta muốn có hy vọng kiểm soát được hiện tượng nóng lên toàn cầu. Chúng ta không có thời gian để lãng phí và không có một USD nào để lãng phí.

 

 

Guneet Kaur: Các bên liên quan cần tiến hành thẩm định nghiêm ngặt mối đe dọa đối với những người bảo vệ môi trường và nhân quyền và các hạn chế đối với hoạt động môi trường và sự tham gia của người dân ở Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn của các bên tham gia JETP, vì chúng liên quan đến việc cấp vốn và thực hiện JETP.

 

Họ phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các chính sách và các cam kết về sự tham gia của công chúng. Các quốc gia tài trợ và các bên liên quan khác nên kết hợp các biện pháp bảo vệ những nhà hoạt động môi trường và nhân quyền với các chính sách nhằm đảm bảo xã hội dân sự được tham gia một cách tự do và an toàn vào việc thiết kế, ra quyết định, giám sát và thực hiện JETP.

 

Họ cần cùng nhau thiết kế khung pháp lý về nhân quyền để quản lý JETP phù hợp với các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền, các nguyên tắc của riêng họ và các nguyên tắc về trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và sự tham gia của công chúng.

 

.

BBC sẽ tiếp tục đăng các bài về chủ đề môi trường và xã hội dân sự trước thềm COP28 ở Dubai năm nay.

 

-----------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Lợi và hại của chiến lược phát triển điện khí LNG thay thế than ở VN

4 tháng 11 năm 2023

·         

Việt Nam 'sẽ phải vật lộn để đạt mục tiêu điện gió ngoài khơi năm 2030'

10 tháng 11 năm 2023

·         

Quốc gia nào nên chi trả cho cuộc khủng hoảng khí hậu?

14 tháng 11 năm 2023

·         

'VN cần giúp người dân hiểu 15,5 tỷ USD tài trợ cho năng lượng sạch được tiêu vào đâu'

5 tháng 7 năm 2023

·         

Nhận hàng tỷ USD từ G7, Việt Nam, Indonesia chuẩn bị chuyển sang năng lượng sạch như thế nào

2 tháng 11 năm 2023

·         

Gói ngân sách G7 giúp Việt Nam ngưng sử dụng than: Cho vay nhiều, viện trợ ít

31 tháng 10 năm 2023

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats