Wednesday 15 November 2023

TẠI SAO LẠM PHÁT ĐANG XUỐNG? (Ngô Nhân Dụng)

 



Tại sao lạm phát đang xuống?

Ngô Nhân Dụng

16/11/2023

https://www.voatiengviet.com/a/tai-sao-lam-phat-dang-xuong-/7356061.html

 

Covid-19 đã đảo lộn kinh tế vì thay đổi cách người ta tiêu tiền. Tiền tiêu thụ tạo động lực thúc đẩy hai phần ba các hoạt động kinh tế ở Mỹ - một phần ba còn lại là do chính phủ tiêu và các công ty đầu tư.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-e019-08dbe54b1ef4_w650_r1_s.jpg

Với chi phí lao động không tăng, các xí nghiệp cũng không cần tăng giá bán, vì vẫn phải cạnh tranh với nhau. Hàng nhập cảng cũng cập bến nhiều hơn, sau thời gian bị Covid tạo nhiều thứ trở ngại. Nhờ thế lạm phát ở Mỹ bớt gia tăng. Hình minh họa.

 

Trong ngày Thứ Ba 14 tháng 11, Sở thống kê của bộ Lao Động ở Washington D.C. cho biết trong tháng Mười giá cả hàng hóa so với năm ngoái chỉ cao 3.2 phần trăm, sau khi đã tăng 3.7% trong tháng Chín; giá các món hàng thông dụng chỉ tăng 0.2 phần trăm trong một tháng. Đây là dấu hiệu nạn lạm phát đang hạ thấp nhiệt độ; hy vọng sẽ trở lại bình thường như trước khi có bệnh dịch Covid.

 

Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) không cần lo chống lạm phát nữa, có thể sẽ giảm lãi suất. Giá các trái khoán của chính phủ Mỹ tăng nhẹ và Chỉ số Dow Jones của thị trường New York tăng 1.4% cho thấy giới đầu tư tin rằng lãi suất sẽ đi xuống.

 

Nhiều thứ giá cả đang tăng rất chậm so với trước đây: Xăng dầu, xe hơi và xe cũ, giá vé đi máy bay, khách sạn, máy móc dùng trong nhà, và cả phí tổn đi bác sĩ. Tiền thuê nhà và lãi suất vay nợ để mua nhà vẫn tăng nhưng tăng rất nhẹ.

 

Lạm phát bắt đầu từ năm 2020 vì bệnh dịch lan rộng, các cơ xưởng sản xuất ngừng chạy, các cửa hàng đóng cửa, nhiều người mất việc. Giá cả tăng vì số hàng hóa bắt đầu cạn dần sau khi các nhà sản xuất tạm nghỉ. Hàng nhập cảng bị kẹt, vì công nhân ở các bến, cảng Mỹ và các nước khác không làm việc. Số hàng bán giảm bớt mà người tiêu thụ vẫn không ngừng mua, rồi chính phủ lại tặng họ thêm tiền xài nữa!

 

Trước mối đe dọa kinh tế sẽ suy thoái, cựu Tổng thống Donald Trump đã “phát trợ cấp” cho người tiêu thụ. Ông ký hai đạo luật “Chống Coronavirus” và “Cứu Trợ bệnh Coronavirus” trong tháng Ba và tháng Tư, 2020. Tổng cộng $2 ngàn tỷ mỹ kim được phân phối, $1,200 đô la cho mỗi người đóng thuế; người thất nghiệp được lãnh thêm $600 với thời hạn lâu hơn. Quốc hội Mỹ tặng dân thêm $900 tỷ mỹ kim nữa, thêm $300 mỗi tháng cho bảo hiểm thất nghiệp. Tháng Ba 2021, Tổng thống Joe Biden tiếp tục trợ cấp cho dân Mỹ thêm $1.9 ngàn tỷ đô la nữa. Cứ như thế, giá cả tăng liền trong hai năm qua.

 

Khi bệnh dịch chấm dứt nhưng lạm phát vẫn tiếp tục lên cao. Vì guồng máy sản xuất và phân phối chưa thể phục hoạt cho bằng thời gian trước cơn bệnh. Nhà máy mở cửa nhưng số sản xuất tăng lên rất chậm chạp; vì phải chờ nguyên liệu và phụ tùng từ các nơi gửi tới; công nhân chưa dám đi làm vì lo lây bệnh. Các cửa hàng mở lại nhưng thiếu đồ để bán. Người tiêu thụ không lo lây bệnh nữa, trong túi lại sẵn tiền dành dụm trong hai năm nhịn tiêu xài. Cho nên phải chờ một thời gian khá lâu, đến nay giá sinh hoạt mới bớt tăng. Một điều may mắn, là lạm phát ở Mỹ vẫn thấp hơn so với các nền kinh tế lớn khác.

 

Tại sao bây giờ lạm phát giảm tốc độ? Dân Mỹ tiêu xài nhiều hơn cả thời trước bệnh dịch, nhưng số hàng bán được cung cấp dễ dàng hơn.

 

Thí dụ, các công ty xe hơi ở Mỹ. Sau bệnh dịch, các cơ xưởng mở cửa lại. nhiều công nhân sẵn sàng đi làm, nguyên liệu và vật liệu cũng tới dần dần, nhưng lại thiếu một món để ráp vào xe, là chất bán dẫn. Hiện nay mỗi chiếc xe đều ráp đầy các “máy vi tính” nho nhỏ để điều khiển các bộ phận tự động, tất cả đều cần những con chíp bé tí xíu. Trước cơn bệnh dịch, các hãng xe hầu hết mua các con chíp này từ Trung Quốc, vì giá quá rẻ! Kinh tế thế giới mở cửa lại mà nguồn cung cấp các con chíp không chạy nhanh kịp với nhu cầu. Chính phủ Mỹ đã nghĩ ra, trợ cấp cho các công ty chế tạo các loại chíp rẻ tiền, ít lợi lộc, nhưng cũng phải chờ cả năm mới dựng lên các nhà máy sản xuất.

 

Tình trạng tắc nghẽn đó đang được giải tỏa. Các hãng xe hơi bây giờ đã đủ các vật liệu để sản xuất, công nhân cũng đi làm nhiều hơn vì được tăng lương. Mặc dù công nhân làm xe mới đình công và được thỏa mãn, trong tháng trước giá xe hơi vẫn xuống; giá xe cũ cũng xuống theo, giảm bớt 7% so với năm ngoái.

 

Một tin mừng cho người lái xe (mà hầu hết dân Mỹ trưởng thành đều lái xe) là giá dầu lửa trên thế giới đã thăng bằng. Các nước sản xuất dầu nhiều hơn, nhất là nước Nga đang cần tiền; nhờ thế xăng xuống giá hơn 5% so với năm ngoái, trung bình $3.35 đô la một galon trên cả nước Mỹ, theo tin AP; mặc dù dân California trả giá đắt hơn. Một tin buồn là giá bảo hiểm xe đã tăng 20% so với năm ngoái, riêng trong tháng Mười đã tăng 1.9%, kể từ tháng Chín.

 

Một khoản chi nặng trong ngân sách các gia đình bậc trung trở xuống, là chi tiêu vào chỗ cư ngụ. Từ đầu năm 2023 giá thuê nhà vẫn lên cao, lãi suất trả khi vay tiền mua nhà (mortgage) cũng quá cao so với những năm trước. Khi giá cả nói chung tăng lên 70% là do chi phí về nhà cửa gây ra. Nhưng trong tháng qua, lãi suất mortgage và tiền thuê nhà chỉ tăng rất nhẹ. Nhiều dự án xây cao ốc để cho thuê đang hoàn tất nhanh chóng, sau một thời gian Covid bắt ngưng hoạt động. Số nhà để cho thuê lên tới mức cao nhất so với mấy chục năm trước. Các hợp đồng thuê nhà dài hạn thấy tiền thuê trả ít hơn. Tuy nhiên tình trạng này sẽ không kéo dài vì khi lãi suất lên cao thì các công ty xây dựng bớt hoạt động.

 

Nói chung, lạm phát nguội bớt vì người Mỹ đang bớt tiêu tiền, sau khi hăng hái mua sắm trong mùa Hè vừa qua. Khi số cầu giảm bớt, giá sinh hoạt sẽ không tăng nhanh như trước. Trong quý thứ ba, chỉ số lạm phát chỉ còn 4.9%, so với hơn 9% năm ngoái, đến cuối năm nay sẽ xuống khoảng 3%.

 

Một lý do người ta bớt tiêu xài là lương bổng bắt đầu “đứng,” không tăng mạnh như mấy năm trước nữa. Khi kinh tế mở cửa lại, các xí nghiệp đều thiếu người làm nên phải tăng lương. Cả năm sau khi bệnh dịch thuyên giảm giới lao động mới cảm thấy an tâm trở lại làm việc. Trong thực tế, tiền lương tăng cũng không bù lại được giá cả lên cao trong hai năm qua.

 

Trong tháng Mười, các xí nghiệp ở Mỹ chỉ tuyển thêm 150,000 nhân công, so với con số 336,000 việc làm mới trong tháng Chín. Số người kiếm việc làm đang tăng thêm, vì nhiều người đã ở nhà chờ đợi, nay hết lo bị lây bịnh mới đi kiếm việc làm. Di dân mới vào nước Mỹ cũng đi tìm việc. Vì vậy, giới chủ nhân không thấy cần tăng lương. Hiện nay, lợi tức của người lao động cũng chỉ ngang bằng thời trước Covid, nếu so sánh với giá hàng hóa cũng tăng.

 

Với chi phí lao động không tăng, các xí nghiệp cũng không cần tăng giá bán, vì vẫn phải cạnh tranh với nhau. Hàng nhập cảng cũng cập bến nhiều hơn, sau thời gian bị Covid tạo nhiều thứ trở ngại. Nhờ thế lạm phát ở Mỹ bớt gia tăng.

 

Tuy nhiên, hiện nay giá cả vẫn cao hơn 20% so với thời trước Covid. Giá sữa đã giảm bớt so với năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn 23% so với trước cơn bệnh dịch. Giá thịt bò cũng vậy, đã tăng thêm 46% từ khi có Covid, mặc dù đã giảm xuống từ năm ngoái!

 

Covid-19 đã đảo lộn kinh tế vì thay đổi cách người ta tiêu tiền. Tiền tiêu thụ tạo động lực thúc đẩy hai phần ba các hoạt động kinh tế ở Mỹ - một phần ba còn lại là do chính phủ tiêu và các công ty đầu tư. Bệnh dịch khiến nhiều thứ hàng khan hiếm trong khi lại bắt mọi người phải tích trữ nhiều tiền hơn, chỉ chờ khi được phép thì bung ra tiêu xài, góp tay đẩy lạm phát lên cao. Bây giờ dân bớt chi tiêu nên cơn sóng lạm phát êm dần. Nhưng dù sao chống đỡ lạm phát còn dễ dàng hơn, so với mối lo của Cộng sản Trung Quốc, vì dân chúng bớt tiêu thụ, các nhà sản xuất phải hạ thấp giá bán. Mọi người thấy giá cả xuống thì lại ngưng xài tiền, thử chờ coi giá xuống thấp nữa mới mua! Đó là nạn “giảm phát” rất khó trị!






No comments:

Post a Comment

View My Stats