Saturday, 25 November 2023

BÓNG MA CHIẾN TRANH CHẬP CHỜN Ở CHÂU Á (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Bóng ma chiến tranh chập chờn ở Châu Á

Hiếu Chân/Người Việt

November 24, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/bong-ma-chien-tranh-chap-chon-o-chau-a/

 

Trong lúc thế giới tập trung chú ý vào thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas ở dải Gaza thì một sự kiện quan trọng xảy ra ở bán đảo Triều Tiên có nguy cơ dẫn tới bất ổn ở điểm nóng này của thế giới.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/BL-Chien-Tranh-Trieu-Tien-1536x1024.jpg

Dân Nam Hàn coi Bắc Hàn bắn hỏa tiễn đưa vệ tinh do thám vào không gian qua màn hình TV hôm 22 Tháng Mười Một. (Hình: Jung Yeon Je/AFP via Getty Images)

 

Hôm Thứ Ba, 21 tháng Mười Một, Bắc Hàn thông báo thành công trong nỗ lực đưa một vệ tinh do thám lên quỹ đạo Trái Đất. Đây là vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của Bình Nhưỡng. Truyền thông quốc tế cho biết, vệ tinh của Bắc Hàn, có tên Malligyong-1, còn khá thô sơ và chưa biết có hoạt động suôn sẻ như dự tính hay không, được phóng lên từ trạm vũ trụ Tongchang-ri bằng hỏa tiễn “đời mới” Chollima-1, sử dụng công nghệ phóng hỏa tiễn đạn đạo đã bị Liên Hiệp Quốc cấm.

 

Ngay sau khi thị sát vụ phóng vệ tinh, ông Kim Jong Un, lãnh đạo Bắc Hàn, dẫn con gái đến thăm Cục Công Nghệ Không Gian Quốc Gia ở Bình Nhưỡng. Tại đây, ông yêu cầu Bắc Hàn phóng thêm nhiều vệ tinh do thám nữa để quân đội nước này có “đôi mắt nhìn xa ngàn dặm” cũng như có “nắm đấm mạnh vươn xa ngàn dặm,” theo hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA. Cũng theo KCNA, trong chuyến thăm, ông Kim được xem những tấm ảnh căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương mà vệ tinh do thám Malligyong-1 mới chụp được, dù Bắc Hàn nói phải đến ngày 1 Tháng Mười Hai vệ tinh này mới chính thức hoạt động.

 

                                                            ***

Việc Bình Nhưỡng phóng hỏa tiễn không phải là chuyện lạ, nhưng nguy cơ nằm ở những diễn biến sau đó. Phản ứng với hành động của Bắc Hàn, hôm Thứ Tư, Nam Hàn quyết định hủy bỏ quy định vùng cấm bay (no-fly zone) trên biên giới liên Triều, chuẩn bị mở lại những chuyến bay do thám ở đó. Rồi để trả đũa quyết định của Seoul, hôm Thứ Năm, Bình Nhưỡng tuyên bố hủy bỏ vùng cấm bay, chấm dứt toàn bộ thỏa thuận giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Thỏa thuận này – ký kết giữa Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un và cựu Tổng Thống Moon Jae In của Nam Hàn năm 2018 ở làng biên giới Bàn Môn Điếm với thiện chí “sẽ không còn nữa chiến tranh ở Triều Tiên và như vậy một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu” – đã đặt ra vùng cấm bay và cấm tổ chức tập trận bắn đạn thật ở khu vực biên giới để tránh xung đột không cố ý. Thiện chí đó đã trở thành ảo vọng.

 

“Chúng tôi sẽ rút khỏi những động tác quân sự có mục đích giảm căng thẳng và xung đột trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả trên bộ, trên biển, và trên không. Chúng tôi sẽ bố trí thêm các lực lượng vũ trang thiện chiến hơn, các khí tài quân sự kiểu mới mạnh mẽ hơn dọc theo đường phân tuyến quân sự,” Bộ Quốc phòng Bắc Hàn ra tuyên bố hôm Thứ Năm cho biết.

 

Về phần mình, quân đội Nam Hàn nói họ sẽ dự định gia tăng tập trận chung với hải quân Nhật và Mỹ bất chấp Bắc Hàn coi các vụ tập trận đó là hành vi gây hấn. Nam Hàn cũng sẽ phóng vệ tinh do thám của riêng mình vào ngày 30 Tháng Mười Một tới, sử dụng hỏa tiễn Falcon 9 của công ty SpaceX, từ căn cứ quân sự Vanderbilt ở tiểu bang California. Như một dấu hiệu răn đe gửi tới giới lãnh đạo Bắc Hàn, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN 70) của Mỹ đã tới thả neo ngoài khơi cảng Busan của Nam Hàn từ hôm Thứ Ba, sẵn sàng cho mọi tình huống bất trắc.

 

Nói với nhật báo The New York Times hôm 22 Tháng Mười Một, Giáo Sư Leif-Eric Easley, khoa Nghiên Cứu Quốc Tế thuộc đại học Ewha University ở Seoul dự đoán, nếu Nam Hàn tái tục các chuyến bay do thám bằng phi cơ không người lái (UAV) ở biên giới, Bắc Hàn chắc chắn sẽ trả đũa bằng những biện pháp leo thang quân sự nguy hiểm hơn nữa. Xem ra, sau khi hủy bỏ thỏa thuận giảm xung đột, cả hai miền Nam và Bắc Hàn đều đang gia tăng binh lực và vũ khí ở vùng giới tuyến, nguy cơ chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên cận kề hơn bao giờ.

 

                                                            ***

Đáng chú ý là bước leo thang căng thẳng của Bắc Hàn lần này có sự hỗ trợ ngầm của Tổng Thống Vladimir Putin của Nga trong cái gọi là “đổi đạn lấy công nghệ,” theo đó Bình Nhưỡng cung cấp cho Moscow đạn pháo và súng cá nhân để Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine, đổi lại ông Putin sẽ hỗ trợ ông Kim cải tiến công nghệ vệ tinh do thám và hỏa tiễn đạn đạo, bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc. Sau hai lần phóng vệ tinh do thám thất bại hồi Tháng Năm và Tháng Tám năm nay, ông Kim của Bắc Hàn đã đi đến miền Viễn Đông Nga hồi Tháng Chín. Ở đó ông được ông Putin đích thân đưa đi thăm sân bay vũ trụ Phương Đông (Vostochny) và các cơ sở chế tạo vệ tinh, hỏa tiễn của Nga.

 

Ông Kim được ông Putin hứa giúp đỡ lương thực chống đói, phụ tùng cho các loại vũ khí cũ kỹ từ thời Liên Xô trong kho vũ khí của Bắc Hàn, đặc biệt là hỗ trợ công nghệ hỏa tiễn và vệ tinh với điều kiện Bắc Hàn phải cung cấp cho Nga một số lượng lớn đạn dược mà Moscow đang rất cần cho cuộc xâm lược kéo dài hơn hai năm rưỡi tại Ukraine. Từ đó đến nay, Bắc Hàn đã chuyển cho Nga “hơn 1,000 container đạn dược,” theo tin của đài Pháp RFI. Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) của Hoa Kỳ đã công bố nhiều ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hôm 5 Tháng Mười có hơn 70 toa tàu xếp hàng ở ga Tumangang trên biên giới Nga-Bắc Hàn, đông chưa từng thấy. Còn trên bến cảng Raijin-Sonbong của Bắc Hàn hồi giữa Tháng Mười, hơn 300 thùng hàng (container) được xếp lên tàu Nga để chở tới Siberia rồi chuyển tới mặt trận Ukraine. Cả Nga và Bắc Hàn đều phủ nhận vụ trao đổi này, nhưng các giới chức Nam Hàn đều đánh giá thành công của vụ phóng vệ tinh vừa qua của Bắc Hàn là kết quả hợp tác mới chớm với Nga.

 

Được sự giúp đỡ về công nghệ của Nga, được cả Nga và Trung Quốc bao che trước Liên Hiệp Quốc, có khả năng ông Kim của Bắc Hàn sẽ lấn tới và có những hành động leo thang nguy hiểm hơn nữa. Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang loay hoay với cuộc chiến tranh ở Ukraine và ở Trung Đông, một cuộc xung đột nữa ở bán đảo Triều Tiên sẽ là một thảm họa chính trị vô cùng lớn.

 

                                                        ***

 

Bắt đầu từ cuộc xâm lược của ông Putin ở Ukraine, thế giới đã phân cực thành ba nhóm rõ rệt: Một liên minh dân chủ do Hoa Kỳ lãnh đạo đương đầu với một liên minh chuyên chế do Trung Quốc cầm đầu và ở giữa là một nhóm nhỏ các nước đang phát triển đu dây giữa hai khối kia để hưởng lợi. Nhóm chuyên chế, gồm Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Hàn, có điểm chung là chế độ độc tài – hoặc độc tài cá nhân như Nga, đảng trị như Trung Quốc, gia đình trị như Bắc Hàn hoặc thần quyền như Iran. Các chế độ độc tài này đều nuôi tham vọng bành trướng lãnh thổ và ảnh hưởng. Họ liên kết với nhau kích hoạt các điểm nóng xung đột để thay đổi trật tự thế giới đã ổn định và mang lại thịnh vượng cho thế giới hơn 70 năm qua.

 

Nga đã phát động cuộc chiến tranh lớn nhất Châu Âu kể từ sau Thế Chiến 2 và đang nhắm tới các nước ở sườn phía Đông của NATO. Iran ngầm kích động các vụ tấn công của Hamas và Hezbollah vào Israel, bắn hỏa tiễn vào cả các căn cứ Mỹ tại Iraq và Syria, mưu toan hủy diệt mầm mống hòa bình ổn định vừa manh nha ở Trung Đông. Giữa Nga và Iran có một mối hợp tác sâu rộng. Quân đội Nga sử dụng rất nhiều UAV Shahed của Iran để tấn công mạng lưới năng lượng và các đô thị ở Ukraine. Trong khi đó, ở Đông Á, Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức ép quân sự lên hòn đảo dân chủ Đài Loan và gây hấn với Philippines. Nếu một cuộc xung đột nóng giữa Nam và Bắc Hàn nổ ra, trong đó Nga và Trung Quốc chống lưng cho Bắc Hàn, lôi kéo cả Nhật và Hoa Kỳ vào việc bảo vệ đồng minh Nam Hàn thì đó sẽ là cơ hội bằng vàng để Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc thực hiện cuộc xâm lược và thâu tóm Đài Loan – giấc mơ nóng bỏng nhất của họ Tập. Bắc Kinh cũng cần một cuộc đụng độ quân sự để kiểm chứng năng lực của quân đội sau mấy thập kỷ đầu tư cải cách và để chuyển hướng sự quan tâm của dân chúng khỏi những vấn đề rối rắm của nền kinh tế trong nước. Biển Đông cũng có thể là một chiến trường mới cho cuộc đọ sức Mỹ-Trung nếu xảy ra một vụ va chạm chết người nào đó giữa lực lượng Trung Quốc và Philippines dẫn tới việc kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines.

 

                                                           ***

Hoa Kỳ – với những rối ren nội bộ trong năm bầu cử tổng thống, với hai cuộc chiến đang gào thét ở Châu Âu và Trung Đông – sẽ rất khó ứng phó với một cuộc chiến mới ở Đông Á, chưa kể nếu ông Tập Cận Bình xua quân xâm lược Đài Loan – chuyện có thể xảy ra nếu trong cuộc bầu cử vào Tháng Giêng tới, đảng Dân Tiến có xu hướng độc lập của Tổng Thống Thái Anh Văn tiếp tục giành được quyền lực ở Đài Bắc – thì tình hình sẽ hết sức bất lợi cho Mỹ.

 

Hơn 30 tháng trước, Tổng Thống Joe Biden nói rằng, cuộc chiến Nga-Ukraine là cuộc đối đầu giữa tự do dân chủ với độc tài chuyên chế sẽ định hình tương lai của thế giới và chúng ta không được phép thất bại. Khi đó ít ai nhìn thấy trước chiến tranh sẽ từng bước lan rộng khắp toàn cầu và cũng không ai ngờ các thế lực chuyên chế trong cơn khủng hoảng trước làn sóng dân chủ hóa, lại hung hăng và liều lĩnh như hiện nay. Thế giới đang đi vào một thời kỳ hết sức bất ổn và gánh nặng trên vai người Mỹ lại nặng hơn bao giờ. [đ.d.]





No comments:

Post a Comment

View My Stats