Wednesday, 13 September 2023

VUI THÔI ĐỪNG VUI QUÁ (Dương Quốc Chính)

 



VUI THÔI ĐỪNG VUI QUÁ   

Dương Quốc Chính

11-9-2023  21:37   

https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.kts/posts/pfbid02aHQ17R2YoNpey7HCy7etYSkWcHS1CWuayTAomXK2NTTBAz72SeukK3svGLfpkYHTl

 

Sau khi Việt – Mỹ nâng tầm quan hệ, hai bên đều hoan hỉ. Nhưng không phải cứ nâng tầm xong là mọi quan hệ đương nhiên sẽ nâng lên theo. Đây mới là sự khởi đầu thôi. Hôn nhân đôi khi lại là mồ chôn của tình yêu. Quan hệ vụng trộm hoặc không chính thức có khi lại mặn nồng, cuồng nhiệt hơn. Việt Nam có khi lại thích quan hệ ngoài luồng hơn đó!

 

Đúng dịp Tổng thống Biden thăm Việt Nam thì có tin từ báo New York Times là Việt Nam đang có một thương vụ mua vũ khí “chui” từ Nga, thông qua một doanh nghiệp liên doanh Việt – Nga, lách khỏi lệnh cấm từ Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà tin này lại đúng thời điểm vậy, dù rất nhạy cảm. Đây là tin từ một tờ báo lớn, hẳn họ đã phải xác minh hoặc có nguồn đáng tin cậy, thậm chí là dạng tin tình báo. Không loại trừ khả năng chính người Nga tuồn ra để làm xấu mặt cặp đôi đang hoan hỉ!

 

Trong khi đó, lại có một tin khác cùng thời điểm về việc nông sản Việt Nam tạm dừng xuất khẩu qua Trung Quốc. Nguồn tin cho rằng do có sự cảnh báo về chất lượng nông sản từ phía Trung Quốc.

 

Hai sự kiện trên nó giống như đám cưới đang diễn ra mà bạn gái cũ lại tung tin mới có bầu. Hai đối tác chiến lược toàn diện cũ chắc chắn cũng sẽ là trở ngại lớn cho đối tác mới. Cũng giống như cao bồi thôn muốn “o bế” gái làng trước việc trai làng khác sang ve vãn.

 

Trong nội bộ đảng cũng sẽ có phe bảo thủ, thân Nga, Tàu sẽ tìm cách cản trở mối quan hệ mới. Tất nhiên họ sẽ có những lý do riêng hợp lý, chẳng hạn như vẫn phải dè chừng đế cuốc diễn biến hòa bình, mượn mối giao hảo để thay đổi chế độ ta. Sắp tới cứ theo dõi xem hai lực lượng tuyên giáo, an ninh, quân đội phản ứng ra sao, có điều chỉnh hành vi chống Mỹ, cứu chế độ không, là biết. Anh em nên nhớ là các chuồng bo` lớn đều không tự phát, đều có những bàn tay lông lá đứng sau. Bọn họ húc theo đàn nên sự thay đổi, nếu có, sẽ thấy ngay.

 

Một chỉ dấu đầu tiên mình thấy là các link của RFA, VOA đều không bị chặn khi hiện ở kết quả tìm kiếm Google. Nhưng vào trang web đó chủ động bấm link khác thì vẫn bị chặn. BBC và RFI Tiếng Việt, không biết quan hệ thế nào, đã được mở hẳn rồi! Không biết tháo khoán được mấy ngày? Được biết là BBC và RFI vẫn được coi là “lành” hơn VOA và RFA! Thứ tự xếp hạng từ cao xuống về độ “thù địch” là RFA, VOA, BBC, RFI.

 

Còn về phía Mỹ, họ cũng có hai phe của hai đảng, không nhất thiết mọi chính sách ngoại giao hai đảng đều đồng thuận. Đảng Dân chủ lâu nay vẫn có xu hướng dùng toàn cầu hóa, mối quan hệ kinh tế, chính trị gần gũi “để diễn biến hòa bình” các thể chế độc tài. Họ chấp nhận sự sai khác về thể chế để gây dựng quan hệ.

 

Công bằng mà nói, Trung Quốc đã thay đổi nhiều về tư tưởng sau khi quan hệ tốt với Mỹ kể từ năm 1977, giảm mức độ chuyên chế đi nhiều so với thời Mao nắm quyền. Nhưng tốc độ thay đổi lại không nhanh như ở Đông Âu, do họ vẫn kiểm soát chặt về ngôn luận. Việt Nam cũng gần giống, ngôn luận được nới rộng hơn nhưng kinh tế thiếu tự do hơn Trung Quốc.

 

Đảng Cộng hoà có xu hướng thực dụng trong ngắn hạn hơn đảng Dân chủ. Thường họ sẽ đòi hỏi những cải cách chính trị một cách cụ thể ở các nước độc tài thì mới ký hiệp ước hay chấp nhận các thỏa thuận thương mại. Vì thế nên khả năng đong đưa, luồn lách, trá hình giả tự do, dân chủ sẽ khó được chấp nhận. Cách ứng xử của phe Cộng hoà thường sẽ phũ phàng hơn là ve vuốt như đảng Dân chủ.

 

Tuy nhiên, hai đảng thường sẽ có đồng thuận với những gì mang lại lợi ích sát sườn cho nước Mỹ hoặc có những phản ứng thống nhất khi nước độc tài vi phạm những nguyên tắc phổ quát về nhân quyền, dân chủ. Chẳng hạn, như hồi Trung Quốc đàn áp phong trào biểu tình ở Hong Kong, hai đảng ở Quốc hội Mỹ đồng thuận gần như không cần thảo luận gì hết.

 

Với lợi ích có được từ phía Việt Nam, mình cho rằng hai đảng dễ thống nhất, như việc phân tán rủi ro các cơ sở sản xuất điện tử, chip từ Trung Quốc hay về việc tìm kiếm mối quan hệ đối trọng với Trung Quốc. Lưu ý là, đối trọng không đồng nghĩa với đối đầu và quan hệ không có nghĩa là đồng minh. Nhưng để đi tới những thỏa thuận cụ thể, các rào cản khi đánh giá về nhân quyền thì hai đảng sẽ có đòi hỏi khác nhau và đảng Cộng hoà sẽ khó qua mặt kiểu Dân chủ giả cầy hơn.

 

Một trở ngại lớn nữa của Việt Nam mà mình cho là không dễ dàng khắc phục là chất lượng nguồn nhân lực và rào cản pháp lý (nó có nguồn gốc từ thể chế). Nguồn nhân lực ở đây gồm cả công chức lẫn người lao động. Sự lệch pha quá lớn giữa Mỹ và Việt Nam sẽ là trở ngại lớn.

 

Lâu nay mình vẫn có đánh giá là Doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thuận lợi nhất là những ông đầu đen, như Nhật, Hàn, Đài, Singapore. Chứ các ông da trắng, tóc vàng vào Việt Nam chắc chỉ có Pháp là trùm. Đơn giản là sự hòa nhập của các ông đầu đen với nhau sẽ dễ hơn. Hòa nhập ở đây bao gồm cả sự “mềm dẻo” trong giao dịch, ứng phó với sự “rắc rối” của thể chế. Nói thẳng ra là đầu đen dễ dàng tặc lưỡi chấp nhận đút lót cho cán bộ để được việc, thậm chí họ còn rành chuyện đó hơn cả người Việt Nam. Còn với mấy ông da trắng, tóc vàng thì lơ ngơ lắm, lại “cứng nhắc” nên khó được việc.

 

Trùm đút lót ở Việt Nam, cũng như sự tương thích về văn minh, văn hóa theo thứ tự là Trung Quốc, Đài, Hàn, Sing, Nhật, Tây. Tương ứng với độ mềm dẻo thì cũng là độ văn minh khi ứng xử của giới chủ với người làm thuê. Càng mềm thì càng mói!

 

Như mình cũng vậy thôi. Mình không thể quản lý được trực tiếp một nhóm thợ quê, mà phải thông qua một ông đầu cánh làm trung gian. Đơn giản là sự chuyển tiếp về “văn minh, văn hóa”. Giống như Mỹ sẽ phải quản lý công nhân Việt Nam thông qua một Doanh nghiệp Đài Loan, Singapore. Chứ thằng Tây quản dân Việt Nam không nổi luôn! Vì sự khác biệt văn hóa, nhận thức. Mỹ “đô hộ” dân Việt Nam sẽ khó hơn Trung Quốc nhiều, do khác biệt văn hóa.

 

Tóm lại, việc nâng cấp quan hệ này mới chỉ là đăng ký kết hôn thôi. Quan hệ có thực sự đi vào chiều sâu hay không, còn phụ thuộc hai họ và tầm nhận thức mỗi bên có hòa hợp được không. Việc vợ chồng lấy nhau xong, lại cãi nhau, bỏ nhau, cũng không hiếm vì mâu thuẫn văn hóa, tư tưởng. Có đôi bỏ nhau vì mẹ chồng, hay bố vợ hay bạn gái cũ…

 

.

116 BÌNH LUẬN  

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats