Bầu
cử Quốc Hội Hà Lan : Lãnh đạo cực hữu cố thành lập liên minh cầm quyền
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 24/11/2023 - 10:34
Sau chiến
thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử Quốc Hội Hà Lan, ngay từ hôm qua, 23/11/2023,
lãnh đạo Đảng Tự Do PVV cực hữu, ông Geert Wilders, đã bắt đầu nỗ lực thuyết phục
các đối thủ để thành lập một chính phủ liên minh.
Lãnh đạo đảng
cực hữu Hà Lan, Geert Wilders tại La Haye, Hà Lan, ngày 22/11/2023. AP -
Peter Dejong
Hôm 23/11/2023, phát biểu với những người ủng
hộ tại La Haye, ông Geert Wilders, lãnh đạo Đảng Tự Do PVV, về nhất với 37 ghế
trên 150 ghế trong Quốc Hội mới, đã nhắc lại chủ trương chống người nhập cư, khẳng
định rằng cử tri Hà Lan đã bầu cho ông vì muốn ngăn chận “cơn sóng thần”
những người tị nạn. Sau đó, khi ngỏ lời với giới báo chí, Geert Wilders tuyên bố
sẽ là “ thủ tướng của toàn bộ người dân Hà Lan” và sẽ “nỗ
lực làm việc với các đảng khác” để thành lập liên minh cầm quyền.
Nhưng không chắc là chính khách 60 tuổi, được
mệnh danh là “Trump Hà Lan”, có tư tưởng chống Hồi Giáo, sẽ giành được chiếc ghế
thủ tướng. Liên minh cánh tả-môi sinh của ông Francs Timmermans, về nhì với 25
ghế, dứt khoát sẽ không tham gia bất cứ liên minh nào với Geert Wilders. Còn
lãnh đạo đảng cánh trung VVD của thủ tướng mãn nhiệm Mark Rutte, về hạng ba với
24 ghế, thì muốn chờ xem ông Wilders có lập được một liên minh cầm quyền không.
Là người mới bước vào sân khấu chính trị Hà
Lan, Pieter Omtzigt, lãnh đạo đảng chống tham nhũng Khế ước Xã hội mới (NSC),
giành được 20 ghế, thì tuyên bố sẵn sàng thương lượng với đảng cực hữu, tuy
nhìn nhận là tiến trình thành lập chính phủ liên minh sẽ không dễ dàng.
Hãng tin AFP cho biết tối qua, hưởng ứng kêu gọi
của các đảng cánh tả, khoảng một ngàn người đã biểu tình ở thành phố Utrecht để
phản đối chiến thắng bất ngờ của Đảng Tự Do. Một cuộc biểu tình chống đảng cực
hữu cũng đã diễn ra ở Amsterdam.
Chiến thắng của một nhân vật chống hợp nhất
châu Âu, chủ trương Hà Lan ra khỏi Liên Âu (Nexit) dĩ nhiên gây lo ngại cho nhiều
nước trong khối này. Trong khi đó, các lãnh đạo phe cực hữu ở châu Âu, như thủ
tướng Hungary Viktor Orban hay lãnh đạo khối dân biểu đảng Tập Hợp Dân Tộc
Marine Le Pen đã hoan nghênh chiến thắng của Geert Wilders.
=================================================
Geert
Wilders, ứng viên cực hữu kiểu Trump, thắng cử tại Hòa Lan
Người Việt
November 24, 2023
https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/geert-wilders-ung-vien-cuc-huu-kieu-trump-thang-cu-tai-hoa-lan/
AMSTERDAM, Hòa Lan (NV) – Chính trị gia gây nhiều
tranh cãi của Hòa Lan, là Geert Wilders, đại thắng trong cuộc bầu cử vừa rồi,
đưa ông vào thế thành lập chính phủ kế tiếp, tức là ông sẽ trở thành thủ tướng
Hòa Lan nay mai, Fox News hôm Thứ Tư, 22 Tháng Mười Một loan tin.
Ông Wilders, 60 tuổi, từ lâu đã được ví von gọi
là “Donald Trump Hòa Lan,” vì nhãn hiệu chủ nghĩa dân túy của ông. Tuy vậy,
không giống như vị cựu tổng thống Mỹ, có vẻ như ông Wilders cứ phải suốt đời ở
mãi vị thế đối lập. Vì thế, cuộc thăm dò sau bầu cử cho thấy ông sẽ chiến thắng
như nước vỡ bờ đã làm cho ông ngạc nhiên hết sức.
Trong phản ứng đầu tiên của mình, được đưa lên
trang mạng X, ông Wilders giang rộng đôi cánh tay ra, lấy hai bàn tay che mặt lại
và chỉ thốt lên con số “35!,” có nghĩa là con số các ghế mà cuộc thăm dò cho thấy
Đảng Vì Tự Do, hoặc PVV, của ông đã thắng tại viện dưới của nghị viện Hòa Lan gồm
150 ghế.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/GettyImages-1797670481-1536x1024.jpg
Geert Wilders, lãnh tụ đảng PVV cực hữu của Hòa Lan,
ăn mừng chiến thắng hôm 23 Tháng Mười Một, 2023, ở The Hague, Hòa Lan (Hình:
Carl Court/Getty Images)
“Đảng PVV muốn cộng tác với các đảng phái khác
từ vị thế nổi bật với 35 ghế tại nghị viện của mình, khiến chẳng có đảng nào
dám phớt lờ đi được nữa,” ông tuyên bố vậy trước đám người ủng hộ đang reo hò
trong dịp mừng chiến thắng bầu cử tại một quán rượu nhỏ ở ngoại ô The Hague.
Ngôn từ nẩy lửa của ông Wilders chống Hồi Giáo
đã biến ông thành mục tiêu phải chống đánh của những kẻ cực đoan và khiến ông
phải được bảo vệ an ninh suốt ngày đêm trong nhiều năm.
Hồi năm 2009, chính phủ Anh từ chối không cho
ông đến thăm viếng nước Anh, bảo rằng ông tạo nên mối đe dọa cho “tinh thần
hòa hợp giữa các cộng đồng dân cư, dẫn đến mối lo ngại về an ninh chung.”
Lập trường tranh cử của ông Wilders kêu gọi mở
cuộc trưng cầu dân ý về chuyện Hòa Lan tách ra khỏi Khối Liên Hiệp Âu Châu,
thôi không đóng vai một “chỗ dừng chân cho người tị nạn” và “không cho phát triển
các trường học Hồi Giáo, Kinh Koran cùng với các đền thờ Hồi Giáo,” mặc dù sau
đó ông cam kết tôn trọng luật lệ hiến định của đất nước Hòa Lan, là đề cao quyền
tự do tôn giáo vào ngôn luận. (TTHN)
No comments:
Post a Comment