Monday 27 November 2023

HỘI PHẬT HỌC ĐUỐC TUỆ và HỘI THẢO 'PHẬT GIÁO HỘI NHẬP ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI' (Văn Lan / Người Việt)

 



Hội Phật Học Đuốc Tuệ và hội thảo ‘Phật Giáo Hội Nhập Vào Đời Sống Hiện Tại’

Văn Lan/Người Việt

November 25, 2023

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/hoi-phat-hoc-duoc-tue-va-hoi-thao-phat-giao-hoi-nhap-vao-doi-song-hien-tai/

 

GARDEN GROVE, California (NV) – Hội Phật Học Đuốc Tuệ tổ chức đề tài “Phật Giáo Hội Nhập Vào Đời Sống Hiện Tại” tại Tu Viện Đại Bi, Garden Grove, hôm Chủ Nhật, 12 Tháng Mười Một.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/DP-Phat-giao-hoi-nhap-1-1536x1022.jpg

Từ trái, Giáo Sư Miroj Shakya, Thượng Tọa Thích Thiện Trí, Giáo Sư Minh Hoa Tạ, và cô Kim Chi – người phiên dịch trong buổi hội thảo. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

hật Giáo hội nhập, hay Phật Giáo nhập thế (Phật Giáo dân gian) trong thời đại ngày nay là gì? Có thể là mấy khóa tu thiền dạy sinh viên, học sinh trong trường; hoặc các cư sĩ, tăng sĩ đi đến các viện dưỡng lão để ủy lạo các cụ cao niên; hoặc trong quân đội có các vị tuyên úy, hay nhiều sâu xa hơn nữa, đó là các vấn đề của Phật Giáo hội nhập.

 

Những vấn đề này được ba diễn giả thảo luận gồm Thượng Tọa Thích Thiện Trí, giáo thọ tại Tu Viện Phổ Quang, Texas, giảng viên giáo dục cộng đồng đại học University of the West; Giáo Sư Minh Hoa Tạ, hiệu trưởng đại học University of the West; và Giáo Sư Miroj Shakya, khoa trưởng nghiên cứu tôn giáo, giảng sư đại học University of the West; cùng cô Kim Chi, phiên dịch.

 

Giáo Sư Minh Hoa Tạ khởi đầu bằng câu hỏi Phật Giáo dân gian, nhân gian là gì? Theo giáo nghĩa tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phật Giáo đi vào cuộc sống của xã hội hằng ngày, không chỉ về mặt giáo lý mà còn chú trọng về thực hành, đối diện với những thử thách biến đổi theo những sự kiện, đó là ý nghĩa chính của Phật Giáo đối với cuộc sống. Phật Giáo luôn nói về từ bi và bình đẳng, cả thế giới chúng sanh cần phải sống bình đẳng và thương yêu nhau.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/DP-Phat-giao-hoi-nhap-2-1536x1139.jpg

Phật tử Diệu Vinh diễn ngâm bài thơ “Cho Tôi Góp Một Niệm Lành” trong buổi hội thảo. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Giáo Sư Miroj Shakya cho rằng: “Phật Giáo dân gian đáp ứng nhu cầu cấp thiết của con người thời đại vào đời sống hằng ngày. Sự khác biệt giữa trường Phật học, Đại Học Phật Học, và tu viện so với trường Đại Học Phật Giáo, điều này có nghĩa là sự phát triển trên đại học là điều cần thiết để qua đó các vị trụ trì hoặc các vị lãnh đạo của tu viện có thể được đào tạo hàn lâm và truyền bá giáo lý Phật pháp theo đúng chân giá trị chánh pháp căn bản của Như Lai.”

 

“Các tu viện đào tạo tăng ni tương lai của tự viện, mục đích chính của tu sĩ không chỉ đơn thuần là để phụng sự Đức Phật bằng cách cầu nguyện thờ cúng hay chỉ để đạt lý tưởng tâm linh, mà là dấn thân truyền bá giáo lý Phật đà. Sau nữa, Đại Học Phật Giáo khi nhấn mạnh đến sự quan sát hợp lý và thực nghiệm, ở môi trường đại học mong muốn truyền đạt rằng tín tâm phải phù hợp với luận lý. Nếu những gì chúng ta tin về Đức Phật là đúng thì luận lý có thể giúp chúng ta thông đạt rõ ràng hơn, với tín tâm của chúng ta. Điều này được gọi là chủ nghĩa học thuật,” Giáo Sư Miroj Shakya tiếp.

 

Ông nói: “Phật Giáo hội nhập vào đời sống, tâm điểm chính là Phật Giáo không tách rời ra khỏi sự việc trong đời sống hằng ngày. Làm sao truyền bá Phật Giáo vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, cũng như tái tạo lại những đời sống tốt đẹp hơn cho tăng đoàn, chùa chiền.”


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/DP-Phat-giao-hoi-nhap-3-1536x758.jpg

Quang cảnh buổi hội thảo. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

“Tính nhân bản dân gian của Phật Giáo là tính triết lý về đời sống mà đạo Phật đi sâu vào để dạy con người về tính thiện lành, về lòng từ bi, vui vẻ, an lạc, và đối với mọi người là sự bình đẳng, không phân biệt đối xử như giữa ta và người, giữa người này người kia,” Giáo Sư Miroj Shakya giải thích.

 

“Thêm vào đó, đạo Phật dạy chúng ta cách trưởng dưỡng thân tâm để tạo ra trí tuệ khiến chúng ta hiểu được chiều sâu, hiểu được bản ngã của tất cả mọi sự việc, trong đó có bản ngã của chúng ta. Đức Phật đã chọn ở lại thế giới ta bà này để dạy con người điều này.

 

Tâm điểm của Phật Giáo hội nhập là Phật giáo không tách ra khỏi sự kiện trong cuộc đời con người. Làm sao truyền bá, hoằng dương Phật pháp đến mọi ngõ ngách của cuộc sống cũng như tái tạo lại đời sống tốt đẹp hơn cho tăng đoàn, ni viện hay chùa chiền,” vị giáo sư tiếp.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/DP-Phat-giao-hoi-nhap-4-1536x772.jpg

Phật tử tham dự trong buổi hội thảo “Phật Giáo Hội Nhập” do Hội Phật Học Đuốc Tuệ tổ chức tại Tu Viện Đại Bi. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Giáo Sư Miroj Shakya nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất cho dù là người Phật tử hay không, việc phục vụ chúng sinh, cứu giúp tất cả pháp giới chúng sinh là điều quan trọng nhất.”

 

Buổi hội thảo với những tinh hoa của đạo Phật, đem lại lợi lạc cho người nghe với những lời dạy của Đức Phật qua hơn 25 thế kỷ vẫn có thể áp dụng hội nhập vào đời sống trong thời đại ngày nay. (Văn Lan) [qd]





No comments:

Post a Comment

View My Stats