Wednesday 8 November 2023

BA LAN VỚI SỨC TRẺ CỦA NỀN DÂN CHỦ ĐANG CÓ CÁC LÃNH ĐẠO THẾ HỆ 7X và 8X (Nguyễn Giang / BBC News Tiếng Việt)

 



Ba Lan với sức trẻ của nền dân chủ đang có các lãnh đạo thế hệ 7X và 8X

Nguyễn Giang

Viết cho BBC News Tiếng Việt

7 tháng 11 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cekm9dd3p0zo

 

Chuyến về thăm nhà ngoại của tôi ở Ba Lan tuần trước đúng ra là chỉ để lo mấy việc gia đình, vào rừng mùa thu vàng hái nấm và đi chơi ở vùng giáp biên Ba Lan-Đức-CH Czech.

Bố mẹ vợ tôi về hưu đã lâu, ngày ngày chăm chú chó nhỏ, chăm nhau và chờ hai cháu nội ở gần tới thăm. Hai cháu ngoại là con chúng tôi thì đã đi làm và học đại học ở Anh, ít về thăm ông bà hơn hồi còn bé.

 

Nhưng dịp cuối tuần 21-22 tháng 10 vừa qua lại là đúng một tuần Ba Lan vừa làm cuộc bầu cử Quốc hội, tạo cơn địa chấn biến đổi cục diện tưởng đã đóng băng với một đảng bảo thủ Pháp luật & Công lý (PiS) cầm quyền tám năm qua.

 

Dư âm hào hứng của kết quả bầu cử lan ra trong phòng khách, trong bếp và trên đường đi chợ.

 

Bà mẹ vợ tôi, một bác sĩ đã nghỉ hưu cùng tôi đi bộ ra siêu thị Leclerc (đầu tư của Pháp) mua ít trái cây và xúc-xích. Chỉ lên tường một khu chung cư còn hình ứng cử viên tranh cử, bà bảo cô đó là ứng cử viên bà chọn, vừa tái đắc cử vào Hạ viện.

 

Đại diện cho đảng Cánh tả Mới, Anita Kucharska-Dziedzic bằng tuổi tôi, thuộc thế hệ thứ ba của phe tả Ba Lan sau ngày chuyển đổi thể chế.

 

Chập tối ăn cơm xong ông bố vợ tôi bảo lát nữa trên kênh TVN tướng Miroslaw Rozenski, Thượng nghị sĩ mới đắc cử sẽ dự một chương trình thời sự, rất đáng xem. Hóa ra ông bố vợ tôi đã bỏ phiếu chọn tướng Rozenski vào Thượng viện.

 

Cử tri Ba Lan hôm 15/10 có quyền bỏ phiếu chọn một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ. Các ứng viên các cụ trong nhà bầu cho đều đã thắng cử, thảo nào ai cũng vui.

 

Bố mẹ vợ tôi đều sống qua thời Ba Lan xã hội chủ nghĩa nên bỏ phiếu cho đảng Cảnh Tả Mới vốn là một hậu thân của đảng Xã hội Dân chủ sau 1989 do các cựu đảng viên cộng sản Ba Lan lập ra.

 

Bố vợ tôi từng là đảng viên Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (cầm quyền từ 1955 đến 1989), nên việc bỏ phiếu cho cựu Tướng Rozanski, người nhập ngũ vào giai đoạn cuối của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, là điều dễ hiểu.

 

Nhưng bà mẹ vợ tôi từng tham gia Công đoàn Đoàn kết ngành y những năm 1980 nay cũng chọn các ứng viên phe Tả thì lại vì cách nhìn con người tốt và thực tiễn...

 

Bà nói bà biết nghị sĩ Anita Kurcharska-Dziedzic vì cô đã từng đến trạm xá nơi bà làm việc để hỏi trợ giúp cho tổ chức xã hội bảo vệ phụ nữ bị bạo hành.

 

"Anita còn trẻ, tốt và đứng đắn nên rất xứng đáng vào Quốc hội.”

 

Trước ngày bầu cử, đồng nghiệp ở BBC News, Sarah Rainsford đã có bài viết rằng lá phiếu của phụ nữ và cử tri trẻ dưới 26 tuổi đã góp phần tạo thay đổi, khiến đảng PiS bị "tước quyền".

 

Các số liệu của Ba Lan cho thẫy 68,8% cử tri dưới 29 tuổi đã đi bỏ phiếu hôm 15/10, tăng lên so với con số 46,4% ở lứa tuổi đó trong lần đầu phiếu 2019.

 

Nhưng ví dụ từ người thân ở Ba Lan của tôi cho thấy các cụ hưu cũng đã bỏ phiếu theo xu hướng Siêu Đổi Mới.

 

 

Thay đổi thế hệ lãnh đạo rất ngoạn mục

 

Đã có nhiều bài báo, gồm cả đánh giá của anh Nguyễn Xuân Bích gửi cho trang web BBC News Tiếng Việt "Trước bầu cử ở Ba Lan, người gốc Việt nghĩ gì?, phân tích dư luận thay đổi ra sao sau hai nhiệm kỳ độc đoán của đảng PiS nên tôi không viết thêm nữa.

 

Hiện nay, sau bầu cử, đảng PiS bị cử tri "phạt" nên chỉ đạt 194 phiếu nghị sĩ Hạ viện, không đủ đa số quá bán lập tân chính phủ (231 phiếu).

 

Dù vậy, hôm 06/11/2023, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (cựu đảng viên PiS) vẫn ủy nhiệm cho đương kim Thủ tướng Mateusz Morawiecki (55 tuổi, thuộc PiS) ra lập tân chính phủ sau bầu cử. Đây là thách thức cho ông Morawiecki vì liên minh các đảng đối lập dân chủ chiếm tới 248 ghế nghị sĩ nên sẽ không cho ông làm được gì cho tới khi QH giành lại quyền lập nội các của họ.

 

Từ nay tới Giáng Sinh chính trị Ba Lan còn giằng co mạnh, nhưng xu thế chung và là điều tôi muốn chia sẻ là những nét mới của nền dân chủ đại nghị ở quốc gia gần 40 triệu dân.

 

Thứ nhất, trong số 460 nghị sĩ Hạ viện nhiệm kỳ này, có 100 người hoàn toàn mới, trúng cử lần đầu trong cuộc "thay máu" công khai, bình đẳng và dân chủ.

 

Thứ nhì là Quốc hội Ba Lan năm nay có nhiều nghị sĩ tuổi 7x, 8x, nhiều năng lượng, có tầm nhìn quốc tế sắp nắm quyền.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3a38/live/f32fa010-7cba-11ee-8139-61b1db4c8e2f.jpg

Đồng lãnh đạo một đảng cánh Tả ở Ba Lan, nghị sĩ Adrian Zandberg, 43 tuổi, cao 1m98

 

 

Nếu như nhà lãnh đạo của liên minh thắng cử, chủ tịch đảng PO, ông Donald Tusk đã 67 tuổi, đã thành công trong việc dùng uy tín của một cựu Thủ tướng, cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU Council President) để tập hợp các đảng khác cùng chí hướng, nhằm “bẻ lái” cho Con đường Ba Lan, thì những nhà lãnh đạo cụ thể của các đảng phái trong liên minh đó đều trẻ hơn ông Tusk, và ...trẻ hơn cả tôi khá nhiều.

 

Chẳng hạn người phó của ông Tusk là Borys Budka, sinh năm 1978 đã là chủ tịch khối nghị sĩ PO trong Quốc hội. Lứa tuổi lãnh đạo các đảng khác cũng vậy, khá đông thuộc lứa 7X, 8X.

Tức là ngày tôi sang Ba Lan du học cuối 1989 thì "các em đó" vẫn còn học cấp một hoặc ở mẫu giáo. Khi tôi học xong khóa tiếng Ba Lan ở Lodz lên Warsaw vào đại học thì đương kim tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (cánh hữu) cũng vừa tốt nghiệp trung học ở Krakow.

 

 

Vẫn về thế hệ 7x, 8x đang làm lãnh đạo các đảng vừa vào Quốc hội Ba Lan, xin nêu ra một số tên tuổi nổi bật nhất:

 

Đảng Cánh Tả Cùng nhau (Lewica Razem) có hai đồng chủ tịch: anh Adrian Zandberg năm nay 43 tuổi và cô Magdalena Biejat, còn trẻ hơn nữa, năm nay mới 41 tuổi. Cô Biejat từng làm việc ở Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, thạo tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung. Cả hai sẽ nắm các chức vụ to trong liên minh cầm quyền tới đây, theo nhiều bình luận.

 

Lãnh đạo đảng PSL, nghị sĩ QH Władysław Marcin Kosiniak-Kamysz sinh năm 1981, có nhiều khả năng sẽ làm Phó Thủ tướng.

 

Trong ban lãnh đạo của phe cực hữu (Konfederacja, 18 ghế nghị sĩ) cũng không thiếu người trẻ: Krzysztof Bosak, 41 tuổi, Slawomir Mentzen, 36 tuổi. Tôi không đồng ý với các học thuyết của họ nhưng phải thừa nhận là họ được một phần cử tri Ba Lan theo chủ nghĩa dân tộc tín nhiệm.

 

Lãnh đạo đảng Con đường Thứ Ba (Trzeba Droga- phe trung hữu), lực lượng đang lên rất mạnh là nghị sĩ Szymon Holownia, sinh năm 1976.

 

Các bàn luận ban đầu cho thấy nhà chính trị 47 tuổi có nhiều khả năng làm Chủ tịch Quốc hội, nhân vật số hai trong bộ máy quyền lực, theo Hiến pháp Ba Lan.

 

Tôi cũng xem hình cả cô vợ anh: Urszula Brzezinka-Holownia, sĩ quan không quân 35 tuổi, mẹ của bé gái bốn tuổi. Cô tốt nghiệp Học viện Không quân Deblin danh tiếng và đang chuyển từ buồng lái Mig-29 và Su-22 sang học cách bay chiến đấu cơ siêu thanh FA-50, loại do Hàn Quốc cùng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất cho Ba Lan.

 

Đây là ví dụ này cho thấy Ba Lan đã thay đổi ngoạn mục ra sao từ hệ thống quân sự-chính trị kiểu Liên Xô sang chuẩn EU-Nato và những người như vợ chồng Szymon và Urszula đang nắm vận mệnh đất nước họ ở các vị trí quan trọng nhất, khi mới ngoài 30 và 40.

 

Xem TV tôi còn thấy các bạn trẻ này rất cao: Adrian Zandberg cao 1m98, Wladyslaw Kosniak-Kamysz 1m90, Szymon Holownia 1m88. Lớn lên trong thời kỳ thịnh vượng có khác.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0631/live/7d6da3d0-7cbb-11ee-a503-4588075e3427.jpg

Phi công Urszula Brzezinka-Holownia, 35 tuổi, là vợ chính trị gia Szymon Holownia

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/967b/live/28a49f70-7cbb-11ee-b315-7d1db3f558c6.jpg

Szymon Holownia, lãnh đạo đảng Con đường thứ Ba trong Hạ viện Ba Lan. Nhà chính trị sinh năm 1976 có nhiều cơ hội làm Chủ tịch Quốc hội Ba Lan tới đây nếu như phương án I, chọn nội các PiS không thành

 

 

Thế hệ nào thì cũng phải xếp hàng

 

Môi trường chính trị Ba Lan bị nhiễm độc vì cách “chia để trị” mang tính dân tuý của đảng PiS mấy năm qua, nhưng nét chung vẫn là tốt, nhờ truyền thông tư nhân và báo chí khá tự do.

 

Một điều đáng nói nữa là cách Ba Lan xử lý những di sản chính trị quá khứ.

 

Hội nghị Bàn tròn 1989 tạo ra đồng thuận chuyển đổi thể chế, và kể từ đó nhìn chung họ chuyển hẳn sang mô hình dân chủ đại nghị, bảo vệ sở hữu tư nhân, tôn trọng tự do báo chí và nhà nước pháp quyền. Đặc biệt, phe XHCN (cộng sản cũ), hoàn toàn được phe Công đoàn Đoàn kết cũ tôn trọng, cùng tham chính, cạnh tranh quyền lực công bằng.

 

Ví dụ, các cựu lãnh đạo đã có tuổi, đa số xuất thân từ thời XHCN, kinh qua chuyển đổi dân chủ, có thể là gốc đảng cộng sản, hoặc thân hữu của đảng đó, nhưng mang màu cờ sắc áo mới, hoàn toàn có thể tiếp tục làm chính trị.

 

Tôi thấy trên TV ông Waldemar Pawlak, cựu lãnh đạo đảng Nông dân (thân cận với đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan trước 1989), cựu thủ tướng hai lần thời mới chuyển đổi dân chủ, vừa đắc cử vào Thượng viện.

 

Tôi đọc được bài phỏng vấn khá hay và mang tính thời sự, về Ukraine, với một cựu Đệ nhất Phu nhân Ba Lan, Jolanta Kwasniewska. Chồng bà, ông Aleksander Kwasniewski từng là Bộ trưởng Thanh niên (kiểu như Bí thư Trung ương Đoàn ở VN) trong nội các cộng sản cuối cùng của Thủ tướng Rakowiecki.

 

Ông Kwasniewski thắng cử làm Tổng thống Ba Lan hai nhiệm kỳ, 1995-2005. Bà Jolanta nayvẫn được báo chí mời phỏng vấn, giới thiệu trân trọng. Bà kể về việc giải quyết di sản cuộc thảm sát phe cựu hữu UPA Ukraine thực hiện ở vùng hồi đó thuộc miền Đông CH Ba Lan trước 1945. Cô ruột của bà bị người Ukraine thiêu sống nhưng bà nhắc lại rằng TT Kwasniewski khi cầm quyền đã cùng TT Leonid Kuchma làm tất cả để hai nước hàn gắn. Cha bà, tức là ông nhạc của TT Kwasniewski khi ấy, đã nhắn con rể hãy cố gắng hòa giải, xóa bỏ hận thù với người Ukraine, vì “oán thù sẽ giết dần giết mòn kẻ nuôi thù oán”.

 

Một chuyện khác là về chính ông Jaroslaw Kaczynski, 74 tuổi, “bố già” của phe hữu và đảng PiS ở Ba Lan. Vào ngày bỏ phiếu ông được bốn năm vệ sĩ của Cục Bảo vệ Lãnh đạo chở ra một điểm bầu cử. Khi định chen hàng, ông đã bị nhiều cử tri hô to “Xếp hàng, xếp hàng!!!” và phải lóc cóc về đứng ở cuối hàng người.

 

Khi tôi có tới Ba Lan mùa thu 1989, đó là một xã hội nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ. Nhưng nhờ đổi về chính trị, nước Ba Lan đầy nợ nần được Phương Tây hỗ trợ xóa, cải tổ khoản nợ 41 tỷ USD ngay lập tức.

 

Ngày nay thì Ba Lan đã là nền kinh tế gần 700 tỷ USD và một số ước tính (WorldEconomics) còn nói GPD của Ba Lan tính theo sức mua (Purchasing Power Parity) nay tương đương 1,695 tỷ USD.

 

Trong 30 năm qua, hàng trăm tỷ euro từ EU đổ vào Ba Lan đã tạo ra động lực kinh tế nhờ các cơ chế chính trị - pháp luật đúng, và nhất là nhờ chất lượng con người và phông văn hóa tốt. Nhưng một chính phủ mới không còn PiS làm chủ sẽ lại mở cửa để EU chuyển cho Ba Lan thêm 100 tỷ euro. Thế mới biết người Ba Lan khôn loan luôn biết đổi hướng đúng lúc để...có tiền, mà toàn tiền tỷ mới nể chứ.

 

Một điểm khác nữa so với các nền dân chủ già ở Tây Âu, ở Anh là trí thức, truyền thông Ba Lan không "đu trend", không chạy theo các hô hào phù phiếm của phe tả mỵ dân mà khôn ngoan bảo vệ các giá trị đã được thử thách qua thời gian của dân tộc họ.

 

Về quân sự, cuộc chiến Ukraine gây ra lo ngại cho nhiều người Ba Lan nhưng cũng là dịp họ tự cường và tái vũ trang rất mạnh, qua liên kết với Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Sau khi bỏ ra ngoài “vấn đề nước Đức” trong các tính toán quốc phòng và áp dụng chủ thuyết “Làm tất cả để nước Nga suy yếu vài ba thế hệ”, lục quân, pháo binh Ba Lan sẽ được trang bị tốt bậc nhất EU. Xu thế này, cùng chính sách phía Đông ủng hộ Ukraine sẽ tiếp tục bất kể đảng nào cầm quyền tới đây ở Ba Lan.

 

Thực ra chẳng có điều gì “kỳ diệu” xảy ra chỉ trong mấy mươi năm mà còn nhờ truyền thống nghị viện hàng trăm năm nay.

 

Tôi nhớ khi còn học ở Khoa Luật, ĐHTH Warsaw vào năm 1993 chúng tôi đã có seminar môn luật Hiến pháp, kỷ niệm 500 năm Quốc hội Lưỡng viện đầu tiên của Ba Lan. Hồi đó, vào năm 1493, nhà vua trẻ Jan I Olbracht ở tuổi 34 đã cho đổi Hội đồng Tư vấn Hoàng gia (Curia Regis) thành Đại Nghị viện, gồm có Thượng viện của cho quý tộc và Hạ viện đại diện cho thị dân, quân đội.

 

Nhà vua tự hạn chế quyền của mình, nhận là Quyền lực thứ ba, đồng thời buộc giới tăng lữ nhả bớt đặc quyền để cải thiện thể chế 'dân chủ quý tộc' khá tiến bộ trên nền châu Âu cuối thế kỷ 14.

 

Nay, sau 530 năm, nền dân chủ đại nghị Ba Lan lại phát huy, và tuy tình hình châu Âu có khác, quốc gia này đã may mắn có được những con người trẻ, nhiều sức sống và giàu suy tư ra gánh vác việc nước.

 

Cơ hội đổi chiều, tái gắn bó với EU của họ để trở nên giàu mạnh hơn lại hiện ra rõ rệt hơn trước.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/e21a/live/a66823d0-7cbd-11ee-8139-61b1db4c8e2f.jpg

Các số liệu của Ba Lan cho thẫy 68,8% cử tri dưới 29 đã đi bỏ phiếu hôm 15/10, tăng lên so với con số 46,4% ở lứa tuổi đó trong lần đầu phiếu 2019. Lá phiếu của giới thanh thiếu niên đã tạo biến đổi, đưa những đàn anh đàn chị ngoài 30, 40 của họ vào Quốc hội

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats