Saturday, 25 November 2023

DƯ ÂM TỪ MỘT VỤ BẮT GIỮ (Nguyễn Anh Tuấn)

 



Dư âm từ một vụ bắt giữ 

Nguyễn Anh Tuấn

Thứ Năm, 11/23/2023 - 23:36 — nguyenanhtuan

https://www.rfavietnam.com/node/7842

 

Trong chế độ một đảng Việt Nam, quyền lực thực sự tập trung ở Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chứ không phải Quốc Hội. Mặc dù hàng nghìn tỷ đồng đã được chi ra cho cuộc bầu cử mỗi năm năm một lần theo sau Đại Hội Đảng, ai cũng hiểu Quốc Hội chỉ đóng vai trò hợp thức hóa quyền lãnh đạo của Đảng, khoác vỏ bọc dân chủ cho nền đảng trị.

 

Trong một Quốc Hội như vậy, Đảng cần một số đại biểu hoạt ngôn, thường xuyên xuất hiện trên truyền thông phát biểu một số điều phù hợp ý nguyện dân chúng. Những đại biểu này có thể là đảng viên hoặc không, nhưng chỉ chiếm thiểu số tuyệt đối trong Quốc Hội để lá phiếu của họ hoàn toàn không có trọng lượng.

 

Vì không có bầu cử công bằng, tự do để các ý nguyện của công chúng được biểu đạt, Đảng rất quan tâm đến việc thăm dò dư luận và thực tế đã làm điều này bằng nhiều cách khác nhau, kể cả các công cụ kỹ thuật số. Cho phép một vài Đại biểu Quốc Hội phát biểu về các vấn đề nóng bỏng của đất nước cũng là một cách để Đảng đo lường dư luận nhằm ứng phó với những phẫn uất xã hội tiềm ẩn.

 

Những nhiệm kỳ trước công chúng đã rất quen thuộc với Đại biểu Dương Trung Quốc - một người ngoài Đảng, hoặc gần đây hơn là Đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Lưu Bình Nhưỡng. Hình ảnh của họ tràn ngập các bản tin báo chí và các phát ngôn của họ cũng xuất hiện khắp nơi. Trong cơ chế "Đảng cử dân bầu" ở Việt Nam, dù trong đảng hay ngoài đảng, các Đại biểu này cũng đều là người được Đảng chọn.

 

Có còn hơn không

 

Không nên đơn giản hóa rằng các đại biểu này đơn thuần chỉ đang thực hiện nhiệm vụ Đảng giao phó. Dù rằng Đảng rất muốn thông qua các đại biểu này để thuyết phục người dân tin rằng Quốc Hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và đã được bầu lên một cách dân chủ, tuy nhiên, chẳng ai ở Việt Nam, kể cả các vị đại biểu này nghĩ như vậy cả.

 

Các vị này hiểu hệ thống không kém bất kỳ ai, và có thể từng thực lòng tin rằng cải sửa hệ thống từ bên trong là cách thức khả thi nhất trong bối cảnh chính trị Việt Nam. Vị thế Đại biểu Quốc Hội có thể cho họ cơ hội cất lên và lan tỏa tiếng nói về những điều tốt đẹp hơn cho đất nước.

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng có thể là một người như vậy. Là một đảng viên, thật khó đòi hỏi ở ông phải lên tiếng về tự do, dân chủ hay chuyển đổi chính trị. Ngay cả những chủ đề ít nhạy cảm hơn nhưng vẫn là cấm kỵ trong Đảng như tam quyền phân lập hoặc xã hội dân sự, ông Nhưỡng thừa hiểu ông sẽ bị hệ thống loại bỏ ngay lập tức sau khi lên tiếng.

 

Mà cũng có thể ông ấy có một cách tiếp cận khác. Như một số người cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu vào đêm trước thời khắc chuyển đổi cũng chẳng hề mong muốn đa nguyên đa đảng. Điều họ muốn đôi khi vẫn là chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng mang khuôn mặt con người hơn.

 

 

Thông điệp phía sau

 

Không phải ngẫu nhiên mà ông Nhưỡng thu hút được một sự ủng hộ đông đảo của công chúng. Ông đã thực hiện vai trò Đại biểu Quốc Hội một cách thật nổi bật so với những đồng nghiệp của mình.

 

Ông có những phát ngôn dậy sóng nghị trường về những vấn đề được dư luận quan tâm. Ông tiếp đón gia đình các tử tù bị cho là oan sai trong những vụ việc mà báo chí nhà nước hiện cũng ngần ngại đưa tin. Ông cũng không ngần ngại phê phán tệ nạn tham nhũng của công an lẫn thực trạng thiếu độc lập tư pháp, nghĩa là đụng chạm đến những thế lực mạnh nhất trong guồng máy chính trị Việt Nam.

 

Bởi vậy, việc bắt giữ một cách bất ngờ Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng gửi đi những thông điệp thật đáng chú ý:

 

Đầu tiên, có vẻ Đảng đang lo ngại quá mức về an ninh chế độ tới nỗi trở nên nhạy cảm với bất kỳ lời kêu gọi cải tổ nào, dù từ bên ngoài hay bên trong hệ thống. Nhìn qua lăng kính an ninh, bất kỳ cá nhân nào thu hút sự ủng hộ của công chúng trong địa hạt chính trị đều có thể trở thành một mối đe dọa trong tương lai, bởi vậy cần bị tiêu diệt sớm để trừ hậu họa.

 

Tiếp đến, nhu cầu tô vẽ bộ mặt dân chủ cho chế độ không còn quan trọng bằng nhu cầu an ninh. Bất kỳ ai tin rằng có thể tham gia để cải sửa những khiếm khuyết của hệ thống chính trị Việt Nam từ bên trong cần phải cẩn trọng hơn cho an toàn của bản thân họ. Các chế độ độc đảng như Việt Nam, Trung Quốc luôn nói về lằn ranh đỏ không ai được phép bước qua nhưng hiếm khi vẽ lằn ranh đó một cách rõ ràng.

 

Cuối cùng, công cuộc "rèn dân, chỉnh đảng" do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lĩnh xướng nhiều năm qua đang vô tình hay hữu ý ban cấp quyền lực khổng lồ cho khối nội chính-công an-tư pháp đến mức tới đây có thể vượt khỏi mọi kiểm soát chính trị. Hệ quả nhãn tiền là bất kỳ phê phán nào nhắm vào khối này sẽ bị trừng phạt nặng nề, trong khi về lâu dài thì xu hướng dịch chuyển quyền lực này sẽ còn định hình chính trị nội địa Việt Nam trong những năm tới đây, ngay cả khi Nguyễn Phú Trọng không còn tại vị.

.

nguyenanhtuan's blog

 

Bình luận

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats