Tuesday, 14 November 2023

TĂNG GIÁ ĐIỆN : CÓ ĐÁNG ĐỂ ĐÁNH ĐỔI TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC? (RFA)

 



Tăng giá điện: có đáng để đánh đổi tác động tiêu cực?

RFA
2023.11.13

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/increasing-electricity-prices-is-it-worth-the-negative-impact-11132023114120.html

 

Kể từ ngày 9/11/2023, giá điện tại Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 4,5%. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN trong cùng ngày đã cho báo nhà nước biết, việc tăng giá điện sẽ giúp tập đoàn này có thêm khoản thu hơn 3.200 tỷ đồng từ nay đến cuối năm.

 

Cũng theo EVN, việc tăng giá điện thêm 4,5% sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng 0,035% và chưa được tính khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14 ngàn tỷ đồng của các năm trước.

 

Việc tăng giá điện lần này ảnh hưởng đời sống người dân ra sao? Ông Hai, một người dân sống ở Cần Thơ hôm 13/11/2023 nói với RFA:

 

“Ở Việt Nam tiền điện thì vô giá, muốn lên giờ nào là lên. Ở đây chúng tôi cũng vậy, đủ thì không gọi là đủ, còn thiếu thì chắc chắn phải thiếu. Công nhân bây giờ thất nghiệp, dân chúng làm ăn khó khăn. Con cháu trong nhà đi làm hồ còn thất lên thất xuống, thầu lãnh được thì làm được, còn thầu không lãnh được thì ở nhà không, riết rồi cũng phải chết. Năm rồi giá điện lên mấy %, giờ lên nữa. Bây giờ nai lưng ra làm mà đóng tiền điện thôi chứ biết than ai, than cũng không ai giúp được mình. Tại vì chế độ là như vậy, phải chịu thôi, dân mình nhiều người cũng bức xúc, nhưng người ta có nói gì được đâu, mở miệng ra thì điều 311 gì đó, như vậy thì ai mà dám mở miệng.”

 

Trong khi đó, tại buổi trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá điện giữa Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và EVN hôm 9/11, đại diện EVN cho rằng giá điện tăng không tác động nhiều đến người nghèo, người yếu thế.

 

Ông Đệ, chủ một doanh nghiệp tư nhân sản xuất linh kiện điện tử ở TPHCM hôm 13/11 cho rằng ‘nói giá điện không ảnh hưởng người yếu thế’ cũng có thể không sai:

 

“Không ảnh hưởng vì người nghèo đâu có tiền để mua máy lạnh, quạt hơi nước mà dùng điện, cái đó nói chính xác. Còn đối với doanh nghiệp là chết, tất cả nhà sản xuất đều dùng năng lượng là nguồn điện để sản xuất hàng hóa, rõ ràng điện tăng thì giá thành phải tăng và người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại rất nhiều. Giá thành sản phẩm sẽ tăng lên, không thể tránh được, đầu vào tăng thì người ta phải bán tăng, chứ làm sao người ta gánh nổi cái lỗ đó. Bất cứ một doanh nghiệp nào cũng vậy thôi, nghe đến điện tăng, xăng tăng… là chết.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/increasing-electricity-prices-is-it-worth-the-negative-impact-11132023114120.html/000_33gl3nj.jpg/@@images/5ee45946-500a-4a64-a97e-441705beec62.jpeg

Ảnh minh họa: Bức ảnh chụp vào ngày 30 tháng 5 năm 2023 cho thấy quang cảnh Hà Nội khi một số đèn đường đã tắt để tiết kiệm điện. Nhạc NGUYÊN / AFP.

 

Lý giải về việc tăng giá điện, ông Nguyễn Đình Phước – Kế toán trưởng Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN tại phiên họp hôm 9/11 cho biết, việc điều chỉnh giá điện thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Phước, do sản lượng thuỷ điện giảm gần 17 tỷ kWh vì hạn hán và El Nino kéo dài, trong khi giá nhiên liệu duy trì ở mức rất cao, như giá than năm 2023 tăng 29-46%, giá dầu tăng khoảng 18%, tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh gần 4%... làm ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của EVN.

 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA hôm 13/11/2023 từ Việt Nam cho rằng, việc tăng giá điện sẽ phải đánh đổi bằng nhiều tác động tiêu cực:

 

“Việc tăng giá điện là một điều bất khả kháng, bởi vì do diễn biến của tình hình thế giới nên giá dầu đã tăng lên và giá nhiều mặt hàng khác cũng tăng lên. Trong bối cảnh đó thì điện của Việt Nam phải nhập xăng và nhập than, vì vậy cho nên việc tăng giá điện là điều không thể tránh được. Việc tăng giá điện sẽ hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và có thể sẽ làm cho tăng trưởng GDP sẽ giảm khoảng 1 % và chi phí khác cũng như lạm phát cũng sẽ tăng lên.”

 

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tăng giá điện sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và đời sống của người dân, nhất là người nghèo.

 

Trước đó vào ngày 23/8/2023, khi góp ý về Dự thảo mới thay thế Quyết định 24 của Thủ tướng, quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN đã đồng ý phương án Bộ Công Thương đưa ra, đó là giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh 3 tháng/lần theo biến động đầu vào của tất cả các khâu.

 

Cũng tại phiên họp ngày 9/11, khi trả lời câu hỏi của truyền thông nhà nước về việc giá điện tăng thêm 4,5% đã đủ bù đắp các khoản chi phí tăng thêm trong giá thành điện hay chưa, ông Nguyễn Đình Phước – Kế toán trưởng EVN cho biết, việc tăng giá điện giúp EVN tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng và giúp tập đoàn giảm bớt khó khăn.

 

----------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

·        Giá điện 'cõng' lỗ của EVN: Lỗi định hướng sao bắt dân chịu?

·        Chu kỳ điều chỉnh giá điện rút xuống 3 tháng/lần có khả thi?

·        Bao giờ người dùng có được giá điện “công bằng”?

·        Giá điện cao có ‘né’ dân nghèo?

·        Nói giá điện ‘có tăng, có giảm’ chỉ để được lòng ‘khán giả’!

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats