Saturday 11 November 2023

GIỚI THIỆU SÁCH : LỊCH SỬ VIỆT NAM THỜI TỰ CHỦ (Hồ Bạch Thảo)

 



Giới thiệu sách: Lịch Sử Việt Nam Thời TChủ

Hồ Bạch Thảo

11/11/2023

https://baotiengdan.com/2023/11/11/gioi-thieu-sach-lich-su-viet-nam-thoi-tu-chu/

 

Vướng chút cơ duyên về lịch sử, tôi có dịp dịch các tư liệu Việt sử trong các bộ sử Trung Quốc như: Nhị Thập Ngũ SửTư Trị Thông GiámTục Tư Trị Thông Giám Trường BiênMinh Thực LụcThanh Thực Lục. Một số tư liệu được in trong các sách xuất bản tại Hoa Kỳ như: Những Nét Đặc Trưng Về Lịch Sử Việt Nam, Việt Sử Tư Liệu và Lời Bàn; tại trong nước như: Minh Thực Lục, Thanh Thực Lục.

 

Tuy đã về già, nhưng cảm thấy bổn phận chưa hoàn thành; nên mấy năm nay lại lúi húi làm công tác tổng hợp, gộp các sử liệu nêu trên với các bộ sử lớn Việt Nam như Toàn Thư, Khâm Định, Đại Nam Thực Lục, nhắm hoàn thành sách mới, nhan đề Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ. Bộ sử này khởi đầu từ thời Khúc Tiên Chúa giành độc lập [906], cho đến hiện đại. Nhờ tư liệu phong phú, nên  hiện nay tuy mới soạn đến giai đoạn Vua Quang Trung đại phá quân Thanh [1789]; tính ra chưa đầy 900 năm, đã hoàn thành được 2000 trang; xét về số lượng, quả là dồi dào!

 

Còn về phẩm thì sao? Chỉ nhắm mong đợi vào sự chính xác:

 

Trước kia sử ta do ta viết, “một mình một chợ” nên không khỏi “mẹ hát con khen hay”. Nay những sử liệu trong Bình Ngô Đại Cáo như:

 

Lưu Cung sợ uy mất vía, Triệu Tiết nghe tiếng giật mình.

 

Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô, sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã”.

 

Lại có sẵn trong sử Trung Quốc; hãy dùng để phối kiểm, ngõ hầu gần hơn với sự thực.

 

Thời gian và không gian là hai mấu chốt cốt lõi lịch sử. Muốn hình dung rõ nét về thời gian, cần phải đổi ngày tháng Âm Lịch ra Dương Lịch. Rất tiếc các bộ sử cũ nước ta chỉ đổi được từ năm Âm Lịch ra năm Dương Lịch; riêng công trình này đổi đến ngày, tháng Dương Lịch. Đối với ngày tháng trong sử Trung Quốc, dùng Lưỡng Thiên Niên Trung Tây Lịch Chuyển Hoán; với sử Việt, áp dụng nghiên cứu lịch của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn.

 

Qua sự tò mò, tôi đem những ngày xảy ra nguyệt thực ghi trong sử nước ta, theo phương pháp của Giáo sư Hãn đổi ra Dương Lịch, rồi so sánh với tư liệu Tây phương trong Catalog of Lunar Eclipses, thấy giống y. Đơn cử ngày 16 tháng Chạp năm Hồng Đức thứ 9 xảy ra nguyệt thực; theo cách của Giáo sư Hãn, đổi ra Dương lịch là ngày 8/1/1479; Catalog of Lunar Eclipses cũng ghi 1479 Jan. 8. Kết quả nêu trên cho hai điều mừng: Sử Việt xưa ghi đúng, và lịch pháp của Giáo sư Hãn cũng rất chính xác.

 

Về không gian tức tên đất; các sách địa lý xưa nay được dùng để tham khảo, ghi ngay địa danh hiện tại bên cạnh, như sông Như Nguyệt [sông Cầu], Trấn Giang [Cần Thơ].

 

Mong muốn quá nhiều, nên không tránh khỏi ôm đồm sai sót; kính mong nhận được lời chỉ giáo của quí vị độc giả.

 

Soạn giả cẩn chí: Hồ Bạch Thảo

 

Hình bìa  sách “Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ” (Tập Một)

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-21.png

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/2-295x420.png

Mục lục sách đã xuất bản

 

Sách có bán trên AMAZON.

ISBN:979-8-8689-2551-1: https://www.amazon.com/L%E1%BB%8Bch-Vi%E1%BB%87t-Th%E1%BB%9Di-revised-Vietnamese/dp/B0CMC6RWC2/

 

Hoặc NXB Nhân Ảnh. Email: hanle3359@gmail.com

 

Bộ sách gồm 5 quyển, sẽ lần lượt xuất bản. Quyển một giá USD 40

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats