Monday, 20 November 2023

LIÊN HIỆP QUỐC : TRÁI ĐẤT ĐANG NÓNG QUÁ MỨC GIỚI HẠN AN TOÀN 1.5 ĐỘ C (Người Việt)

 



Liên Hiệp Quốc: Trái đất đang nóng quá mức giới hạn an toàn 1.5°C

Người Việt

November 20, 2023

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/lien-hiep-quoc-the-gioi-dang-nong-vuot-qua-muc-gioi-han-an-toan-1-5c/

 

NEW YORK, New York (NV) – Báo cáo mới về khí hậu của Liên Hợp Quốc tính toán rằng trái đất đang tăng tốc lên mức nóng trên toàn cầu từ 2.5°C đến 2.9°C (khoảng 4.5°F đến 5.2° F) kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, vượt quá ngưỡng nhiệt độ giới hạn đã được quốc tế thống nhất, theo AP.

 

Thời kỳ tiền công nghiệp được cho là khoảng thời gian từ năm 1750 đến 1850, từ giữa thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/TS-tan-da-1536x1024.jpg

Lớp băng dày tồn tại ít nhất 2000 năm bao phủ một con đèo ở Thụy Sĩ giữa sông băng Scex Rouge và sông băng Tsanfleuron đã tan chảy hoàn toàn. (Hình: Fabrice Coffrini/AFP via Getty Images)

 

 Để duy trì mức nhiệt độ ở giới hạn 1.5° C (2.7°F) được thông qua trong thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, các quốc gia phải cắt giảm 42% lượng khí thải vào cuối thập niên này, theo báo cáo của cơ quan kiểm soát khí thải Liên Hiệp Quốc (UNEP) đưa ra hôm Thứ Hai, 20 Tháng Mười Một.

 

Báo cáo cho biết lượng khí thải carbon từ việc đốt than, dầu và khí đốt đã tăng 1.2% trong năm ngoái.

 

Tính đến cuối Tháng Chín, nhiệt độ trung bình hàng ngày trên toàn cầu đã vượt quá 1.5°C so với mức giữa thế kỷ 19 trong 86 ngày trong năm nay. Nhưng con số này đã tăng lên 127 ngày vì gần như toàn bộ hai tuần đầu tiên của Tháng Mười Một và cả Tháng Mười đều đạt hoặc vượt quá mức 1.5°C, theo cơ quan khí hậu châu Âu Copernicus. Đó là 40% số ngày trong năm nay.

 

Vào Thứ Sáu, nhiệt độ toàn cầu đạt 2°C (3.6°F) so với thời kỳ tiền công nghiệp lần đầu tiên trong lịch sử được ghi lại, theo bà Samantha Burgess, phó giám đốc cơ quan Copernicus.

 

“Đó thực sự là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi, một sự tăng tốc nhiệt độ. Dựa trên những gì khoa học cho chúng ta biết, điều này hiện tại chỉ giống như lời thì thầm. Tuy nhiên, trong tương lai sẽ là những tiếng gầm thét,” theo bà Anne Olhoff, tác giả chính của bản báo cáo nhận định.

 

Bà Inger Andersen, giám đốc UNEP, cho biết những gì đang xảy ra đã là nguy hiểm rồi: “Nhiệt độ đang tăng lên một mức cao mới, trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, diễn biến nhanh hơn và dữ dội hơn rất nhiều.”

 

Để ngăn điều đó xảy ra, các quốc gia trên thế giới phải đưa ra các mục tiêu nghiêm ngặt hơn để cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide và thực hiện các chính sách để thực hiện các mục tiêu đó, bà Olhoff nói.

 

Trong hai năm qua, chỉ có chín quốc gia đưa ra các mục tiêu mới, do đó, điều đó không thay đổi, nhưng một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ và các nước ở Châu Âu, đã đưa ra các chính sách giúp có được một chút triển vọng, theo bà Olhoff.

 

Đạo Luật Giảm Lạm Phát của Mỹ, với chi tiêu $375 tỷ cho năng lượng sạch, đến năm 2030 sẽ giảm lượng khí thải carbon dioxide khoảng 1 tỷ tấn mỗi năm.

 

Nghe thì có vẻ nhiều nhưng thế giới vào năm 2022 thải ra 57.4 tỷ tấn khí thải tạo ra hiệu ứng nhà kính.

 

Các cam kết hiện tại của các quốc gia sẽ cắt giảm con số đó xuống còn 55 tỷ tấn và để hạn chế sự nóng lên 1.5°C vào năm 2030, con số này phải giảm xuống còn 33 tỷ tấn.

 

Như vậy “khoảng cách phát thải” là 22 tỷ tấn là một con số quá xa vời so với thực tại.

 

Ông Antonio Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhắc lại lời kêu gọi các nước kịp thời loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để duy trì giới hạn 1.5°C và cảnh báo rằng “nếu không, chúng ta chỉ đơn giản là thổi phồng xuồng cấp cứu trong khi bẻ gãy mái chèo.” (MPL) [kn]





No comments:

Post a Comment

View My Stats