Monday, 20 November 2023

BÀ TRƯƠNG MỸ LAN 'DÙNG SCB NHƯ CÔNG CỤ PHỤC VỤ LỢI ÍCH CỦA MÌNH' (VOA Tiếng Việt)

 



Bà Trương Mỹ Lan ‘dùng SCB như công cụ phục vụ lợi ích của mình’

VOA Tiếng Việt

21/11/2023

https://www.voatiengviet.com/a/ba-truong-my-lan-dung-scb-nhu-cong-cu-phuc-vu-loi-ich-cua-minh-/7363666.html

 

Bà Trương Mỹ Lan, chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã dùng thủ đoạn để nắm quyền chi phối ngân hàng SCB và mua chuộc các cán bộ ngân hàng Nhà nước để biến ngân hàng này thành công cụ phục vụ lợi ích của bà, một chuyên gia nhận định với VOA sau khi công an công bố kết luận điều tra.

 

https://gdb.voanews.com/013b0000-0aff-0242-ec82-08daaad7552a_w650_r1_s.png

Trụ sở tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên đường Trần Hưng Đạo của bà Trương Mỹ Lan

 

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, hôm 17/11 đã công bố kết luận điều tra về những sai phạm của bà Lan tại ngân hàng SCB và đề nghị truy tố bà thêm ba tội nữa là ‘Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Tham ô tài sản’.

 

Trước đó, bà Trương Mỹ Lan đã bị bắt hồi đầu tháng 10 năm ngoái với cáo buộc ‘Lừa đảo’ vì đã ‘gian dối trong việc phát hành trái phiếu’ nhằm chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đô la của hơn 40 ngàn khách hàng gửi tiền cho SCB trên khắp cả nước. Tuy nhiên, vụ án này đã được tách ra để điều tra và xử lý riêng.

 

Cùng bị truy tố với bà Lan trong vụ chiếm đoạt tài sản của SCB là 85 bị can khác, trong đó có các cựu lãnh đạo SCB và cán bộ Ngân hàng Nhà nước, về nhiều tội khác nhau, trong đó có ‘Tham ô’, ‘Nhận hối lộ’, ‘Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng’, ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’.

 

Theo kết quả điều tra của Công an được báo chí trong nước dẫn lại thì bà Lan đã chiếm đoạt số tiền 304.000 tỷ đồng của SCB thông qua các hồ sơ vay vốn khống, cộng thêm số tiền lãi là gần 130.000 tỉ đồng. Ngoài ra, bà còn bị cáo buộc gây thiệt hại 64.000 tỉ đồng do vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Như vậy, tổng số tiền mà bà Lan đã gây thiệt hại cho SCB là gần 500.000 tỷ đồng, tương đương gần 21 tỷ đô la Mỹ.

 

Đó là chưa kể các khoản vay mà SCB đã cho nhóm khách hàng thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà Lan vay. Theo kết luận của công an, thì trong vòng 10 năm từ ngày 1/1 năm 2012, tức là từ khi SCB đi vào hoạt động, đến ngày 7/10 năm 2022, tức là ngày bà Lan bị bắt, SCB đã cho nhóm bà Lan vay 2.500 lần với tổng số tiền là 1.066.608 tỷ đồng, tức là khoảng 45 tỷ đô la.

 

Trong số này, số dư nợ còn lại là 677.000 tỉ đồng, tương đương 28 tỷ đô la, và đều là nợ ‘không thể thu hồi’, theo cơ quan điều tra.

 

Số tiền này đều là tiền SCB huy động từ tiền gửi của khách hàng là người dân và các doanh nghiệp khắp cả nước. Kể từ sau khi bị bà Lan bị bắt giữ, SCB đã bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt để kiểm soát toàn bộ hoạt động của ngân hàng này.

 

Theo thống kê của cơ quan điều tra, chỉ riêng các khách hàng thuộc nhóm bà Lan đã chiếm đến 93% dư nợ của SCB, có nghĩa là SCB huy động tiền của dân gần như chỉ để cho mình bà Lan vay mượn.

 

Một tay thao túng

 

Kết quả điều tra cho biết bà Lan nắm đến 91,5% cổ phần tại SCB. Số cổ phần chưa tới 10% còn lại do hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ. Tỷ lệ cổ phần này cho phép bà Lan nắm quyền hành tuyệt đối tại ngân hàng này.

 

Với quyền hành này, bà Trương Mỹ Lan đã thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, biến ngân hàng này thành sân sau để cấp tiền cho bà chi dụng cá nhân cũng như cấp vốn cho các hoạt động kinh doanh của bà.

 

Toàn bộ dàn lãnh đạo chủ chốt tại SCB, từ Hội đồng quản trị cho đến Ban giám đốc, giám đốc chi nhánh, trưởng ban kiểm soát.., đều là đàn em thân tín được bà Lan bổ nhiệm. Bà trả lương cho họ rất cao, từ 200-500 triệu đồng/ tháng để họ làm theo lệnh của bà.

 

Tuy nhiên, ngay cả chủ tịch Hội đồng quản trị SCB cũng chỉ được bà Lan giao cho làm công tác nhân sự, còn chiến lược cho vay của ngân hàng nằm dưới sự chỉ đạo của bà.

 

Ông Bùi Anh Dũng, một trong số các cựu chủ tịch SCB đang bị truy tố, khai với các nhà điều tra rằng ông ‘chỉ ký hợp thức hóa’ các khoản vay dành cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Các khoản vay này đều đã được bà Lan quyết định từ trước rồi mới đưa cho ông ký, trang mạng VnExpress dẫn kết quả điều tra cho biết.

 

Các khoản vay này đều trái với quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng, chẳng hạn như không thẩm định tài sản bảo đảm, không thẩm định khách hàng, không quan tâm phương án vay vốn và được duyệt ngay khi chưa hoàn thiện hồ sơ.

 

Theo lời khai của các bị can ở ngân hàng SCB thì mỗi khi cần huy động tiền, bà Lan sẽ họp với các lãnh đạo SCB tại tòa nhà Times Square thuộc sở hữu của bà chứ không phải tại trụ sở SCB. Tại đó, bà Lan sẽ nói bà cần bao nhiêu tiền trong thời gian bao lâu để các lãnh đạo SCB chia nhau thực hiện.

 

‘Nhóm lợi ích’

 

Trao đổi với VOA từ Hà Nội, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng người Mỹ gốc Việt, nhận định rằng bà Lan đã có ý đồ thao túng SCB từ trước, cho nên bà đã lách luật để tìm cách nắm cổ phần chi phối tại SCB.

 

“Theo luật các tổ chức tín dụng thì một cá nhân như bà Trương Mỹ Lan không thể có số lượng cổ phần lớn như vậy được,” ông Hiếu nói và chỉ ra luật không cho một cá nhân sở hữu quá 5% cổ phần một ngân hàng.

 

Theo cơ quan điều tra thì bà Lan chỉ đứng tên hơn 4% cổ phần tại SCB, số còn lại nhờ người thân tín của bà nắm giữ.

 

Ông Hiếu chỉ ra trường hợp của Vạn Thịnh Phát và SCB là ‘biểu hiện của lợi ích nhóm vốn theo đuổi lợi ích riêng của họ và sẵn sàng hy sinh lợi ích của các thành phần khác’.

 

Ông phân tích từ lúc sáp nhập ba ngân hàng trên bờ vực phá sản để tạo thành SCB hồi năm 2012 cho đến nay, bà Lan ‘đã cấu kết tạo thành hệ sinh thái rất đồ sộ để có thể dùng SCB như công cụ tài chính của mình’.

 

“Trong trường hợp của Vạn Thịnh Phát và SCB thì nhóm lợi ích đó là một hệ sinh thái rất chằng chịt,” ông nói.

 

Khi được hỏi tại sao bà Lan có thể một tay che trời như vậy, ông Hiếu cho rằng ‘câu hỏi đó nên dành cho các nhà quản lý’.

 

Để che giấu những hành động sai trái của mình cũng như những sai phạm tại ngân hàng SCB, bà Lan bị cáo buộc hối lộ số tiền lớn cho từ trên xuống dưới các cán bộ của Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm thanh tra ngân hàng SCB, trong đó cá biệt có bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra SCB được hối lộ đến 5,2 triệu đô la, theo các nhà điều tra.

 

Về giải pháp ngặn chặn những sai phạm tương tự, chuyên gia ngân hàng này cho rằng mặc dù luật pháp Việt Nam có quy định về tỷ lệ cổ phần trên vốn sở hữu theo hướng giảm để giảm sự khống chế của các nhóm lợi ích, nhưng ‘để ngăn chặn được là điều rất khó khăn’.

 

“Trên giấy tờ thì họ có thể tuân thủ (về tỷ lệ cổ phần) nhưng họ có thể cấu kết với nhau để nắm quyền chi phối,” ông phân tích và kêu gọi ngoài luật pháp ra nhà nước ‘cần có cơ chế kiểm soát những nhóm lợi ích trong hệ thống ngân hàng’.

 

Theo lời ông thì vụ án của bà Trương Mỹ Lan ‘cũng là một cách để chính quyền răn đe những nhóm lợi ích khác’.

 

Về sự tha hóa của nhóm cán bộ ngân hàng Nhà nước tiếp tay cho bà Lan, ông Hiếu chỉ ra ‘đây không phải là lầu đầu tiên các thanh tra ngân hàng nhà nước dính chàm’.

 

Ông cho biết ông quen biết nhiều người là thanh tra của ngân hàng Nhà nước và họ ‘đều là những người liêm chính, có năng lực’ và cho rằng Ngân hàng Nhà nước ‘cần thanh lọc những con sâu làm rầu nồi canh’.

 

“Thanh tra là thành phần có quyền lực rất lớn và họ có được sự tin tưởng rất lớn từ các cấp lãnh đạo ngân hàng,” ông nói.

 

Khi được hỏi làm thế nào để những thanh tra tránh được cám dỗ rất lớn của đồng tiền, ông Hiếu nói: “Hãy trả lương cho họ đến một cái mức mà họ không còn phải ngó ngang ngó dọc để tìm thu nhập từ chỗ này chỗ kia.”

 

Ngoài ra, ông đề xuất mời các chuyên gia nước ngoài về huấn luyện nghiệp vụ cho các thanh tra ngân hàng ở Việt Nam và nếu họ có sai phạm, ‘cần công bố cho mọi người biết thay vì âm thầm xử lý như trước giờ’.

 

Vị chuyên gia này cho rằng nếu bà Nhàn và đoàn thanh tra của bà làm việc đúng trách nhiệm thì SCB không rơi vào tình cảnh như ngày nay, gây thiệt hại vô cùng lớn cho người dân và xã hội.

 

Nhận định về tương lai của SCB, ông Hiếu cho rằng dù giờ đây ngân hàng này đang được kiểm soát đặc biệt và đang được tiếp tế thanh khoản nhưng khả năng trụ vững của ngân hàng ‘là rất thấp’.

 

Theo ông thì về lâu dài sẽ xảy ra hai kịch bản, một là sẽ chuyển giao bắt buộc SCB cho một ngân hàng lớn của Nhà nước và hai là sẽ cho phá sản, điều mà ông cho biết ‘chưa từng xảy ra ở Việt Nam’.

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats