Thursday 16 November 2023

CÁC NƯỚC NGHÈO THIẾU NỢ TRUNG QUỐC ÍT NHẤT $1,1 NGÀN TỶ (Người Việt)

 



Các nước nghèo thiếu nợ Trung Quốc ít nhất $1.1 ngàn tỷ

Người Việt

November 15, 2023

https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/cac-nuoc-ngheo-thieu-no-trung-quoc-it-nhat-1-1-ngan-ty-my-kim/

 

WILLIAMSBURG, Virginia (NV) – Các nước đang phát triển nợ Trung Quốc ít nhất $1.1 ngàn tỷ, theo phân tích dữ kiện mới, công bố hôm Thứ Hai, 13 Tháng Mười Một cho biết hơn một nửa trong số hàng ngàn khoản vay mà Trung Quốc phân phát nhỏ giọt trong hai thập niên đã tới hạn, giữa lúc nhiều nước đi vay gặp khó khăn tài chánh.

 

Các khoản nợ quá hạn trả cho các chủ nợ Trung Quốc đang tăng vọt, theo AidData, phòng nghiên cứu tại đại học College of William & Mary ở Virginia, phát giác gần 80% danh mục cho vay của Trung Quốc ở các nước đang phát triển hiện đang hỗ trợ các nước gặp áp lực tài chánh.

 

Trong nhiều năm, Bắc Kinh tập trung ngân quỹ để tài trợ cho hạ tầng cơ sở các nước nghèo hơn – gồm có cả nỗ lực mà lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường,” công bố vào mùa Thu này cách đây một thập niên.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/GettyImages-1235208072-1536x1022.jpg

Quang cảnh vận động trường quốc gia Morodok Techo ở Phnom Penh, Campuchia, được Trung Quốc tài trợ, khánh thành ngày 12 Tháng Chín, 2021 (Hình: TANG CHHIN Sothy/POOL/AFP/Getty Images)

 

Nguồn tài trợ đó tuôn đổ tự do vào đường sá, phi trường, đường sắt và các nhà máy điện từ Châu Mỹ Latin cho tới Đông Nam Á và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước mượn nợ. Đồng thời, nguồn tiền thu hút nhiều chính phủ đến với Bắc Kinh hơn và biến Trung Quốc thành chủ nợ lớn nhất thế giới, rồi làm dấy lên những cáo buộc về việc cho vay vô tội vạ.

Hiện nay, 55% các khoản vay chính thức của Trung Quốc dành cho các nước đang phát triển bước vào giai đoạn trả nợ, theo phân tích hơn hai thập niên tài trợ ở ngoại quốc của Trung Quốc tại 165 quốc gia do AidData công bố.

 

Những khoản nợ này sắp đáo hạn trong bối cảnh môi trường tài chánh mới đầy thách thức với lãi suất cao, đồng nội tệ gặp khó khăn và tăng trưởng toàn cầu chững lại.

 

Số liệu của AidData dựa trên cơ sở dữ kiện theo dõi số tiền cam kết cho vay $1.34 ngàn tỷ từ chính phủ Trung Quốc và các chủ nợ nhà nước với những người đi vay thuộc nhóm công và tư nhân ở các quốc gia lợi tức thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam, từ năm 2000 tới 2021.

 

Bộ dữ liệu đó, được tổ chức thông qua thu thập thông tin chính thức và nguồn tin công cộng về các khoản vay và trợ cấp riêng lẻ, đưa ra một trong những cánh cửa rộng mở nhất để thấy các hoạt động tài trợ khét tiếng kém minh bạch của Trung Quốc.

 

Các nhà nghiên cứu cũng trích dẫn dữ liệu do những người cho vay đưa ra cho Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế đặt tại Thụy Sĩ, cho thấy những người đi vay ở các nước đang phát triển thiếu chủ nợ Trung Quốc ít nhất $1.1 ngàn tỷ và lên tới $1.5 ngàn tỷ tính tới 2021.

 

AidData cho biết Bắc Kinh chưa bao giờ phải thương lượng với hơn 10 quốc gia đang gặp trục trặc tài chánh với các khoản nợ chưa trả cho tới 2008. Tuy nhiên, tại thời điểm 2021, có ít nhất 57 quốc gia có nợ tồn đọng với các chủ nợ nhà nước Trung Quốc đang bế tắc về tài chánh, dữ kiện từ AidData cho thấy.

 

Tuy nhiên, hoạt động cho vay của Trung Quốc vẫn chưa chạm đáy. Trung Quốc vẫn là nguồn tài chánh phát triển chính thức lớn nhất thế giới và tiếp tục cấp vốn nhiều hơn bất kỳ nền kinh tế phát triển nào của Nhóm G7 cũng như các tổ chức cho vay đa phương, các nhà nghiên cứu cho biết.

 

Điều đó xảy ra ngay cả khi Hoa Kỳ và các thành viên G7 đang tăng cường nỗ lực cạnh tranh của họ. Cùng nhau, Hoa Kỳ và thành viên G7 bỏ tiền nhiều hơn Trung Quốc khoảng $84 tỷ trong năm 2021.

 

Cam kết tài trợ tổng thể từ Trung Quốc cho các nước đang phát triển đã giảm khi đại dịch bùng nổ, theo AidData. Các cam kết nêu trên giảm từ mức cao nhất gần $150 tỷ năm 2016 và giảm xuống dưới $100 tỷ năm 2020 lần đầu tiên từ năm 2014.

 

Nhưng nguồn ngân quỹ vẫn ở mức hàng chục tỷ, theo dữ kiện gần đây nhất từ AidData, trong đó ghi nhận $79 tỷ cam kết cho năm 2021, gồm có các khoản tài trợ và cho vay, tăng $5 tỷ so với năm trước.

 

Bằng các biện pháp tương đương, Ngân Hàng Thế Giới ghi nhận $72 tỷ cam kết tài trợ phát triển quốc tế vào năm 2021, AidData cho biết.

 

Trung Quốc cùng với các chủ nợ khác tham gia đàm phán chung về giảm nợ cho những quốc gia đi vay gặp khó khăn như Zambia và Ghana, nhưng các nhà nghiên cứu của AidData cho rằng điều này cũng có thể làm suy yếu các nỗ lực phối hợp cứu trợ bằng cách “tăng cường hạn mức trả nợ trước bằng cách yêu cầu con nợ nhờ đến tài sản thế chấp bằng tiền mặt mà người khác thiếu.”

 

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng điều chỉnh Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường nhằm tăng cường giám sát và giảm thiểu rủi ro, trong bối cảnh phản ứng dữ dội về những lo ngại cho môi trường, xã hội và lao động với các đề án. (TTHN)

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats