Friday 24 November 2023

HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ VIÊN TỊCH (BBC | RFA)

 



Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch

BBC News Tiếng Việt

24 tháng 11 2023, 17:39 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cg3px1l39xzo

 

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, người từng bị chính quyền Việt Nam kết án tử hình, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - một tổ chức tôn giáo không được chính quyền Việt Nam công nhận, vừa qua đời.

 

Báo Giác Ngộ xác nhận Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch lúc 16 giờ ngày 24/11/2023, thọ 81 tuổi.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/d64a/live/0ebe99f0-8ab5-11ee-952c-5f8de97ee99b.jpg

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

 

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vốn nổi tiếng là một nhà tu hành uyên bác, là dịch giả của nhiều bộ kinh, luật, luận, tác giả của các công trình nghiên cứu Phật học giá trị.

 

Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ, là nhà thơ, dịch giả và từng có nhiều hoạt động được cho là bất đồng với chính phủ CHXHCN Việt Nam.

 

Nhà thơ, thiền sư Tuệ Sỹ là một trong những tên tuổi trẻ có uy tín nhất trong những danh tính nổi bật của văn học miền Nam giai đoạn 1963-1975, theo các tài liệu sau này công bố ở hải ngoại.

 

Nhà văn Viên Linh từng viết về uy tín của thầy Tuệ Sỹ trên lĩnh vực Phật học và Triết học ở Viện Đại học Vạn Hạnh:

 

“Trong các nhà tu hành trẻ tuổi hồi thập niên ’70, khuôn mặt của Tuệ Sỹ, vóc dáng của một hiền giả, nhìn vào, nói tới, là nhìn vào, nói tới một tinh thần, một phong cách sáng lạn."

 

 

Giai đoạn sau 1975

 

Trong số các sự kiện gây chấn động Phật giáo Việt Nam thời gian trước là việc ông bị bắt năm 1984, sau đó bị chính quyền Việt Nam tuyên án tử hình năm 1988, với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân".

 

Sau các đợt vận động và sự can thiệp của các tổ chức quốc tế, tu sĩ Thích Tuệ Sỹ thoát án tử năm 1998.

 

Cũng trong năm này, ông cùng bảy người Việt khác được Tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng nhân quyền Hellmann-Hamett Awards.

 

Thời điểm tháng 9/2022, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã nhận vai trò lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, thay Hòa thượng Thích Quảng Độ, người viên tịch vào ngày 22/02/2020. Đây là giáo hội không được nhà nước công nhận.

 

Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Một số người trích đăng lại một đoạn trong ‘Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên-Huế’ của ông:

 

“Nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng..."

 

Các quan điểm nói trên không được báo chí chính thống Việt Nam thừa nhận và đăng tải.

 

Báo Giác Ngộ chỉ giới thiệu đóng góp của ông về mặt học thuật, triết học và Phật học và không đề cập đến phần hoạt động khác:

 

"Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được biết nổi tiếng về sự uyên bác, thông thạo nhiều loại cổ ngữ lẫn sinh ngữ như: Hán văn, Phạn văn, Tạng văn, tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga… Trong gần trọn cuộc đời, Hòa thượng dành phần lớn thời gian và tâm huyết của mình cho việc phiên dịch và chú giải kinh điển, đặc biệt là tạng kinh A-hàm. Các dịch phẩm nổi bật của Hòa thượng đã được xuất bản chính thức, đến với độc giả trong và ngoài nước."

 

BBC sẽ đăng thêm các bài về Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Phật giáo Việt Nam trong những ngày tới.

 

-----------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Tu sỹ từng lãnh án tử Thích Tuệ Sỹ trở thành lãnh đạo GHPGVN Thống Nhất

5 tháng 9 năm 2022

·         

Lãnh đạo Việt Nam đang dịch chuyển về gần các biểu tượng quá khứ?

15 tháng 2 năm 2022

·         

Tự do tôn giáo VN: Khi tu sĩ muốn đứng ngoài giáo hội 'chính thống'

14 tháng 1 năm 2022

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats