Friday, 24 November 2023

BẮC TRIỀU TIÊN TĂNG CƯỜNG HIỆN DIỆN QUÂN SỰ Ở BIÊN GIỚI HÀN QUỐC (Thanh Hà / RFI)

 



Bắc Triều Tiên tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới với Hàn Quốc

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 23/11/2023 - 11:02

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20231123-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-t%C4%83ng-c%C6%B....BB%9Bi-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c

 

Sau vụ phóng thành công vệ tinh do thám lên quỹ đạo, chính quyền Bắc Triều Tiên hôm nay, 23/11/2023, tăng cường sự hiện diện quân sự tại đường biên giới với Hàn Quốc, chính thức khai tử thỏa thuận quân sự với Seoul từ 2018.

 

https://s.rfi.fr/media/display/01c4e6b4-89e3-11ee-a13b-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23326222928841.webp

Du khách dùng ống nhòm quan sát phía Bắc Triều Tiên từ lãnh thổ Hàn Quốc, vùng giới tuyến liên Triều, Paju, tỉnh Gyeonggi, ngày 22/11/2023. AP - Lee Jin-man

 

Thông cáo của bộ Quốc Phòng Bắc Triều Tiên nêu bật khả năng Bình Nhưỡng « tăng quân và triển khai trang thiết bị quân sự đời mới dọc theo đường biên giới Khu Vực Phi Quân Sự DMZ » với Hàn Quốc. Seoul cũng đã đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự từng đạt được với Bình Nhưỡng dưới thời tổng thống Moon Jae In vào tháng 9/2018 trong giai đoạn « tan băng ».

 

Viễn cảnh Hàn Quốc khởi động lại các chiến dịch do thám ở sát đường biên giới làm dấy lên câu hỏi phải chăng hai nước Triều Tiên đang lao vào một cuộc đối đầu, nhất là, như Seoul khẳng định, Bắc Triều Tiên đã được Nga trợ giúp trong vụ phóng vệ tinh hôm qua.

Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca cho biết thêm thông tin :

 

« Quân đội của chúng ta sẽ không bao giờ bị ràng buộc bởi thỏa thuận quân sự này nữa  ». Tuyên bố của bộ Quốc Phòng Bắc Triều Tiên chính thức thông báo cắt đứt với Hàn Quốc. Năm 2018 Kim Jong Un và Moon Jae In đã đạt thỏa thuận về nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột, đồng thời tạo điều kiện làm hạ nhiệt tình hình ở khu vực biên giới. Trong số này có những cam kết như không tổ chức các cuộc tập trận gần ranh giới trên bộ, trong vùng cấm bay và ở vùng đệm trên biển.

 

Nếu một phần những nguyên tắc đó không còn hiệu lực, điều đó có nghĩa là sự hiện diện quân sự ở chung quanh khu phi quân sự sẽ gia tăng đáng kể. Hàn Quốc điều máy bay dọc theo đường biên giới và tăng cường hoạt động theo dõi láng giềng phía bắc. Về phía Bắc Triều Tiên, chính quyền thông báo  sẽ triển khai những vũ khí mạnh hơn, điều thêm quân và thiết bị quân sự mới đến hiện trường.

 

Bước thụt lùi này trong bang giao song phương khiến nguy cơ xảy ra sự cố chung quanh khu vực biên giới liên Triều gia tăng đáng kể, điều từng thường xuyên diễn ra trước năm 2018.

Kể từ khi phe bảo thủ trở lại cầm quyền tại Seoul, quan hệ giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên liên tục xuống cấp. Hàn Quốc cứng giọng và thắt chặt thêm quan hệ với Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng dường như từ bỏ mọi thiện chí đối thoại với Seoul và thay vào đó là củng cố quan hệ với Matxcơva.

 

Trở lại với vụ Bắc Triều Tiên phóng vệ tinh do thám lên quỹ đạo, Bình Nhưỡng và Seoul hôm nay cùng xác nhận đây là một « thành công ». Cùng lúc, ủy ban tình báo Hạ Viện Hàn Quốc được hãng tin Anh Reuters trích dẫn khẳng định Bắc Triều Tiên đã được Nga « hỗ trợ » trong việc phóng vệ tinh. Phía Nga đã « phân tích » những dữ liệu thu thập được từ hai đợt phóng vệ tinh bất thành trước đây để từ đó giúp Bình Nhưỡng khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực này.

 

Sau hai lần thất bại vào tháng 5 và tháng 8/2023, hôm qua vệ tinh do thám Bắc Triều Tiên Malligyong-1 đã được phóng lên quỹ đạo và « đã bắt đầu hoạt động ». Vẫn các nguồn tin trên, không loại trừ khả năng chế độ Kim Jong Un đang chuẩn bị phóng thêm những vệ tinh khác và thậm chí là thử bom nguyên tử vào năm tới.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

HÀN QUỐC - NGA

Tại Liên Hiệp Quốc, tổng thống Hàn Quốc tố cáo nguy cơ Nga trợ giúp quân sự Bắc Triều Tiên

 

HÀN QUỐC - BẮC TRIỀU TIÊN

Hàn Quốc cảnh cáo Bắc Triều Tiên về dự án phóng vệ tinh dọ thám

 

ĐÔNG BẮC Á - AN NINH

Mỹ-Hàn điều chỉnh lại chiến lược răn đe Bắc Triều Tiên

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats