Wednesday, 22 November 2023

TỪ XUNG ĐỘT THẾ KỶ ISRAEL - PALESTINE / KỲ 2 : NGƯỜI DO THÁI và HÀNH TRÌNH TRỞ LẠI ĐẤT THÁNH (Hoàng Dạ Lan / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Từ xung đột thế kỷ Israel và Palestine - Kỳ 2: Người Do Thái và hành trình trở lại đất Thánh

HOÀNG DẠ LAN  -  Luật Khoa Tạp Chí

NOV 22, 2023   11:08 AM

https://www.luatkhoa.com/2023/11/hoi-giao-do-thai-va-cuoc-xung-dot-the-ky-israel-palestine-ky-2/

 

Xây dựng một xã hội văn minh, đa dạng để chấm dứt xung đột.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2023/11/Palestine-Israel-002.png

Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

 

Ở Việt Nam hiện nay, các diễn ngôn về người Do Thái hầu hết đều tích cực. Họ thường được đánh giá là thông minh, tháo vát, có khả năng kinh doanh xuất sắc và có nhiều đóng góp cho nhân loại. Việc sáu triệu người Do Thái bị diệt chủng trong Thế chiến thứ hai cũng tạo ra mối đồng cảm sâu sắc trong nhiều người Việt, cho rằng họ xứng đáng có một quốc gia riêng. Tuy nhiên, trái với tình hình ở Việt Nam, diễn ngôn về người Do Thái trong suốt chiều dài lịch sử thường mang nhiều ý nghĩa tiêu cực. 

 

Trên phương diện tôn giáo và lịch sử, chủ nghĩa bài Do Thái (anti-Semitism) đã xuất hiện từ buổi bình minh của Cơ Đốc giáo. Người Do Thái bị xem là những kẻ phản Chúa và phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Chúa Jesus. Người Do Thái cũng bị người Cơ Đốc giáo lên án vì không công nhận Jesus là con của Thiên Chúa. Vào thời Trung cổ ở châu Âu, trong khi Cơ Đốc giáo cấm việc tính lãi trên các khoản vay, người Do Thái không bị ràng buộc bởi các quy định này. Nhiều người Do Thái làm nghề cho vay lãi hoặc buôn bán, tạo ra sự cạnh tranh kinh tế và ghen tị từ cộng đồng Cơ Đốc giáo. [1]

 

Joseph-Arthur Gobineau (1816-1882), nhà nghiên cứu và nhà ngoại giao người Pháp, được xem là cha đẻ của thuyết phân biệt chủng tộc hiện đại. Công trình tai tiếng nhất của ông, “Bài luận về sự bất bình đẳng của các chủng tộc loài người”, xuất bản lần đầu năm 1853, lập luận rằng thành phần chủng tộc là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự thịnh suy của một nền văn minh. Gobineau cho rằng người da trắng, đặc biệt là chủng tộc Aryan (chủ yếu bao gồm người Đức và những người có nguồn gốc Bắc Âu) là cao quý và vượt trội hơn so với các chủng tộc khác. Trong khi đó, người Do Thái bị xem là kém sáng tạo. Ông lập luận sự pha trộn chủng tộc khiến cho sự “thuần khiết” của chủng tộc thượng đẳng mất đi, đây được xem là nguồn gốc của sự suy đồi và sụp đổ các nền văn minh. [2]

 

Sau này, các tác phẩm của Richard Wagner và Houston Stewart Chamberlain tiếp tục mô tả người Do Thái là xấu xa, gây hại và tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với văn minh phương Tây. Các tác phẩm này cung cấp cơ sở lý luận cho Đức Quốc xã thực hiện diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến thứ hai.

 

Đứng trước sự hoành hành của chủ nghĩa bài Do Thái tại châu Âu, chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionism) xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 với mục tiêu là tạo ra quê hương cho người Do Thái. Thuật ngữ Zionism xuất phát từ “Zion”, tên một ngọn đồi ở Jerusalem, biểu tượng quê hương lịch sử của người Do Thái. Những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái tin rằng cần thành lập một quốc gia Do Thái để bảo đảm an toàn và quyền tự quyết cho người Do Thái, tránh xa khỏi sự phân biệt chủng tộc và bạo lực mà họ phải đối mặt ở châu Âu. Phong trào Zionism dẫn đến việc thành lập quốc gia Israel tại Trung Đông vào năm 1948.

 

Chủ nghĩa phục quốc Do Thái mang ý nghĩa rất tiêu cực trong thế giới Ả Rập vì nó gắn liền với việc thành lập nhà nước Israel vào năm 1948 và sự di tản của hàng trăm nghìn người Palestine khỏi làng mạc và nhà cửa của mình. Sự kiện này còn được gọi là Nakba, có nghĩa là thảm họa trong tiếng Ả Rập. Việc Israel tiếp tục chiếm đóng các khu vực ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, cũng như việc mở rộng các khu định cư Do Thái trong những vùng này bị nhiều người Ả Rập xem là hệ quả trực tiếp của chủ nghĩa phục quốc Do Thái, với mục đích xây dựng một đất nước Israel rộng lớn hơn trước sự trả giá nặng nề của người Palestine.

 

Căng thẳng kéo dài liên quan đến cuộc xung đột Israel-Palestine khiến chủ nghĩa bài Do Thái dâng cao trong thế giới Ả Rập. Hàng trăm ngàn người Do Thái sinh sống tại các quốc gia Ả Rập đã bị trục xuất hoặc phải di cư khỏi các nước này.

 

 

Cuộc xung đột Israel – Palestine 

 

Cuộc xung đột Israel – Palestine hoặc rộng hơn là cuộc xung đột giữa khối Ả Rập và Israel bắt nguồn từ cuộc tranh chấp một dải đất ở Trung Đông, nằm giữa biển Địa Trung Hải và sông Jordan. Jerusalem đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột này vì đây là được xem là “đất Thánh”, địa điểm linh thiêng với ba tôn giáo lớn trên thế giới là Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, và Do Thái giáo. 

 

Người Do Thái tuyên bố chủ quyền với dải đất này dựa vào các lời hứa trong Kinh Thánh Hebrew với Abraham và con cháu của ông. Họ xem đây là dải đất lịch sử của các vương quốc Do Thái cổ đại Israel và Judea. Họ cũng cần một nơi trú ẩn an toàn trước sự truy bức của chủ nghĩa bài Do Thái ở châu Âu. 

 

Trong khi đó, người Ả Rập Palestine khẳng định chủ quyền với dải đất dựa vào thực tế là họ đã sinh sống liên tục tại đây hàng trăm năm và chiếm đa số trong cơ cấu dân cư cho đến năm 1948. Họ không chấp nhận việc phải từ bỏ đất đai để bồi thường cho những tội ác mà người châu Âu đã gây ra cho người Do Thái. Họ cho rằng sự tồn tại một vương quốc trong Kinh Thánh không thể trở thành cơ sở pháp lý cho một tuyên bố chủ quyền thời hiện đại. [3] Luật Khoa tạp chí đã có một bài viết chi tiết về cuộc xung đột Israel – Palestine từ góc nhìn công pháp quốc tế, mời độc giả đọc thêm tại đây.

 

Về cuộc xung đột Israel – Hamas hiện nay, hành động tàn sát dân thường Israel do Hamas thực hiện vào ngày 7/10/2023 là vô cùng tàn bạo, đã gây ra sự phẫn nộ sâu sắc. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là hành động khủng bố của Hamas không đại diện cho toàn bộ 2,2 triệu người dân Palestine ở dải Gaza, trong đó có một nửa là trẻ em. [4]

 

Một cuộc khảo sát của Arab Barometer ngay trước thềm cuộc chiến cho thấy trong khi mục đích của Hamas là tiêu diệt nhà nước Israel, hầu hết người dân Gaza ủng hộ giải pháp hai nhà nước, nhằm hướng tới việc cùng tồn tại trong hòa bình và chấm dứt xung đột giữa các phe phái. [5] Ngoài ra, khi được hỏi về mức độ tin tưởng mà người dân Gaza dành cho chính quyền do Hamas lãnh đạo, 44% số người tham gia khảo sát cho biết họ không có chút tin tưởng nào, trong khi 23% cho biết họ có ít lòng tin vào chính quyền.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/11/1-2.png

Hầu hết người dân Gaza không có lòng tin vào chính quyền do Hamas lãnh đạo. Nguồn: Arab Barometer Wave VIII, Gaza (2023). 

 

Nghiên cứu của Arab Barometer cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân Palestine đối với Hamas có xu hướng tăng trong những giai đoạn Israel gia tăng trừng phạt và phong tỏa biên giới với Gaza. Từ khi giao tranh nổ ra cho đến ngày 20/11/2023, có ít nhất 13.000 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có 5.500 trẻ em, biến Gaza trở thành “mồ chôn trẻ em”. [6] Do đó, chiến dịch quân sự hiện nay của Israel nhằm loại bỏ Hamas có thể gây tác dụng ngược. Số lượng thương vong ngày càng tăng, oán thù ngày càng chồng chất có thể khiến sự ủng hộ của người Palestine đối với các nhóm Hồi giáo cực đoan như Hamas tăng lên, góp phần vào việc leo thang của vòng xoáy bạo lực.

 

Đáp trả bằng bạo lực chưa bao giờ là câu trả lời hoàn hảo để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Sau các cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, Hoa Kỳ phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, tiến hành đem quân vào Iraq cùng Afghanistan và bị sa lầy ở cả hai chiến trường này. Tình hình chính trị bất ổn ở Iraq sau khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ tạo môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của Nhà nước Hồi giáo (IS). Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kabul do phương Tây hậu thuẫn và quá trình rút quân thảm hại khỏi Afghanistan sau 20 năm đưa quân sang tham chiến khiến Hoa Kỳ tổn hại cả về uy tín quân sự lẫn ngoại giao. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy hầu hết những chiến dịch quân sự đáp trả lại các cuộc tấn công khủng bố thường gây ra những cuộc chiến kéo dài, thương vong cao, và lại càng làm gia tăng nguy cơ khủng bố. [7]

 

Do đó, đối với cuộc xung đột Israel – Hamas hiện nay, về lâu dài cần có các giải pháp về chính trị và ngoại giao để xuống thang xung đột, tiến tới thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin. Trong giai đoạn hậu xung đột, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Chính quyền Palestine (PA) cần có các cải tổ mạnh mẽ để đoàn kết các lực lượng, tạo ra sức mạnh đấu tranh cho người Palestine theo con đường đàm phán hòa bình. Israel cũng cần phải chính thức công nhận quyền của người Palestine đối với một quốc gia độc lập trên lãnh thổ mà Israel đã chiếm đóng từ năm 1967. [8]

 

 

Vài suy ngẫm về cuộc tranh luận Israel – Palestine tại Việt Nam

 

Người viết đã trải qua khoảng thời gian dài học tập và làm việc ở một số quốc gia trên thế giới. Trong hành trình đó, tôi may mắn gặp được những người bạn Hồi giáo thân thiện, tốt bụng, và sống có lý tưởng. 

 

Đó là một anh bạn người Palestine với nụ cười tỏa nắng, muốn dành cả cuộc đời để nghiên cứu tìm ra con đường giải quyết cuộc xung đột Israel – Palestine. 

 

Đó là một cô gái người Tunisia năng động, xinh đẹp, nói tiếng Anh chuẩn giọng Mỹ. Cô dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Ả Rập ở nhiều quốc gia trên thế giới, thành lập một tổ chức phi chính phủ, đồng thời tham gia xây dựng các khóa học về gìn giữ hòa bình và chuyển hóa xung đột. 

 

Và còn một chị bạn người Bangladesh, đầu tắt mặt tối với việc học tiến sĩ, nhưng chỉ cần có chút thời gian rảnh thì sẽ cùng con gái học đàn, đọc sách, dẫn con đi thăm thú các di tích lịch sử văn hóa, truyền cảm hứng để con trở thành một cô gái độc lập và sống có đam mê. 

Tôi hiểu rằng những người bạn Hồi giáo mà tôi gặp không thể đại diện cho tất cả mọi tín đồ; tuy nhiên, họ giúp tôi nhận thức sâu sắc rằng thế giới Hồi giáo không chỉ có những tay súng cực đoan và những kẻ đánh bom liều chết. Đó là một thế giới đa dạng, nhiều màu sắc, với những con người giống tôi và giống bạn, những người đang đọc những dòng chữ này.

 

Đáng tiếc là hiện tượng phân biệt chủng tộc và tôn giáo đã xuất hiện trong các cuộc tranh luận về cuộc xung đột Israel – Palestine tại Việt Nam. Đã có những câu bình luận, bài đăng miệt thị Hồi giáo, thánh Allah, và người theo đạo Hồi trong một bộ phận người Việt. Việc dùng hành động cực đoan của phong trào Hồi giáo Hamas để lên án đạo Hồi và toàn bộ 1,8 tỷ tín đồ có thể xem là một sự khái quát hóa quá mức (over-generalization), thiếu cân nhắc đến sự đa dạng và tính phức tạp của tình huống hay nhóm người, dẫn đến định kiến, đánh đồng và kết luận sai lầm. 

 

Về bản chất, những quan điểm bài Hồi giáo này không khác tuyên truyền của Đức Quốc xã về sự hạ đẳng và bản chất xấu xa của người Do Thái. Đây là cơ sở lập luận để Đức Quốc xã tiến hành diệt chủng sáu triệu người Do Thái trong Thế chiến thứ hai, một tội ác mà toàn nhân loại đã đồng lòng lên án. Mặt khác, một số bình luận về sự thông minh vượt trội của người Do Thái, cho rằng cần ủng hộ Israel để họ tiếp tục đóng góp cho nhân loại, kỳ lạ thay, lại mang âm hưởng của chủ thuyết da trắng thượng đẳng về một chủng tộc Aryan thần thánh, những người được coi là khai sáng văn minh và xứng đáng có không gian sinh tồn rộng lớn.

 

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần tự đánh giá và thách thức các định kiến của mình về chủng tộc và tôn giáo, đặc biệt là khi tham gia vào các cuộc tranh luận về xung đột Israel – Palestine. Chúng ta cần tránh rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và kỳ thị tôn giáo, tô hồng phía mình ủng hộ và bôi đen phía bên kia của cuộc chiến. Đây là nền tảng cơ bản để xây dựng một xã hội văn minh, đa dạng, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt.

 

 


 

Biên niên sử bỏ túi về xung đột Israel – Palestine: Từ góc nhìn công pháp quốc tế

Cuộc tranh chấp điển hình nhất, dai dẳng nhất về chủ quyền lãnh thổ.

Luật Khoa tạp chí                          Nguyễn Quốc Tấn Trung

 

 

Người Hồi giáo, dân Do Thái, và cuộc xung đột thế kỷ Israel-Palestine

Kỳ 1: Chủ nghĩa bài Hồi giáo từ đâu mà ra?

Luật Khoa tạp chí                 Hoàng Dạ Lan

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats