Phòng
không Ukraina kháng cự được Nga trong ‘‘mùa đông chiến tranh’’ thứ hai ?
Trọng
Thành - RFI
Đăng
ngày: 23/11/2023 - 15:30
Phá hủy
các cơ sở hạ tầng của Ukraina, đặc biệt là về điện lực, là mục tiêu của
Matxcơva. Mùa đông năm ngoái, ước tính một nửa mạng lưới điện của Ukraina đã bị
các cuộc oanh kích của Nga phá hủy. Nhờ sự hỗ trợ đáng kể của các đồng minh, kể
từ giữa năm 2023, hệ thống phòng không của Ukraina đã kháng cự hiệu quả hơn gấp
bội. Tuy nhiên, mùa đông thứ hai của chiến tranh hứa hẹn sẽ khốc liệt hơn,
Ukraina chuẩn bị đối phó ra sao?
Binh sĩ
Ukraina theo dõi drone Nga từ một sở chỉ huy trong lòng đất tại Bakhmut, vùng
Donetsk, miền đông Ukraina, ngày 25/12/2022. AP - Libkos
Tình
hình của hệ thống phòng không Ukraina
Mùa đông
đang đến khiến nhu cầu về năng lượng tăng vọt. Tấn công vào các cơ sở hạ tầng
năng lượng là một biện pháp hiểm ác có khả năng khiến đối phương tê liệt. Le
Figaro hôm 20/11/2023 dẫn một nguồn tin quân sự Pháp, cho biết tâm trạng hiện
nay của nhiều người dân Ukraina là ‘‘họ có thể thua cuộc chiến tranh này, nếu hệ
thống phòng không đủ mạnh’’. Lãnh đạo và dân chúng Ukraina chờ đợi là Nga sẽ tiến
hành cùng một chiến thuật như hồi năm ngoái với các cuộc oanh kích ồ ạt.
Hồi năm
ngoái, ngày 10/10/2022, Matxcơva dùng 84 tên lửa hành trình đồng loạt tấn công
nhiều thành phố Ukraina, đợt oanh kích lớn đầu tiên nhắm vào cơ sở hạ tầng năng
lượng. Những tuần tiếp theo, quân đội Nga dùng mọi phương tiện để oanh kích,
tên lửa bắn từ phi cơ chiến đấu, từ chiến hạm, từ tầu ngầm ở Biển Đen, cũng như
bằng drone ‘‘tự sát’’. Quy mô oanh kích năm nay có thể lớn hơn gấp bội, căn cứ
vào số lượng vũ khí Nga sử dụng trong những tháng gần đây. Theo số liệu do Kiev
đưa ra, chỉ trong tháng 9/2023, Matxcơva đã tiến hành khoảng 500 cuộc tấn công
bằng drone, so với khoảng 1.000 trong toàn bộ mùa đông năm ngoái.
Người đứng
đầu DTEK, công ty điện lực chính của Ukraina, Maxim Timchenko, nói rõ là hiện tại
Ukraina ‘‘không có đủ phương tiện để chống lại các tên lửa đạn đạo của Nga’’.
Trả lời Reuters, lãnh đạo DTEK cho biết, trong những tuần lễ gần đây, mới đầu
mùa đông, các cơ sở hạ tầng của Ukraina bị Nga tấn công tổng cộng khoảng 60 lần.
Hậu quả là khoảng 400 thành phố, thị trấn, thôn, xã bị mất điện.
Tổng thống
Ukraina Volodymyr Zelensky liên tục lên tuyến đầu để cảnh báo về những giới hạn
của hệ thống phòng không Ukraina. Trong một phát biểu hồi tuần trước, ông
Zelensky, một mặt cám ơn các đối tác đã hỗ trợ giúp hệ thống phòng không trở
nên mạnh hơn, nhưng báo động là hệ thống này chưa đủ khả năng ‘‘bảo vệ toàn bộ
lãnh thổ’’. Nguyên thủ Ukraina kêu gọi các đồng minh lập ‘‘lá chắn mùa đông’’
trên toàn lãnh thổ Ukraina.
Ukraina
cần một hệ thống phòng không như thế nào?
Theo giới
chuyên gia, một hệ thống phòng không đầy đủ phải đối phó được với các cuộc tấn
công ở ba tầm, cao, trung bình và thấp. Chuyên gia quân sự Michel Goya cho biết
cụ thể là tầng cao nhất có thể lên đến 40 km, và rộng hơn 100 km. Để đối phó với
các cuộc tấn công ở tầm cao này, quân đội Ukraina cần đến các vũ khí như
Patriot, với tầm bắn khoảng 150 km. Hiện tại Ukraina có hai hệ thống Patriot, một
do Hoa Kỳ, một do Đức cung cấp. Berlin thông báo sẽ cấp thêm một hệ thống
Patriot trong ít tháng tới. Về phần mình, Pháp và Ý đã cung cấp cho Kiev một hệ
thống SAMPT. Quân đội Ukraina cũng sở hữu các tên lửa chống hỏa tiễn riêng, tức
hệ thống S-300 có từ thời Liên Xô. Tầng phòng thủ thứ hai, với độ cao chừng 20
km, cần đến các hệ thống tên lửa uy lực thấp hơn, như Iris-T của Đức mà Ukraina
đã nhận tổng cộng 6 hệ thống kể từ cuối năm ngoái, và 12 hệ thống phòng không
Nasam của Mỹ.
Tầng phòng
thủ thấp nhất, ở độ cao tầm 5 km, với phương tiện tấn công thường là máy bay
bay ở độ cao thấp, trực thăng, drone. Vũ khí đáp trả thường là vũ khí hạng nhẹ,
thậm chí hỏa tiễn vác vai. Ukraina hiện có khoảng 2.000 tên lửa Stinger phòng
không vác vai và các bệ phòng phòng không hạng nhẹ Avenger. Tướng Pháp
Dominique Trinquand ghi nhận, sau 15 tháng chiến tranh, tức từ đầu mùa hè này,
quân đội Ukraina đã làm chủ được một hệ thống phòng không đa tầng, phức hợp, về
nguyên tắc có thể giúp Ukraina đối phó với các cuộc oanh kích dồn dập, đa
phương tiện của Nga.
Theo giới
chuyên gia, nếu như các trừng phạt của phương Tây làm suy yếu năng lực chế tạo
các tên lửa có độ chính xác cao của Nga, ẩn số lớn là kho dự trữ của Nga. Bên cạnh
đó, kể từ giờ Matxcơva có khả năng chế tạo drone tấn công Shahed theo công nghệ
của Iran ngay trong nước. Drone là các phương tiện khó định vị nhờ radar. Theo
chuyên gia Michel Goya, để đối phó với loại vũ khí này, Ukraina đã triển khai một
mạng lưới rộng lớn các công tác viên phát hiện drone, bao gồm quân nhân cũng
như thường dân, để kịp thời cung cấp thông tin.
Yêu
cầu ‘‘lá chắn mùa đông’’ của Ukraina được đồng minh, đối tác hưởng ứng ra
sao?
Hôm qua,
như chúng tôi đã loan tin, các đồng minh của Kiev đã quyết định thành lập một
liên minh nhằm hậu thuẫn hệ thống phòng không của Ukraina, được coi là chủ lực
trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga của Kiev. Liên minh bao gồm trước hết
20 thành viên, với Đức và Pháp đóng vai trò đầu tàu. Hiện tại, về cơ bản, rất
ít thông tin về liên minh này được tiết lộ. Theo tổng thống Zelensky, lá chắn
phòng không của Ukraina đang trở nên ‘‘vững chắc hơn mỗi tháng’’.
Trong cuộc
họp thường kỳ của nhóm các quốc gia hậu thuẫn quân sự cho Ukraina hồi tháng trước
tại Ramstein, nhiều quốc gia đã thông báo các viện trợ mới giúp Ukraina củng cố
hệ thống phòng không. Ngoài các dàn phóng Iris-T nổi tiếng của Đức, Kiev sẽ nhận
được một dàn phóng Terrahawk Paladin, trang bị pháo 30 mm – 40 mm, cho phép chống
trả hiệu quả các drone. Litva hứa cung cấp hai dàn phóng tên lửa đất đối không
Nasam, đảm nhiệm phòng thủ ở tầm trung. Tây Ban Nha sẽ cung cấp 6 hệ thống tên
lửa phòng không Hawk, do Mỹ chế tạo, cũng dùng cho hoạt động phòng thủ tầm
trung. Theo Le Monde, Pháp sẽ đặc biệt tập trung hỗ trợ Ukraina bảo vệ thành phố
Odessa, cảng biển vốn bị Nga phong tỏa giờ đây đang trở lại thành một vị trí
chiến lược, nơi mà Ukraina duy trì một hành lang hàng hải để xuất khẩu ngũ cốc
ra thế giới.
Điểm đặc
biệt quan trọng với hệ thống phòng không của Ukraina là sử dụng các phương tiện
đáp trả chính xác và tiết kiệm. Theo chuyên gia quân sự Dominique Trinquand,
Ukraina phải có được một hệ thống radar tốt cho phép xác định chính xác các mục
tiêu, để lựa chọn các vũ khí tương ứng, cụ thể như tránh sử dụng tên lửa với
cái giá hàng triệu đô la để bắn hạ một drone trị giá chỉ chừng vài nghìn.
-----------------------------
Các nội
dung liên quan
CHIẾN
TRANH UKRAINA
Tổng
thống Zelensky khẳng định Nga « tập trung tên lửa » chuẩn bị tấn công Ukraina
trong mùa đông
UKRAINA -
NGA
Kiev
lên án Nga tái diễn hành vi « khủng bố năng lượng » Ukraina
No comments:
Post a Comment